
Từ điểm nóng dịch Covid
Xét từ cuối tháng 3.2020, làn sóng Covid thứ 2 đã và đang lan nhanh ở Pháp với trung bình 50.000 ca mỗi ngày sau hơn 3 tháng tái mở cửa. Có thể lý giải hiện tượng này với nhiều lý do:
Về giao tiếp, dân Tây thích hành động thân mật, tiếp xúc gần gũi nơi công cộng như ôm, hôn, choàng vai, bá cổ, cũng như tụ tập ăn uống khắp mọi nơi. Ngay cả trong kỳ tái phong tỏa mới nhất, vẫn bắt gặp các nhóm bạn bè rủ nhau mua bia ở siêu thị rồi ra bờ kè sông Seine thưởng thức! Trầm trọng hơn, dân Pháp hầu như không quen đeo khẩu trang, thậm chí ai đeo bị xem như kỳ dị, tách biệt, trừ một số ngành cần dùng như công nhân, y tế… và chỉ đeo tại nơi làm việc, nên rất khó khăn trong việc bắt buộc tất cả đeo khẩu trang, đặc biệt là tại không gian công cộng (KGCC).
Về thời tiết, vì Paris đặc trưng khí hậu ôn đới với mùa đông lạnh, nên thời điểm thu đông và đông xuân rất dễ phát tán virus. Cả hai đợt bùng phát dịch Covid đều diễn ra trong hai khoảng thời gian này, tiết trời khô, lạnh, ít nắng khiến cơ thể trở nên dễ ngã bệnh hơn những mùa khác.
Một khía cạnh quan trọng là yếu tố quy hoạch và hệ thống hạ tầng ở châu Âu. Hàng chục nghìn nút không gian công cộng khác nhau kết nối theo chiều ngang và đứng bao quanh bởi các hoạt động đa dạng khiến KGCC trở thành những tụ điểm “luân chuyển” cả triệu người mỗi ngày, thành nguồn lây nhiễm mạnh khi có đại dịch. Những tuyến xe bus hay metro đông người kiểu“ bánh mì kẹp thịt” tiềm ẩn nguy cơ lan truyền bệnh dịch cho cư dân khi di chuyển hàng ngày. Đây là một trong những nguyên nhân tăng cao ca nhiễm từ cộng đồng tại các nước đã phát triển giao thông công cộng hoàn chỉnh, bởi mỗi ngày, mỗi người không thể biết mình tiếp xúc với những ai và bị lây nhiễm từ ai. Khái niệm “tạo miễn dịch cộng đồng” ở Thụy Điển, Anh hay các nước châu Âu khác đặt ra cũng bởi hầu như họ không thể truy vết lây nhiễm được, chứ không phải họ thiếu ý thức phòng bệnh.
Do vậy, KGCC là một môi trường hội tụ đủ các yếu tố để lan truyền dịch bệnh. Việc phong tỏa toàn quốc, cấm tụ tập đông người trên các KGCC là một trong những biện pháp đúng đắn để ngăn cản sự phát tán virus. Tuy nhiên, điều này cũng ảnh hưởng đến đời sống văn hóa, tinh thần của người dân Pháp, đặc biệt ở Paris, khi KGCC đóng vai trò rất quan trọng mà một Paris “hội hè” không thể trong phút chốc trở nên thinh lặng.


Đến lối sống mới trong thời phong tỏa
Để thích nghi, phải thay đổi. Kể từ đợt phong tỏa cuối tháng 3.2020, chiếc khẩu trang trở nên quen thuộc khi ra đường, và vắng bóng dần những chiếc ôm, nụ hôn, tiếp xúc gần nơi KGCC. Cư dân dần dà chọn quay trở lại với những giá trị cơ bản trong cuộc sống. Thay vì vui chơi với bạn bè, người ta đăng ký một khóa học yoga online ngay trong sân của khu nhà ở giúp xả stress sau giờ làm. Thay vì la cà quán xá, họ về nhà sớm rồi ghé thăm bố mẹ, ông bà, cùng quây quần bên bữa ăn gia đình, như kiểu người Việt chúng ta vậy.
Sự thay đổi lớn nhất trong thói quen người phương Tây là cách thức di chuyển trên KGCC. Giảm dần đi metro, tramway… người ta chuyển qua sử dụng các phương tiện cá nhân như xe đạp, trotinette, ván trượt… Thậm chí, ở thời điểm hiện tại, bus và metro trở nên thưa thớt khách, trong khi trục đường Rivoli, Sebastopol lại đông đúc người đi xe đạp, hay ở quảng trường Concorde, Bastille… số lượng xe hơi tăng đột biến so với trước đây.
Giữa mùa dịch, hoạt động của người dân gói gọn vào bên trong, những căn hộ, những balcon, sân trong, vườn sau nhà… Câu hỏi đặt ra bởi chính cư dân và giới hữu trách: liệu đại dịch Corona có phải là dấu chấm hết hay thay đổi cấu trúc KGCC? Không, vỉa hè, quảng trường không chết đi, nhưng ai cũng phải thừa nhận rằng, mọi thứ phải chuyển đổi để tồn tại.
Nếu chứng kiến cách người Pháp tái thiết lập lại hệ thống KGCC ở đây, ta sẽ nhận ra sự linh động của họ trong việc giải quyết các vấn đề quy hoạch. Khi kiểu sinh hoạt nơi KGCC cũ không còn phù hợp với yêu cầu mới, người Pháp lập tức chuyển đổi hoạt động về mặt thời gian, kích thước và số lượng người tham gia nơi KGCC.
Nắm bắt và khảo sát chính xác được sự thay đổi trong lối sống người dân, chính phủ Pháp tái quy hoạch một số trục đường theo hướng loại bỏ hoàn toàn xe cơ giới (xe hơi, xe tải…) để dành riêng cho đi bộ, xe đạp, và các phương tiện thô sơ khác, kết hợp việc tái định hướng phát triển Paris thành thành phố xe đạp trong tương lai.
Kế đến, những nơi cần tụ họp đông người như quảng trường, sảnh siêu thị, toà nhà, xe bus… đều được phân làn 2m để người dân đứng xếp hàng đúng quy định phòng chống dịch. Quảng trường cũng vẫn là nơi tụ họp, nhưng phần không gian để vui chơi kiểu tiếp xúc cũ được giảm xuống tối thiểu, đồng thời tăng cường không gian lập các phòng - trạm xét nghiệm miễn phí virus cho tất cả mọi người trong thành phố. Và dĩ nhiên là giữ khoảng cách đủ an toàn khi đông người.
KGCC trong và sau mùa dịch được xác định đóng vai trò là điểm phòng chống dịch, và tiếp theo là điểm kích cầu kinh tế, thương mại. Cụ thể, những vỉa hè trước đây được dùng toàn bộ cho mục đích kinh doanh nhà hàng, thì trong mùa dịch, sẽ thu hẹp lại và nhường chỗ cho hệ thống giao thông mềm (xe đạp, trotinette, ván trượt…). Việc thu hẹp này vừa đáp ứng được sự gia tăng nhu cầu di chuyển bằng giao thông mềm để tránh dịch, vừa giảm nguy cơ tụ tập đông người. Tuy nhiên, trong giai đoạn tái mở cửa sau dịch, đoạn vỉa hè đó được biến đổi lại để ưu tiên cho những chỗ ngồi ăn ngoài trời có giãn cách thoáng, vừa kích cầu thương mại, dịch vụ, vừa tránh việc “nén” quá nhiều người ở bên trong các tòa nhà. Quán bar có thể mở cửa, miễn đảm bảo khoảng cách, nghe phi lý nhưng họ đã làm được, nhất là đáp ứng nhu cầu cho những ai ưa ngồi quán mà tuân thủ đúng quy định thì… Bienvenue! (hoan nghênh, xin chào đón!).


Tầm nhìn vĩ mô cho tái lập quy hoạch, xây dựng
Đến nay, Pháp đã xác định đại dịch COVID vừa là một thách thức, vừa là một cơ hội. Bên cạnh những khó khăn về mặt kinh tế và y tế không thể chối cãi, thì đây là một dịp tốt để nhìn nhận lại và thay đổi những thiếu sót trong quá trình quy hoạch, xây dựng thành phố.
- Xem xét lại các quy định về diện tích tối thiểu để đảm bảo thông khí cho không gian kín. Ở Pháp, do vấn đề khí hậu, nên cách xây dựng các tòa nhà, đặc biệt nhà cổ trước đây khá kín, ít thông thoáng. Và đối tượng phải chịu đựng nhiều nhất chính là những sinh viên, người nghèo… với kinh phí ít ỏi chỉ có thể thuê những căn phòng dười tầng hầm không có một cửa sổ nào để không khí được lưu chuyển. Chưa kể, việc tiếp tục chia sẻ khoảng không gian 9-12m2 đó với những người khác làm tăng nguy cơ mắc bệnh nhiều lần. Điều này không chỉ được thấy ở Pháp mà cả ở Anh , Đức, Mỹ.
- Phát triển giao thông mềm. Paris nổi tiếng về các phương tiện công cộng như metro, xe bus… nhưng đó cũng là một nguồn lây nhiễm lớn có dịch bệnh. Chưa kể, cơ sở vật chất của hệ thống này đã cũ, không sạch sẽ và thiếu an toàn. Do đó, kể từ sau đại dịch, như đã nói ở trên, việc tái quy hoạch một số trục đường quan trọng (các đại lộ lớn dọc các khu thương mại, văn hóa, lịch sử) để dần dần khuyến khích các hệ thống giao thông mềm phát triển là một chính sách vừa góp phần giảm lây lan đại dịch, vừa là sự đầu tư đúng đắn để phát triển du lịch trong tương lai.
- Phát triển mảng xanh gắn với khu ở. Phong tỏa không có nghĩa ở nhà 24/24, bởi nguy cơ bị trầm cảm, suy giảm hệ miễn dịch sẽ càng làm cơ thể con người yếu đi và dễ dàng nhiễm bệnh khi “cách ly” trong bốn bức tường quá lâu, thiếu hoạt động thể dục, vui chơi, giải trí và giao tiếp xã hội. Không gian xanh trong bối cảnh dịch bệnh trở thành nơi an ủi tinh thần cho rất nhiều người dân, và phải công nhận Paris đã làm khá tốt điểm này khi quy hoạch những mảng xanh mới dễ tiếp cận cho tất cả người dân thành phố trong bán kính 500m quanh nhà họ. Tất cả mọi người đều có thể tiếp cận không gian xanh từ bất kỳ đâu, ở chỗ làm giờ ăn trưa, trên đường về nhà lúc chiều, cuối tuần lúc sáng sớm, có quy định và hướng dẫn cụ thể tại các KGCC.
Dù là một đất nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid và gần đây còn nhiều vấn đề phức tạp khác trong xã hội, nhưng nhìn cách mà Pháp và cụ thể là Paris sống chung với đại dịch Covid, chúng ta cũng nhận ra được rất nhiều bài học cho mình. Việt Nam chúng ta làm rất tốt công tác phòng chống dịch do khả năng khoanh vùng, cách ly tốt, do hệ thống giao thông công cộng chưa phát triển, do đặc thù địa lý và khí hậu… Nhưng trong tương lai, khi đất nước phát triển theo hướng ngày càng văn minh hiện đại, nhiều hoạt động được công cộng hóa, thì những kinh nghiệm trên đây đáng để chúng ta có thể nghiên cứu và tái quy hoạch cho mình tốt hơn.
(*) KTS Lê Khánh Vân, thạc sĩ 2 của trường Kiến trúc Quốc gia (ENSA) Paris - Master 2 d’École Nationale Supérieur d’Architecture (ENSA) Paris La Villette
Tư liệu tham khảo
- Cập nhật số liệu Corona,
https://www.santepubliquefrance.fr/dossiers/coronavirus-covid-19/coronavirus-chiffres-cles-et-evolution-de-la-covid-19-en-france-et-dans-le-monde
- Deplacements, les mesures de la ville pour le deconfinement
https://www.paris.fr/pages/deplacements-les-mesures-de-la-ville-pour-le-deconfinement-7788
- Phục hồi sẽ diễn ra trong không gian công cộng
https://m.facebook.com/notes/think-playgrounds-nghĩ-về-sân-chơi-trong-phố/covid-19-phục-hồi-sẽ-diễn-ra-trong-không-gian-công-cộng/10157259797051254/
Bài KTS Lê Khánh Vân ảnh Vân Lê, Huân Tú và tư liệu