Xin mượn cách nói giống tựa một bài hát để chỉ tình trạng tại TP.HCM đang có nhiều công trình hạ tầng bị thiếu, nhiều công trình bị chậm trễ, ngưng trệ. Trong khi đó, một số thành phố, địa phương khác vẫn làm được. Một điều có thể khẳng định là chắc chắn họ có cùng chung cơ chế, chính sách với TP.HCM. Bởi vậy mới nói, đâu phải bởi cơ chế?

Saigon One Tower (tên cũ là M&C Tower) hiện đang ngưng trệ và chưa có thông tin gì về việc tái triển khai
Ngày 18.10.2019, UBND TP.HCM tổ chức Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2019 (HEF 2019) với chủ đề “Phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế”.
Tường thuật diễn đàn này, trang vneconomy.vn dẫn lời TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng ngân hàng BIDV cho biết, có 10 tiêu chí/điều kiện để trở thành trung tâm tài chính thì TP.HCM đã đáp ứng được 4 tiêu chí gồm: vị trí, môi trường kinh doanh, danh tiếng và mức độ đa dạng sản phẩm tài chính - ngân hàng; còn 6 tiêu chí chưa đáp ứng được.
Tất nhiên có thể có người đồng ý hoặc chưa đồng ý với TS Cấn Văn Lực. Nhưng đó là một đánh giá định lượng có đủ và thiếu cụ thể.
Và không chỉ ở lãnh vực tài chính. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ X nêu rõ thành phố muốn “sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á”. Thời gian qua, thành phố tổ chức nhiều hội thảo nêu lên định hướng TP.HCM trở thành trung tâm logistic, trung tâm mua sắm thương mại, của khu vực và cả nước…
Mỗi dạng trung tâm cần một số điều kiện cụ thể và TP.HCM có thể thiếu nhiều hay ít. Bài viết này không đi sâu vào chi tiết từng dạng trung tâm mà chỉ điểm qua một số cái thiếu và chậm của TP.HCM so với các địa phương bạn.
Đầu tiên là chuyện thiếu cái sân bóng đá. Chắc có người sẽ bảo TP.HCM thiếu gì sân bóng đá. Vậy mà thiếu thật! Báo Tuổi Trẻ 30.10 cho biết, tuyển U22 Việt Nam tập tại Hà Nội đến 18.11 mới vào TP.HCM thay vì ngày 10 để 22.11 sang Philippines. Nguyên nhân theo một lãnh đạo Liên đoàn bóng đá Việt Nam là: “Điều kiện sân bãi TP.HCM không đảm bảo yêu cầu tập luyện. Sân cỏ nhân tạo của trường đại học Tôn Đức Thắng và một sân khác ở ngoại thành được HLV Park Hang Seo đánh giá là đã xuống cấp, xa và không kín”.
Cái sân bóng đá đáp ứng nhu cầu HLV đội tuyển quốc gia còn chưa có thì nói gì đến việc tổ chức giải thể thao như Đông Nam Á vận hội (SEA Games). Bởi vậy, từ giữa năm 2018, TP.HCM đã chính thức xin rút không đăng cai SEA Games năm 2021 và SEA Games này sẽ được tổ chức tại Hà Nội. Đây là lần thứ hai Hà Nội làm việc này (lần đầu là SEA Games 2003).
Cũng cần nói thêm là Hà Nội đã triển khai làm đường đua F1 và tháng 4.2020 sẽ diễn ra chặng đua đầu tiên.
Cứ cho là TP.HCM không chạy đua đăng cai SEA Games, không xây đường đua F1 nên Hà Nội làm được hai việc đó chẳng có cơ sở để so sánh.
Nhưng chuyện TP.HCM chậm hơn Hà Nội khi triển khai xây dựng đô thị thông minh là có thật.
Sáng 6.10, trang news.zing.vn đưa tin dự án đô thị thông minh phía bắc Hà Nội, trên trục Nội Bài - Nhật Tân được khởi công giai đoạn 1 với tổng vốn đầu tư khi hoàn thành 5 giai đoạn vào 2028 là 4,2 tỷ USD. Thông tin các báo cho hay, dự án khu đô thị thông minh phía bắc Hà Nội đã được khởi động từ nhiều năm bởi liên doanh giữa tập đoàn BRG (Việt Nam) và Sumitomo (Nhật Bản).
Trong khi đó, TP.HCM cũng có kế hoạch xây dựng đô thị thông minh với hạt nhân là Khu Đông sẽ thành đô thị sáng tạo tầm quốc tế và đã tổ chức cuộc thi tìm kiếm ý tưởng quy hoạch và phát triển đô thị. Đến 23.11, TP.HCM đã trao giải nhất cho đội Sasaki-encity. Phương án giải nhất được đánh giá là đặt vấn đề mạch lạc và tương đối khả thi khi xây dựng các trung tâm sáng tạo trên những nền tảng sẵn có như Thủ Thiêm, Khu công nghệ cao, Đại học Quốc gia, tuyến metro... Phương án này cũng chỉ ra được các công cụ, tiến trình và phương pháp triển khai. Lãnh đạo thành phố cho biết năm 2020, TP.HCM sẽ cố gắng trình ra Quốc hội đề án chính quyền đô thị TP.HCM có phần về khu đô thị sáng tạo phía Đông để từ năm 2021 có thể bắt tay triển khai. Theo đó, quá trình triển khai sẽ là một chương trình toàn diện gồm nhiều nhóm vấn đề, có quản lý, có nghiên cứu và tiếp tục xây dựng chính sách để thu hút mạnh mẽ hơn nữa các nguồn lực xã hội tham gia.
Lại nói đến thu hút nguồn lực xã hội, kêu gọi đầu tư. Xin dẫn chứng một so sánh mới. Ngày 5.11, tuoitre.vn đưa tin, đối tác Hàn Quốc là COEX - đơn vị sở hữu và vận hành các trung tâm hội nghị, triển lãm lớn nhất Hàn Quốc - đã ký hợp tác chiến lược với Becamex IDC để cùng tổ chức, phát triển các hội nghị triển lãm đẳng cấp quốc tế tại trung tâm thương mại sắp được xây dựng. Đây được coi là một “cú hích” phát triển cho thành phố mới và tỉnh Bình Dương. Trung tâm này được quy hoạch trên khu đất rộng gần 24ha, hiện đã có sẵn mặt bằng liền kề trung tâm hành chính tập trung tỉnh Bình Dương.
Cùng ngày đó, UBND TP.HCM giao Ban quản lý Đầu tư xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm làm bên mời thầu tổ chức sơ tuyển và chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Khu phức hợp Trung tâm Hội nghị triển lãm, khách sạn và thương mại dịch vụ tại khu chức năng số 1 Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Theo đó, dự án có tổng diện tích đất hơn 158.000m2 (tức là chưa đến 16ha).
Một trung tâm hội nghị triển lãm vừa nhỏ hơn vừa triển khai chậm hơn so với Bình Dương. Thiếu một trung tâm triển lãm quy mô lớn đang là nỗi bức xúc của các doanh nghiệp TP.HCM. Chuyện Bình Dương sẽ thu hút và tổ chức được các kỳ hội chợ quy mô quốc tế lớn hơn, thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước hơn TP.HCM có lẽ không còn xa nữa.
Một địa phương khác cũng có thể dẫn ra so sánh với thành phố là Đồng Nai. Từ 29.8.2019 Thủ tướng đã quyết định giao Đồng Nai làm cầu Cát Lái nối huyện Nhơn Trạch với quận 2, TP.HCM! Không biết có phải Đồng Nai được giao là vì sợ TP.HCM sẽ làm chậm hơn như dư luận phản ánh?
Nói chuyện công trình chậm trễ, ngưng trệ ở TP.HCM thì còn nhiều thí dụ. Tiêu biểu là bãi đậu xe ngầm ở công viên Lê Văn Tám được động thổ từ hơn 10 năm trước và nay đã được UBND TP.HCM chấm dứt hợp đồng hồi tháng 7.2019.
Dù không vui nhưng đó cũng là một thông tin cụ thể và công viên Lê Văn Tám vẫn đang hoạt động bình thường.
Thực trạng ấy dù sao cũng đỡ gây bức xúc hơn nhiều công trình khác bị quây bởi những hàng rào tôn cũ kỹ, những bản vẽ mờ nhạt. Người đi đường có thắc mắc cũng chưa biết bao giờ thì công trình được tiếp tục làm. Đó là thực trạng ở Saigon One Tower (tên cũ: Saigon M&C Tower) đầu đường Hàm Nghi, ở Lavenue Crown số 12 Lê Duẩn, hay Sài Gòn Me Linh Tower (tên cũ) ở 2-4-6 Hai Bà Trưng…
Những công trình ngưng trệ kể trên có thể liên quan đến vay nợ, sai phạm.
Nhưng lãnh vực bất động sản chung của TP.HCM cũng đang có những chậm trễ. Trả lời baophapluat.vn ngày 29.10.2019, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, “Có nhiều dự án nhà ở bị “đứng hình” do không thực hiện được các thủ tục đầu tư xây dựng hoặc bị dừng triển khai. Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2019, thị trường bất động sản TP.HCM tiếp tục xu thế sụt giảm, chỉ có 1 dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư; không có dự án nhà ở nào được công nhận chủ đầu tư”.
Đáng chú ý là tình trạng trên không phải mới được phát hiện.
Trước cuộc gặp giữa lãnh đạo TP.HCM với các doanh nghiệp bất động sản diễn ra từ tháng 4.2019, báo chí đã ghi nhận “làn sóng các công ty bất động sản tại TP.HCM ồ ạt sang tỉnh lân cận và thành phố biển phát triển dự án”. Tại cuộc gặp đó, lãnh đạo TP.HCM đã chỉ rõ, các địa phương khác cũng cùng chung một hệ thống pháp luật và các văn bản thủ tục hành chính giống TP.HCM. Vậy nếu doanh nghiệp chuyển sang địa phương khác thì thành phố phải xem lại việc phục vụ doanh nghiệp của mình.
Lại có ý kiến cho rằng bên cạnh một số tiêu cực đáng tiếc, tình trạng chậm triển khai các công trình hạ tầng ở TP.HCM còn có lý do thành phố phải nộp ngân sách với tỷ lệ quá lớn.
Nhưng cũng có quan điểm cho rằng, huy động vốn là việc bắt cuộc phải làm được nếu muốn phát triển và huy động vốn không loại trừ việc phải biết thuyết phục để việc tăng phần giữ lại từ thu ngân sách là khả thi.
Bởi vậy mới nói, sự chậm trễ, ngưng trệ dẫn đến sụt giảm, thiếu vắng các công trình ở TP.HCM hiện nay đâu phải chỉ do cơ chế?
Bài Hy Hưng ảnh Đinh Quang Tuấn