Tư vấn
Thiêt kế
Ngày đăng : 18/05/2022 9:57:02 AM
Lượt xem: 599

Không gian cư trú nhiệt đới cứ “đến hẹn” là lại nóng theo mùa và thậm chí thường xuyên, dù ít hay nhiều, chống nóng và sống chung với cái nóng đã thành nề nếp, truyền thống và lưu giữ không ít kinh nghiệm từ xưa. Thời của thiết bị điều khiển thông minh, tự động, tương tác… như hiện nay có lẽ không khó để tạo sự mát mẻ tức thời bằng hệ thống làm mát, điện lạnh từ đơn giản đến cầu kỳ. Nhưng để làm mát nhà một cách bền vững trong thực trạng môi trường sống ngày càng nhiều biến động như hiện nay, thì câu chuyện làm mát nhà cửa với nước dường như đang được khơi lại.

 
 
 
Thủy khắc Hỏa, xưa nay nhiều người biết lập luận về Ngũ hành vậy đó. Nhưng khắc thế nào, mức độ ra sao, và phải chăng chỉ có Thủy mới khắc được Hỏa, có thể dùng nước như một “đũa thần” về phong thủy lẫn vật lý kiến trúc? Lời giải chắc chắn không đơn thuần ở mấy hồ kiểng non bộ, hay dùng màu xanh dương cho mát… mắt! 
Chuyện cha ông ta ăn ở thuở chưa có máy điều hòa mà vẫn làm nhà mát mẻ xem ra nói nhiều quá rồi, nhưng có lẽ vẫn cần… nhắc lại. Kinh nghiệm sống biểu hiện qua ứng xử với môi trường được giới nghiên cứu sau này gọi là “sự thông thái bản địa” mỗi vùng mỗi vẻ, tuy vẫn theo nguyên tắc chung, đó là linh hoạt, tổng hợp và hữu dụng, cụ thể như sau:

 
Tạo Thế chứ không chỉ tạo Hình, thế đất và giao tiếp thuận xoay về hướng nào thì hình dáng nhà cũng như dạng mái, cửa, hiên, lam che… sẽ vươn ra, che chắn, hoặc cởi mở tương ứng với hướng đó, cách cuộc đó. Nhà xưa tạo thế tránh nắng gắt, đón gió mát thật đơn giản mà không dễ theo: phơi mặt nhà dài (cùng với mở rộng cửa) về hướng nam-bắc, bố trí tường đầu hồi ngắn và dày (cùng với hạn chế mở cửa) sang trục đông-tây. Những hướng chéo góc (tây nam, đông nam) là chuyển tiếp, đóng mở liên hợp tùy mùa. Mái nhà Việt tương tự chiếc nón lá, đặc trưng văn hóa ứng xử với cái nắng xứ nhiệt đới nhờ sự vươn rộng nhẹ nhàng, ngăn bức xạ trực tiếp, tạo bóng đổ xuống thấp và thoát khí nóng lên cao. Cộng với hệ thống hàng hiên chạy quanh, dùng tấm liếp ngăn nắng chói, tạo vùng đệm bằng hành lang, bậc thềm… là những kinh nghiệm mà hiện nay công trình dù lớn hay nhỏ nếu biết kế thừa sẽ rất hiệu quả về xử lý vi khí hậu và tiết giảm năng lượng để làm mát. Một loạt giải pháp căn bản như vậy, chưa thấy có gì dính líu tới… nước cả.
 
Bởi mặt ngoài nhà hướng tây không thể mở cửa y như mặt nhà hướng đông nam, nếu dùng lam che thì cũng không thể có một loại lam giống nhau mà dùng được mọi hướng, vì góc chiếu của mặt trời và tính chất bức xạ các hướng rất khác nhau, chưa kể sự thay đổi theo mùa, rồi mưa tạt, tầm nhìn, cũng như đặc thù không gian bên trong nữa. Để giảm nóng là phải cách nhiệt, và lưu ý cách nhiệt chứ không cách biệt. Nhà xứ nóng mà lại còn làm kiểu xứ ôn đới hay hàn đới thì phi lý. Biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt khiến các nhược điểm vốn có của xứ nóng thêm khắc nghiệt, như chênh lệch nhiệt độ các thời điểm cao, rồi gió, độ ẩm, lượng mưa… thất thường nên áp dụng kinh nghiệm truyền thống thuần túy cũng khó chịu nổi. Nhà hiện đại lại không có đất rộng để dễ xoay xở hay trồng cây che chắn, nên cần rà soát lại tổng thể từ các yếu tố ngoại cảnh cho đến tác nhân lân cận tốt xấu thế nào. Phong thủy gọi là định vị Cát - Hung theo quan hệ gần xa, trước khi quyết định gắn máy lạnh hay xử lý bên trong ra sao. Những lớp đệm cách nhiệt có thể xử lý thông qua bao che và nương nhờ ngoại cảnh (ví dụ có nhà khác chắn bớt, có cây xanh) hoặc chính mình tạo ra (ví dụ hình khối lồi lõm, vươn mái xa hoặc dùng lam dày). Cách nhiệt tránh làm như cái nồi hấp hay bình giữ nhiệt, tránh bít kín ngăn nhiệt vào nhà, mà cần khéo “bẫy” gió giúp thông khí tốt hơn để giải nhiệt. 
 
 
 
Giếng trời, sân trong cùng mặt nước, tiểu cảnh, tạo sự mềm mại tươi mát cần thiết cho ngôi nhà 
 
 
Từ giải pháp cách nhiệt, ưu tiên tiếp theo khi hoàn thiện nhà cửa hay làm vỏ bao che là sử dụng bề mặt xốp, nhám, chồng lớp… nói chung hệ thống chất liệu có khả cách nhiệt và thông khí nhờ độ xốp rỗng. Đá ong, gạch bông gió, mái lợp ngói, lợp lá… luôn khiến bên trong dịu mát hơn là lợp tôn, bọc alu, vách kính hoặc tường trơ trọi nếu so cùng một kích thước bề mặt. Một mảng tường có dây leo xanh luôn mát mẻ hơn là tường phẳng lì chói chang. Dùng kính cũng phải lưu tâm đến hiệu ứng nhà kính, nên chọn hình thức cửa dạng nan chớp, cửa lật xoay được, hộp kính có lớp chân không cách nhiệt… sẽ quyết định không nhỏ đến nhiệt độ trong nhà. Kiểu làm nhà xâm lấn tối đa diện tích đất cũng khiến triệt tiêu hết các khoảng “thở”, không khí bị nung nóng nhiều hơn vì các bề mặt “cứng” tích tụ nhiệt và phản xạ lại ánh sáng chói chang. Với cách xử lý khuôn viên bao quanh “mềm” như rào bằng cây, thảm cỏ cũng là dạng cách nhiệt mà không tách biệt, không làm “cứng hóa” các bề mặt khiến không khí, nhiệt lượng bị tích tụ và phản xạ lại gây nóng thêm. Cách biệt bằng tường hay mảng đặc che kín còn gây bức bối cả về thị giác, tạo tâm lý ngột ngạt bất ổn nữa. 

Yếu tố biểu kiến và biểu tượng của nước thường bị lẫn lộn với bể cá, hồ nước cụ thể nên nhiều khi chỉ thấy nước theo nghĩa đen mà ít để ý hành Thủy ẩn dụ trong bố trí cấu trúc. Ví dụ một ngôi nhà hợp phong thủy không đặt hồ cá non bộ nhưng vẫn mang yếu tố Thủy nhờ kiểu sắp xếp từ sân vào nhà quanh co qua khoảng vườn nhỏ, cách mở cổng và cửa không thẳng hàng nhau, lối đi từ trước ra sau né qua né lại với các mảng che chắn kiểu bình phong bằng gạch, gỗ, cây cối... Không áp đặt mà tế nhị nhẹ nhàng, tùy khả năng gia chủ mà điều chỉnh, đó chính là tính hiện.

Dùng Thủy để trị Hỏa vì vậy mang nhiều ý nghĩa liên hệ đến đặc tính của hành Thủy theo nghĩa rộng, chứ không phải đặt vài bể cá, làm tấm kính có nước chảy… là xong. Dĩ nhiên, theo mặt giác quan cảm nhận, những nét mềm mại và gam màu đen, xanh dương, xanh ngọc… làm liên hệ đến Thủy và thư giãn hơn. Họa tiết trang trí uốn lượn và vật dụng pha lê, thủy tinh, khung bo tròn cũng khá hợp với nội thất cần bổ sung tính Thủy. Đối lập với Thủy là Hỏa, tác nhân gây nóng luôn mang đến cảm giác ngột ngạt, chật chội và nóng bức khi nội thất có nhiều khoảng vát chéo, hốc tường nhọn, gầm cầu thang, gian áp mái... Xu hướng hiện nay là cầu thang ngày càng được thiết kế nhẹ và thoáng hơn, lan can giản dị mà an toàn, rồi làm hồ khô, xếp đặt tiểu cảnh gầm cầu thang nhẹ nhàng, và nếu có nước thì nên làm nước chảy luân chuyển róc rách vui tai, cũng là một cách làm mát mẻ thêm cho nội thất. 

Việc bố trí ánh sáng hợp lý cũng điều tiết hành Hỏa tốt cho nhà. Ví dụ ban đêm (Âm thịnh) dùng nhiều ánh sáng vàng, chiếu sáng điểm và bổ sung đèn pha vào các góc khuất, còn ban ngày Dương thịnh thì cần bổ sung ánh sáng trắng, kiểu ánh sáng khuyếch tán để làm dịu không gian. Việc lạm dụng đèn mắt ếch, đèn pha và đèn chùm ánh sáng vàng cũng gây cảm giác ấm nóng nhiều hơn. Có thể kiểm soát cường độ ánh sáng bằng cách dùng chụp đèn, dùng các bề mặt hắt sáng gián tiếp và khéo giấu đèn trong các chi tiết trang trí (như hồ cá cảnh, quầy bar). 
Tóm lại, để giảm nóng cho nhà, chắc chắn nhiều người sẽ nghĩ đến nước. Nhưng để “khắc Hỏa” hay đúng hơn là “sống chung với Hỏa” trong ngôi nhà nhiệt đới thì cần giải pháp kiến trúc - vật lý - môi trường toàn diện, căn cơ và tùy hoàn cảnh cụ thể. Cần xác định liều lượng, mức độ sử dụng. Ngoài ra, việc giảm hỏa mùa nắng nên cố gắng nhớ đến mùa mưa, tức là chọn lựa giải pháp che chắn sao cho khi chuyển mùa vẫn dùng hiệu quả hệ lam và mái, khi thu đông đến không bị lạnh giá. Hạ Hỏa cho nhà từ xa đến gần, từ đại thể đến chi tiết, từ vật lý đến tâm lý... đều là những giải pháp phong thủymang tính căn cơ, lâu dài và khoa học.
 
Màu sắc giảm nhiệt nên hướng đến bảng màu tự nhiên như gạch trần, đá sỏi, cây xanh... phối kết có đặc - rỗng, giúp bề mặt nhà “hô hấp” tốt hơn
 
 
Từ nhà truyền thống đến hiện đại, dụng Thủy đúng là biết nước chỗ nào để nhìn ngắm, sử dụng, cảm thụ… cần phải xác định từ đầu khi bố trí, không tùy hứng chạy theo hình thức đơn thuần 
 

 KTS NGUYỄN TRẦN ĐỨC ANH

 

Vàng, cam, xanh dương, tím... bạn muốn thêm một chút màu sắc cho căn nhà của mình thêm phần sống động nhưng bạn cảm thấy bối rối không biết bắt
Hãng thiết kế Stockholm Murman Arkitekter đã hoàn thành một nhà hàng được xây dựng bằng gỗ, có tầm nhìn bao quát tới cảnh quan núi xung quanh tại Thụy
Giới thiệu
Tin tức
Không gian đẹp
Ngôi nhà chung
Tư vấn
Không gian kiến

LIÊN HỆ

Email : hkts@tphcm.gov.vn
Địa chỉ : 88 Mạc Đĩnh Chi, phường Đa Kao, quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại : (84-28) 38291908 - 38273035 ; Fax: (84-28) 38225657 

 

Copyright 2015 Hội KTS TP.HCM. All rights reserved
Hội KTS TP.HCM giữ bản quyền nội dung trên website này.

Đầu trang