Giới thiệu
Thông tin hội
Ngày đăng : 02/11/2021 1:29:25 PM
Lượt xem: 466

Đó là một trong những nội dung trọng tâm được nhắc đến trong Quyết định 1528/QĐ-TTg phê duyệt “Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060” mà Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký ngày 14.9. Ngay sau đó, ngày 16.9, quyết định 1538/ QĐ-TTg phê duyệt “Nhiệm vụ quy hoach chung thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM đến năm 2040” cũng được công bố. Đây là những sự kiện quan trọng liên quan đến định hướng phát triển TP.HCM trong ít nhất là 40 năm tới.

 

 

Quyết định 1528/QĐ-TTg nêu rõ, việc xây dựng tầm nhìn mới theo ý tưởng: “TP.HCM là thành phố đổi mới, sáng tạo, phát triển năng động, tiên phong trong vùng đô thị lớn; trở thành trung tâm kinh tế tri thức, kinh tế biển và giao thương quốc tế của Việt Nam, trung tâm tài chính và dịch vụ của khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương; có chất lượng sống tốt và môi trường làm việc hấp dẫn, có tính đa dạng văn hóa, bảo tồn di sản và cảnh quan sông nước, có hạ tầng đô thị bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Nội dung điều chỉnh Định hướng phát triển không gian đô thị là điều chỉnh mô hình phát triển, cấu trúc không gian toàn TP.HCM đảm bảo gắn kết chặt chẽ với mô hình phát triển và cấu trúc không gian vùng, kết nối các đô thị trọng điểm trong vùng TP.HCM; đặc biệt lưu ý mối quan hệ giữa TP.HCM với thành phố Thủ Đức, giữa khu Cảng hàng không quốc tế Long Thành và hệ thống cảng biển để hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của TP.HCM; đảm bảo phù hợp với phương án phát triển của các quy hoạch ngành quốc gia có liên quan đến phạm vi không gian thành phố; phù hợp với đặc thù của điều kiện địa hình, địa chất thủy văn và năng lực của hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại từng khu vực phát triển; phát triển bền vững về môi trường sinh thái, bảo vệ những cấu trúc sinh thái tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, đảm bảo tính chống chịu và khả năng phục hồi trước những tác động biến đổi; gắn với lộ trình chuyển đổi các huyện thành quận theo định hướng tổ chức đơn vị hành chính của thành phố.

Việc định hướng phát triển không gian cho khu vực đô thị trung tâm hướng tới gia tăng giá trị, sức hấp dẫn, đặc trưng và bản sắc riêng cho thành phố, tạo điều kiện thu hút đầu tư cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và phát triển đô thị. Không gian cho khu vực đô thị trung tâm cần khai thác các trục cảnh quan sông rạch của thành phố gắn với phát triển kinh tế dịch vụ, xây dựng hạ tầng xanh đa chức năng như giao thông thủy, điều tiết nước, không gian mở công cộng, và tạo dựng bản sắc cảnh quan sông nước đặc trưng; tạo điều kiện cho công tác thu hút đầu tư bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa lịch sử, xây dựng hệ thống không gian mở, cây xanh, các quảng trường chức năng… gắn với các dự án phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông công cộng.

Dự báo quy mô dân số toàn TP.HCM đến năm 2040 khoảng 13 - 14 triệu người, quy mô đất phát triển đô thị khoảng 100.000 - 110.000 ha.

Về tố chức thực hiện, Quyết định 1528/QĐ-TTg nêu Cơ quan tư vấn lập quy hoạch được “lựa chọn theo quy định” và thời gian lập đồ án 15 tháng.

Trao đổi với KT&ĐS, KTS Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM cho biết, nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch bao gồm những nội dung trọng tâm, là mục tiêu chung và có tính pháp lý của đồ án. Nhiệm vụ thiết kế cũng định hướng được chiến lược phát triển của thành phố. Nhiệm vụ này được xây dựng dựa trên thực trạng kinh tế xã hội trong nước, của khu vực và cả thế giới, đề xuất từ quận huyện ban ngành, tổng kết qua nhiều khâu lên UBND thành phố là cấp trình duyệt, Bộ Xây dựng thẩm định và Chính phủ ra quyết định.

Về nội dung cụ thể, KTS Khương Văn Mười nhấn mạnh đến yếu tố cảnh quan sông nước đặc trưng trong nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung lần này. KTS Khương Văn Mười phát biểu, nếu trước đây có thể coi Sài Gòn- TP.HCM là thành phố nằm một bên sông Sài Gòn thì với việc phát triển đô thị hiện nay, sông Sài Gòn đã nằm giữa thành phố, liên kết một bên là thành phố cũ và một bên là đô thị mới. Việc khai thác trục cảnh quan sông rạch, tạo dựng bản sắc cảnh quan sông nước đặc trưng... là những nội dung chính xác và cần thiết.

 

image

Cầu Sài Gòn nối từ thành phố Thủ Đức sang thành phố Hồ Chí Minh

 

Quyết định 1538/QĐ-TTg nêu rõ một trong những tính chất đô thị của thành phố Thủ Đức là trung tâm đổi mới sáng tạo dựa trên nền tảng kinh tế tri thức, khoa học - công nghệ và hợp tác phát triển; tập trung vào các lĩnh vực giáo dục đào tạo bậc cao, nghiên cứu và sản xuất công nghệ cao, tài chính và thương mại- dịch vụ; có vai trò là hạt nhân trong đổi mới sáng tạo, phát triển hạ tầng số của thành phố và vùng TP.HCM. Quyết định này cũng quy định cơ quan tư vấn lập quy hoạch được “lựa chọn theo quy định” với thời gian lập đồ án không quá 12 tháng.

TP.HCM đã tổ chức cuộc thi “Ý tưởng quy hoạch phát triển khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TP.HCM” hồi cuối năm 2019 và chọn được đồ án giải nhất thuộc về liên danh Sasaki Associates Inc (Hoa Kỳ) - Encity Urban Solutions PTE.LTD (Singapore).

Theo KTS Khương Văn Mười, do đã có cuộc thi nên đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Thủ Đức có thể giao cho tư vấn nước ngoài thực hiện và thời gian 12 tháng là khả thi. Với đồ án điều chỉnh quy hoạch chung, TP.HCM nên giao Sở Quy hoạch Kiến trúc chủ trì, có thể mời chuyên gia trong và ngoài nước cùng các đơn vị tư vấn nhiều kinh nghiệm tham gia và thời gian 15 tháng là phù hợp. Dự kiến, khoảng cuối năm 2022 sẽ có điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Đây là điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM lần 3 sau khi chính thức công bố Quy hoạch chung 1993 và điều chỉnh lần 1 năm 1998, điều chỉnh lần 2 năm 2010.

 

TƯ LIỆU QUY HOẠCH VÀ CÁC LẦN ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH CHUNG TP.HCM

 

Năm 1993- Trích quyết định 20-TTg ngày 16.1.1993 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể xây dựng TP.HCM:
Quan điểm và phương hướng chỉ đạo quy hoạch xây dựng thành phố:
Về kinh tế, TP.HCM là trung tâm công nghiệp lớn nhất của cả nước, là trung tâm khoa học -kỹ thuật, trung tâm giao dịch thương mại- tài chính và dịch vụ, là đầu mối giao thông thuận lợi để giao lưu ở khu vực phía Nam, giao lưu trong nước và quốc tế.
Quy hoạch tổng thể và các giải pháp kiến trúc của thành phố cần thể hiện được tính dân tộc, tính nhân dân, tính hiện đại và tính hiệu quả; kết hợp được các yếu tố về văn hóa, xã hội, yêu cầu tổ chức lao động và tổ chức đời sống, sinh hoạt nghỉ ngơi giải trí của nhân dân, đảm bảo tốt điều kiện môi sinh, môi trường trong và ngoài thành phố, đồng thời đáp ứng yêu cầu về quốc phòng và an ninh.
Về quy mô dân số: cần chủ động và thực hiện các biện pháp không chế để đến năm 2010 tổng số dân của thành phố không qua 5 triệu người.

 

Năm 1998- Trích quyết định 123/1998/QĐ-TTg ngày 10.7.1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2020:
Điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2020 nhằm xác định vị trí, vai trò đặc biệt của thành phố trong mối quan hệ với vùng trọng điểm phía Nam, với cả nước và quốc tế; đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; kết hợp tốt giữa xây dựng, phát triển với bảo đảm an ninh, quốc phòng, giữa cải tạo với xây dựng mới, để khắc phục những bất hợp lý trong cấu trúc của thành phố do lịch sử để lại, nhằm xây dựng TP.HCM trở thành một đô thị hiện đại, vừa có bản sắc dân tộc, là một trung tâm kinh tế, một trung tâm giao dịch quốc tế và du lịch của cả nước, có vị trí chính trị quan trọng của nước ta ở phía Nam, với các nước trong khu vực và quốc tế.
Đến năm 2020 và lâu dài, quy mô dân số thành phố khoảng 10 triệu người, trong đó khu vực nội thành khống chế khoảng 6 triệu người.
Về kiến trúc và cảnh quan đô thị: Việc cải tạo các khu vực nội thành cũ phải bảo đảm giữ gìn, tôn tạo các di sản văn hóa, lịch sử, các công trình kiến trúc có giá trị, cải tạo và nâng cấp cơ sở hạ tầng, di chuyển nhà ở trên và ven kênh rạch để bố trí nơi ở mới cho nhân dân có điều kiện cải thiện nơi ở, tăng thêm diện tích cây xanh, các công trình phục vụ công cộng; ... Các khu phát triển mới phải được xây dựng theo hướng hiện đại, văn minh, bền vững; chú trọng phát triển hệ thống cây xanh, công viên, mặt nước; tổ chức các khu đô thị mới theo hướng có cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ, tăng tỷ lệ trung bình tầng cao, triệt để khai thác không ngầm và trên không, mật độ xây dựng thấp, ưu tiên đất cho không gian thông thoáng; xây dựng các khu sản xuất, các trung tâm thương mại, dịch vụ, đào tạo và nghiên cứu khoa học, các khu nghỉ ngơi giải trí, đáp ứng nhu cầu vật chất và tinh thần ngày càng cao của nhân dân.

 

Năm 2010 - Trích Quyết định 24/QĐ-TTg ngày 6.1.2010 về Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2025:
Tính chất: Là đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước; đầu mối giao lưu quốc tế; trung tâm công nghiệp, dịch vụ đa lĩnh vực của khu vực và Đông Nam Á.
Quan điểm: Phát huy vai trò đặc biệt của thành phố trong mối quan hệ với Vùng TP.HCM, Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, với cả nước và quốc tế; Phát triển hài hòa, đồng bộ giữa xây dựng mới và cải tạo chỉnh trang đô thị; giữa phát triển không gian đô thị và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bảo vệ môi trường; Phát triển thành phố hiện đại, có bản sắc; phát huy thế mạnh đặc thù sông nước, đồng thời tạo sức hấp dẫn của đô thị; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Mục tiêu phát triển: Xây dựng TP.HCM phát triển bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa và bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh, quốc phòng theo hướng liên kết vùng để trở thành một thành phố văn minh, hiện đại, đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển của khu vực phía Nam và cả nước; từng bước trở thành một trung tâm công nghiệp, dịch vụ, khoa học công nghệ của khu vực và Đông Nam Á.
Dự báo dân số đến năm 2025 khoảng 10 triệu người, khách vãng lai và tạm trú (dưới 6 tháng) khoảng 2,5 triệu người. Dân số nội thành khoảng 7,0 đến 7,4 triệu người. Dân số ngoại thành khoảng 2,6 đến 3,0 triệu người (trong đó dân số nông thôn khoảng 0,5 triệu người).

 

Bài Hy Hưng ảnh Đinh Quang Tuấn

 

Theo báo Tuổi trẻ ngày 1.10, thành phố Hồ Chí Minh đã công bố quyết định của Thủ tướng phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn năm 2060 vào chiều 30.9. Tại buổi công bố, Phó chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình đã chỉ đạo việc xây dựng đồ án quy hoạch chung của thành phố lần này phải đồng bộ với quy hoạch kinh tế xã hội, quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch chuyên ngành đồng thời phải thể hiện rõ thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế thương mại khu vực phía Nam, là nơi giao lưu kinh tế của tất cả các tỉnh thành trong vùng. Cùng ngày, sở Quy hoạch Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh đã phát động cuộc thi bình chọn "Ý tưởng quy hoạch chung thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn 2060". Cuộc thi dự kiến công bố kết quả ngày 05.1.2022. Các bài tốt sẽ được Sở Quy hoạch Kiến trúc đưa vào đồ án điều chỉnh quy hoạch chung của TP.

Hội Kiến trúc sư TP.HCM vừa tiến hành khai trương showroom tại số 88 Mạc Đĩnh Chi. Ngoài phòng trưng bày rộng 90m² được thiết kế đẹp, bài bản,
Trong 5 năm từ 2010 đến 2015, sau giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ cuối thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, tình hình kinh tế Thành phố Hồ
Giới thiệu
Tin tức
Không gian đẹp
Ngôi nhà chung
Tư vấn
Không gian kiến

LIÊN HỆ

Email : hkts@tphcm.gov.vn
Địa chỉ : 88 Mạc Đĩnh Chi, phường Đa Kao, quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại : (84-28) 38291908 - 38273035 ; Fax: (84-28) 38225657 

 

Copyright 2015 Hội KTS TP.HCM. All rights reserved
Hội KTS TP.HCM giữ bản quyền nội dung trên website này.

Đầu trang