Tư vấn
Thiêt kế
Ngày đăng : 03/01/2018 2:04:42 PM
Lượt xem: 799

Do nhà nhỏ (48 m2) nên tôi bố trí phòng ngủ ngay cạnh gian bếp, và phòng vệ sinh bên cạnh dùng cửa nhựa xếp. Quá trình ăn ở lâu nay cảm thấy bất tiện, mùi bếp và vệ sinh thường ảnh hưởng đến chỗ ngủ nhưng chưa biết khắc phục làm sao.

Có người quen nói rằng nhà tôi làm vậy là phạm phong thủy. Nay chuẩn bị sửa nhà lại tôi dự định sẽ thay đổi sao cho phòng ngủ tiện nghi hơn, nhưng lại gặp vấn đề về thông thoáng nếu ngăn phòng biệt lập. Xin hỏi quý báo cách thức nào để bố trí chỗ ngủ trong nhà nhỏ vừa hợp phong thủy vừa tiện nghi hơn không? Nguyễn Trần Thục Quyên, Tân Phú, TP.HCM

 

 

Khác với các không gian rộng rãi trong nhà vườn hay hay nhà phố rộng nhiều lầu thường bố trí phòng ngủ biệt lập và đầy đủ tiện ích riêng tư, thoáng đãng... không gian nhà ống dạng nhỏ hoặc căn hộ chung cư diện tích dưới 50m2 có thể gặp nhiều khó khăn hơn. Khó thông thoáng chiếu sáng tự nhiên đầy đủ, khó tách biệt được với các không gian khác, khó tạo sự kín đáo riêng tư theo kiểu “tốt khoe xấu che”... khiến việc sinh hoạt ít nhiều bị ảnh hưởng, nhất là với gia đình có từ hai thế hệ trở lên cùng chung sống.
Những cái khó ấy dẫn đến việc thực thi bài trí nội thất hợp phong thủy đối với không gian ngủ trong nhà nhỏ thường cũng khó tuân thủ đúng nguyên tắc truyền thống, mà đòi hỏi phải thay đổi linh hoạt hơn. Có thể đơn cử một số “chống chỉ định” hay gặp cho phòng ngủ - chỗ ngủ dễ gây băn khoăn đối với gia chủ như sau: 
-Tránh nằm ngủ lộ diện ngay từ cửa ra vào
-Tránh bố trí chỗ ngủ kề bên khu vực bếp núc 
-Tránh ngủ nằm sát khu vệ sinh (uế khí xung sát )
-Tránh bố trí giường ngủ trên gác lửng hoặc lầu trùng vị trí bên dưới đặt bếp (nằm đè lên bên trên bếp).
Những cách sắp xếp như vậy, trên thực tế dù gia chủ vô tình hay cố ý lại thường không tránh được nếu ở trong nhà ống nhỏ hẹp thiếu chỗ xoay xở, hoặc căn hộ thiết kế theo kiểu mở, ít ngăn chia vách tường. Khi gặp các trục trặc về sức khỏe hay gia đạo bất an thì hay “đổ lỗi” cho phong thủy và hoang mang không biết nên khắc phục thế nào.
Vấn đề là cần hiểu và vận dụng đúng nguyên tắc phong thủy một cách sáng tạo, khoa học, để khắc phục các nhược điểm kể trên mà không quá ảnh hưởng đến cấu trúc nhà. Vì trong ngôi nhà hay căn hộ nhỏ, khái niệm phân cung rõ ràng hầu như khó khả thi, bếp chỉ là một khoảng nấu nướng với tủ kệ chạy quanh, phòng ngủ chỉ là một góc có kê giường hay trải tấm nệm... Do vậy cần lưu ý sắp xếp các khu chức năng một cách linh hoạt theo vài nguyên tắc sau:


* Nhất vị - nhị hướng: đừng quá đặt nặng chuyện “tôi hợp với hướng nào” ngay từ đầu, mà nên quan tâm đến vị trí và tương quan của các khu chức năng. Điều này mang tính quyết định, giống như quy hoạch chung của một thành phố, cấu trúc chung của một khu vườn hay mặt bằng chung của một ngôi nhà. Không thể có được bố trí chi tiết nếu không giải quyết từ đầu các bố trí tổng thể. Thậm chí, việc phụ thuộc vào hướng (bếp, giường nằm, bàn viết) sẽ gây chi phối, tác động gò bó khiến gia chủ cứ khăng khăng xoay cái này, ép cái kia theo hướng mình (cho rằng) hợp, mà bỏ qua tương quan với các thành phần chung quanh. 
Vị trí đặt phòng ngủ hay giường ngủ trong nhà nhiều lầu - dù nằm ở lầu nào chăng nữa - vẫn nên tuân thủ nguyên tắc Tọa Cát. Tức là nếu sử dụng la bàn phong thủy thì sẽ có cung tốt (cát) và cung xấu (hung), trong đó các vị trí hung sẽ ưu tiên bố trí không gian hung, như là khu vệ sinh, kho, đặt bếp... Ví dụ như vị trí bếp (táo vị) là một không gian thuộc loại hung do vậy khi phân vùng cát hung ngay từ lúc đầu đã phải tách biệt khu vực đặt bếp nấu nên tránh các trục vệ sinh (thủy khắc hỏa, đường ống dẫn nước thải xuyên ngay xuống bếp) còn các không gian khác thuộc bếp như bồn rửa chén, bàn soạn, quầy bar hay tủ lạnh thì có thể linh động. Tương tự, lúc bố trí giường ngủ chỉ cần tránh vị trí của bếp nấu đừng bị giường ngủ của phòng trên đè lên là ổn. Còn lại các bài trí vật dụng khác đều không có trở ngại gì. Khi ổn định vị trí đặt giường rồi thì mới lo đến hướng (nằm ngủ, bàn viết...) cụ thể bên trong sao cho tiện nghi, hạn chế việc nằm ngủ xoay đầu ra cửa đi, khuất tầm quan sát, hay bị dầm đà hay cầu thang đè lên trên... để tránh giật mình khi có người ra vào phòng, bụi bặm trên thang rơi xuống, cảm giác bị đè nén bởi dầm đà...


* Âm dương đúng, ngũ hành đủ: 
Yếu tố âm dương trong không gian sống có thể hiểu đơn giản là các vùng tĩnh hoặc động, tối hay sáng, đối ngoại hay đối nội... Bố trí đúng âm dương là làm sao để bù âm dương cho các vùng thái quá hoặc thiếu quá. Cụ thể như phòng ngủ về cơ bản là thuộc âm, cần tĩnh lặng, chủ yếu đối nội... thì mở cửa sổ vừa đủ, nên nằm tránh hướng nắng gắt, mưa tạt, không nhất thiết phải mở cửa ra sảnh vào hay cửa chính. Tức là yếu tố dương có thể giảm và âm có thể tăng trong khu vực giường ngủ, phòng ngủ. 
Tuy nhiên để xác định thế nào là âm dương đầy đủ thì không có tiêu chí cụ thể cho mọi nhà, mà phải tùy từng tình huống cụ thể. Ví dụ như phòng ngủ có ít nhất một cửa sổ thông thoáng ra ngoài, ban ngày không phải bật đèn suốt, không nằm kề bên lối đi lại ồn ào... thì tương đối đạt về mặt âm dương. Khi xem xét bố trí đồ đạc không quá chen chúc đè nén, hạn chế tivi, máy tính, gương soi, máy lạnh thổi chiếu trực diện vào đầu nằm. Thậm chí có thể dùng loại giường tầng bên dưới đặt bàn làm việc, bên trên làm giường ngủ (nếu đủ chiều cao thông thủy), hay kiểu giường gấp tận dụng diện tích, ban ngày mở lên làm chỗ sinh hoạt thoáng, ban đêm hạ xuống làm chỗ ngủ... thì khá phù hợp cả về tính chất tiện nghi trong nhà nhỏ, lẫn việc cân bằng âm dương.
Trường hợp giường ngủ trong nhà nhỏ phải nằm kế bên phòng vệ sinh thì cần phân biệt không gian ngủ và vệ sinh khác nhau, nên gắn máy hút thông khí cho phòng vệ sinh (vào hộp gain ra ngoài hoặc lên trần), có thể làm vách kính nhưng có rèm để khi cần thì che chắn lại cho kín đáo. Nhà đã nhỏ thì cần hạn chế xây tường nhiều, vừa mất diện tích vừa không đảm bảo thông thoáng và chiếu sáng tự nhiên tốt. Tương tự với khu bếp, với nhà nhỏ hoặc căn hộ chung cư làm bếp dạng liền với phòng sinh hoạt thì xem xét có thể ngăn bằng vách kính, khi nấu nướng thì đóng khu bếp lại, tách khói mùi với phòng ngoài. 
Việc áp dụng ngũ hành trong xử lý nội thất cũng cần tránh thiên lệch, dùng đủ ngũ hành theo thứ tự ưu tiên sẽ giúp nội khí cân bằng hơn. Thứ tự ưu tiên có thể hiểu là xét mệnh chủ của người sử dụng, sau đó ưu tiên hành tương hòa (với hành của bản mệnh) - hành tương sinh ra bản mệnh - hành bản mệnh khắc chế - hành bản mệnh sinh xuất - hành xung khắc với bản mệnh. Ví dụ như gia chủ có bản mệnh là hành Thổ, thì thứ tự ưu tiên là Thổ - Hỏa - Thủy - Kim - Mộc, trong đó các hành ưu tiên thì dùng nhiều, hành hạn chế thì dùng điểm xuyết, tạo cho không gian sự hài hòa có chọn lọc không cực đoan. Điều này tương tự nguyên  tắc ăn uống hợp dưỡng sinh: không quá thiên về một loại thức ăn nào quá mức, dùng kết hợp, xen kẽ, mùa nào thức nấy, điều chỉnh linh hoạt, thay đổi theo không gian và thời gian.

 

 

Với nhà nhỏ cần khai thác hiệu quả các vách ngăn đa năng, kết hợp làm tủ kệ để tách biệt không gian một cách tương đối

 

 

Khai thác tầng lửng để bố trí chỗ ngủ bên trên, tránh nằm “ đè” lên chỗ đặt bếp phía dưới

 

 

Có thể bố trí khoảng nghỉ ngơi nhỏ chứ không nên làm chỗ ngủ dưới gầm thang

 

 

Dùng giường gấp đi liền hệ tủ đề tiết kiệm không gian trong căn hộ nhỏ

 

Bài ThS. KTS Hà Anh Tuấn ảnh Khánh Phương

Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống

Vàng, cam, xanh dương, tím... bạn muốn thêm một chút màu sắc cho căn nhà của mình thêm phần sống động nhưng bạn cảm thấy bối rối không biết bắt
Hãng thiết kế Stockholm Murman Arkitekter đã hoàn thành một nhà hàng được xây dựng bằng gỗ, có tầm nhìn bao quát tới cảnh quan núi xung quanh tại Thụy
Giới thiệu
Tin tức
Không gian đẹp
Ngôi nhà chung
Tư vấn
Không gian kiến

LIÊN HỆ

Email : hkts@tphcm.gov.vn
Địa chỉ : 88 Mạc Đĩnh Chi, phường Đa Kao, quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại : (84-28) 38291908 - 38273035 ; Fax: (84-28) 38225657 

 

Copyright 2015 Hội KTS TP.HCM. All rights reserved
Hội KTS TP.HCM giữ bản quyền nội dung trên website này.

Đầu trang