Tư vấn
Thiêt kế
Ngày đăng : 18/10/2017 9:09:05 AM
Lượt xem: 791

Xin hỏi quý báo vấn đề: vì sao khu bếp và cách đặt bếp khá quan trọng về phong thủy mà nhà xưa lại làm bếp khá sơ sài và thường đặt khuất ra phía sau? Phải chăng là vì “tốt khoe, xấu che” do bếp Việt thường nhiều mùi.

Hiện nay nhà tôi vào bếp cảm thấy không khí khá khó chịu nhưng không biết chỉnh sửa ra sao vì đã nghe theo thầy phong thủy khi đặt bếp lúc mới xây nhà. Nay nhờ báo tư vấn cách khắc phục sao cho hiệu quả. Phạm Thị Tuyền, đường Nguyễn Thị Minh Khai, TP Vĩnh Long 

 

Thiết kế bếp đơn giản hiện đại, ít ngóc ngách và sáng màu, giúp dễ dàng cho việc lau chùi  

 

Mọi kiêng kỵ hay chỉ định về phong thủy đều sẽ trở nên vô nghĩa nếu như bố trí cụ thể không phục vụ hiệu quả cho các lợi ích người sử dụng, trong đó lợi ích cơ bản và thiết yếu nhất là được hít thở một không khí trong lành. Bước vào nhà, khi thị giác chưa nhận diện được xấu đẹp thì khướu giác đã cảm nhận ngay và đánh giá được một gian bếp, một nơi ở thế nào là trong và lành. 
 
Nhà xưa: tốt khoe, xấu che
Đúng như các nhận xét về nhà xưa: cha ông ta rất khéo trong việc “tốt khoe, xấu che” mà ngày nay hay gọi là kiến trúc thụ động. Đó là những giải pháp không xâm lấn vào môi trường mà nương theo thiên nhiên và thực tiễn sử dụng để giảm hao tốn chi phí xây dựng cũng như năng lượng. Nhà xứ nhiệt đới nóng ẩm mưa nhiều cần “hô hấp” tốt cho nên không quá khép kín với trường khí bao quanh và tạo được mối liên thông trong - ngoài. Kết cấu bao che vì vậy khác với nhà ôn đới hay nhiệt đới khô: ngăn mà không cách, giúp không khí đối lưu tốt nhờ hệ thống hàng hiên vươn rộng làm vùng đệm, mái cao và thềm cao để tránh ẩm thấp, cửa rộng và đóng mở tùy thời điểm, cấu tạo trong đặc có rỗng (các tấm phên, mái lợp lá, tường trình đất...) để điều tiết nhiệt độ. Đặc biệt, cách làm nhà bếp và khu vệ sinh tách biệt so với nhà chính để giảm bớt khói và mùi, đi cùng bao cảnh vườn và ao là những yếu tố sinh thái then chốt giúp giải nhiệt và dẫn gió hiệu quả, tạo phong và thủy một cách rõ rệt nhất. 
Dĩ nhiên, điều kiện về kinh tế và vật liệu thời trước chưa phát triển cũng là nguyên nhân khiến bếp và khu vệ sinh thiếu tiện nghi hơn so với sau này. Nhưng không thể phủ nhận cách chọn vị trí, sắp xếp không gian cho bếp khá khoa học về môi trường và vẫn luôn giữ nguyên giá trị tham khảo đến tận hôm nay. Thậm chí nhiều nhà hiện đại có diện tích rộng vẫn làm 2 khu bếp, trong đó phần bếp trong nhà chỉ là nơi soạn và giao đãi khá sạch sẽ, còn phần bếp nấu nướng dọn rửa thực sự có nhiều “ô nhiễm” đều nằm ra phần phụ bên ngoài, sân sau.
 
Nhà nay: ngăn đúng, chia đủ
Dĩ nhiên thời đại đã thay đổi, đất đai đô thị chật hẹp và công nghệ khử mùi tiên tiến giúp bếp và khu vệ sinh không còn phải “giấu” đi nữa. Bài toán ngôi nhà hô hấp sạch và xanh cho khu bếp cần được giải theo cách chủ động hơn. Từ các nguyên tắc chuyển động của dòng không khí đổi chỗ dựa theo các khoảng trống, khai thác cách mở cửa đối lưu vào sân sau, giếng trời sẽ giúp xử lý khói mùi cho khu bếp trong nhà phố. Có thể so sánh trực tiếp 2 ngôi nhà cùng diện tích nhưng sẽ khác biệt về môi sinh nếu một bên biết mở thoáng mà bên kia thì ngăn chia sai cách, bít bùng. 
Gian bếp nặng mùi hay không còn nằm ở cách thức bố trí và xếp đặt vật dụng - thiết bị bếp. Càng nhiều bề mặt ngóc ngách thì càng lưu bụi và mùi, cảm giác chật chội và khó vệ sinh, bảo dưỡng, tạo thêm nhiều bề mặt tích nhiệt và tỏa nhiệt. Vì thế, phong cách nội thất bếp hiện đại và tối thiểu (minimalism) cộng với sử dụng chất liệu thân thiện môi trường hiện nay đang được ưa chuộng chính vì giúp không gian bếp dễ sử dụng và thoáng đãng hơn là kiểu bếp cầu kỳ hoặc nhiều vật dụng chắp nối thiếu đồng bộ. Cũng không thể chỉ dựa vào thông gió tự nhiên, mà cần trang bị hệ thống hút khử mùi đúng kỹ thuật, dây chuyền nấu nướng dọn rửa hợp lý, thậm chí chớ quên các chỗ phụ trợ như sàn nước, máy hủy rác... để bếp tiện nghi, sạch sẽ hơn.
 
 
 
Dạng bếp mở trong nhà phố nhỏ luôn cần có cửa thông gió ra bên ngoài và sử dụng thiết bị hút khói khử mùi hiệu quả
 
 
Bếp đóng dễ thở, bếp mở tùy nhà
Như vậy khi nhà đã có hệ thống thông gió phù hợp, bếp thiết kế hiện đại tiện dụng, nhưng sao vào bếp vẫn thấy ngột ngạt, vẫn có mùi khó chịu? Vấn đề nằm ở các quan niệm về cách thức bố trí bếp đóng hay mở tùy theo cấu trúc và loại hình nhà ban đầu, cụ thể như sau: 
- Khi bếp không chung đụng với không gian khác, như đặt dưới trệt nhà phố hoặc biệt thự có đủ khoảng trống đón gió và thoát gió, thì cách làm bếp mở sẽ phù hợp. Dĩ nhiên cần tuân thủ các nguyên tắc về đối lưu không khí, tránh dùng nhiều những cấu tạo đặc gây cản gió như xây gạch kín, hoặc cửa lắp kính cố định. Mở nhưng vẫn phải chú ý đến cách nhiệt (chống nóng trực tiếp vào bếp) để giữ vùng mát nơi thường xuyên có đun nấu. Cần lưu ý việc dùng nhiều vật liệu mềm như thảm, rèm, vải nội thất... cũng khiến nhà ở vùng nhiệt đới lưu giữ và tỏa mùi nhiều so với các nhà ở vùng ôn đới hay hàn đới.
- Khi không gian bếp liền kề không gian khác (thậm chí chung với phòng khách hoặc phòng sinh hoạt, trong căn hộ chung cư một số làm bếp khá gần với chỗ ngủ hoặc làm việc), thì nên cân nhắc giải pháp bếp đóng toàn phần hay bán phần. Bếp đóng ở đây là chỉ sự ngăn cách giữa bếp với không gian sinh hoạt, vì cách nấu nướng của người Việt có đặc thù riêng, nhiều gia vị, đồ tươi sống, các loại mắm... mà bếp thông gió tốt đến đâu cũng không thoáng hết, gây ám mùi lên các thành phần khác trong nhà. Các chung cư mới hiện nay đã có giải pháp “đóng bếp” lại khi sử dụng bằng vách kính, cửa lùa, khá linh hoạt. Dĩ nhiên chỗ đun nấu và chậu rửa vẫn mở thoáng được ra bên ngoài, chỉ ngăn cách với không gian bên trong căn hộ mà thôi.
Như vậy, việc tạo ra “khu bếp trong lành“ cần phải đồng bộ các biện pháp đi từ xa đến gần, từ việc bố trí phân khu chức năng, đến quá trình chọn vật liệu, mở cửa, vật dụng… sao cho hợp với điều kiện khí hậu và sử dụng. Tất nhiên cuộc sống hiện đại vốn cần nhiều tiện nghi trong nhà ở, nhưng gia chủ và người làm chuyên môn cần tránh phụ thuộc vào hình thức bên ngoài để quên đi nhu cầu cơ bản nhất của cuộc sống con người: được hít thở tốt để duy trì sức khỏe và sự sống.
 
 
Bếp mở trong căn hộ chung cư chỉ hợp với gia đình nấu nướng gọn nhẹ, ít nặng mùi
 
Bài ThS. KTS Hà Anh Tuấn ảnh Khánh Phương
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống
Vàng, cam, xanh dương, tím... bạn muốn thêm một chút màu sắc cho căn nhà của mình thêm phần sống động nhưng bạn cảm thấy bối rối không biết bắt
Hãng thiết kế Stockholm Murman Arkitekter đã hoàn thành một nhà hàng được xây dựng bằng gỗ, có tầm nhìn bao quát tới cảnh quan núi xung quanh tại Thụy
Giới thiệu
Tin tức
Không gian đẹp
Ngôi nhà chung
Tư vấn
Không gian kiến

LIÊN HỆ

Email : hkts@tphcm.gov.vn
Địa chỉ : 88 Mạc Đĩnh Chi, phường Đa Kao, quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại : (84-28) 38291908 - 38273035 ; Fax: (84-28) 38225657 

 

Copyright 2015 Hội KTS TP.HCM. All rights reserved
Hội KTS TP.HCM giữ bản quyền nội dung trên website này.

Đầu trang