Dịch Covid-19 hơn hai năm qua đã làm thay đổi cuộc sống, công việc và rất nhiều thứ của hàng tỷ người trên khắp trái đất. Đến thời điểm này, người ta buộc phải thừa nhận rằng không thể “zero Covid” được, mà phải sống chung với nó, phải thích ứng linh hoạt trong mỗi hoàn cảnh cụ thể. Kể cả khi dịch đã đi qua ở mỗi nơi, mỗi thời điểm, thì cũng không ai dám chắc rằng dịch bệnh không quay trở lại. Đã có rất nhiều thay đổi trong thời Covid…

Những vách ngăn ứng phó tạm thời ở quán ăn, nhà hàng
Thay đổi thói quen, cách thức, lối sống
Tôi ở Hà Nội, một thành phố nhiều bụi. Phương tiện di chuyển của tôi là xe máy. Thế nhưng suốt mấy chục năm nay tôi không có thói quen đeo khẩu trang, vì thấy vướng víu và không cần thiết; mặc cho những lời khuyên và phàn nàn của những người trong gia đình. Thế nhưng từ năm ngoái, khi Covid ập tới trong những đợt đầu, tôi đã bắt đầu đeo khẩu trang, dù lúc đấy mới chỉ là khuyến cáo chứ chưa bắt buộc. Riết rồi quen. Từ đó đến nay, thói quen của tôi khi ra khỏi nhà là đeo khẩu trang, dù đi bằng bất cứ phương tiện gì, và kể cả trong những thời điểm dịch lắng xuống. Rất nhiều người cũng giống tôi, có những thay đổi, có những thói quen mới từ khi Covid xuất hiện. Mọi người đã biết và nhanh chóng thích ứng với một điều kiện, hoàn cảnh mới của gia đình và xã hội. Ở nhiều nơi, người ta đã biết xếp hàng có khoảng cách chứ không chen chúc như thường thấy. Nhiều người bỏ thói quen nhậu nhẹt quán xá, la cà shopping. Người ta đã có ý thức hơn trong vệ sinh: lau dọn nhà cửa, rửa tay, sát khuẩn; chú ý giữ gìn sức khỏe trong sinh hoạt, ăn uống, chăm tập thể dục. Trong những đợt giãn cách, làm việc và học tập online qua mạng là sự lựa chọn tối ưu; mua bán online trên các chợ điện tử đã trở thành một phương thức quen thuộc… Ở những nghi lễ ngoại giao, người ta cũng không bắt tay, ôm hôn mà thay bằng hành vi chạm nhẹ cùi tay vào nhau một cách thân thiện. Hoạt động thăm viếng, gặp gỡ, đến nhà nhau chơi dường như cũng giảm đến tối thiểu. Tất cả đã làm quen với điều kiện mới, tâm thế mới. Cũng trong hoàn cảnh ấy, đã hé lộ ra nhiều điều. Các thành viên gia đình có điều kiện gần gũi nhau hơn, hiểu nhau hơn và biết cách chăm sóc bản thân cũng như những người thân. Nhiều nhóm thiện nguyện không quản ngại đường xa, nắng mưa giúp đỡ những cư dân trong vùng phong tỏa, những số phận thiệt thòi… Đó là những yếu tố tích cực nhất định nhìn ở một góc độ.
Tất nhiên, yếu tố tiêu cực cũng tồn tại và chi phối, nhiều khi đến khó chịu và mệt mỏi. Việc bị “nhốt” ở nhà dẫn đến tâm lý bí bách, khó chịu; nhiều phiền hà bất tiện xảy ra trong những ngày giãn cách, nhiều băn khoăn suy nghĩ, lo lắng… Đã có quá nhiều khó khăn xảy ra, từ chuyện đơn giản như đi chợ, hay đi ra đường, gặp gỡ và tiếp xúc người nọ người kia. Rất nhiều công việc đảo lộn không như lẽ thường. Đám cưới thì bị hoãn lại, đám tang thì không có lễ viếng. Rồi rất nhiều dịch vụ rất bình thường cũng bị ngưng lại ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, như dịch vụ sửa xe, dịch vụ sửa chữa điện nước trong nhà ở gia đình… Nhưng dẫu vậy, có rất nhiều những bất tiện, khó khăn thì người dân vẫn phải thích nghi và nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh ấy, và thực tế là những thay đổi trong thói quen, cách thức, lối sống; bởi đây không phải là hoàn cảnh cá biệt của một vùng, địa phương mà có phạm vi trên toàn cầu.

Phòng đọc sách, thư viện sẽ có tiêu chuẩn mới và giải pháp ngăn cách an toàn?
Và những thay đổi trong kiến trúc?
Chúng ta sống trong những ngôi nhà, học tập ở trường, làm việc trong văn phòng - công sở, sản xuất trong công xưởng - nhà máy, uống cà phê ở quán, mua sắm trong siêu thị, đi du lịch lưu trú ở khách sạn… Nói tóm lại, mọi hoạt động bình thường của con người đều gắn bó, liên quan tới những công trình kiến trúc. Rất nhiều thói quen, hành vi, cách thức của con người đã thay đổi vì Covid-19, và đương nhiên kiến trúc cũng không nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng ấy.
Đã thấy những ảnh hưởng, thay đổi nhất định ở nhiều công trình để đối phó với Covid, ở cả góc độ không gian, công năng, kỹ thuật hay cách vận hành. Với nhà ở, nơi gần gũi nhất với mỗi người - người ta đã quan tâm tới vấn đề thông thoáng, thông gió hơn - theo khuyến cáo của cơ quan y tế. Nhiều gia đình đã lắp đặt quạt thông gió cho nhà ở, mua máy lọc không khí để có một môi trường trong lành và an toàn hơn. Trên nhiều diễn đàn chuyên ngành cũng như báo chí phổ thông, đã có những câu hỏi đã đặt ra về vấn đề an toàn trong hệ thống thông gió của chung cư, liên quan đến thiết kế và thiết bị kỹ thuật. Và có thể trong tương lai, người đi mua căn hộ chung cư sẽ quan tâm đến hướng đón gió chính ở những mặt thoáng chứ không phải hướng cửa ở hành lang theo phong thủy. Cũng trong nhà ở, có phòng ngủ khép kín (có vệ sinh riêng) sẽ trở thành điều cần thiết quan trọng trong trường hợp có người phải cách ly. Ở các cơ quan làm việc trong văn phòng tập trung, nhân viên được cắt giảm với một tỷ lệ lớn làm ở nhà để ở văn phòng người làm việc đảm bảo khoảng cách. Nhiều nhà máy sản xuất trong các khu công nghiệp thực hiện biện pháp 3 tại chỗ, liên quan trực tiếp đến các sinh hoạt ăn, nghỉ của công nhân và điều đó ảnh hưởng trực tiếp tới công năng của kiến trúc.
Dù không có tiêu chuẩn cụ thể, nhưng nhiều nhà hàng, quán cà phê đã bố trí lại chỗ ngồi với khoảng cách giãn hơn thông thường, và lắp đặt những vách ngăn để đảm bảo an toàn. Các công trình công cộng thường tập trung đông người như trung tâm thương mại, điểm tham quan, thư viện… cũng bắt đầu có những giải pháp để thích ứng với Covid mà vẫn duy trì hoạt động. Xe taxi được quây kín cabin tài xế… Đó là những giải pháp ứng phó tạm thời trước mắt đã được thực hiện ở nhiều nơi.
Có thể trong tương lai, nhiều tiêu chuẩn kiến trúc tưởng như bất di bất dịch sẽ thay đổi; liên quan tới khoảng cách con người trong không gian ấy. Điều đó là hoàn toàn có cơ sở, khi không ai dám chắc dịch bệnh Covid-19 sẽ kéo dài đến bao giờ và có những biến thể gì tiếp theo. Ví như có thể có quy định khoảng cách giữa các bàn, chỗ ngồi trong quán cà phê, nhà hàng; số học sinh trong một lớp học (với diện tích cụ thể) là bao nhiêu theo chuẩn mới; khoảng cách giữa những công nhân trong một dây chuyền sản xuất, mật độ nhân viên trong văn phòng… Các không gian kiến trúc cũng sẽ được nghiên cứu và xem xét lại, có thể “không gian mở” không còn là ưu thế thời thượng nữa. Các thiết bị kỹ thuật, hệ thống thông gió an toàn sẽ là một tiêu chuẩn mới trong công trình kiến trúc. Buồng thang máy có thể rộng hơn và tải trọng giảm đi…
Xét cho cùng, mọi công trình kiến trúc làm ra là để phục vụ con người; nên sự thay đổi trong kiến trúc để tạo sự thuận tiện và an toàn hơn cho con người là điều tất nhiên và dễ hiểu. Song vấn để tăng khoảng cách, giảm mật độ nói chung trong công trình kiến trúc sẽ là sự quá tải đè lên hạ tầng, và suy giảm nguồn thu ở góc độ kinh tế. Đó hẳn là một bài toán không hề đơn giản, mà sẽ phải chờ sự thay đổi ở tầm vĩ mô.

Đâu là khoảng cách an toàn trong nhà hàng, quán cà phê?
HÀ THÀNH