Tin tức
Tin trong nước
Ngày đăng : 09/06/2023 10:40:54 AM
Lượt xem: 576

Trong thời đại mà truyền thông và mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, thì mọi vấn đề đều có thể là tâm điểm của sự chú ý. Mở báo chính thống hay xem trên mạng xã hội, mấy hôm lại có một vụ “lùm xùm”, từ các vấn đề nhỏ to của xã hội, tới giáo dục, y tế, pháp luật, văn hóa – giải trí… Và mới đây lại có một vụ “lùm xùm” trong lĩnh vực kiến trúc – một phạm vi tưởng chừng như khá lặng lẽ và cách biệt bởi tính chuyên môn cao. Đó là phản ứng của giới nghề và dư luận về công trình Nhà hát Dân ca quan họ Bắc Ninh.

 
 
Từ công trình đoạt Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia
Đôi nét về công trình Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh: được xây dựng ở phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Công trình được xây dựng trên khu đất rộng 19.400m2, diện tích xây dựng công trình 4.950m2 (gồm các hạng mục: nhà hát quan họ; trụ sở làm việc của nhà hát; các công trình phụ trợ và hạ tầng kỹ thuật ngoài nhà…) Tổng mức đầu tư hơn 241 tỷ đồng, với quy mô 350 chỗ ngồi. Chủ đầu tư là Ban Quản lý khu vực phát triển đô thị Bắc Ninh. Công trình do các kiến trúc sư Ngô Trung Hải, Trần Hoàng Hải Nam, Trần Anh Sơn tư vấn thiết kế thông qua thi tuyển kiến trúc. Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh là công trình trọng điểm của tỉnh được thiết kế xây dựng trong Khu Quy hoạch quần thể văn hóa Thủy tổ Quan họ Bắc Ninh, có vị trí gần làng Diềm và một số làng quan họ cổ, có hướng mở ra khu đô thị mới phía tây thành phố - là khu đô thị hiện đại được định hướng trong đồ án quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2015. Công trình khởi công xây dựng năm 2016 và khánh thành năm 2020.
 
Là một công trình văn hóa nằm ở địa phương có đậm tính văn hóa, công trình có thể coi là một thách thức đối với nhóm kiến trúc sư tư vấn thiết kế. Theo thuyết minh của các tác giả, vấn đề đặt ra là: trong một bối cảnh quần thể Thủy tổ Quan họ - một không gian cổ kính của làng Diềm, Bắc Ninh thì sẽ thiết kế một công trình theo phong cách truyền thống (khai thác các cấu trúc đình, đền, chùa và các công trình thể hiện ngôn ngữ thiết kế địa phương) hay là đưa ra một phương án thiết kế hoàn toàn hiện đại, bắt nhịp với xu hướng thiết đương đại của thế giới?
 
Để giải quyết một cách trọn vẹn vấn đề trên, đơn vị tư vấn đã có rất nhiều trăn trở và đi đến quyết định đưa ra một phương án thiết kế kiến trúc hiện đại thể hiện hơi thở của thời đại, tuy nhiên các cấu trúc và chi tiết được lấy cảm hứng từ các kiến trúc truyền thống. Lấy cảm hứng từ một cấu trúc của mái đình truyền thống, công trình hiện lên như một mái đình đương đại tạo nên một thiết kế hoàn toàn hiện đại nhưng lồng ghép trong đó là những cấu trúc, chi tiết, tỷ lệ thân thuộc của kiến trúc bản địa, truyền thống. Toàn bộ mặt đứng của công trình sử dụng giải pháp thiết kế Double Skin (Thiết kế hai lớp) nhằm gia tăng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng cho tòa nhà và tối ưu hiệu suất cho hệ thống điều hòa đối với các công trình công cộng; đồng thời tạo ra thiết kế lam lớp cho mặt đứng với các họa tiết trang trí cắt CNC (sử dụng vật liệu Cemboard) để tái hiện lại họa tiết của chiếc nón Ba Tầm - một trong những biểu tượng của văn hóa Quan họ. Có thể nói, về mặt hình thức kiến trúc, các tác giả đã thành công trong việc tạo dựng một dấu ấn “dân gian đương đại”.
 
 

Thiết kế lấy cảm hứng từ một cấu trúc của mái đình truyền thống, công trình thể hiện như một mái đình đương đại nhưng lồng ghép trong đó là những cấu trúc, chi tiết thân thuộc của kiến trúc bản địa, truyền thống

 
Về thiết kế nội thất, cũng theo thuyết minh của các tác giả: toàn bộ nội thất được tái hiện theo một phong cách hoàn toàn truyền thống. Không gian sân khấu biểu diễn chính được cách điệu từ kiến trúc cổng làng để dẫn dắt cảm xúc cho khán giả được đắm chìm vào trong không gian đậm chất quan họ. Hệ thống ghế ngồi được đơn vị tư vấn mạnh dạn đề xuất điều chỉnh cách bố trí để đặt giữa hai ghế ngồi là một bàn trà, đây là giải pháp vô cùng táo bạo và khác biệt trong cách thiết kế các không gian nhà hát, rạp chiếu phim; nhưng với sự lập luận chắc chắn từ phía tư vấn đã thuyết phục được chủ đầu tư thực hiện ý tưởng trên. Bên cạnh đó, thay vì hệ thống ghế ngồi hiện đại, tư vấn đề xuất giải pháp sử dụng ghế gỗ Đồng Kỵ - một trong những sản phẩm nội thất từ làng nghề truyền thống của Bắc Ninh và được thiết kế theo ngôn ngữ đương đại hơn, một cách nào đó góp phần giới thiệu với du khách trong và ngoài nước biết đến các  chất liệu và sản phẩm của làng nghề.
 
Công trình Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh đoạt giải Bạc hạng mục Kiến trúc công cộng của Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia năm 2022-2023.
 
Hội đồng giám khảo Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia đánh giá về công trình này như sau: “Nhà hát có quy mô không lớn nhưng với tính chất dân ca quan họ lại được xây dựng tại thành phố Bắc Ninh, cái nôi của văn hóa Kinh Bắc đã gợi lên ý tưởng thiết kế đặc biệt cho công trình. Kiến trúc Nhà hát Dân ca Quan họ sáng tạo, khá ấn tượng, có sức biểu cảm sâu sắc từ tạo hình lấy cảm hứng từ hình dáng mái đình truyền thống, với lớp vỏ bao che 2 lớp (Double Skin), giại che bên ngoài có họa tiết truyền thống từ nón Ba Tầm. Về không gian: sử dụng vật liệu, màu sắc… đơn giản nhưng tinh tế, tìm tòi từ các hoa văn, họa tiết truyền thống Việt Nam. Đây là những thành công của đồ án này”.
 
 

Về không gian, nhà hát trên sử dụng vật liệu, màu sắc đơn giản nhưng tinh tế, tìm tòi từ các hoa văn, họa tiết truyền thống Việt Nam

 
Đến chuyện quanh chiếc ghế
Công trình đã hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng trong mấy năm, yên ổn, không thấy có ý kiến gì. Nhưng mới đây khi đoạt Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia (công bố và trao giải 4.2023 - PV), và các hình ảnh nhà hát được đưa lên báo và các mạng xã hội; thì thành chuyện “lùm xùm”. Có nhiều ý kiến xoay quanh nhiều vấn đề, trong đó có cả yếu tố công năng, thẩm mỹ và vật liệu, mà chủ yếu là ý kiến về những cái ghế ngồi cho khán giả trong nhà hát.

Như trên đã đề cập, ghế ngồi trong nhà hát không phải là ghế đệm bọc nỉ như thường thấy phổ biến trong các nhà hát, công trình biểu diễn nghệ thuật hay rạp chiếu phim, mà là ghế gỗ 100%, có kích thước lớn, theo lối cổ - và là sản phẩm của làng nghề thủ công truyền thống Đồng Kỵ (Bắc Ninh). Tổng thể khán phòng nhà hát có 341 ghế (trong đó có 18 ghế to, 323 ghế nhỏ), 185 bàn (trong đó có 176 bàn nhỏ và 9 bàn to). Theo thông tin từ phía chủ đầu tư, chi phí cho hạng mục này là 6,3 tỷ đồng. Loại gỗ được sử dụng là gỗ gõ đỏ, nhập từ Nam Phi (đây là gỗ quý hiếm nhóm 2, bị cấm khai thác, vận chuyển, buôn bán theo luật pháp Việt Nam - PV). Rất nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh việc sử dụng hệ thống ghế gỗ này ở công trình Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh, ở cả giới chuyên môn và dư luận xã hội.
 

Chuyện "lùm xùm" bắt đầu từ những cái ghế ngồi trong Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh

 

Những ý kiến phản đối tựu trung lại cho rằng: không phù hợp với kiến trúc nhà hát có dấu ấn hiện đại, không thuận tiện cho sử dụng, nặng nề, nệ cổ, tốn kém, không thân thiện với môi trường… Mạnh hơn hơn, có những ý kiến phê phán: xấu, sặc mùi tiền, phô trương, trưởng giả, phá rừng, “quê mùa”, lạc hậu… Những ý kiến này xôn xao mạng xã hội những ngày qua, và nhiều báo chính thống cũng vào cuộc để tìm hiểu, đưa tin và ý kiến của nhiều người trong cuộc. Tất nhiên, cũng có những ý kiến đồng tình ủng hộ với những chiếc ghế này, cho rằng như thế là phù hợp với không gian quan họ và cách thức biểu diễn quan họ, có tính dân tộc, tôn vinh giá trị truyền thống, giới thiệu, quảng bá cho làng nghề truyền thống địa phương, tạo điều kiện công việc và thu nhập cho làng nghề… Nhưng xem ra, những ý kiến này - ngoài nhóm tác giả, thì đa phần là của “người quan họ”, như các vị phó giám đốc sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Bắc Ninh, giám đốc Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh…, nghệ sỹ quan họ và khán giả tỉnh nhà - đã phát biểu trên truyền thông. Còn nhìn chung, phần nhiều ý kiến của giới chuyên môn và dư luận là không đồng tình, phản đối.

“Đó chỉ là ghế ngồi cho người ta xem” - đó là phát biểu của ông Nguyễn Xuân Trung, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Bắc Ninh. Có lẽ ý ông là cái ghế là chuyện nhỏ thôi, không có gì phải làm lớn, ồn ào như vậy. Tất nhiên, mọi chuyện quanh cái ghế rồi cũng chìm đi, khi lại có những “lùm xùm” khác trên mạng. Và nếu có tranh cãi, tranh luận về đẹp - xấu thì sẽ không bao giờ có hồi kết vì mỗi người có một quan điểm, một thước đo thẩm mỹ khác nhau. Chỉ có thể đưa ra một biện giải đã cũ, nhưng luôn đúng, rằng: cái gì hợp lý thì nó tồn tại, không hợp lý thì sẽ bị đào thải theo thời gian. Nhưng, chuyện quanh cái ghế - xuất phát điểm của “lùm xùm” không chỉ là ghế, mà còn nhiều vấn đề khác đáng để suy nghĩ.
 

Có những ý kiến trái chiều xoay quanh việc bố trí bàn ghế bên trong nhà hát

 
Tạp chí KT&ĐS xin trích đăng một số ý kiến sau của một số người trong nghề, có sự quan tâm sâu sắc đến các vấn đề kiến trúc xã hội và văn hóa
 
Nhà nghiên cứu lý luận, KTS Vũ Hiệp
Nhà hát Quan họ Bắc Ninh là công trình có kiến trúc tốt, tạo hình hiện đại mà vẫn gợi được truyền thống. Vấn đề gây tranh cãi là ghế ngồi. Các tác giả cũng đã giải thích quan điểm của mình. Họ có cái lý của họ. Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề quảng bá thương hiệu làng nghề, các tác giả lại phải “hy sinh” những điều quan trọng khác như: diện tích sử dụng không hiệu quả, ngồi lâu bị mỏi lưng, giảm tính linh hoạt, đa năng của nhà hát (ngoài nghe quan họ, thì xem, nghe các môn khác sẽ không phù hợp).
 
KTS Dương Quốc Chính, Giám đốc Công ty Kiến trúc Tầm nhìn sáng tạo
Quan họ vốn không phải là loại hình biểu diễn trong một nhà hát quy mô. Đã là quan họ thì nên biểu diễn ở không gian nhỏ, có thể có chi tiết truyền thống. Theo tôi, biểu diễn quan họ không có nhiều khán giả mua vé vào xem trong nhà hát, và nhà hát khó có thể hoạt động thường xuyên chỉ với loại hình quan họ. Nên tôi hiểu cái nhà hát này sẽ là công trình đa năng, sử dụng cho nhiều loại hình nghệ thuật khác, và cả hội nghị, hội họp. Mà với tình hình dân trí về nghệ thuật ở Việt Nam, nhất là ở các tỉnh, đầu tư nhà hát thì nên là loại đa năng như vậy mới có hiệu quả sử dụng cao, đỡ lãng phí ngân sách. Nếu chỉ biểu diễn quan họ chắc không nhiều, rất lãng phí. Vì thế, lấy cớ nhà hát quan họ để bố trí ghế kèm bàn kiểu Đồng Kỵ là không hợp lý. Khi nó đã là nhà hát đa năng, thì bố trí ghế Đồng Kỵ lại có bàn nước (chắc thực tế không phải là để ly trà mà sẽ là Coca Cola hoặc Starbuck coffee) là siêu lãng phí, về không gian chỗ ngồi, về vật liệu làm ghế (nghe nói là gỗ quý). Kiểu ghế có bàn này lẽ ra chỉ nên có ở 1 ô nhỏ cho khách VIP, kiểu như ở sân vận động hay có, chứ để toàn bộ thế này thì khó mà lý luận được về sự phù hợp về đầu tư. Về hình thức ghế, dù biết bên tư vấn nói có cách điệu rồi, nhưng tôi vẫn thấy không đáng kể, vẫn cổ điển quá, tính sao chép cao. Ghế dạng này không phù hợp với ghế nhà hát.

 
Về kiến trúc bên ngoài, tôi thấy nó cũng khá sáng tạo, khác biệt với các nhà hát khác, đẹp xấu thì còn tùy quan điểm thẩm mỹ. Tôi nghĩ đó là một kiến trúc tốt. Nhà hát này đã có kiến trúc khá mạnh dạn, nhưng nội thất (bàn ghế) kiểu này là khó chấp nhận. Chắc để dễ thuyết phục chủ đầu tư chăng?
 
PGS. TS. KTS Nguyễn Quang Minh, Giảng viên Trường Đại học Xây dựng Hà Nội
Không phải mọi loại hình biểu diễn nghệ thuật đều có thể được “nhà hát hóa”. Hát quan họ là một trường hợp như vậy. Bản thân hát quan họ vốn dĩ diễn ra ngoài trời, tại các không gian mở như sân đình, bến thuyền... mới đúng địa điểm và thể hiện bản sắc cũng như tính chất của loại hình nghệ thuật ấy. Việc “dồn ép” hát quan họ vào nhà hát khép kín theo quan điểm cá nhân tôi là không đúng. Đã là không đúng thì mọi lý lẽ biện minh cho phương án thiết kế đều trở nên khiên cưỡng, khó thuyết phục. Điều khiến dư luận bức xúc và các chuyên gia môi trường lên tiếng chính là cách bài trí nội thất quá xa hoa, lãng phí, không chỉ gây cảm giác xa lạ mà còn là ví dụ tiêu biểu về thiếu ý thức bảo vệ môi trường. Mỗi một chiếc ghế như thế là nửa cây gỗ quý, trồng hàng chục đến cả trăm năm mới có được. Hàng trăm chiếc ghế trong nhà hát đồng nghĩa với cả một vạt rừng nguyên sinh bị chặt hạ, dù ở đâu, trong hay ngoài Việt Nam đều xót xa cả!
 
HÀ THÀNH
Nhằm lựa chọn phương án thiết kế tối ưu đáp ứng yêu cầu về quy hoạch, kiến trúc, hiệu quả kinh tế, Bộ Xây dựng đang tiếp thu, lấy ý
Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có công văn số 09/CV-HoREA gửi Bộ Xây dựng, đóng góp ý kiến về những kết quả nổi
Giới thiệu
Tin tức
Không gian đẹp
Ngôi nhà chung
Tư vấn
Không gian kiến

LIÊN HỆ

Email : hkts@tphcm.gov.vn
Địa chỉ : 88 Mạc Đĩnh Chi, phường Đa Kao, quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại : (84-28) 38291908 - 38273035 ; Fax: (84-28) 38225657 

 

Copyright 2015 Hội KTS TP.HCM. All rights reserved
Hội KTS TP.HCM giữ bản quyền nội dung trên website này.

Đầu trang