Tin tức
Tin trong nước
Ngày đăng : 09/03/2016 2:48:32 PM
Lượt xem: 508

Tháng 11.2015 Singapore khánh thành Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia, bắt đầu với hai bộ sưu tập dài hạn mang tên Nghệ thuật hiện đại Singapore từ thế kỷ XIX và Nghệ thuật hiện đại Đông Nam Á thế kỷ XIX - XX. Bên cạnh đó là hai triển lãm ngắn hạn của hai nghệ sĩ danh tiếng Chua Ek Kay (Singapore) và Ngô Quán Trung (Trung Quốc). Giá vé tham quan bảo tàng là 20 USD/người, tất nhiên dân Singapore vào cửa miễn phí.

 Điều thú vị không dừng lại ở bộ sưu tập nghệ thuật Đông Nam Á lớn nhất thế giới (400 tác phẩm) triển lãm trong bảo tàng, mà chính là câu chuyện Singapore đã chi khoảng 375 triệu USD (khoảng 8.400 tỉ đồng) để chuyển đổi hai tòa nhà cũ, với tổng diện tích 64.000m2 cạnh quảng trường Padang trở thành bảo tàng mỹ thuật hiện đại lớn nhất khu vực.

Tòa Thị chính (năm 1929) và Tòa án Tối cao (năm 1939) được cải tạo, sửa sang và thiết kế lại tạo nên một tác phẩm kiến trúc nghệ thuật mới, mà không hề đánh mất dấu ấn kiến trúc nguyên thủy của những tòa nhà thuộc cơ quan chính phủ được xây dựng hồi đầu thế kỷ XX tại đảo quốc này.

Hai tòa nhà được kết nối tạo thành bảo tàng nghệ thuật lớn nhất Đông Nam Á

Các nhà chức trách Singapore lúc đầu cũng tranh cãi khi tìm chức năng mới phù hợp cho hai công trình được công nhận di tích quốc gia năm 1992, mà vẫn giữ nguyên thiết kế của tòa nhà. Nhiều ý kiến đưa ra, thiết thực và hợp lý nhất là chuyển sang mục đích thương mại như xây dựng một khách sạn giống như khách sạn Fullerton cũng được chuyển đổi từ một tòa nhà chính phủ xây dựng từ năm 1928.

Tuy nhiên, hơn thập niên trước, vị bộ trưởng phụ trách về nghệ thuật đã thuyết phục chính phủ Singapore xây dựng một bảo tàng nghệ thuật quốc gia, và chuyển đổi công năng hai tòa nhà thành nơi trưng bày triển lãm nghệ thuật của Singapore và vùng Đông Nam Á. Điều ông tự tin thuyết phục cho đề xuất của mình là Singapore đang sở hữu nhiều bộ sưu tập nghệ thuật đáng giá và đảo quốc này cần xây dựng một bảo tàng nghệ thuật quốc gia để lưu trữ, trưng bày những tài sản quý giá ấy. Quan trọng hơn, tất cả người dân Singapore đều có thể chiêm ngưỡng bảo tàng như một tác phẩm nghệ thuật và bước vào trong thưởng thức những báu vật quốc gia.

Tác phẩm Em Súng và Hoa, và Chân dung người đàn ông của họa sĩ Trần Trung Tín tại Bảo tàng

Singapore tuyên bố thực hiện tham vọng xây dựng một bảo tàng nghệ thuật quốc gia tại hai tòa nhà mang đậm kiến trúc phương Tây này.

Năm 2007, Singapore tổ chức cuộc thi quốc tế về thiết kế công trình Bảo tàng quốc gia. Năm mẫu xuất sắc nhất được chọn từ hơn 100 mẫu thiết kế của 29 nước tham dự và tiếp tục chọn lại ba mẫu vào vòng trong để triển lãm trước công chúng.

Năm 2008, thiết kế của Studio Milou Architecture (Pháp) kết hợp với nhà tư vấn CPG Consultants được lựa chọn và bắt tay vào thực hiện. Các kiến trúc sư đã nối hai tòa nhà với nhau bằng hai cầu thang (mỗi cầu nặng khoảng 10 tấn) và hệ thống mái che bằng kính kết hợp với thép lá, đón ánh sáng trời vào phía trong tòa nhà. Mái che được chống đỡ bởi những chiếc cột hình cây, tạo nên một không gian kiến trúc hiện đại, gần gũi với cuộc sống con người, tạo thành điểm nhấn kết hợp giữa mới và cũ, quá khứ với hiện tại. Nội thất của hai tòa nhà cũng được thiết kế cho phù hợp với các phòng, sảnh trưng bày, triển lãm của một bảo tàng nghệ thuật; ngoại thất được sơn sửa, tái tạo theo đúng nguyên bản kiến trúc. Không gian trống trên sân thượng còn được thiết kế thành một khu vườn với hai hồ nước phản chiếu, sảnh ngắm nhìn không gian lân cận quanh trung tâm Singapore. Ngoài ra còn có nhà hàng, quán bar và không gian vui chơi để khách tham quan thư giãn, nghỉ ngơi.

Hai tòa nhà được bảo tồn một cách nguyên vẹn, và lại được thổi vào một sinh khí mới, gần gũi với cuộc sống nhờ những những tác phẩm nghệ thuật được đặt trong bảo tàng.

Khu vực cầu nối giữa hai tòa nhà

Biểu tượng của hai tòa nhà chỉ là hai hình chữ nhật đơn giản một cao một thấp đứng kế nhau. Không đồ sộ với các đầu cột kiểu baroque hay những nhành lá vàng hoa văn, không gian của bảo tàng yên tĩnh, đơn giản mà thanh lịch. Quan trọng nhất là tòa nhà chứa đầy lịch sử. Một số vị trí đặc biệt (tòa án, thư viện, khu vực tuyên thệ) vẫn còn được gìn giữ và nằm trong danh sách các địa điểm tham quan riêng trong kiến trúc tòa nhà.

Các nhà chức trách đều cho rằng xây dựng một bảo tàng mới sẽ ít tốn kém và dễ hơn rất nhiều so với việc cải tạo một tòa nhà cũ để dùng vào mục đích mới. Tuy nhiên, đây là một đề nghị hợp lý và ý nghĩa, đặc biệt là bảo tồn và tận dụng được hai tòa nhà cổ, nơi chứng kiến và diễn ra nhiều sự kiện lịch sử của Singapore. Và đúng như nhận định của Thủ tướng Lý Hiển Long, thật may mắn, Singapore đã suy nghĩ rất cẩn trọng để cuối cùng xây dựng một công trình ý nghĩa và tầm cỡ.

Giới yêu hội họa nhận định rằng, Bảo tàng sẽ trở thành một trong những trung tâm trưng bày giới thiệu nghệ thuật hiện đại của cả khu vực Đông Nam Á ra thế giới, nhờ vị thế của Singapore là nền kinh tế mạnh nhất khu vực.

Tác phẩm sơn mài Phong cảnh Việt Nam của Nguyễn Gia Trí, trong bộ sưu tập Đông Nam Á trưng bày tại Bảo tàng

Những tòa nhà cổ được bảo tồn và chuyển đổi công năng để công chúng có cơ hội sử dụng, chứ không dành riêng cho một tổ chức, cá nhân nào khá phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, thậm chí đó là đền thờ, tòa thánh hay tòa nhà chính quyền. Giữ gìn và bảo tồn những công trình mang đậm dấu ấn lịch sử, gắn bó với cuộc sống người dân, cũng như quá trình phát triển của một khu vực là chứng cứ hùng hồn hơn bất cứ ghi chép hay hình vẽ nào có thể chuyển tải.

Tuy nhiên, câu chuyện bảo tồn di sản kiến trúc cho những đô thị loại một tại Việt Nam như Sài Gòn hay Hà Nội vẫn là bài toán hóc búa, đặc biệt khi các nhà hoạch định chưa đặt đúng quyền được sử dụng, thưởng lãm và trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ của người dân đối với các công trình này.

Bài và ảnh Ninh Hạ

Theo Nguoidothi.vn

Nhằm lựa chọn phương án thiết kế tối ưu đáp ứng yêu cầu về quy hoạch, kiến trúc, hiệu quả kinh tế, Bộ Xây dựng đang tiếp thu, lấy ý
Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có công văn số 09/CV-HoREA gửi Bộ Xây dựng, đóng góp ý kiến về những kết quả nổi
Giới thiệu
Tin tức
Không gian đẹp
Ngôi nhà chung
Tư vấn
Không gian kiến

LIÊN HỆ

Email : hkts@tphcm.gov.vn
Địa chỉ : 88 Mạc Đĩnh Chi, phường Đa Kao, quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại : (84-28) 38291908 - 38273035 ; Fax: (84-28) 38225657 

 

Copyright 2015 Hội KTS TP.HCM. All rights reserved
Hội KTS TP.HCM giữ bản quyền nội dung trên website này.

Đầu trang