Tư vấn
Thiêt kế
Ngày đăng : 17/05/2021 3:01:00 PM
Lượt xem: 565

“Nghe nói cầu thang xoáy không tốt về mặt phong thủy; Nghe đồn cầu thang nếu bị đi thẳng ra cửa là khiến tài lộc trôi ra theo; Nghe người ta bảo chiếu nghỉ cũng phải đếm theo bậc sinh lão bệnh tử nếu không sẽ xui xẻo”... Khá nhiều những đồn đại kiểu “nghe người ta nói” có liên quan đến bố trí, quy cách của cầu thang trong nhà ở mà chưa hề có kiểm chứng khoa học, lại càng không thấy hiển hiện rõ ràng trong văn hóa truyền thống Việt Nam. Vậy đâu là thực hư chuyện cầu thang liên quan đến phong thủy nhà cửa?

 

 

 Cần giữ cho khu cầu thang kết nối với khoảng lấy sáng, hút gió, dẫn khí hiệu quả cho nhà ống

 

Cầu thang, bậc cấp là một thành phần trong nhà giúp giao thông giữa các vùng có sự chênh lệch về cao độ. Tuy nhiên trong kiến trúc truyền thống trước đây, nhà ở đa phần chỉ 1 tầng, rất ít có lầu, hoặc dạng nhà sàn nên nếu có cầu thang thì chỉ là những chiếc thang đơn lẻ bằng tre hay gỗ, hoặc xây bậc đá đơn giản bắc lên gác, bước từ sân lên sàn… Vì thế các truyền tụng kiêng kỵ về cầu thang “nhân danh phong thủy” truyền thống hầu như rất ít, có thể nói là không có cơ sở. Còn những lập luận về tốt xấu liên quan đến cầu thang như đếm số bậc, hình dáng, vị trí thang… chủ yếu thuở trước chỉ nói về bậc thềm hoặc thang lên các tháp cổ ở công trình tôn giáo, có sự vay mượn các ý nghĩa về số đếm, tính tâm linh hoặc tín ngưỡng dân gian… Hệ thống tư liệu phong thủy hiện đại có đề cập đến cầu thang nhưng chi tiết này luôn xếp vào hàng thứ yếu sau các định vị cơ bản của mỗi không gian sống, như vị trí ngôi nhà, cách thức mở cửa, định vị và lập hướng cho các thành phần chủ chốt như bếp, phòng ngủ, tiếp khách…
 Do đó quan điểm suy luận về sự tốt xấu của cầu thang liên quan đến Hình Thế kiểu như “thang tròn bất lợi, cầu thang đi thẳng ra cửa hao tài…” đều xuất phát từ sự nhận định của phái Hình Thế sau này, tức là nhìn Hình để suy ra Thế cát hay hung, liên hệ với các dạng vận hành Khí trong không gian sống ở phạm vi hẹp, chứ không liên quan đến bản chất của khoa học phong thủy là tìm kiếm, xác lập môi trường sống an lành, bền vững. 
Dĩ nhiên, nói vậy không có nghĩa là xem nhẹ ý nghĩa của cầu thang trong công trình. Với vai trò dẫn dắt giao thông và kéo theo luồng khí, bụi bặm, tiếng động… khi có sự di chuyển, cầu thang trong nhà ở luôn cần đảm bảo các tiêu chí về thích dụng - bền vững - hài hòa, trong đó yếu tố thoải mái, an toàn cho từng bước đi của người sử dụng là rất quan trọng. Không thể kết luận ngay kiểu loại cầu thang nào là tốt hơn hay xấu hơn về mặt phong thủy, nếu chưa xem xét kỹ cầu thang đó có tương hợp với không gian ngôi nhà hay không. Nhà nhỏ mà làm cầu thang bề thế, chiếm chỗ nhiều, mất cân đối, vô tình tạo thêm những khoảng Âm (gầm cầu thang) lấn áp vùng Dương (dành cho sinh hoạt) thì rất bất lợi. Vì thế nhà nhỏ làm cầu thang xoáy tròn là một giải pháp phù hợp theo phong thủy, tất nhiên phải đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn cho đi lại và thông thoáng trong nhà. Khi mặt bằng nhà nhỏ và ngắn, đặt cầu thang tròn về phía cuối nhà để có thêm khoảng thoáng và một phòng rộng ở phía trước sẽ linh hoạt để ngăn chia hơn là làm cầu thang vuông ở giữa nhà chiếm nhiều diện tích.
Do thang xoáy tròn đa số hở bậc và thoáng bên hông nên vùng không gian chung quanh hoặc dưới gầm thang tròn không nên bố trí bàn làm việc, giường ngủ hay bếp ăn, tránh bụi bặm và người di chuyển lên xuống tác động. Chất liệu làm cầu thang cũng cần tương đồng với chất liệu, phong cách chủ đạo của không gian nội thất. Phổ biến hiện nay là cầu thang sắt và gỗ, trong đó yếu tố Mộc (gỗ) được ưa chuộng, có thể khung cầu thang bằng sắt nhưng mặt bậc bằng gỗ đem lại cảm giác ấm áp, thân thiện hơn. Còn cầu thang thuần túy sắt hoặc inox thì nên bố trí tại các không gian nhà kho, phòng làm việc hoặc ngoài trời. Một số thiết kế hiện đại trong biệt thự, căn hộ cao cấp dạng có lầu (duplex) cũng làm cầu thang tròn hay lượn cong, với vách thang bằng thép uốn bọc kính hoặc kính. Khi đó cầu thang trở thành điểm nhấn độc đáo, hữu dụng và rất thẩm mỹ.

 

   

Cầu thang xoay tròn mà chăm chút kỹ lưỡng thì không chỉ tiện dụng mà còn thẩm mỹ, tăng giá trị cho không gian 


Cũng quan điểm Lý Khí cho rằng, thang là hệ dẫn truyền khí theo phương xiên, nếu để miệng cầu thang (Khí Khẩu) dẫn thẳng ra cửa thì sẽ Tán Khí, hao tài. Quan điểm về tiện dụng nhận định thang đi thẳng ra ngoài sẽ khiến luồng di chuyển phải đi ra trước rồi vòng lại sau, bất tiện, hoặc người lạ bên ngoài lại dễ dàng đi thẳng lên trên, thiếu an ninh. Tóm lại là chỉ những công trình cần chào đón, thu hút khách (nơi dịch vụ công cộng, khách sạn, nhà hàng…) mà tầng trệt mang tính phụ trợ (để xe, kho…) thì mới làm cầu thang đi thẳng ra trước cửa, mà cầu thang này cũng không phải là trục chính xuyên suốt các tầng nhà, chỉ là một thân cầu thang dẫn từ trệt lên lửng (hay lầu 1) mà thôi. Do đó, nếu nhà là nơi kinh doanh có nhu cầu thu hút khách lên tầng trên thì thang đi thẳng ra cửa là đương nhiên, cũng như giúp thoát hiểm tốt hơn là cầu thang bên trong. Đồng thời trong nhà vẫn phải có một trục cầu thang riêng để di chuyển nội bộ. Trường hợp cầu thang của nhà ở thuần túy (không kinh doanh) mà “lỡ” có thiết kế đi thẳng ra cửa ngoài, giải pháp khắc phục để trấn an tâm lý (nếu gia chủ lo ngại) cũng khá đơn giản: đặt một bình phong hay chậu cây cảnh trước miệng thang để đổi hướng giao thông, hoặc xử lý vài ba bậc thang đầu tiên xoay ngang ra với những mảng che chắn cũng tránh được kiểu đi thẳng này. Dù nguyên nhân Hình Thế nhà cửa do đâu thì cũng luôn có giải pháp khắc phục hiệu quả để đạt được một không gian sống an lành và thoải mái về mặt tâm lý lẫn vật lý. Phong thủy gọi đó là những giải pháp “sửa Hình để chỉnh Thế”, tùy theo vị trí mà linh hoạt ứng xử.
Về vấn đề đếm số bậc cầu thang sao cho rơi vào số tốt, kể cả chiếu nghỉ, thì cần nhìn nhận dưới góc độ văn hóa, tín ngưỡng. Nếu trong văn hóa phương Tây kiêng con số 13 để dẫn đến ngại dùng con số này trong số tầng chung cư, số phòng, số ghế, thứ 6 ngày 13… thì việc phương Đông liên hệ với văn hóa Phật giáo để áp dụng kiểu đếm số theo vòng Sinh Lão Bệnh Tử, đếm số theo Cửu Cung hay đếm số theo vòng Trường Sinh… cũng là điều dễ hiểu, cần tôn trọng sự khác biệt và đặc trưng về văn hóa. Vấn đề là người thiết kế và sử dụng nên xem xét nhiều mặt, cả về khoa học, hữu dụng và tâm lý để cái gì dung hòa, áp dụng được thì theo, cái gì bất tiện, phi lý thì không nhất thiết lo lắng thái quá. Chiếu nghỉ thang thực chất cũng là một bậc mà rộng hơn bậc thường, không phải là sàn tầng (nơi có sinh hoạt thường xuyên, lâu dài) nên “không gì phải xoắn”. Gặp trường hợp gia chủ quá xem trọng chuyện đếm số bậc thang thì nhà chuyên môn cũng có thể xem như một dạng “nhiệm vụ thiết kế” mà làm theo, dĩ nhiên sẽ cho gia chủ thấy cái gì cũng có mặt trái, nếu như việc chỉnh sửa cho chiếu nghỉ rơi vào số bậc tốt làm ảnh hưởng đến các cấu trúc khác trong nhà. 
Tóm lại, “Hình nào thì Khí ấy” chính là lời khuyên chung nhất về phong thủy để các gia chủ và nhà chuyên môn điều chỉnh nội thất, trong đó có cầu thang, sao cho người sử dụng thấy thoái mái, giảm va chạm cả về thực tế sử dụng lẫn tâm lý bất ổn khi nhìn ngắm trong không gian. 

 

  

Xử lý kiểu thang “trôi thẳng ra ngoài” bằng cách xoay vế đầu, che chắn với lam, cây xanh…

 

Bài ThS. KTS Hà Anh Tuấn ảnh Khánh Phương

Vàng, cam, xanh dương, tím... bạn muốn thêm một chút màu sắc cho căn nhà của mình thêm phần sống động nhưng bạn cảm thấy bối rối không biết bắt
Hãng thiết kế Stockholm Murman Arkitekter đã hoàn thành một nhà hàng được xây dựng bằng gỗ, có tầm nhìn bao quát tới cảnh quan núi xung quanh tại Thụy
Giới thiệu
Tin tức
Không gian đẹp
Ngôi nhà chung
Tư vấn
Không gian kiến

LIÊN HỆ

Email : hkts@tphcm.gov.vn
Địa chỉ : 88 Mạc Đĩnh Chi, phường Đa Kao, quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại : (84-28) 38291908 - 38273035 ; Fax: (84-28) 38225657 

 

Copyright 2015 Hội KTS TP.HCM. All rights reserved
Hội KTS TP.HCM giữ bản quyền nội dung trên website này.

Đầu trang