Tư vấn
Thiêt kế
Ngày đăng : 31/01/2018 3:05:55 PM
Lượt xem: 801

Tôi dự định cuối năm cũ đầu năm mới mua sắm một số vật dụng. Tuy nhiên khi đọc thông tin trên mạng thấy nói rằng nếu trong nhà đang ổn định thì không nên thay đổi vật dụng, sẽ tổn hại về phong thủy. Tôi khá phân vân vì vừa có nhu cầu thay đổi đồ đạc, lại vừa lo ngại chuyện phong thủy ảnh hưởng xấu đến gia đạo. Mong quý báo tư vấn giúp tôi vấn đề này. Lê Mộng Thùy, Long Phước, quận 9, TP. Hồ Chí Minh



Vật dụng có tính dương (màu sáng, tối giản) dùng nhiều trong kiến trúc – nội thất hiện đại, hợp với các chủ nhân năng động


Các thông tin về phong thủy hiện nay khá phong phú, nên cần chọn lọc khi tiếp cận và thực hành. Việc thay đổi vật dụng là nhu cầu tất yếu mà mọi không gian sống đều có sự biến đổi theo thời gian và tương thích với từng giai đoạn khác nhau của con người, gia đình, xã hội. 
Ngay cả những ngôi nhà cổ dù được bảo tồn kỹ lưỡng thì hôm nay cũng không đảm đương được các chức năng như thời xưa nữa. Xét về vĩ mô trên phạm vi vùng hay không gian đô thị thì bảo tồn luôn đi cùng phát triển. Xét về vi mô, trong phạm vi một ngôi nhà cũng vậy, giữ gìn nội khí tốt không có nghĩa là chỉ xài đồ cũ, không được sắm đồ mới hay thay đổi không gian. 
Theo triết lý Đông phương, vạn vật luôn biến đổi, và để tránh sự xáo trộn bất lợi, cần quan tâm đến các nguyên tắc hài hòa, sao cho sự xuất hiện, đan xen của vật dụng mới vừa đáp ứng nhu cầu sử dụng vừa thuận theo các quy luật tự nhiên trong không gian.

Triết lý giữ khoảng không để cân bằng âm - dương 
Làm nhà để sử dụng không gian, nếu không gian đủ khoảng trống thì con người mới đi lại, sinh hoạt, nhìn ngắm... thoải mái được. Do đó triết lý “dụng chỗ không” giúp gia chủ hiểu rõ rằng “cái vô làm cho cái hữu có ích” (*)  để khi bài trí nhà cửa cần quan tâm đến giữ gìn khoảng trống, chứ không phải là lấp đầy khoảng trống. Âm hay dương quá thịnh đều không tốt, tức là ngôi nhà quá trống trải hay quá chật chội bởi đồ đạc đều là những không gian thiếu cân bằng và không thoải mái trong sinh hoạt.
Theo nguyên lý âm - dương thì những chỗ có giao tiếp nhiều và thay đổi thường xuyên (dương thịnh) thì nên có sự điều chỉnh vật dụng định kỳ, làm mới, và có thể thêm bớt các vật dụng có tính dương. Ví dụ như phòng khách, chỗ kinh doanh, phòng ăn hay nơi sinh hoạt gia đình là những không gian động nên bàn ghế, tranh ảnh, vật dụng có thể linh hoạt thêm bớt khi đông người hay ít người. Sắm đồ mới cần kèm theo việc phải bỏ vật dụng cũ đi để không làm cho phòng ốc trở nên ngột ngạt quá mức do chỉ có thêm mà không có bớt.
Còn đối với không gian cần tĩnh lặng (âm thịnh) và mang tính riêng tư như phòng ngủ, phòng làm việc, phòng vệ sinh… thì nên dùng vật liệu hoàn thiện có kích thước, tỷ lệ vừa phải và tương quan với ánh sáng, công năng sử dụng của chỗ đó. Kích cỡ vật dụng có thể tăng tỷ lệ thuận theo kích thước không gian sử dụng, tuy nhiên vẫn có ngoại lệ trong những trường hợp không gian cần điểm nhấn và tạo ảo giác tích cực, ví dụ một phòng tắm nhỏ có thể dùng mảng gương soi lớn để giãn rộng không gian. 
Dĩ nhiên, vẫn có những vật dụng “đi cùng năm tháng” mà nhiều gia đình dù có điều kiện đến đâu cũng không thay thế, ví dụ như các loại tủ thờ, hoặc một chiếc giường kỷ niệm ngày cưới, một kệ sách gắn bó lâu năm. Đây là những vật dụng đóng vai trò neo giữ ký ức, kết nối tâm thức các thế hệ trong gia đình, không thể xét theo cái nhìn vật chất thông thường.


Vật dụng thiên về tính âm (sậm màu, thô ráp, mộc mạc) phù hợp với nếp nhà kiểu truyền thống, không gian tâm linh, góc nghỉ ngơi thư giãn 


Triết lý thuận theo tự nhiên 
Thực tế vẫn có một số vật dụng tuy tiện ích cao nhưng khi đưa vào không gian phải cân nhắc. Nếu thêm vật dụng mà khiến mọi người cảm thấy không thoải mái thì đó chính là sự không thuận theo tự nhiên. Muốn vậy nên xem xét từ kích thước, bề mặt, đến màu sắc và chất liệu. Những đồ đạc cứng và có bề mặt sáng, bóng loáng, màu sắc tươi khiến ánh sáng phản xạ mạnh hơn, mang tính dương nhiều hơn, ví dụ như các thiết bị điện gia dụng, điện tử, bàn ghế cầu kỳ. Những bề mặt vật dụng xốp, mềm, màu sắc đậm và tối, bề mặt nhám… thường mang nhiều tính âm và làm chậm dòng khí lưu chuyển, ví dụ như sofa, rèm cửa, các tấm thảm, gỗ tự nhiên không sơn phủ... 
Có thể thấy ngôi nhà truyền thống thiên về tính âm nhiều hơn bởi vật dụng trước đây chủ yếu nguồn gốc tự nhiên, chỉ sơ chế và để bề mặt thô nhám. Còn những không gian hiện đại ngày nay, đòi hỏi sự năng động, kích thích năng lượng làm việc, giao tiếp đối ngoại nhiều sẽ thiên về vật dụng có tính dương nhiều hơn, trong khi các không gian nghỉ ngơi, yên tĩnh, đối nội nhiều hơn sẽ vẫn thiên về tính âm, ví dụ như một resort nghỉ dưỡng cao cấp thậm chí còn không bố trí tivi, để con người sống giữa thiên nhiên mộc mạc, hoang sơ, tĩnh lặng. 
Xu hướng chung trong mua sắm vật dụng cho nhà ở là tạo sự hài hòa thuận theo nhân trắc học của lứa tuổi cũng như giới tính, tạo những kết nối thân thiện với con người. Ví dụ một phòng khách nếu sắm bộ sofa vuông vức hiện đại thì nên phối kết cùng rèm cửa và thảm mềm mại, gối tựa êm ái sẽ cân bằng hơn là để sàn nhà bóng loáng với các vật dụng khô lạnh. Hoặc các không gian của giới trẻ thường xuất hiện nhiều vật dụng có nét gấp khúc mạnh mẽ, bề mặt thô mộc, hoặc quá láng bóng kiểu công nghệ cao mà người lớn tuổi thấy không phù hợp. Do đó cần căn cứ theo đối tượng sử dụng để chọn vật dụng, nhất là trong các không gian nhiều thế hệ chung sống, thậm chí cả nhà nên “đi chợ cùng nhau” để thống nhất ý kiến, tránh thiên lệch.

Để mới không nới cũ
Như vậy, việc thay đổi đồ đạc không hề tác động xấu về phong thủy, vấn đề là thay đổi như thế nào để các định vị về phong thủy không xáo trộn, và nội khí nhờ đồ đạc mới sẽ chuyển biến tích cực hơn. Để mới không nới cũ, cần chú ý một số điểm sau:
- Nhất vị nhị hướng: đồ vật mới khi vào nhà về mặt phong thủy luôn cần xem xét vị trí và phương hướng. Việc thay thế đồ cũ bằng đồ mới tương đương chức năng sẽ không có gì đáng ngại. Còn nếu thay đổi hẳn vị trí và cách sắp xếp thì phải nhìn đến các vật dụng liên quan khác. Ví dụ một cái tivi màn hình lớn cần tìm được chỗ tương xứng trong nhà, không chỉ là chỗ đặt tivi đó, mà còn là khoảng cách thích hợp để xem, bộ bàn ghế tương xứng để mọi người quây quần trong không gian mang tính chất sinh hoạt mà chiếc tivi là điểm nhấn. 
- Ổn định môn - táo - chủ: các vị trí cơ bản như cửa chính, vị trí bếp, bàn thờ, giường ngủ gia chủ... là những định vị phong thủy cơ bản. Nếu quá trình sử dụng ổn định, yên ấm thì hạn chế di dời, chỉ cần dọn dẹp cho sạch gọn, tránh thêm đồ vật mới mà khiến nhà bừa bộn tại các chỗ thiết yếu đó.
- Đẹp cũng là một công năng: bởi ngoài yếu tố sử dụng, một số vật dụng như tủ kệ, tranh ảnh, cây cối... còn có tác dụng tích cực về thẩm mỹ, tâm lý. Vẻ đẹp vật dụng làm nên vẻ đẹp nội thất, đồng thời cũng cần chọn vật dụng đẹp và bền qua thời gian, thuận tiện bảo trì sửa chữa. Một không gian sau thời gian “đủ ăn đủ mặc” rất cần được hoàn thiện theo hướng “ăn ngon, mặc đẹp” sẽ tạo nên cá tính và thẩm mỹ, tác động nổi bật khí cho không gian sống.
(*) theo triết học Lão Tử, Đạo Đức kinh 



Sự thống nhất về đường nét, chất cảm bề mặt của vật liệu tạo nên tính nhất quán trong không gian, dù theo phong cách cầu kỳ hay giản đơn

Bài ThS. KTS Hà Anh Tuấn ảnh Khánh Phương

Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống

Vàng, cam, xanh dương, tím... bạn muốn thêm một chút màu sắc cho căn nhà của mình thêm phần sống động nhưng bạn cảm thấy bối rối không biết bắt
Hãng thiết kế Stockholm Murman Arkitekter đã hoàn thành một nhà hàng được xây dựng bằng gỗ, có tầm nhìn bao quát tới cảnh quan núi xung quanh tại Thụy
Giới thiệu
Tin tức
Không gian đẹp
Ngôi nhà chung
Tư vấn
Không gian kiến

LIÊN HỆ

Email : hkts@tphcm.gov.vn
Địa chỉ : 88 Mạc Đĩnh Chi, phường Đa Kao, quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại : (84-28) 38291908 - 38273035 ; Fax: (84-28) 38225657 

 

Copyright 2015 Hội KTS TP.HCM. All rights reserved
Hội KTS TP.HCM giữ bản quyền nội dung trên website này.

Đầu trang