Tư vấn
Thiêt kế
Ngày đăng : 16/08/2022 8:38:22 AM
Lượt xem: 641

Ai cũng biết khi xây nhà cần có thiết kế. Và ai làm thiết kế cũng ít nhiều trải qua nỗi khổ khi phải sửa thiết kế vì thay đổi ý tưởng do sở thích gia chủ, do kinh phí và vô số lý do có lý lẫn vô lý khác nhau. Trong đó, khó chịu nhất theo giới chuyên môn, là thay đổi ý tưởng thiết kế bởi… thầy phong thủy.


 

Thầy phong thủy ở đây, có thể là một “ông - bà thầy” cụ thể nào đó, mà cũng có thể là một bài viết “tham khảo” trang mạng vu vơ, một ý kiến bất chợt góp ý vô tình từ người quen… nhưng lại rất “nặng ký” khi xáo trộn trực tiếp vào các bố trí thiết kế. Và mỏi mệt nhất, khó chịu nhất trong các xáo trộn về phong thủy là ảnh hưởng đến các khu chức năng, ý tưởng bố trí cơ bản của ngôi nhà.

 

Tiếp cận để dung hòa
 

Đã từng có kiến trúc sư lên mạng “tố” thầy phong thủy dùng các chiêu trò hù dọa gia chủ qua mấy bản đồ trạch quẻ vẽ chằng chịt, hay những “chỉ định và chống chỉ định” nặng mùi mê tín dị đoan… Tuy nhiên, cũng không thiếu những phản biện mang tính khoa học chỉ ra cách có thể khắc phục tình trạng xung đột giữa các bên (gia chủ - thiết kế - thầy phong thủy) thông qua góc nhìn khoa học, hệ thống và khách quan về vấn đề này. Cần quan tâm đến các thứ tự phong thủy nhà ở cần đạt được, để dù có tiếp cận dưới quan điểm nào cũng có thể dung hòa:
 

Vị trí chính phụ rõ ràng: vấn đề vị trí, hay “ai ở chỗ nấy” là điều tiên quyết ảnh hưởng toàn bộ các bố trí. Ngoài cân nhắc theo tuổi tác, vùng khí vượng hay khí suy... thì xử lý đúng Vị trong phong thủy nên hiểu là xem xét mối quan hệ. Ngôi nhà tọa lạc phía trước thế nào, sau ra sao, hai bên trái phải trông ra cái gì… phải tìm hiểu rõ. Vô số các truyền tụng đều chỉ ra một chân lý: dù hướng nhà chưa hợp thì có thể xoay xở các thành phần khác, nhưng gặp vị trí bất lợi về bối cảnh chung quanh (tự nhiên cũng như xã hội) thì hầu như rất khó cải tạo vì phụ thuộc vào ngoại cảnh. Vị trí một số thành phần trong nội thất cũng thế, nếu gia chủ đã “tra cứu” biết được mình cần mở cửa ở góc này, bàn thờ muốn đặt chỗ kia thì nhà thiết kế nên xây dựng cơ cấu không gian từ những vị trí cơ bản đó, hơn là áp đặt cho gia chủ một bộ khung mà chính mình cũng không thể giải thích hết được tại sao, ngoài các lý do thuần túy về tổ chức công năng, hình khối, thẩm mỹ theo chủ quan nghề nghiệp của mình.
 

Hướng hợp mệnh chủ: cũng được hiểu là thứ tự ưu tiên, trong nơi sống của tôi thì không gian này tôi ưu tiên mở hướng A, không gian kia tôi muốn xoay qua hướng B, sao anh không chịu hiểu, không xử lý cho tôi? Hiện nay không khó để có thể tìm kiếm hướng nào phù hợp theo tuổi gia chủ, nhà thiết kế sẽ dễ dàng định hướng các thành phần chủ chốt ưu tiên hướng nào tốt, hoặc hạn chế hướng xấu ra sao. Tìm và xử lý được các thông tin về Vị và Hướng hợp sẽ không rơi vào kiểu làm nhà chung chung. Thực tế nhà nào cũng đều có thứ tự ưu tiên, dùng để ở thuần túy sẽ khác nhà làm để kinh doanh, phòng ông bà chủ ưu tiên hơn phòng phụ trợ... chính nhu cầu cụ thể của gia chủ sẽ là những “chỉ định” cần tuân thủ. Và nếu gia chủ không rõ cái gì cần ưu tiên, thì người chuyên môn nên khơi gợi vấn đề, đặt ra và giải quyết các thứ tự ưu tiên đảm bảo quyền lợi gia chủ, cũng là đảm bảo cho thiết kế của chính mình.
 

Hình đi theo Thế, tâm An nhà Yên: Nhà ở riêng lẻ có thể tìm cách bố trí, xoay khối, đảo cửa để tìm Vị và Hướng hợp gia chủ theo hoàn cảnh cụ thể. Nhưng đối với căn hộ chung cư thì việc điều chỉnh như vậy không dễ vì các ràng buộc sẵn có, cho nên cần dùng các thủ pháp “mềm” sẽ hiệu quả hơn và không phá vỡ cơ cấu ổn định. Đa số các thủ pháp linh hoạt đều hướng đến cách thức tạo sự an tâm cho gia chủ thông qua Tạo Hình để Đổi Thế. Ví dụ 2 căn hộ có cửa nhìn thẳng vào nhau thường tạo luồng hút gió, tầm nhìn xuyên thấu và tiếng ồn qua lại hai nhà (Trực Xung Đối Môn). Nếu bố trí thêm khoảng sảnh đệm hoặc xử lý bằng tủ, bình phong, chậu cây sau cửa… thì kiểu nhà Đối Môn sẽ hóa giải được. Một dạng Trực Xung khác là cửa căn hộ, cửa phòng mở thẳng ra cầu thang hoặc lối đi, hành lang đâm vào. Vẫn lại những khoảng đệm, chậu cây che chắn nhẹ nhàng sẽ là giải pháp hữu hiệu ngăn cản luồng khí Xuyên Sơn. Tâm an nhà sẽ yên là vậy. 

 

 

Gia chủ trẻ tuổi, phong thủy tương ứng
Các công trình mới hoàn thành vài năm gần đây ngày càng đề cao cá tính riêng của gia chủ lẫn người thiết kế. Thế hệ 8x, 9x hiện nay làm chủ đầu tư quán xá, căn hộ, sở hữu nhà riêng ngày càng nhiều, khá linh hoạt và sáng tạo, muốn khẳng định cái tôi, và cũng hay “săm soi” về phong thủy theo cách riêng: trẻ trung, khoa học và ít nhuốm màu mê tín. Nhiều kiến trúc sư hiện nay cũng công nhận thế hệ gia chủ trẻ tuổi có nhiều băn khoăn, tìm kiếm các giải pháp sao cho nhà mình vừa được sắp xếp theo phong thủy mà vẫn mang cá tính riêng, cực chất cực ngầu! Lời giải nằm ở bộ ba giải pháp: Chuyển tiếp - Gia tăng - Nổi bật, cụ thể các vấn đề thiết kế cần lưu ý là:

 

Nên quan tâm đến các giải pháp bố trí không gian mở liên hoàn, tính tương tác cao. Ví dụ tạo khoảng liên thông giữa phòng khách - sinh hoạt - bếp ăn, hoặc dùng đồ nội thất loại dễ biến đổi tháo ráp, kệ đa năng để gia đình trẻ khi có thêm em bé hoặc bạn bè đến chơi sẽ dễ nới rộng được không gian. Đây cũng là tính Chuyển Tiếp Khí trong phong thủy mà ngôi nhà truyền thống (3 gian, 5 gian, liên thông nhau dưới mái chung) cha ông đã làm rất tốt. Yếu tố chuyển tiếp còn thể hiện qua mặt cắt nhà ở ngày càng liên thông trên - dưới nhiều hơn, thay vì một tấm sàn chạy suốt, ngày càng xuất hiện nhiều ngôi nhà khai thác khoảng thông tầng, lệch tầng, dùng cầu thang và giếng trời như một thành tố thu hút, dẫn dắt thông gió, tầm nhìn đa dạng và hiệu quả.
 

Mặt khác, khi môi trường sống ngày càng có nhiều biến đổi bất lợi về khí hậu, chịu tác động ô nhiễm trong đô thị nhiều, thì cần bố trí không gian đệm, vùng kết nối để vừa giảm được các va chạm Trực Xung với bên ngoài, vừa thêm công năng sử dụng, phong thủy hiện đại gọi là Gia Tăng Khí. Ví dụ, thay vì bố trí một bàn ăn trong không gian chật, có thể làm một quầy bar giữa bếp và phòng khách, giảm diện tích choán chỗ đồng thời trông khá trẻ trung, hữu dụng. Hoặc cách xử lý mặt đứng giản dị, không chạy theo dáng vẻ bên ngoài, hướng tầm nhìn và mảng xanh vào bên trong, hoặc dùng mặt đứng 2 lớp đề trồng cây che chắn... đều là biện pháp gia tăng tính hữu dụng, giảm bớt tính hình thức, trang trí dư thừa. 
 

Quan niệm thứ ba là phải có điểm nhấn thiên nhiên, độc đáo và tạo cá tính cho ngôi nhà bằng nhiều cách, như vị trí tiểu cảnh cây xanh, tường xây gạch thô nơi giếng trời, ban công thư giãn chất chơi... mà phong thủy gọi là Nổi Bật Khí, với trang trí hợp ngũ hành mệnh tuổi gia chủ để ghi dấu ấn rõ nét hơn. Ví dụ trồng cây trên mái để thành mảng không gian xanh sinh hoạt với các loại cây gia chủ ưa thích, hoặc mảng điêu khắc bằng thép trong khoảng sỏi đá nhẹ nhàng cho gia chủ mệnh Thổ… sẽ giúp nội thất thỏa mãn ý thích riêng mà không bị sai lệch về phong thủy. Yếu tố đan xen vật liệu cũ trong cấu trúc mới (gỗ tận dụng, gạch bông gió...) hay dùng kỹ thuật mới cho các lớp vật liệu cũ (bê tông trần, mặt đứng kiểu tham số parametric tạo hình ấn tượng) cũng giúp ngôi nhà riêng ngày càng thể hiện cá tính chủ nhân và bắt kịp xu thế chung của kiến trúc đương đại thế giới.

 

 

Bài ThS. KTS HÀ ANH TUẤN  Ảnh KHÁNH PHƯƠNG

Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống số 190

Vàng, cam, xanh dương, tím... bạn muốn thêm một chút màu sắc cho căn nhà của mình thêm phần sống động nhưng bạn cảm thấy bối rối không biết bắt
Hãng thiết kế Stockholm Murman Arkitekter đã hoàn thành một nhà hàng được xây dựng bằng gỗ, có tầm nhìn bao quát tới cảnh quan núi xung quanh tại Thụy
Giới thiệu
Tin tức
Không gian đẹp
Ngôi nhà chung
Tư vấn
Không gian kiến

LIÊN HỆ

Email : hkts@tphcm.gov.vn
Địa chỉ : 88 Mạc Đĩnh Chi, phường Đa Kao, quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại : (84-28) 38291908 - 38273035 ; Fax: (84-28) 38225657 

 

Copyright 2015 Hội KTS TP.HCM. All rights reserved
Hội KTS TP.HCM giữ bản quyền nội dung trên website này.

Đầu trang