Không gian kiến
Nhiếp ảnh
Ngày đăng : 12/03/2021 11:06:55 AM
Lượt xem: 2275

Con vật nào được nhắc nhiều nhất trong ca dao, thành ngữ Việt Nam nhỉ? Con trâu. “Trâu ơi ta bảo trâu này, trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta…”; “Thằng Cuội ngồi gốc cây đa, để trâu ăn lúa gọi cha ời ời…”; “Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi…” (Kiều - Nguyễn Du)



À! trâu - ngựa. Dân Mỹ không ăn thịt ngựa bởi lịch sử hình thành Viễn Tây mênh mông trên lưng ngựa, thì dân Tây lại xơi tự nhiên. Văn hóa ẩm thực quả khác nhau, ở nơi này là Tabou cấm kỵ thì nơi khác không hề. Hãy trở lại với con trâu và nền văn minh lúa nước, con vật ấy gắn chặt với người nông dân Việt đã bao đời đủ để thành linh vật biểu tượng cho Đại hội thể thao Đông Nam Á được tổ chức tại Việt Nam 2003. Không chỉ thể thao, nó còn xuất hiện rất nhiều trong âm nhạc mà người nhạc sĩ được xem là gắn chặt với ngôn ngữ Việt, truyền thống Việt là Phạm Duy. Trong những ngày đầu kháng chiến ông đã viết trong những ca khúc về Việt Bắc: Chiều ơi! lúc chiều về là lúc yên vui, trâu bò về giục mõ xa xôi… ới chiều … (Nương chiều) hay Ngày trở về có anh thương binh chống nạng cầy bừa, vì thương yêu anh nên ngày trở về có con trâu xanh hết lòng giúp đỡ… (Ngày trở về).

Hơn nửa thế kỷ sau khi cùng nhạc sĩ Phạm Duy trở lại Tây Bắc, buổi chiều hoàng hôn loang dần trên đỉnh đèo Sài Hồ, hình ảnh những đoàn trâu sừng cong vút đủng đỉnh về thôn bản mới cảm nhận rõ hơn không khí yên lành, thanh bình của một vùng quê rẻo cao. Phạm Duy cũng luôn nhạy bén với những thay đổi thời cuộc, không ai ngoài ông khi nền cơ khí nông nghiệp xuất hiện trên ruộng đồng Việt Nam ông viết Này em con trâu già, nằm yên trâu nhai cỏ, nhìn những chiếc máy đang cày bừa, trâu đừng buồn vì máy cày nghe… (Bình ca). Và một tuổi thơ vô cùng phóng khoáng với ruộng đồng nhưng hiền lành như khoai củ vẫn mơ ước sách vở, học hành, Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ, ngồi mình trâu phất ngọn cờ lau và miệng hát nghêu ngao…; vui thú không quên học đâu nằm đồi non gió mát, ước mong sao em lớn lên mau xây nước giàu mạnh hơn... (Em bé quê). 
Tất nhiên, bây giờ xây nước giàu mạnh hơn là những con trâu cơ khí- những chiếc máy cày, sẽ đến một ngày những con trâu hiền lành chỉ nằm dưới bóng đa nghỉ ngơi, nhai cỏ…






Không chỉ có nhạc sĩ Phạm Duy với những bài hát về “người bạn của nhà nông” như tác giả đã dẫn ở trên, trong chúng ta ai đã từng cắp sách đến trường chắc cũng không thể quên bài thơ Quê Hương của Giang Nam:
Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường
Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ
Ai bảo chăn trâu là khổ?
Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao
Những ngày trốn học 
Đuổi bướm cạnh cầu ao
Mẹ bắt được 
Chưa đánh roi nào đã khóc!...




 


Phút nghỉ ngơi, thư giãn của người và trâu mới thấy mối “lương duyên” của cả hai gắn bó từ bao đời. Ngày nay tuy máy cày đã có mặt ở những cánh đồng rộng lớn, nhưng tại rẻo cao miền biên viễn, trâu vẫn cùng con người một nắng hai sương cần cù lao động

 
Bài & tranh ĐỖ TRUNG QUÂN  ảnh VŨ ANH DŨNG 
Đường lên Tây Bắc mùa nào trong năm cũng mang đầy những cảm xúc và trải nghiệm thú vị, từ phong cảnh đến con người, và một trong những điểm
Một căn lều tạm bợ hay một ngôi nhà vững chãi dựa vào vách núi, cheo leo trên miệng vực đều tạo ra một cảm xúc mạnh và đẹp mỗi
Giới thiệu
Tin tức
Không gian đẹp
Ngôi nhà chung
Tư vấn
Không gian kiến

LIÊN HỆ

Email : hkts@tphcm.gov.vn
Địa chỉ : 88 Mạc Đĩnh Chi, phường Đa Kao, quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại : (84-28) 38291908 - 38273035 ; Fax: (84-28) 38225657 

 

Copyright 2015 Hội KTS TP.HCM. All rights reserved
Hội KTS TP.HCM giữ bản quyền nội dung trên website này.

Đầu trang