Tư vấn
Thiêt kế
Ngày đăng : 02/06/2021 4:23:47 PM
Lượt xem: 512

Hiếm ai đến Paris có thể cưỡng lại sức hút của thành phố này về mặt du lịch qua các danh lam thắng cảnh. Đặc biệt hơn cả là các thư viện lừng danh, nơi những “mọt sách” khắp nơi đều mê mẩn và hệ thống bảo tàng đã thành thương hiệu của Kinh đô Ánh sáng. Tuy vậy, đại dịch Covid hiện gây ra không ít khó khăn với hệ thống du lịch văn hóa “đặc sản Paris” này. Vắng khách du lịch, trong khi chính dân cư bản địa cũng bắt buộc hạn chế tiếp xúc nơi công cộng, nên các thư viện - bảo tàng vốn luôn đông đúc ở Paris trở nên im vắng đến mức kinh ngạc. Vì vậy đến năm 2021, để tồn tại và duy trì hoạt động bền vững, chính quyền Paris đã phải thay đổi phương cách du lịch trải nghiệm trực tiếp bằng du lịch tham quan qua công nghệ và thay đổi đối tượng phục vụ chính cho cả hai loại hình công trình này. Để làm được vậy, các ngành quản lý của Paris đều đã vào cuộc để tìm cách “xoay xở” từ tháng 3.2020, khi đợt bùng phát Covid thứ nhất xuất hiện trên toàn châu Âu.

 

 

 

Trung tâm lưu trữ dữ liệu quy hoạch - kiến trúc Paris với các không gian cách ly phù hợp mùa dịch

 

 

Phát triển đi cùng an toàn y tế
Gần một năm diễn biến phức tạp của dịch Covid đã dẫn đến sự đóng cửa hàng loạt biên giới giữa các quốc gia xung quanh, khiến ngay cả một cường quốc văn hóa và du lịch như Pháp cũng lao đao trong việc tìm hướng phát triển cho hệ thống địa điểm văn hóa - lịch sử, vốn được nuôi sống chủ yếu bằng lượng khách du lịch hằng năm. Khi 70% người tham quan bảo tàng Louvre là khách nước ngoài thì dễ hình dung tỷ lệ thiếu hụt đến 60-75% nguồn thu từ khách tham quan đã gây lao đao cho Louvre và hệ thống bảo tàng Paris như thế nào. Bên phía thư viện cũng vậy, vắng khách vãng lai và du lịch tuy không ảnh hưởng lớn đến doanh thu như bảo tàng, nhưng các quy định giãn cách xã hội lại tác động sâu sắc đến “người nhà”, tức là khiến giới cần tra cứu dữ liệu, sinh viên, học sinh và dân địa phương không thể duy trì thói quen đọc sách, làm việc, giao tiếp tại thư viện công cộng. Từ đó gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sống và kết quả học tập, làm việc, thậm chí một số trường đại học, viện nghiên cứu ở Pháp đã phải đề xuất lại cách đánh giá kết quả học tập nghiên cứu và tiếp thu tri thức do hệ thống thư viện bị tê liệt.
Để cải thiện tình trạng này, chính phủ Pháp và chính quyền Paris một mặt vẫn tìm kiếm khách tham quan cho bảo tàng bằng các phương tiện công nghệ thực tế ảo, mặt khác, đề ra chính sách thay đổi cung cách phục vụ tại thư viện và không gian tra cứu dữ liệu tại bảo tàng, viện nghiên cứu… bởi người dân bản địa và các du học sinh vẫn rất cần sử dụng các dịch vụ tiện ích này. Sinh viên vào thời điểm tháng 4.2020 dù rất cần tài liệu, buộc phải tạo lập các group trên mạng để trao đổi sách vở và kiến thức. Vào đợt phong tỏa tháng 11 vừa qua, dù bảo tàng cũng buộc phải đóng cửa như đợt đầu, nhưng thư viện thì đã rục rịch hoạt động trở lại, thậm chí cho phép vào tra cứu với số lượng người hạn chế. Các thư viện mỗi ngày đều kiểm soát chặt chẽ lượng người ra vào qua hệ thống nhận dạng điện tử, đồng thời điều chỉnh bố trí chỗ ngồi sao cho đảm bảo khoảng cách giữa hai người cạnh nhau từ 1,5m trở lên. Việc đeo khẩu trang là bắt buộc, và các máy rửa tay có mặt ở khắp mọi nơi cũng góp phần tạo nên môi trường học tập, tra cứu an toàn hơn giữa thời dịch Covid. Mỗi ngày, các thư viện chỉ cho phép một số lượng tối thiểu người vào trong để tra cứu, túi xách, đồ đạc đều bắt buộc để lại bên ngoài sảnh. Ngoài ra, các group trên mạng hay các trang web bán sách trực tuyến cũng là một công cụ hỗ trợ đắc lực. Đa phần các hiệu sách đều chuyển qua hoạt động từ xa, giao dịch và chuyển hàng đến tận nhà cho khách. 
Đối với giới làm chuyên môn kiến trúc - nghệ thuật thì Trung tâm lưu trữ dữ liệu xây dựng ở số 18 Boulevard Serrurier, quận 19, Paris, là điểm đến không thể đóng cửa, bởi nhu cầu tra cứu tài liệu gốc luôn rất cần. Tại đây ta có thể tìm kiếm hầu như đầy đủ tài liệu lịch sử, các bộ luật xây dựng, quy hoạch, cũng như bản vẽ và hình ảnh về kiến trúc và quy hoạch Paris và khu vực sông Seine trong lịch sử. Công trình trông có vẻ kín mít từ bên ngoài này do KTS Henri và Bruno Gaudin thiết kế, khánh thành vào năm 1990, mỗi năm đón nhận hơn 8.000 nghiên cứu sinh đến tra cứu và 55.000 lượt tương tác tài liệu. Dĩ nhiên, trong mùa dịch thì công trình này cũng như Thư viện Quốc gia Pháp phải đặt chỗ qua mạng, cho số thứ tự và có lịch hẹn mới được vào. Hình ảnh cứ một ghế ngồi lại đến một ghế lật ngược bên cạnh đống tư liệu nói lên thực trạng hoạt động của Trung tâm dữ liệu giữa thời Covid vẫn bền bỉ và cần mẫn, trái với suy nghĩ của một số người cho rằng “thời nay cái gì cũng có trên internet” bởi mức độ nguyên bản, phân loại khoa học và tính chính xác, hệ thống rất cao của trung tâm “tuy nhỏ mà có võ” này. Hầu như bất kỳ ai đã tham gia vào ngành kiến trúc - xây dựng tai Paris đều không dưới một lần cần tham khảo tư liệu tại đây.

 

 

Thư viện Quốc gia Pháp trụ sở lịch sử ở Richelieu (BNF INHA) vẫn khá đông người tra cứu, làm việc

 

 

Nơi hẹn hò ở “Bốn cuốn sách”
Nói về Thư viện Quốc gia Pháp (BNF) chính là nhắc đến một trong những công trình trọng điểm làm nên diện mạo mới hiện nay cho quận 13 ở Paris. Thư viện có 5 trụ sở và 2 trung tâm bảo quản chính, trong đó BNF Francois Mitterand và BNF INHA là quan trọng nhất. Lịch sử thư viện bắt nguồn từ vua Charles V với bộ sưu tập sách từ bảo tàng Louvre, với nguồn tư liệu tích lũy từ chiến tích và hiện vật trong các cuộc chinh phạt từ khắp mọi nơi trên thế giới. Cũng vì vậy, lượng kiến thức lưu trữ tại đây cực kỳ đa dạng, phong phú, từ Đông sang Tây.
Vì sự phát triển liên tục của một số lượng lớn sách vở tài liệu trong thời đại bùng nổ thông tin, chính phủ Pháp bắt buộc phải thiết kế thêm một thư viện mới bên cạnh trụ sở lịch sử ở Richelieu (BNF INHA) và do đó, thư viện BNF Francois Miterrand khánh thành vào năm 1996, được xây dựng bởi KTS Dominique Perrault, bấy giờ chỉ mới 36 tuổi.
Ý tưởng chính của thư viện là tạo ra hình ảnh những cuốn sách mở bằng các tòa tháp, đặt ở bốn góc của ranh xây dựng, nhìn vào không gian công cộng ở giữa, nơi dễ dàng tiếp cận từ khắp mọi hướng. Cả 4 “quyển sách” tượng trưng cho các lĩnh vực tri thức nhân loại xác định các mốc theo chiều cao, hướng về khu vực vườn theo kiểu nguyên sinh (phát triển tự do) được đặt ở trung tâm. Một sự tái hiện hình ảnh của thư viện lịch sử ở Richelieu với những bức tranh vẽ thiên nhiên được khắc họa từ tường tới trần. Nhưng ở đây BNF là một khu rừng thật sự, được thiết kế ẩn dụ như là cách đề cao tri thức nhân loại của người Pháp, dân tộc luôn xem trọng việc tìm hiểu, khám phá thiên nhiên.
Với ý tưởng đó, tất cả các phòng đọc đều đặt ở phần đế nhằm hướng thẳng ra khu vườn ở giữa, trong khi các khu lưu trữ sẽ được đặt ở phía ngược lại. Cách thiết kế thư viện dạng mở này cộng với việc tích hợp các khu văn phòng được chia ra ở các tòa tháp khiến không gian công cộng của BNF trở thành điểm hẹn lý tưởng của dân cư lân cận và giới trí thức. Mặt khác, cũng chính tầm nhìn thoáng đãng ra sông Seine và trục cảnh quan dọc cầu đi bộ… nên sân trên mái của BNF cũng là điểm hẹn hò tình nhân có tiếng. Trước mùa dịch sẽ dễ dàng bắt gặp các chàng trai với bó hoa bên cạnh chờ người yêu hay những cặp đôi nắm tay ngồi đọc sách… trên khắp các bậc gỗ mênh mông hút mắt của BNF. Do đó, khi BNF Francois Mitterand buộc phải đóng cửa trong mùa Covid, nhiều người dân và du khách mới chợt nhận ra: giá trị của không gian công cộng hay công trình văn hóa không chỉ nằm ở bên trong công trình, mà còn lan tỏa với tính tương tác cao trong bối cảnh đô thị, trong bầu không khí thực tiễn sống động của đời thường. Câu chuyện đến thư viện để hẹn hò thật ra không mới, như Sài Gòn từng có những “con đường tình ta đi” quanh khu đại học Duy Tân (nay là Phạm Ngọc Thạch) hay thư viện góc Lý Tự Trọng, mà nghe đâu dự án phố đi bộ quanh khu hồ Con Rùa đang sắp triển khai. Không biết yếu tố lãng mạn mà rất thực tế này của một góc Sài Gòn thuở nào có được những nhà nghiên cứu, quản lý, thiết kế quan tâm hay không?

 

 

 

“Điểm hẹn hò” ở BNF Francois Mitterand trở nên vắng lặng lúc giao mùa đông - xuân 2020-2021

 

 

Tìm lối ra thời phong tỏa
Đối với hệ thống bảo tàng ở Paris, để tiếp tục hoạt động trong thời nơi nơi đều phong tỏa, cách ly, nhiều bảo tàng đã và đang có những phương án riêng. Ví dụ ở bảo tàng Orsay, họ tổ chức một trang web riêng mới mở để tạo ra một buổi tham quan ảo bằng hình ảnh 3D, giới thiệu từ lịch sử, vị trí, quá trình xây dựng bảo tàng, cách thức tổ chức tham quan và giới thiệu khá chi tiết từng vật phẩm. Nếu bạn ở Việt Nam, hãy tìm đến liên kết này để tham quan xem sao, biết đâu sẽ có thêm một trải nghiệm thú vị về Paris ngay tại dải đất hình chữ S này (https://artsandculture.google.com/exhibit/de-la-gare-au-musée-d-orsay-rénové/ARK7SK5T).
Còn ở bảo tàng Louvre, nơi luôn xứng danh là một trong những bảo tàng hàng đầu thế giới, thì họ xây dựng hẳn một hệ thống tham quan cực kỳ hoành tráng khi toàn bộ không gian đều được tái hiện bằng công nghệ 3D với ánh sáng thực tế cập nhật theo chủ đề. Do đó, người tham quan có thể cảm nhận rõ bố cục, ánh sáng, chi tiết không gian trưng bày các vật phẩm (https://petitegalerie.louvre.fr/visite-virtuelle/saison5/).
Dịch Covid hiện giờ đã là một thách thức, đồng thời cũng mang đến cơ hội để thay đổi. Nếu chỉ nghĩ đến việc đảm bảo an toàn y tế thì cuộc sống xã hội chắc chắn sẽ đóng băng, tê liệt và suy thoái ít ra là về mặt tinh thần, tri thức. Thế nhưng, nếu biết linh hoạt chọn lọc giữa các loại hình hoạt động khác nhau, nắm bắt sự chuyển dịch các nhóm đối tượng sử dụng, tận dụng tối đa lợi thế công nghệ hiện đại, như chính quyền Paris đang tiến hành khá hiệu quả, chắc chắn sẽ có thể biến chuyển những thách thức thành cơ hội để phát triển vượt bậc hơn. Đó cũng như quy luật xoắn ốc tất yếu trong quá trình phát triển của xã hội mà dù ở đâu, thời đại nào cũng cần thấu hiểu và vận dụng linh hoạt.

 

(*) KTS Lê Khánh Vân, thạc sĩ 2 của trường Kiến trúc Quốc gia (ENSA) Paris - Master 2 d’École Nationale Supérieur d’Architecture (ENSA) Paris La Villette

 

Một Paris về đêm vắng lặng hơn, và xuất hiện xe máy cá nhân nhiều hơn khi giao thông công cộng được xem là có nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch

 

Bài KTS Lê Khánh Vân ảnh Vân Lê, Huân Tú và tư liệu

Vàng, cam, xanh dương, tím... bạn muốn thêm một chút màu sắc cho căn nhà của mình thêm phần sống động nhưng bạn cảm thấy bối rối không biết bắt
Hãng thiết kế Stockholm Murman Arkitekter đã hoàn thành một nhà hàng được xây dựng bằng gỗ, có tầm nhìn bao quát tới cảnh quan núi xung quanh tại Thụy
Giới thiệu
Tin tức
Không gian đẹp
Ngôi nhà chung
Tư vấn
Không gian kiến

LIÊN HỆ

Email : hkts@tphcm.gov.vn
Địa chỉ : 88 Mạc Đĩnh Chi, phường Đa Kao, quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại : (84-28) 38291908 - 38273035 ; Fax: (84-28) 38225657 

 

Copyright 2015 Hội KTS TP.HCM. All rights reserved
Hội KTS TP.HCM giữ bản quyền nội dung trên website này.

Đầu trang