Chuyện thời sự nóng trong lĩnh vực những ngày trước và cả sau tết là thông tin về “nghĩa trang Yên Trung phục vụ nhu cầu an táng cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước; các anh hùng, danh nhân của đất nước với nguồn vốn dự kiến khoảng 1.400 tỷ đồng từ ngân sách”.
Trong kiến trúc, các công trình nghĩa trang, đài tưởng niệm là những công trình đặc biệt cần đầu tư bài bản và chi tiết về mặt sáng tạo, thiết kế. Qua kinh nghiệm của bản thân khi thiết kế Đài Tưởng niệm, Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Ninh Thuận và công trình đã đạt giải thưởng Kiến trúc Quốc gia năm 1996 thì những yêu cầu trên đây là rất rõ. Tuy nhiên, bài viết này chưa nói đến chuyện thiết kế kiến trúc, chuyện tiêu chuẩn xây dựng của nghĩa trang Yên Trung.
Trong bài viết này, chúng tôi muốn trao đổi với bạn đọc về mục tiêu, tính cấp bách của việc xây dựng công trình.
Đọc thông tin về nghĩa trang Yên Trung tôi nhớ ngay đến Nhà bảo tàng Pác Bó. Bạn đọc sẽ hỏi công trình này nằm ở đâu, sao chưa nghe tới bao giờ! Đúng là công trình ấy chỉ từng có dự kiến và chỉ rất ít người có liên quan mới biết chuyện này. Nếu bạn đọc xem qua bản vẽ sơ phác kèm theo bài này sẽ thấy thời gian là tháng 8-1967. Đã hơn 50 năm trôi qua.
Ngày ấy tôi còn làm ở Viện Thiết kế Dân dụng thuộc Bộ Kiến trúc (nay là Bộ Xây dựng). Thời gian đó, có chủ trương xây dựng một nhà bảo tàng tại khu lưu niệm Pác Bó hiện nay, là nơi ở và làm việc đầu tiên của Bác Hồ sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước đã trở về tổ quốc tại biên giới Việt - Trung thuộc tỉnh Cao Bằng. Tháng 8.1967, Bộ Kiến trúc cử một đoàn kiến trúc sư, kỹ sư lên Cao Bằng nghiên cứu thực địa để chuẩn bị thiết kế, làm phương án trình lên trên. Đoàn có khoảng 10 người và tôi là một thành viên. Còn nhớ chúng tôi được cử đến ăn ở tại nhà của ông Lê Quảng Ba, một cán bộ kỳ cựu ở Cao Bằng lúc đó đang làm việc ở Ủy ban Dân tộc Trung ương. Chúng tôi đã khảo sát thực địa, vẽ ghi ở tất cả các địa điểm xung quanh khu vực Pác Bó gồm có hang Pác Bó, suối Lê Nin, núi Các Mác và cả lán Khuổi Nậm (là nơi họp Hội nghị Trung ương lần thứ 8). Cần nói thêm là tỉnh Cao Bằng rất ủng hộ chủ trương xây dựng một Nhà bảo tàng Pác Bó bằng cách tạo điều kiện cho đoàn làm việc. Đồng bào các dân tộc và lãnh đạo tỉnh luôn thể hiện vinh dự có được di tích lịch sử Pác Bó đã gắn với Bác Hồ vào những ngày đầu cách mạng. Sau lần khảo sát đầu tiên tháng 8.1967, chúng tôi còn các chuyến công tác lên đó vào tháng 10 và 11 năm 1967 để hoàn thành phương án. Tỉnh Cao Bằng cũng đã lập bộ phận chuyên trách chuẩn bị mặt bằng để thi công.
Khi phương án đang hoàn thành, Bộ Kiến trúc và tỉnh Cao Bằng cùng báo cáo lên Hồ Chủ Tịch. Tôi không được dự buổi báo cáo đó nhưng chỉ biết là chủ trương xây dựng Nhà bảo tàng Pác Bó bị ngừng lại. Các anh lãnh đạo Bộ Kiến trúc và Viện Thiết kế Dân dụng kể rằng Bác Hồ đã nghe báo cáo và đặt câu hỏi “xây bảo tàng để làm gì”, Người so sánh tính cấp thiết của bảo tàng với các nhà trẻ, trường học cho trẻ em còn thiếu thốn và quyết định dừng việc xây Nhà bảo tàng Pác Bó.
Từ đó Trung ương đã quyết định dừng việc xây dựng bảo tàng. Riêng đối với Cao Bằng, do ý nghĩa của công trình và cũng do chủ trương đã được công bố ở mức độ nhất định với đồng bào địa phương nên tỉnh đã làm một nhà trưng bày với quy mô nhỏ ở ngoài khu vực bản Pác Bó, ít tốn kém hơn nhà bảo tàng.
Đến đây thì có lẽ bạn đọc đã biết vì sao lại có tên gọi Nhà bảo tàng Pác Bó dù thực tế chưa hề có công trình này. Đầu xuân kể lại chuyện cũ để nhấn mạnh đến sự chỉ đạo của Bác Hồ về tính cấp thiết của các công trình khi sử dụng đồng tiền nhà nước. Có lẽ trong chúng ta không ai cần phải giải thích thêm về ý nghĩa của Pác Bó đối với nước ta nói chung và đối với đồng bào Việt Bắc, đồng bào Cao Bằng nói riêng. Vậy nhưng đặt trong sự so sánh với việc xây trường học, nhà trẻ, Bác Hồ vẫn quyết dành ưu tiên nguồn lực ngân sách cho nhà trẻ, trường học cho trẻ em. Tư tưởng lo cho dân trước của Bác Hồ thể hiện rất rõ ở trường hợp này.
Bối cảnh đất nước ta hiện nay đã khác xa so với năm 1967 nhưng không phải trẻ em đã có đủ trường lớp, có đủ điều kiện học tập. Đọc trên báo chí nhà nước ta vẫn có thể thấy ở rất nhiều vùng, trẻ em bị thiếu ăn, thiếu trường lớp, trẻ em phải đi học trong điều kiện giao thông cực kỳ khó khăn, phải học trong những ngôi trường chưa đủ điều kiện tối thiểu…
Đành rằng việc xây dựng nghĩa trang quốc gia cũng có lý do của nó, đành rằng 1.400 tỷ không phải là không có thể, nhưng đặt trong sự so sánh với điều kiện học tập của trẻ em như đã nói ở trên thì trong bối cảnh hiện nay, có nên làm nghĩa trang quốc gia hay không?
“Bộ Xây dựng và UBND thành phố Hà Nội vừa phối hợp công bố quy hoạch xây dựng nghĩa trang Yên Trung (Thạch Thất, Hà Nội) với nguồn vốn dự kiến khoảng 1.400 tỷ đồng từ ngân sách. Theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt ngày 3.5.2017, nghĩa trang này sẽ phục vụ nhu cầu an táng cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước; các anh hùng, danh nhân của đất nước. Nghĩa trang Yên Trung gồm khu an táng 72ha và khu đệm cây xanh cảnh quan trên 47ha. Nghĩa trang dự kiến sẽ có 2.200-2.500 ngôi mộ; mỗi ngôi có khuôn viên 25-35m2”.
(Theo http://plo.vn ngày 3.2.2018)
PGS.TS.KTS Nguyễn Khởi