Giới thiệu
Thông tin hội
Ngày đăng : 09/09/2023 6:35:26 AM
Lượt xem: 582

Khi buổi trình bày chuyên đề “Tứ quý kiến trúc” kết thúc, khán phòng rộ lên những tiếng vỗ tay hoan hô hai diễn giả. Điều thú vị của buổi hội thảo là những chia sẻ chân thành của hai diễn giả và nhiều thông tin hấp dẫn giống “chuyện bây giờ mới kể” trong lãnh vực được công bố.

Cái tựa gây thắc mắc “Tứ quý kiến trúc” thực ra lại là những điều “rút ruột ra mà nói” của KTS Nguyễn Trường Lưu và KTS Trần Đình Thông chia sẻ từ thực tế hành nghề của chính họ, suốt từ ngày ngồi trên ghế nhà trường đến quá trình làm việc mấy chục năm qua, cả ở trong và ngoài nước. Mục “Câu chuyện kiến trúc” kỳ này của Kiến trúc & đời sống ghi lại và chuyển đến bạn đọc phần nào thông tin từ buổi chia sẻ thú vị trên.
 
KTS Nguyễn Trường Lưu và KTS Trần Đình Thông trong buổi nói chuyện về “Tứ quý kiến trúc”
 
Ý tưởng - linh hồn của tác phẩm kiến trúc 
KTS Trần Đình Thông tốt nghiệp khoa kiến trúc từ đại học danh tiếng Yale (Hoa Kỳ). Các vấn đề mà ông nêu ra hầu hết được đúc kết từ những tháng ngày học tập từ ngôi trường này. 

Theo KTS Trần Đình Thông, ý tưởng phải đi đến mục đích nhất định. Không phải ai sinh ra cũng có sẵn trong đầu các ý tưởng. Ý tưởng có thể học được, trau dồi, rèn luyện được. Muốn có ý tưởng tốt hãy tập cho mình biết nghe phản biện, chấp nhận sự phê bình ngay trong quá trình học. Khả năng phản biện, phê bình của sinh viên đại học Yale tăng dần theo từng năm vì được học và rèn luyện trong môi trường có “những lời phê bình mang tính xây dựng!”.
 
KTS Trần Đình Thông cho rằng “những lời phê bình mang tính xây dựng thì luôn tốt” nên khi mình phê bình người khác cũng phải có tính xây dựng. 

Sáng tạo là việc “cơm bữa hàng ngày” của kiến trúc sư. Sáng tạo là một tiến trình chứ không phải là một cái gì đó “mì ăn liền”. 

Sáng tác tự do là điều vô cùng quan trọng. Nghề kiến trúc là sáng tạo trên bản vẽ trước khi ra công trường. 

“Khi đi học, thầy cô có nói nếu bầu trời là giới hạn của mình thì mình phải vượt qua bầu trời đó”, KTS Trần Đình Thông nêu. Tự do sáng tác là mình có thể chấp nhận bất cứ cái gì mình thích và cũng có quyền từ chối cái mà mình không thích. Đồng thời, mình phải có quyền biểu đạt sự tự do đó. Nếu mất tự do, mình sẽ bị hạn chế trong việc có ý tưởng tốt. 

Trụ đỡ thứ 4 trong phần ý tưởng là hợp tác, cùng làm việc với nhau. Nếu mình có ý tưởng tốt mà không có tính hợp tác thì rất khó làm việc. Trong kiến trúc, ta không chỉ cần hợp tác tốt với đồng nghiệp mà còn cần hợp tác với các tài năng của lãnh vực khác.  
 
KTS Nguyễn Trường Lưu trình bày thêm về ý tưởng sáng tạo của một số ngành nghệ thuật khác với tư cách là Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM. Theo ông, bản chất của nghệ thuật là sáng tạo, trong đó ý tưởng là linh hồn của tác phẩm.

Khi một nhà văn hay một họa sỹ có cảm xúc dâng đến mức rung động phải sáng tạo thì nhà văn, họa sỹ bắt buộc phải viết, phải vẽ ra tác phẩm. 

Sự sáng tạo của ngành kiến trúc có điều khác biệt so với các loại hình nghệ thuật khác. Tác phẩm kiến trúc là công trình xây dựng và sự rung động, sáng tạo của kiến trúc sư chỉ bắt đầu sau khi có đơn đặt hàng. 

Thực tế hành nghề cũng có những trường hợp có thể phản biện lại “ý tưởng sáng tạo”.

KTS Nguyễn Trường Lưu dẫn chứng, chủ nhà gặp kiến trúc sư và nói, “Tôi muốn xây cái biệt thự theo mẫu này” và đưa ra ảnh một công trình kiến trúc. Ba ngày sau, chủ nhà lại đưa ra một mẫu kiến trúc khác. Kiến trúc sư làm theo chủ nhà, cuối cùng thì biệt thự cũng hoàn thành, chủ nhà thỏa mãn và khen kiến trúc sư: “Anh giỏi thật, anh làm ra công trình cả làng không ai có”.

Trường hợp khác, chủ nhà muốn làm căn nhà phố 5x20 mét nêu yêu cầu với kiến trúc sư: “Tôi muốn có 3 phương án”. Thế là kiến trúc sư vẽ 3 phương án. Chủ nhà họp gia đình lấy ý kiến, vợ thích thế này, con thích thế kia. Sau đó chủ nhà gặp kiến trúc sư bảo, “Anh tổng hợp lại, lấy cái cong cong từ phương án này đưa vào phương án kia”. 

KTS Nguyễn Trường Lưu đặt vấn đề, với cách làm như vậy, có thể gọi là công trình có ý tưởng sáng tạo hay không? Mỗi anh chị em kiến trúc sư hãy tự tìm câu trả lời? 

Về một công trình có ý tưởng, KTS Nguyễn Trường Lưu dẫn chứng công trình kinh điển Nhà trên thác nước của Frank Lloyd Wright được xây dựng năm 1935. Thân chủ đặt Frank Lloyd Wright làm một căn nhà.  Frank Lloyd Wright lúc đó theo trường phái hữu cơ và ông đã làm một ngôi nhà trên thác nước, không ảnh hưởng gì đến thiên nhiên. 

Công trình Nhà trên thác nước là ngôi nhà đẹp, tồn tại suốt mấy chục năm qua và hiện đã trở thành bảo tàng cho mọi người tham quan. Nhà trên Thác nước là công trình có ý tưởng. 

Mong rằng kiến trúc chúng ta cũng có những công trình đáng để đời như vậy. 
 
Các kiến trúc sư, sinh viên tham dự buổi nói chuyện với chủ đề “Tứ quý kiến trúc” sáng ngày 19.8.2023 tại Hội Kiến trúc sư thành phố, 55 Mạc Đĩnh Chi, Q.1
 
Tự thân sáng tạo, tính chuyên nghiệp và sự thành công sạch, đẹp
Trụ thứ 2 của tư duy kiến trúc tức Ý đồ là tập hợp của nhiều ý tưởng được sắp xếp có hệ thống theo một trật tự sắp xếp nhất định. Tư duy - lý luận có vai trò rất quan trọng, là cội rễ trong việc hình thành ý đồ tốt. Mọi người có thể tập luyện, bổ sung tư duy, lý luận cần thiết cho trụ 2 bằng cách học, học liên tục. 

KTS Trần Đình Thông giới thiệu một slide là bức ảnh những sinh viên đặt quả táo trên đầu. 

Quả táo rơi xuống đầu Newton là một giai thoại nhiều người biết. Dưới tác dụng của lực hấp dẫn, quả táo rơi theo phương thẳng đứng, quả của cây nào thì rơi thẳng xuống gốc cây đó. Nghề của mình không sao chép ai hết. Điều đầu tiên khi bước chân vào trường đại học là tất cả phải tôn trọng luật bản quyền, quyền tác giả, quyền tác phẩm. Đây là lời thề của tất cả sinh viên khi bước chân vào trường đại học. Khi bị phát hiện đạo văn hoặc đạo bất kỳ cái gì là ngay lập tức bị đuổi học, bị cấm cửa không vào bất kỳ trường đại học nào khác trong 10 năm.  

Lĩnh hội - Truyền tải là kỹ năng cần rèn luyện. Phải biết lĩnh hội và truyền tải thông tin một cách tốt nhất thì mới có ý đồ tốt. Truyền tải nhưng phải có “giải mã” thông tin sao cho mọi người hiểu, tránh sự không rõ ràng. 

Kỹ năng thú tư của Ý đồ là hội nhập và phát huy. KTS Trần Đình Thông dẫn ý phát biểu của một cựu sinh viên Yale là Bill Clinton, nguyên tổng thống Hoa Kỳ khi về thăm trường, “hoặc là tiến bộ hoặc tự loại mình khỏi cuộc chơi”, nếu ta không hội nhập và phát huy thì ta mãi lạc hậu. 

Trụ 3 là Ý tứ, rất quan trọng với nghề kiến trúc. Ý tứ có thể hiểu đơn giản là sự cẩn thận, gìn giữ, chu đáo, nâng niu, nó có phần trùng với những kỹ năng được học trong cuộc sống từ hồi nhỏ là “học ăn, học nói, học gói, học mở”.
 
Kiến trúc sư đã có ý tưởng, ý đồ tốt thì phải làm sao để bán được ý tưởng này. Kiến trúc sư phải vẽ mặt bằng, mặt đứng, mặt cắt rồi lên 3D, làm mô hình và trình bày với chủ đầu tư. Muốn thuyết phục được chủ đầu tư phải có ý tứ tốt. 

Yếu tố đầu tiên của Ý tứ là Hệ thống. Hệ thống là dàn bài trả lời cho câu hỏi How - như thế nào? Yếu tố thứ 2 là Tổ chức, trả lời cho câu hỏi cái gì - What; ở đâu - Where. Yếu tố tiếp theo là Lập luận, trả lời câu hỏi Why - vì sao? Khi đã có hệ thống - tổ chức tốt rồi thì còn phải biết cách lập luận. Phải biết lập luận thì mới có được ý tứ tốt. 

Yếu tố cần nhấn mạnh là tính chuyên nghiệp, trả lời cho câu hỏi Who - mình là ai? Mình phải khẳng định mình là một kiến trúc sư chuyên nghiệp, luôn biết giữ hình ảnh và sự nhận diện của mình. 

Đã là con người thì rất khó gọi là hoàn hảo nhưng người chuyên nghiệp nên là người tiệm cận với sự hoàn hảo. Nghề kiến trúc là nghề khắc nghiệt, bản vẽ phải đạt 99,99% độ chính xác. Tất cả những sản phẩm của mình phải đẹp, đúng, đủ. Nói cách khác, đúng, đủ, đẹp là ba yếu tố phải đạt được. Nếu mình đã đạt được tính chuyên nghiệp thì mình sẽ rất tự tin trong nghề nghiệp. 

Ý chí là trụ tư duy kiến trúc thứ tư. Ý chí là sự nỗ lực phấn đấu, cố gắng, thậm chí dũng cảm để đạt được ý tưởng đã đề ra ngay từ ban đầu. 

Yếu tố đầu tiên của ý chí là sự Vượt khó (nội tâm). Có thể, cái khó đầu tiên là sức ì nội tâm do mình tạo ra nên trước hết, mình phải vượt qua chính mình trước đã. Yếu tố thứ hai là Đột phá (nội động). Nếu gặp khó, hãy lấy chính khó khăn là cơ hội tạo ra cái đẹp. Ở đây có một lưu ý là không nên tự bó buộc mình trong sự khó khăn. Tiếng anh có câu, “think out side the box”, hãy thoát ra khỏi sự tù túng để có tư duy tốt hơn. Yếu tố thứ ba là Nổi trội (nội lưc), ta phải biết dùng nội lực của mình. Con người ai cũng có thời gian 24/7 và 52 như nhau nhưng nếu có nội lực tốt, ta sẽ quản lý thời gian tốt hơn và có nhiều thời gian hơn, nhiều cơ hội hơn. Người có nội lực là biết cân đối làm việc và nghỉ ngơi, có độ bền. 

Yếu tố cuối cùng là Vượt trội (nội công). Đây là lúc xác định mình đã đủ độ chín đế bắt đầu “thi đấu” được rồi. Nhưng đây cũng là lúc cần chú ý tinh thần thượng võ, làm gì cũng phải có trách nhiệm, fairplay, không cạnh tranh xấu, không thủ đoạn. Thành công là quý, nhưng phải là thành công sạch và đẹp. 
 
 
Công trình Nhà Thiếu nhi TP.HCM với 2 bản vẽ mặt bằng đề xuất (bên phải) và phương án chọn
 
Ý chí và quá trình bảo vệ ý tưởng sáng tạo 
Những ý kiến trình bày trong phần lý thuyết của KTS Trần Đình Thông rằng sáng tạo là một tiến trình chứ không phải là kết quả có tính bột phát tức thời, ý chí là nỗ lực phấn đấu, bền bỉ, thậm chí là dũng cảm để bảo vệ ý tưởng đã được minh họa bằng thực tế hành nghề, bằng những bài học của KTS Nguyễn Trường Lưu. 

Trước khi chia sẻ những chuyện có thật từ thực tế hành nghề của mình, KTS Nguyễn Trường Lưu dẫn chứng trường hợp Bảo tàng Lourve ở Paris (Pháp) của KTS Ieoh Ming Pei đã phải “lên bờ xuống ruộng” nhiều năm mới thành công. Đây là một kiến trúc sư có ý chí rất cao. KTS Nguyễn Trường Lưu cho biết, năm 2015 trong một lần đến New York, ông có gặp con trai của Ieoh Ming Pei. Nhắc về người cha, con trai ông Pei nói, “tôi không đủ ý chí để làm được như cha tôi. Và tôi phải chọn cho mình một con đường khác”.

KTS Nguyễn Trường Lưu dẫn chứng một trường hợp không đủ ý chí của mình.

Công trình Nhà Thiếu nhi TP.HCM là ngôi nhà “Tổ chim” do KTS Nguyễn Trường Lưu thiết kế được trao Giải bạc - Giải thưởng Kiến trúc quốc gia 2018 thể loại Công trình công cộng. Phương án ban đầu của ông là mặt bằng trong từng tầng cũng được thiết kế cách điệu với những đường cong. Nhưng khi trình bày, do mặt bằng từng tầng là các lớp học nên chủ đầu tư đề nghị chỉnh sửa thành dạng “vuông thành sắc cạnh” như thường thấy. Ông đã không đủ ý chí để bảo vệ ý tưởng của mình. “Đó là bài học cho tôi, đến giờ tôi vẫn còn nuối tiếc”, KTS Nguyễn Trường Lưu nói. 

Ví dụ tiếp theo cũng là một công trình “lên bờ xuống ruộng” nhiều năm để bảo vệ ý tưởng. Đó là công trình Kho bạc Nhà nước TP.HCM. 

Công trình này nằm trên đường Nguyễn Huệ, trước kia là Tòa nhà ngân khố được xây từ năm 1920. Đến năm 1997-1998, do không đủ chỗ làm việc, chủ đầu tư quyết định mở rộng. KTS Nguyễn Trường Lưu được chọn thiết kế. Năm 1998, ông trình ý tưởng lần đầu, hồi đó dùng bản vẽ tay. Kết quả là trong hội đồng có 40% đồng ý, 60% không tán thành. 

Kho bạc Nhà nước TP.HCM nằm trên địa bàn thành phố do Văn phòng Kiến trúc sư trưởng thuộc UBND thành phố quản lý nhưng chủ đầu tư ngành dọc là Bộ Tài chính. 

Không duyệt phương án ban đầu, cả Bộ Tài chính và Văn phòng Kiến trúc sư trưởng đều gợi ý phương án mới và kiến trúc sư bắt buộc phải thể hiện bằng hình vẽ cả hai phương án gợi ý đó. 

Bộ Tài Chính gợi ý “phải làm một cái kiến trúc hài hòa với cáí cũ” và nói rất rõ hài hòa là hình thức phải giống kiến trúc cũ. Trong khi đó, ý kiến từ Văn phòng Kiến trúc sư trưởng cho rằng, “mặt kiếng hết thì kỳ lắm, không được, phải có khối kiến trúc gì đó”.

Sau khi có có hai phương án gợi ý, KTS Nguyễn Trường Lưu lại trình phương án lần hai. Lần này trình ở Văn phòng Kiến trúc sư trưởng trước khi ra Hà Nội. 

KTS Nguyễn Trường Lưu nhớ lại: “Tôi nói, nếu làm như phương án Bộ Tài chính yêu cầu thì sẽ có ý kiến cho rằng “đầu thế kỷ 20 đã có công trình cao 8-9 tầng kiểu này phải không?”.  Như vậy là sẽ xuất hiện một “di sản giả” bên cạnh di sản thật và cách làm này vi phạm Công ước quốc tế về bảo vệ di sản năm 1943. Ý kiến từ Văn phòng Kiến trúc sư trưởng cho rằng nên làm theo phương án gợi ý như hình vẽ bên phải. Tôi bảo, phương án như hình vẽ bên phải cũng nặng nề, không ổn. Ý kiến từ Văn phòng Kiến trúc sư trưởng là phân vân và đề nghị, “ra Bộ Tài chính báo cáo thêm”. Khi tôi ra Hà Nội, lãnh đạo Bộ nhìn thấy bản vẽ bên trái thì nói ngay, “cái này đẹp, làm đi”. Tôi trình bày không được nghe nên không làm nữa”. 

Việc xây dựng trụ sở mới cho kho bạc bị đình lại. Sau đó, TP.HCM có hướng xây trụ sở mới ở quận 2 còn trụ sở cũ ở đường Nguyễn Huệ để làm việc khác. Mọi việc bị chìm đi. 

Vài năm trôi qua, việc xây trụ sở mới ở quận 2 không thành, kho bạc lại kiến nghị mở rộng. Tôi lại được gọi lên. Tôi lấy phương án ban đầu của mình có chỉnh sửa khối giữa, nâng cao và mang ra trình bày. Lần này Ủy ban và Kiến trúc sư trưởng duyệt phương án của tôi và bảo, “nếu thuyết phục được Bộ Tài chính thì làm”. Tôi mang phương án ra Hà Nội trình và bị bác liền. Tôi vẫn bảo lưu ý kiến của mình. Công trình lại bị hoãn thêm một năm nữa. Năm sau, lãnh đạo Bộ Tài chính lại gọi ra và hỏi, “vẫn giữ nguyên, không đổi gì à?”. Sau một buổi họp trao đổi qua lại đến 4 tiếng, lãnh đạo Bộ quyết về làm theo phương án thành phố và nói thêm: “Thành phố này buồn cười, cái đẹp không chọn lại làm cái xấu”. 

Tổng cộng KTS Nguyễn Trường Lưu mất 5,5 năm từ 1998 đến 2004 mới được làm. Công trình Kho bạc Nhà nước TP.HCM sau đó đã đạt Giải nhì (không có giải nhất) Giải thưởng Kiến trúc quốc gia 2008 thể loại Công trình công cộng. 
 
Phối cảnh Kho bạc Nhà nước theo gợi ý theo phương án của Bộ Tài chính
 
Phối cảnh theo gợi ý của Văn phòng Kiến trúc sư trưởng
 
Công trình Kho bạc Nhà nước TP.HCM hiện nay trong thực tế. Đây là phương án bảo vệ nhiều năm mới được chọn thi công

Câu chuyện tiếp theo về ý chí là ở công trình Đền tưởng niệm các vua Hùng. 

Khu tưởng niệm các vua Hùng nằm trong Công viên Lịch sử Văn hóa các dân tộc nay thuộc địa bàn thành phố Thủ Đức. Năm 2000, thành phố mở cuộc thi kiến trúc thiết kế Đền tưởng niệm các vua Hùng. Ban giám khảo, ban cố vấn toàn các vị có tên tuổi. 

KTS Nguyễn Trường Lưu kể: “Cuộc thi lúc đầu dự kiến có hai vòng với 12 đơn vị dự thi. Ở vòng thi đầu tiên tôi chưa vẽ Đền mà chỉ vẽ “Đường tre” dẫn vào đền. Sau khi thuyết minh, tôi được chọn là 1 trong 6 tác giả vào vòng 2, đứng hạng thứ 5 trong 6 công trình. Coi như qua vòng vượt chướng ngại vật. Vòng 2 phải vẽ và trình bày ý tưởng về ngôi đền và chọn 4 trong 6 đồ án, không có kết thúc. Như vậy là phải thêm vòng 3. 

Vào vòng 3, các tác giả được nghe gợi ý của ban chỉ đạo, thậm chí cho phép đổi phương án. Kết thúc vòng 3 có 3 tác phẩm được vào vòng 4. Đến vòng này, tôi trở lại phương án ban đầu và được chọn. Tổng cộng qua 4 vòng với 6 năm theo đuổi cuộc thi. 

Có người bảo tôi, “6 năm đi thi nếu làm nhiều công trình khác thì tốt hơn, có lợi hơn”. Tôi tranh luận rằng, “đi làm nhiều công trình khác có thể có nhiều tiền hơn nhưng mỗi người có một ý chí khác nhau, chọn lựa công trình này là ý chí của tôi”.

Nếu không kiên trì bền bỉ, không có ý chí thì không thể bảo vệ được ý tưởng của mình. Công trình Đền tưởng niệm các vua Hùng hoàn thành năm 2009 và sau đó được giải nhì Giải thưởng Kiến trúc quốc gia năm 2010. 

Trong slide cuối cùng của buổi nói chuyện, KTS Nguyễn Trường Lưu giới thiệu bìa cuốn tiểu thuyết “Suối nguồn” 1.200 trang của nhà văn Mỹ gốc Nga Ayn Rand  do NXB Trẻ ấn hành. Đây là cuốn sách nói về chuyện làm nghề kiến trúc với nhân vật chính lấy cảm hứng từ thực tế cuộc đời của KTS Frank Lloyd Wright. Ông đề nghị mọi người đọc cuốn sách này để hiểu thêm về chuyện làm nghề của kiến trúc sư.

Trần ngâm một lúc sau khi chia sẻ những câu chuyện của mình, KTS Nguyễn Trường Lưu nói thêm, “tứ trụ tư duy kiến trúc gồm Ý tưởng, Ý đồ, Ý tứ và Ý chí có lẽ là chưa đủ. Từ kinh nghiệm của mình, tôi thấy có lẽ cần phải thêm cái trụ thứ năm là yếu tố may mắn. Hẹn các bạn dịp khác, anh Thông và tôi sẽ nói thêm về 5 trụ tư duy này”.
 
Quả táo đặt trên đầu. “Nghề của mình không sao chép ai hết, sáng tạo là phải tự thân”, đó là điều cần ghi nhớ từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường
 
“Tứ quý kiến trúc” là gì? 
“Tứ quý kiến trúc” hay còn gọi là “tứ trụ tư duy kiến trúc” theo hai diễn giả là cách gọi 4 yếu tố để quyết định sự ra đời và hình thành của một tác phẩm kiến trúc, nó là 4 trụ đỡ cho một công trình kiến trúc giống như 4 cái cột của một ngôi nhà. 

4 trụ đỡ đó là Ý tưởng, Ý đồ, Ý tứ và Ý chí. Mỗi trụ đỡ này lại có 4 kỹ năng. Ý tưởng gồm  phản biện - phê bình; sáng tạo; sáng tác tự do; hợp tác. Ý đồ gồm tư duy - lý luận; tự thân - không sao chép; lĩnh hội - truyền tải; hội nhập - phát huy. Ý tứ gồm hệ thống; tổ chức; lập luận; chuyên nghiệp. Ý chí gồm vuợt khó; bứt phá; nổi trội; vượt trội. 

Trong khi trình bày, KTS Trần Đình Thông thường nói về lý thuyết, thực tế từ trường học hoặc môi trường làm việc ở nước ngoài, còn KTS Nguyễn Trường Lưu lại nêu vấn đề dưới góc nhìn thực tế hành nghề ở TP.HCM, ở Việt Nam suốt mấy chục năm qua. 
 
 
Ba chuyên đề Hội thảo phát triển nghề nghiệp liên tục (CPD) tháng 8.2023
 
Chuyên đề Reinvention Inheritrd Landscape
Viện Kiến trúc sư Hoa Kỳ (The American Institute of Architects - AIA) chi nhánh khu vực Đông Nam Á (AIA - SEA), trụ sở chính tại Singapore tổ chức Hội nghị kiến trúc quốc tế “AIA SEA Symposium: CELEBRATION - diversity, culture, sustainabilty” trực tuyến ngày 11.8.2023. 
TS.KTS Vũ Việt Anh tham gia trình bày chuyên đề Reinvention Inheritrd Landscape và phần hỏi đáp với các đại biểu tham dự. 
 
Chuyên đề Từ quý kiến trúc, từ 8g00 ngày 19.8.2023
 Diễn giả:
+ KTS Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM; Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam    
 + ThS.KTS Trần Đình Thông, Giám đốc dự án Steelman Partners Việt Nam    
 
Chuyên đề Kiến trúc và vấn đề phát thải carbon, từ 13g00 ngày 19.8.2023
Diễn giả:
+ ThS. chuyên gia môi trường Douglas Snyder, Giám đốc điều hành Hội đồng công trình xanh Việt Nam (VGBC)
+ThS.KTS Phan Thu Hằng, Chủ tịch Hội đồng công trình xanh Việt Nam (VGBC)
+ThS.KS Raymond Chang, Phụ trách phát triển kinh doanh ONE CLICK LCA châu Á Thái Bình Dương - APAC

 

BÀI HY HƯNG

ẢNH DO KTS NGUYỄN TRƯỜNG LƯU VÀ KTS TRẦN ĐÌNH THÔNG CUNG CẤP

Hội Kiến trúc sư TP.HCM vừa tiến hành khai trương showroom tại số 88 Mạc Đĩnh Chi. Ngoài phòng trưng bày rộng 90m² được thiết kế đẹp, bài bản,
Trong 5 năm từ 2010 đến 2015, sau giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ cuối thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, tình hình kinh tế Thành phố Hồ
Giới thiệu
Tin tức
Không gian đẹp
Ngôi nhà chung
Tư vấn
Không gian kiến

LIÊN HỆ

Email : hkts@tphcm.gov.vn
Địa chỉ : 88 Mạc Đĩnh Chi, phường Đa Kao, quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại : (84-28) 38291908 - 38273035 ; Fax: (84-28) 38225657 

 

Copyright 2015 Hội KTS TP.HCM. All rights reserved
Hội KTS TP.HCM giữ bản quyền nội dung trên website này.

Đầu trang