Đường lên Tây Bắc mùa nào trong năm cũng mang đầy những cảm xúc và trải nghiệm thú vị, từ phong cảnh đến con người, và một trong những điểm nhấn nổi bật nơi cảnh sắc miền Tây Bắc là các mái quê hòa quyện trong mây núi, mang phong cách kiến trúc dựng nhà chuyên biệt được cộng đồng các dân tộc miền cao truyền đời, tạo nên những nét duyên thú vị nơi đất trời Tây Bắc thân thương.
Với những vật liệu giản đơn từ tre, lá, rơm rạ, bùn đất, cây rừng… người miền cao Tây Bắc dựng nên những không gian sống quen thuộc, mang nét chấm phá rất riêng gắn liền với tập tính, văn hóa của từng dân tộc. Người H’mông hoa, người Dao ở thung lũng Mường Hoa, Lào Cai có ngôi nhà sàn, mái tranh vách gỗ, người H’mông đen ở Tủa Chùa, Điện Biên lợp nhà mái rơm hình bánh ú, ẩn mình dưới tán chè cổ thụ trăm năm tuổi, người Xá U Ní ở Mường Hum, Bát Xát, có vách đất trình tường… Mỗi không gian nơi các mái tranh hiện hữu, mang điểm chung là sự bình dị, thậm chí còn vương nét nghèo nàn, nhưng vẫn giữ nguyên vẹn hồn quê, một nét đẹp khác biệt hiện hữu riêng ở góc độ kiến trúc nhà ở trên miền cao Tây Bắc.
Nét chấm phá từ những mái quê ở thung lũng Mường Hoa trước các thửa ruộng bậc thang đang vào mùa nước đổ
Nóc nhà rơm bánh ú bên tán chè cổ thụ trăm năm tuổi của người H’mông đen ở bản Xín Chải, Tủa Chùa, Điện Biên
Ranh giới địa chính giữa các ngôi nhà, thửa ruộng được ngăn cách bởi các phiến đá xếp do người H’mông dựng lên ở thung lũng Mường Hoa
Nếp đơn sơ của người Dao, với kho lúa, nhà sàn, quần tụ trong không gian làng quê ẩn hiện nơi núi rừng Tây Bắc
Ngôi nhà trình tường của người Xá U Ní ở Mường Hum
Người H’mông hoa với nét đặc trưng dễ nhận từ kiến trúc nhà sàn đến trang phục đầy màu sắc, như một nét chấm phá giữa khung cảnh núi đồi Tây Bắc thân thương
Bếp than hồng không bao giờ tắt trong ngôi nhà sàn của người Dao
Bài và ảnh Lam Phong
(Theo tạp chí Kiến Trúc & Đời Sống)