Vẫn thấy ở đó vẻ đẹp của sự thanh thoát, dịu dàng, đậm chất thơ, nhưng cũng biểu đạt cả gai góc, chết chóc, rồi bừng sáng tin yêu và hy vọng trong các họa phẩm mới nhất của nhà thơ Đỗ Trung Quân ở những ngày giãn cách xã hội.
Lại là chuỗi kết quả tạo nên từ sự lao động, sáng tạo hồn nhiên và bản năng của Đỗ Trung Quân, nhưng không phải trên những vần thơ, mà là các tác phẩm hội họa để “kể” về tháng ngày giãn cách xã hội của anh trong đại dịch Covid. Nói về nguyên cớ tạo nên tác phẩm, người nghệ sĩ bày tỏ: “Mình muốn kể lại nhịp sống ở những ngày bi đát nhất của thành phố, nhưng bằng ngôn ngữ hội họa, qua cảm nghiệm thực tế của bản thân”.
Những cảm nghiệm ấy, không khó để nhận ra, đó là sự ngăn cách, chia lìa, bi thương, là sự chết, nhưng trong thực tại bao trùm trên tổng thể, vẫn thấy ở đó những nhen nhóm hình ảnh của tình yêu, của hy vọng. Tất cả những đan xen ấy, được tái hiện qua nhiều thủ pháp từ biểu hiện, siêu thực, đến trừu tượng, ẩn dụ… nhưng không bị ràng buộc, giới hạn, câu nệ mà thỏa sức bay bổng cách tự nhiên theo những đường nét, màu sắc rất khác so với những loạt sáng tác trước đây của người nghệ sĩ.
Đứng trước những tác phẩm kể chuyện gian khó thời cuộc, lại thấy chất nghệ sĩ dâng trào qua kỹ thuật “kể - tả - vẽ” rất riêng của Đỗ Trung Quân. Nét họa mà vẫn cứ như thơ, dịu dàng tuôn chảy, không ào ạt, vội vàng, khi thông qua biểu đạt của sắc màu lại khiến người đối diện phải lắng lòng lại, xem mạch ngầm hội họa ấy chầm chậm, ngấm dần, sâu lắng vào nội tại. Ở loạt tranh này, dường như Đỗ Trung Quân “vẽ” nếu chỉ để “xem” thì chưa đủ, mà còn muốn người xem phải được “nghe” mới vẹn tròn ý niệm.
Bài NGUYỄN ĐÌNH Ảnh do nhân vật cung cấp
(Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống)