Tư vấn
Thiêt kế
Ngày đăng : 15/12/2016 10:27:28 AM
Lượt xem: 814

Cuối năm, sức ép thanh toán, quyết toán gia tăng để không chỉ thợ thầy giải quyết công nợ, mà còn nhà cung cấp vật tư - vật liệu, thầu phụ hay đồ đạc trang trí cũng bàn giao đầy đủ, vui vẻ nhiều bên.

 

 

Đừng vì tiến độ công trình mà bỏ qua các vấn đề về bảo hộ, an toàn lao động, chất lượng xây dựng 

 

Nhưng cuối năm cũng là lúc dễ va chạm trong công việc. Gia chủ thì hối thúc, nhân lực thì thiếu hụt, vật tư công xá cũng hay leo thang hoặc khan hiếm, một chữ Nhẫn cần lắm trong giải quyết các vấn đề phức tạp của quy trình xây nhà đến kỳ nước rút.
 Thử ngồi liệt kê các giai đoạn xây nhà và “xài” nhà, chuyện thiếu Nhẫn thấy gặp khá nhiều, ở cả gia chủ lẫn nhà chuyên môn. Hay nói cách khác, đừng để dồn nén những mâu thuẫn do thiếu Nhẫn ở các giai đoạn trước đến sau cùng mới bùng nổ, mới hư bột hư đường. Chuyện xây nhà cũng như chuyện xã hội, đều tích tụ có lửa mới có khói, và không thể sinh ra mâu thuẫn chì từ một phía.

 

1. Ở giai đoạn tư vấn đầu tư, nói nôm na là quyết định cái gì, xây bao nhiêu, làm cho ai, làm thế nào, chuẩn bị tài chính, pháp lý, và các vấn đề liên quan cho ngôi nhà khi nói chỉ... nằm trên giấy thực sự không đơn giản như những ai hay nghĩ đơn giản hóa vấn đề. Đơn giản đến mức coi thường các quy định chung, hay coi thường đến mức đơn giản mọi suy nghĩ để dẫn đến thiếu tôn trọng nhau, đều là thái độ không nên khi tham gia vào việc bắt đầu hình thành công việc xây nhà. Cụ thể như có gia chủ cho rằng chỉ có nâng tầng sửa cái mái làm quái gì phải xin phép, hoặc có ông thầu hùng hổ tuyên bố cứ lấn phòng trên ban-công đi tôi chịu trách nhiệm cho. Các kiến trúc sư hoặc nhà tư vấn biết việc đều không ai “liều” như thế, vì khi bị đình chỉ thi công thì lại nghe bài ca quen thuộc “làm gì khó nhau vậy” hoặc đổ thừa “sao hồi đó biết mà không nói!”.Chữ Nhẫn ở giai đoạn này có thể xem như Nhẫn thử thách sơ khởi trên giấy, tức là phải kiên nhẫn bàn thảo, kiên trì liên hệ các cấp thẩm quyền để giải quyết vấn đề về xin phép, quy định, thủ tục... và cố gắng lắng nghe nhu cầu của mình, muốn gì thì cứ đặt ra, mức độ cấp phép hoặc khả năng tài chính đến đâu thì thiết kế và thi công theo vậy, đừng sơ sài qua loa, nóng vội để rồi... rối tung ở các giai đoạn sau. Nghe mình rồi còn phải biết nhẫn để nghe người, ví dụ các phòng quản lý đô thị đều có hướng dẫn khá cụ thể và chi tiết, nhưng tâm lý gia chủ vẫn theo kiểu nóng vội, nghĩ rằng cơ quan quản lý định “hành” gì mình nên tiếp xúc với thái độ bất hợp tác, sẵn sàng bùng nổ mâu thuẫn, hoặc phản cảm hơn là sẵn sàng... chi tiền để “mua” lấy những gì mình cho là đúng, dù biết rằng điều đó đi ngược, phá vỡ cấu trúc chung, quy định chung.

 

2 . Ở giai đoạn thiết kế, gia chủ cần có sự cân nhắc, tham khảo nhiều thông tin, biết rõ khả năng của mình (về nhu cầu, quy mô, túi tiền, thời gian…) để quyết định đầu tư xây dựng thế nào là  hợp lý. Việc nóng vội trong giai đoạn “lên bản vẽ” này sẽ phải trả giá đắt khi xây dựng (phát sinh, đập bỏ, tốn kém, tranh cãi và kéo dài thời gian thi công) do thiếu kiên nhẫn, không cân nhắc thấu đáo ở khâu hình thành ý tưởng ban đầu. Có gia chủ thể hiện thái độ có vẻ phóng khoáng, làm tới đâu tính tới đó, vô tư chỉnh sửa, tỏ ra thoải mái khi gặp nhà thiết kế. Và cũng không ít kiến trúc sư thấm nhuần quan điểm “phục vụ thượng đế” lên trên hết để nhẫn nhịn cho qua chuyện, hay nói cách khác là chiều lòng khách hàng. Nhưng thực ra, cả hai bên đang thể hiện sự hời hợt thiếu cân nhắc, nên sản phẩm thiết kế theo kiểu “vội vã trở về, vội vã ra đi” như thế khó lòng đảm bảo sự nhất quán, tính chuẩn mực được. Lâu lâu gặp nhà mới làm hỏi thăm thì nghe đồng nghiệp than thở là “bị sửa nát bấy, không nhận ra hình hài ban đầu nữa”. Tại sao vậy?
 Câu trả lời có thể là: tại anh, tại ả, tại cả đôi bên nên mới thành vậy. Nếu có thái độ hợp tác đúng mức thì đôi bên sẽ cùng tìm ra các điểm cốt yếu để giải quyết vướng mắc, thay vì nhìn qua thấy không thích là bỏ, để rồi sinh ra đủ thứ “phương án so sánh”. Lợi thế của thời đại bùng nổ thông tin là gia chủ dễ dàng tham khảo tư liệu qua sách báo, internet, nhưng đó cũng là bất lợi, vì khi gia chủ “lướt” nhanh, những điều chìm khuất trong thiết kế, sự tương tác giữa các bên sẽ bị bỏ qua, chỉ đọng lại những “mẫu nhà tham khảo”, mà nếu tham hay khảo quá nhiều sẽ gây nên bội thực, rối trí và rơi vào kiểu đẽo cày giữa đường.

 

 

 

Giai đoạn “nước rút cuối năm” luôn để lại nhiều bộn bề từ nội thất đến hoàn thiện sân vườn

 

 

3. Ở giai đoạn xây dựng, chữ Nhẫn cần hiểu là thái độ cẩn trọng và biết tuân thủ đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, chứ không phải là kéo dài thời gian, làm cầm chừng.  Khá nhiều chương trình học kỹ sư công trình của các đại học danh tiếng như MIT (Hoa Kỳ) hay Delf (Hà Lan) đều có đề thi trắc nghiệm theo dạng: nếu không biết thì đừng khoanh câu trả lời, khoanh sai sẽ bị trừ điểm, bởi nguyên tắc của ngành công trình là sau này anh sẽ thành kỹ sư, không được phép làm mò, làm thử, làm ăn may, làm chiều lòng chủ đầu tư, để khi xảy ra sự cố thì hậu quả hết sức khó lường. Thực tế hiện nay không ít gia chủ đã thúc ép, dồn nén tiến độ, kiểm tra sơ sài... với sự “đồng lòng” của bên thi công để sớm kết thúc công trình, chạy theo số lượng mà quên chất lượng (vụ cháy quán karaoke tại Hà Nội vừa qua cũng có một phần vấn đề coi thường kỹ thuật). Ai trong nghề làm việc nghiêm túc cũng đều biết rằng có những công đoạn (như đúc sàn, làm móng, chống thấm...) phải cần đủ thời gian đạt chuẩn để kết cấu đảm bảo bền chắc, tạo cơ sở thuận lợi cho phần hoàn thiện, trang trí sau này. Hiện tượng một số chủ đầu tư, chủ thầu đưa ra cam kết theo kiểu thách đố công luận về tiến độ xây dựng “tốc hành” của mình thực ra chỉ mang tính cá biệt, đánh bóng tên tuổi, và như một động thái tạo sự tương phản với đa số công trình công cộng, công trình giao thông khác lâu nay hay làm ăn chây lì. Còn về bản chất, xây nhà dù lớn dù nhỏ đều có thời gian - tiến độ - biện pháp thi công cụ thể, khoa học và phụ thuộc vào thực tế nhân lực, thiết bị, khả năng cung ứng vật liệu, thời tiết… Nhanh hơn hay chậm hơn đều dở, đều lãng phí và đều thiếu hợp lý. “Dục tốc bất đạt”, nhiều công trình kém chất lượng, xảy ra tai nạn lao động cũng vì vấn đề chạy đua tiến độ một cách phản khoa học.

 

4. Ở giai đoạn sử dụng, chữ Nhẫn phụ thuộc vào thái độ, quan niệm của gia chủ. Những ai có kinh nghiệm làm nhà đều khuyên: làm xong nhà chưa nên vào ở ngay (vì vật liệu đang còn mới, có nhiều chất độc trên bề mặt sơn vôi, gỗ hay đá phải một thời gian sau mới bay hơi hết); dọn về rồi lại cần chỉnh sửa bảo trì thường xuyên, tránh tâm lý trang trí, mua sắm đồ đạc theo lối lấp đầy cho xong. Việc dọn nhà vào kịp lễ tết cũng là nếp nghĩ không khoa học, vì muốn đạt được điều đó đôi khi gia chủ phải bỏ ra nhiều chi phí hơn mà cũng chỉ “đẹp ba ngày tết” sau đó vẫn phải làm lai rai tiếp, lãng phí và gây sức ép với các bên khá căng thẳng. 
Nhìn lại ngôi nhà truyền thống của cha ông ta vốn ít đặt nặng đến vấn đề “phô trương mặt tiền” mà chủ trương hài hòa thiên nhiên, đồng bộ với cảnh quan và ẩn náu vào thiên nhiên cũng như cộng đồng cư dân chung quanh. Hiện nay, không ít ngôi nhà đã vướng phải các sai lầm liên quan đến thiếu chữ nhẫn, sa đà vào việc tạo quá nhiều điểm trang trí lòe loẹt phô trương, đơn cử vài trường hợp sau: 
Vật dụng thiếu tương thích: mua sắm vật dụng có thể đắt tiền nhưng lại không phù hợp, như đặt quá nhiều máy móc thiết bị trong không gian ngủ, để xe cộ lẫn vào nơi sinh hoạt… ít nhiều đều thể hiện thái độ nóng vội, thiếu chọn lọc. 
Trang trí không phù hợp: nhà treo quá nhiều tranh ảnh, chủ đề lộn xộn, không phân biệt chính phụ, thể hiện cá tính riêng một cách tùy tiện. Một nội thất đạt được sự đơn giản,  thống nhất, ít rườm rà cần phải có thời gian sử dụng, từ đó cân nhắc để biết đặt vào hay bỏ ra cái gì.
Dùng quá nhiều đèn và thiết bị: đèn dùng trong nhà nếu không đủ sáng hoặc ngược lai, thừa sáng, sẽ ảnh hưởng đến thị giác và tâm lý người cư ngụ. Việc mua đèn và bố trí đèn tràn lan, sử dụng quá nhiều thiết bị, đặt để không đúng chỗ còn gây lãng phí, tốn kém năng lượng và ảnh hưởng xấu đến môi trường sống.
Lạm dụng phong thủy: từ chuyện treo phong linh, đặt bể cá, cho đến việc thỉnh những bùa chú linh vật đem về nhà để cầu tài, cầu lộc một cách nóng vội, nhiều gia chủ thể hiện thái độ xa rời cộng đồng, gốc rễ văn hóa của gia đình mình, bởi cha ông ta xưa luôn xem phong thủy là nếp ăn, nếp ở, là ứng xử văn hóa thuần Việt, chứ không phải là mấy ký hiệu mê tín nhuốm màu văn hóa ngoại lai.
Trong văn hóa truyền thống Việt Nam, chữ Nhẫn luôn được trân trọng như một thái độ sống, hành xử có nghĩ suy thận trọng. Vận dụng chữ Nhẫn trong xây nhà dựng cửa cũng khó như học chữ Nhẫn trong đối nhân xử thế. Nhẫn là sự nhẫn nhịn, không hơn đua tranh giành với láng giềng và môi trường chung quanh, đồng thời biết bền bỉ tạo dựng nơi ăn chốn ở một cách hài hòa, khôn ngoan và hợp lý, không nóng vội. Ngày nay có nhiều điều kiện về phương tiện kỹ thuật, vật chất hơn xưa khi làm nhà, nhưng chữ Nhẫn vẫn còn nguyên giá trị nhắc nhở,  để mỗi người biết cẩn trọng hơn, dung hòa hơn, biết đặt các lợi ích lâu dài về môi trường thiên nhiên và xã hội bên cạnh lợi ích của riêng mình.
Làm nhà chắc ai cũng mong một chữ An - an cư lạc nghiệp! Nhóm bạn đồng nghiệp đôi lần hàn huyên cùng nhau đã kết luận thế. Tôi cũng đồng ý nhưng nói thêm: chữ An là đích đến, còn con đường trải qua phải cần có chữ Nhẫn, luôn cần thêm Nhẫn. Chợt nhớ câu Khổng Tử thời xưa dạy: “Tiểu bất nhẫn, tắc loạn đại mưu” (việc nhỏ mà không nhẫn được, thì việc lớn ắt sẽ hỏng). Làm nhà cũng là việc lớn đời người, với tập hợp bởi vô vàn việc nhỏ. Nhà ở hôm nay có thể to đẹp hoành tráng hơn nếp nhà truyền thống, nhưng để có ngôi nhà an lành và hài hòa lại phụ thuộc vào quá trình làm nhà đủ Nhẫn hay không.

 

 

 

 

Có những chi tiết hoàn thiện tuy đơn giản nhưng nếu không có thời gian để thiết kế, chỉnh sửa, làm thử, cân chỉnh...thì không dễ thực hiện như ý nhà thiết kế và gia chủ


 
Bài KTS Trương Huyền Ân ảnh Quốc Thống
Theo tạp chí Kiến Trúc & Đời Sống
Vàng, cam, xanh dương, tím... bạn muốn thêm một chút màu sắc cho căn nhà của mình thêm phần sống động nhưng bạn cảm thấy bối rối không biết bắt
Hãng thiết kế Stockholm Murman Arkitekter đã hoàn thành một nhà hàng được xây dựng bằng gỗ, có tầm nhìn bao quát tới cảnh quan núi xung quanh tại Thụy
Giới thiệu
Tin tức
Không gian đẹp
Ngôi nhà chung
Tư vấn
Không gian kiến

LIÊN HỆ

Email : hkts@tphcm.gov.vn
Địa chỉ : 88 Mạc Đĩnh Chi, phường Đa Kao, quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại : (84-28) 38291908 - 38273035 ; Fax: (84-28) 38225657 

 

Copyright 2015 Hội KTS TP.HCM. All rights reserved
Hội KTS TP.HCM giữ bản quyền nội dung trên website này.

Đầu trang