Không gian kiến
Nhiếp ảnh
Ngày đăng : 17/05/2021 2:51:31 PM
Lượt xem: 505

Toyo Ito, kiến trúc sư 71 tuổi người Nhật Bản đã trở thành chủ nhân giải thưởng kiến trúc Pritzker 2013. Hội đồng giám khảo vinh danh Ito bởi sự nghiệp hơn bốn thập niên của ông. Trong thông cáo báo chí của giải thưởng được coi là Nobel của ngành kiến trúc thế giới, những công trình kiến trúc của Toyo Ito được miêu tả là “tạo ra một dạng không khí của sự lạc quan, nhẹ nhàng và hân hoan… thấm đẫm cảm giác về sự độc nhất và phổ quát”.

 

 

Sendai Mediatheque (2001) - công trình nổi tiếng nhất của Toyo Ito

 

Không quá kiểu cách, trả lời phỏng vấn kênh phát thanh độc lập NPR của Mỹ, ông chia sẻ: “Không khí, gió và nước là những thành tố thúc đẩy giá trị thẩm mỹ của tôi. Những ẩn dụ mà tôi khám phá trong tự nhiên, đó luôn là cảm hứng cho kiến trúc của tôi”.
Kiến trúc của Toyo Ito tạo nên sự lưu chuyển giữa tự nhiên và con người. Khi mọi người bước vào sân vận động hoàn toàn sử dụng năng lượng mặt trời do ông thiết kế năm 2008 tại Kaohsiung (Đài Loan), Ito muốn họ có thể cảm nhận được gió và không khí. Toyo Ito tin rằng môi trường đô thị có xu hướng chia tách con người một cách có dụng ý. Nhưng ông muốn thiết kế lại chúng để mang con người đến gần nhau hơn. “Bởi vì trên thế giới có rất nhiều thành phố lớn, và những con người đang sống trong những thành phố đó trở nên bị cô lập hơn bao giờ hết” ông giải thích. “Tôi muốn sử dụng kiến trúc để tạo ra những sợi dây gắn kết giữa những con người đang sống trong các đô thị, và thậm chí sử dụng nó để tìm lại những giá trị cộng đồng từng tồn tại trong mỗi thành phố”.
Với quan niệm đó, Toyo Ito thiết kế công trình Sendai Mediatheque, một thư viện công cộng vượt trội tại thành phố Sendai, Nhật Bản năm 2001. Đây được coi là một trong những công trình tiêu biểu nhất của ông. Mediatheque là một khối công trình trong suốt với kết cấu là các tấm sàn mỏng treo trên những ống thép. Giáo sư chuyên ngành kiến trúc của đại học California Dana Buntrock nói rằng, thiết kế dạng mắt lưới này đạt đến độ kinh ngạc về xử lý ánh sáng và gợi mở tính tự do cho công trình.
“Mọi người đi lang thang trên vỉa hè và họ tập hợp lại” bà nói. “Những bà mẹ với người đi tản bộ, trẻ con chạy dọc vỉa hè, những đứa trẻ tới từ nước Mỹ để nhìn tận mắt công trình tạo nên xu hướng – tất cả hoà hợp trong không gian này”.
Không gian rất dễ chịu và đa dạng này đã được thử thách thực tế hai năm trước bởi trận động đất đã gây ra thảm hoạ sóng thần và nguy cơ hạt nhân ở Fukushima. Những đoạn video quay được bên trong công trình này khi động đất xảy ra mô tả những con người sợ hãi trốn mình dưới bàn trong khi trần nhà lơ lửng đang rung lắc đầy nguy hiểm trên đầu họ. Nhưng cuối cùng công trình vẫn không bị tổn hại gì đáng kể.  
Bà Sarah mô tả Toyo Ito như một cậu học trò mà sự tò mò về những khái niệm mới nhất của triết học Pháp cũng cao như về kỹ thuật cấu trúc. Công trình của ông hấp dẫn sự chú ý của quốc tế bởi vì lý do nào đó, nó hoà hợp được cả giá trị nhân văn và những tư tưởng tiên phong của người sáng tạo. White U, ngôi nhà Ito thiết kế và xây dựng cho chị gái mình năm 1976 cũng là một trong những công trình đầu tiên trong sự nghiệp của ông, là công trình điển hình cho điều đó.
Ngôi nhà Toyo Ito thiết kế và xây dựng cho chị gái mình sống cùng hai cô con gái nhỏ sau khi chồng bà đột ngột qua đời. Ông xây cho họ một ngôi nhà màu trắng, nhẹ nhàng, đầy che chở và có hình chữ U. Trong một cuốn sách mà Ito viết sau này về kiến trúc, ông đã trải lòng về công trình, về mong muốn thiết tha của ông muốn ở bên cạnh và động viên người chị gái của mình vượt qua biến cố khi đó. Ngôi nhà White U như chính tình cảm của ông, vừa đem lại cảm giác che chở vừa phải là một không gian có tính tiếp nối, tạo cho những người thân yêu sống trong đó động lực để tiếp tục cuộc sống.
Sau 20 năm sống trong ngôi nhà, khi các cô con gái trưởng thành, chị gái của Ito quyết định chuyển đi nơi khác. Gia đình thảo luận về việc làm gì với ngôi nhà trong một năm trời và họ đi tới quyết định đập bỏ nó. Người trực tiếp chứng kiến và đôn đốc công việc này là Toyo Ito.
“Và đó cũng là một phần của quá trình đau buồn” Dana Buntrock phân tích. “Ông ấy có thể xây dựng một ngôi nhà nhưng cũng có thể chấp nhận phải tiếp tục sống và phá bỏ nó. Đó chính là một phần rất con người của Ito-san”. 
Hiện nay, Toyo Ito đang thực hiện một dự án thú vị đó là lên lớp dạy về kiến trúc cho… học sinh tiểu học. Một công việc mà ông nói rằng đem lại cho ông những cảm hứng sáng tạo mới. “Điều tôi muốn nói với các cô cậu học sinh là một công trình thực sự không phải vấn đề về cấu trúc hay hiệu suất của môi trường mà nó là vấn đề về những con người sống trong công trình đó”, Toyo Ito chia sẻ.

 

 Bài Dung P

Đường lên Tây Bắc mùa nào trong năm cũng mang đầy những cảm xúc và trải nghiệm thú vị, từ phong cảnh đến con người, và một trong những điểm
Một căn lều tạm bợ hay một ngôi nhà vững chãi dựa vào vách núi, cheo leo trên miệng vực đều tạo ra một cảm xúc mạnh và đẹp mỗi
Giới thiệu
Tin tức
Không gian đẹp
Ngôi nhà chung
Tư vấn
Không gian kiến

LIÊN HỆ

Email : hkts@tphcm.gov.vn
Địa chỉ : 88 Mạc Đĩnh Chi, phường Đa Kao, quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại : (84-28) 38291908 - 38273035 ; Fax: (84-28) 38225657 

 

Copyright 2015 Hội KTS TP.HCM. All rights reserved
Hội KTS TP.HCM giữ bản quyền nội dung trên website này.

Đầu trang