Tin tức
Tin trong nước
Ngày đăng : 21/05/2021 8:27:52 AM
Lượt xem: 491

Trong những năm gần đây các kiến trúc sư của chúng ta đã thiết kế và xây dựng nhiều ngôi nhà có mái truyền thống. Và hơn thế họ đã tạo ra những ngôi nhà có nhiều tầng mái xếp chồng lên nhau một cách sinh động và hấp dẫn. Tất cả chúng như đang tạo nên một nét chấm phá đáng yêu trong chùm kiến trúc mới xây thời hội nhập. Dường như đang ló rạng một khuynh hướng tìm tòi: “mái chồng mái”.

 

 

Kiến trúc mái chồng mái Ngọ môn - Huế

 

 

Kiến trúc mái chồng mái ở gác chuông chùa Keo - Thái Bình và ở khu Resort Hoàng Anh - Đà Lạt

 

Chúng ta có thể nhìn thấy những ngôi nhà như vậy ở nhiều nơi, từ đồng bằng đến miền núi, từ đô thị đến hải đảo.

Đường nét “mái chồng mái” xuất hiện ở đảo Cát Bà. Hoặc trên thành phố cao nguyên Đà Lạt khu resort Hoàng Anh nằm trên sườn đồi thông mơ mộng. Nơi đây có những ngôi biệt thự, nhà hàng được thiết kế theo kiểu dáng kiến trúc Pháp với các tầng mái ngói xanh đỏ nhấp nhô như những cánh chim đậu trong rừng.

Đây không phải là khuynh hướng hoàn toàn mới. Thật ra với kiểu nhà mái chồng mái chúng ta có thể bắt gặp khá phổ biến trong kiến trúc truyền thống, ở những ngôi chùa, gác chuông như Chùa Keo, Bút Tháp, Tây Phương hoặc trong kiến trúc cung đình như Ngọ Môn, Điện Thái Hoà v.v… Ngày xưa ông cha ta đã biết dùng thủ pháp mái chồng mái để tạo ra những công trình vừa phù hợp với khí hậu khắc nghiệt, vừa có dáng dấp tầng tầng, lớp lớp, sinh động, bề thế.

Cho đến khi thực dân Pháp đặt ách đô hộ ở nước ta, sau khi đem các kiểu kiến trúc ở “mẫu quốc” vào xây dựng, họ cảm thấy bị lạc lõng ở một đất nước có nền văn hoá lâu đời này. Từ đó họ chuyển sang nghiên cứu áp dụng một số hình thức kiến trúc truyền thống của phương Đông vào các công trình như Bộ Ngoại giao, Tổng cục Thể dục thể thao, toà soạn báo Quân Đội ở Hà Nội hay Bảo tàng Lịch sử trong Thảo Cầm Viên ở thành phố Hồ Chí Minh v.v… Và họ đã có những thành công đáng kể. Ngày nay chúng ta hay thường gọi đó là “phong cách kiến trúc Đông Dương” và những công trình này đã trở thành những di tích cần được giữ gìn.

Trong thời gian chống Mỹ, cả ở hai miền Nam Bắc, dường như kiến trúc sư của chúng ta chịu ảnh hưởng nặng nề của trào lưu kiến trúc hiện đại, nên đã quên đi khuynh hướng đáng được phát huy này, và cho ra lò những sản phẩm với những ngôi nhà hình hộp mái bằng tung hoành khắp nơi. Thậm chí còn có ý kiến cho rằng muốn hiện đại thì phải là mái bằng. Mặc dù ngoài ưu điểm là sử dụng được tầng mái thì nó có nhược điểm khó khắc phục, nhất là đối với khí hậu mưa nhiều nắng gắt ở xứ ta.

Bây giờ thì khuynh hướng thiết kế tầng mái đã trở lại. Các kiến trúc sư của chúng ta đã biết khai thác nó một cách sáng tạo. Không cần phải góc cong như trước đây nữa, không cần phải quá đăng đối như xưa nữa, mà mái có thể lệch, gãy, và có độ dốc khác nhau đi cùng với những tấm lợp bằng chất liệu mới, tạo ra được tính đa dạng hơn với những đường nét dứt khoát hơn, tỷ lệ hợp lý hơn. Đó là cái mới, cái đẹp, cái sành điệu của người biết xài tiền trong xây dựng.

Những ngôi nhà mái chồng mái đã mang lại một nét mới cho diện mạo kiến trúc hiện nay và cùng với nó, đây là một trong những hướng sáng tác kiến trúc tìm về bản sắc dân tộc đáng được khích lệ.

 

 

 

 

Kiến trúc mái chồng mái khu Resort Hoàng Anh - Đà Lạt

 

PGS.TS.KTS Nguyễn Khởi

Nhằm lựa chọn phương án thiết kế tối ưu đáp ứng yêu cầu về quy hoạch, kiến trúc, hiệu quả kinh tế, Bộ Xây dựng đang tiếp thu, lấy ý
Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có công văn số 09/CV-HoREA gửi Bộ Xây dựng, đóng góp ý kiến về những kết quả nổi
Giới thiệu
Tin tức
Không gian đẹp
Ngôi nhà chung
Tư vấn
Không gian kiến

LIÊN HỆ

Email : hkts@tphcm.gov.vn
Địa chỉ : 88 Mạc Đĩnh Chi, phường Đa Kao, quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại : (84-28) 38291908 - 38273035 ; Fax: (84-28) 38225657 

 

Copyright 2015 Hội KTS TP.HCM. All rights reserved
Hội KTS TP.HCM giữ bản quyền nội dung trên website này.

Đầu trang