Tư vấn
Thiêt kế
Ngày đăng : 11/03/2016 10:12:18 AM
Lượt xem: 709

Thân và lá sả mảnh khảnh, trông khá giống bụi cỏ ống hơn sả thường. Lạ hơn, sả vẫn sống khỏe trên đất phèn Đồng Tháp Mười. Bứt thử hai lá sả gốc gác nơi đất Phật, đưa lên gần mũi ngửi bỗng nghe thư thái lạ thường. Phảng phất làn hương ngọt ngào, thanh lịch của tinh dầu hoa hồng đang hé nở.

 Sả “thiền” gặp hạn

Được biết, gần chục năm trước, dược sĩ Nguyễn Văn Bé đã di thực họ sả... “thánh thiện” này về đất Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An trồng thử, rồi chiết ra đông ngẹt. Lúc ấy, cây sả mới lạ này được xem như một “bảo bối”, hứa hẹn mang lại hàng xấp tiền đô từ “kho” tinh dầu tự thân. Nay, giá sỉ một lít tinh dầu sả hoa hồng tại thị trường TP.HCM khoảng 1,4 - 1,5 triệu đồng, thông tin từ anh Trần Văn Tuấn chuyên làm xà phòng dược liệu, ở quận 8.

Thêm những hợp đồng cung cấp độc quyền nhiều loại tinh dầu khác “ngon ăn” hơn, rủ nhau chạy tới tay ông Bé, như: gừng, rau tần dày lá, chanh... khiến đám sả quý kia bị thất sủng. Thói thường, giậu đổ thì bìm leo. Thế nên đám cây nhàu non, thầu dầu... lần lượt vượt mặt, tha hồ đàn áp những bụi sả nhỏ thó bị bỏ quên. Vậy mà sả vẫn mạnh cùi cụi, không cần chăm phân xịt thuốc gì hết vẫn ngất ngát hương hoa hồng!

Nhiều con rất thèm sả lúc “lâm chung”

Thấy xót, chúng tôi gợi ý ông Bé mời “gia đình” họ sả vương giả kia, góp một tay vào việc ủ hương cho các món ăn dân dã Nam bộ. “Để coi!”, ông dược sĩ gốc xứ dừa đáp nhát gừng. Bẵng đi gần hai năm trời, một hôm chị Mai, em gái ông Bé hí hửng gọi điện báo tin: “Tui thử lấy sả bông hồng làm chả ốc bươu. Thơm ngon rụng... rún luôn! Mấy chú tranh thủ lội về chấm điểm thử coi!”.

Tương tư chả nước hoa

Thật không thể ngờ: nguyên khối chả như được xức một loại nước hoa hạng sang, thướt tha, dịu ngọt mùi hoa... tình ái. Từng miếng lưỡi ốc được tỉ mẩn xắt hạt lựu, cỡ 1/3 đầu đũa, vẫn còn giữ độ giòn sần sật. Riêng hỗn hợp gia vị thông thường: đường, muối, bột ngọt cũng đã kịp thời len vào thịt ốc; tỷ lệ vừa phải. Bao bọc và gắn kết là khối thịt ba rọi được quết nhuyễn, lấm tấm ít xác tiêu đen giã khá mịn - thoảng chút cay nồng. Những bàn tay sạm nắng đang thoăn thoắt vung vén, nâng đỡ cho cuộc “hôn phối” táo bạo này thêm vuông tròn.

Viên chả lớn cỡ trái ổi sẻ, nằm “phè phỡn” trên tấm nệm đặc biệt là một đoạn lá sả hồng hoa, dài cỡ bốn lóng tay người lớn. Còn lá sả thì cong mình lọt lòng trong chiếc vỏ ốc tựa cánh võng êm đưa “tân lang” vào... hạ. Hấp cách thủy gọn bâng!

Khi nồi ốc phì phò làn hơi thơm sảng khoái thì chén nước chấm sả bằm cùng loại, ửng đỏ màu ớt hiểm cũng được nhà bếp sửa soạn tươm tất. Xác sả kém hăng nồng hơn sả thường nhưng bù lại, chứa hậu ngọt nhẹ đeo đẳng mùi hương của hoa hồng.

Lại nhớ, ông Nguyễn Phúc Ưng Viên thầy thuốc thừa truyền triều Nguyễn - ở quận Gò Vấp, TP.HCM từng tự hào về phiên bản món ốc lác hấp cháo bì cung đình, đã được tự điển ẩm thực Larousse ghi nhận. Phải chi có sả hoa hồng tham gia chắc sẽ tưng bừng, rạng rỡ biết bao! Và theo y thực, món này giúp sáng mắt nếu dùng thường, ăn chơi hay thiệt đều tuyệt.

Đồng thời ngẫm lại, rất nhiều món như dê xối sả (tắm dầu sôi + áp hương sả), vịt cỏ rỉa (xào) sả... và ngay cả tụi rắn hổ hành ưa rình bắt gà con, thường ngày rất e ngại mùi sả nhưng khi... sa cơ lại “khóc đứng khóc ngồi” đòi hầm sả với nhúm đậu xanh cùng vài chén nước dừa xiêm. Vậy nếu ta thay sả thường bằng sả hoa hồng thì tất cả sẽ vụt lên hương, khác nào cô nàng lọ lem bỗng chốc hóa thành thiên nga.

Nhỏ mà có... võ

Chia sẻ ý tưởng hơi ngông này với chuyên gia ẩm thực Huế, Hồ Thị Hoàng Anh, chị líu lo: “Ôi vậy hả? Có cả sả hoa hồng, răng mà lạ rứa!” Trước nay, chị vững tin giống sả nhỏ cây cỡ ngón tay út, có ruột tím mọc trên gò đồi vùng gần Long Thọ, xứ Huế mộng mơ đã thơm “cô đọng, gắt gao, nồng nàn” lắm rồi.

Cung đình nhà Nguyễn có món “ốc hấp cháo bì” độc đáo và khá dễ làm: luộc ốc lác vừa chín tới với mớ đọt ổi sẻ, rồi vớt ra hấp cách thủy với lá gừng (có thể thay bằng sả hoa hồng). Đọt và lá cải bẹ xanh dày dày hoặc cải trời giã giập vắt lấy nước. Trộn tiếp nước cải vào nước ốc hấp cách thủy, thêm một ít bột nếp nấu lên thành cháo hồ, ăn kèm ốc hấp. Riêng ốc bươu vàng ăn không tốt bằng ốc lác, theo ông Ưng Viên.

       

Chị còn kể, có lần sang Mỹ, phải trố mắt nhìn cây sả bằng bắp tay người lớn. Chị tò mò mua thử, vác một cây về nấu nướng, nào ngờ “hắn chẳng chịu thơm tho chi hết, tệ lậu hơn cả sả Sài Gòn nữa”.

Đồng thời, chị còn cho biết xu hướng mới hiện nay, các đầu bếp còn xay lấy tinh dầu sả cùng với mớ lá bạc hà, pha vào các dạng cocktail hoặc dùng làm trà sả rất có lợi cho sức khỏe. Theo đông y, sả tính ấm, giúp: tiêu thực, thông tiểu tiện, làm ra mồ hôi - giải độc qua da, trừ cảm mạo.

Riêng với các món truyền thống từ hai - bốn chân (gà, bò) đến nhiều mảnh (nghêu, sò, cá), sả ta thường được kết hợp. Làm vậy, nhằm mượn lượng hương liệu mạnh tự nhiên nơi sả đánh bật vị tanh hoặc hấp thu mùi vị nồng the vào từng thớ thịt (bún bò Huế), để gia tăng sức hấp dẫn hoặc cân bằng âm dương theo triết lý Đông phương cổ đại. Và thật đáng mừng: điều mà sả ta chưa làm được, nay sả hoa hồng đã làm thay: giúp mùi vị món ăn thêm thanh tân, tinh tế.

Do đó, nó rất hợp với các món tráng miệng, chả khai vị.

Nhưng chuyện đời không như là mơ! Gần đây, chúng tôi ghé lại thăm “nàng” sả gây... tương tư thì không thấy nữa. Gặn hỏi ông Bé, chỉ nghe gợi ý úp mở: “Nếu cần số lượng lớn làm dự án sẽ có ngay!”. Và để bù đắp công lặn lội xuống đây, ông dặn nhân viên làm món ốc bươu luộc sả massage, gốc Indonesia thay thế. Trong tinh dầu giống sả này, không chỉ có mùi sả mà chứa cả mùi chanh - thường nghe thấy ở một số phòng xông hơi uy tín khắp cả nước. Do vậy, nó rất hợp với ốc. Tuy nhiên, so với công chúa sả hoa hồng thì nó chỉ đáng hạng... gác cửa mà thôi!

Đồng thời, một số nhân viên thân cận ông Bé tiết lộ rằng, giống sả quý kia đã được di thực đến một nơi khác, cũng còn lòng vòng trong tỉnh Long An. Cầu Trời!

“Chu choa ơi! Ước chi có một vài cọng sả hoa hồng háo hức như ri, tôi sẽ làm thử món chả lươn hỉ!”, chị Hoàng Anh véo von.

Bài Thảo Nhi - Ảnh Thắng - Trung

Theo Nguoidothi.vn

Vàng, cam, xanh dương, tím... bạn muốn thêm một chút màu sắc cho căn nhà của mình thêm phần sống động nhưng bạn cảm thấy bối rối không biết bắt
Hãng thiết kế Stockholm Murman Arkitekter đã hoàn thành một nhà hàng được xây dựng bằng gỗ, có tầm nhìn bao quát tới cảnh quan núi xung quanh tại Thụy
Giới thiệu
Tin tức
Không gian đẹp
Ngôi nhà chung
Tư vấn
Không gian kiến

LIÊN HỆ

Email : hkts@tphcm.gov.vn
Địa chỉ : 88 Mạc Đĩnh Chi, phường Đa Kao, quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại : (84-28) 38291908 - 38273035 ; Fax: (84-28) 38225657 

 

Copyright 2015 Hội KTS TP.HCM. All rights reserved
Hội KTS TP.HCM giữ bản quyền nội dung trên website này.

Đầu trang