Giới thiệu
Thông tin hội
Ngày đăng : 12/03/2021 1:39:00 PM
Lượt xem: 2282

“Miền di sản” là tập 5 trong bộ sách “Lang thang phố thị” của kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng vừa được ra mắt bạn đọc. Ngay ở đầu sách, anh đã giới thiệu, “một lần nữa, xin được làm người hát rong kể lại, vẽ lại những gì đã nghe được và tận mắt nhìn thấy”. Nhà thơ Lê Minh Quốc nhìn nhận, nét khác biệt của kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng là ở chỗ anh chọn cách viết ngẫu hứng, nói nôm na là viết theo phong cách “lang thang phố thị”(1)


Nhớ lại năm 2017, khi xuất bản Lang thang phố thị 2, KTS Nguyễn Ngọc Dũng được giải bạc - thể loại Công trình nghiên cứu lý luận phê bình trong Giải thưởng Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh lần thứ Nhất. Giải thích về tên sách Lang thang phố thị, KTS Nguyễn Ngọc Dũng phát biểu trên KT&ĐS: “Tôi đã lang thang 40 năm. Lang thang để ghi nhận, chụp hình, vẽ và kể chuyện. Với cái tựa sách Lang thang phố thị, mình có thể nói mọi chuyện từ quy hoạch đến văn hóa, đời sống nhưng thực sự, đó là chuyện kiến trúc, đó là đời sống đô thị nhìn qua con mắt của một kiến trúc sư”. 

Trong buổi giới thiệu sách Lang thang phố thị của KTS Nguyễn Ngọc Dũng tại đường sách Nguyễn Văn Bình hôm 10.1.2021, tôi đã đọc lại những dòng trên và nói thêm, nhà báo nhìn thấy ở sách của KTS Nguyễn Ngọc Dũng những đề tài thời sự. 
Khi Lang thang phố thị 2 được xuất bản, KT&ĐS đã có bài phỏng vấn: “KTS Nguyễn Ngọc Dũng: chúng ta đã đối xử tệ bạc với những dòng sông” rút từ nội dung của cuốn sách.
Với Miền di sản đầu năm 2021 này, KT&ĐS vẫn thấy những vấn đề thời sự. 
Giống như đề tài trong KT&ĐS xuân Tân Sửu, Miền di sản không chỉ là phố cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn hoặc Cù lao Chàm, những di sản văn hóa thế giới, khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận và xếp loại trên địa bàn Quảng Nam - Đà Nẵng. Miền di sản như đề cập trong sách là những lễ hội, món ăn truyền thống, bãi biển, điểm du lịch, nhà cổ, tháp cổ, giếng cổ, làng cổ, làng nghề, bảo tàng, những nơi nguyện cầu, nơi họp chợ, cây cầu. 
Đọc Miền di sản, có thể cảm nhận rất rõ yếu tố nghề kiến trúc trong cách viết, tiếp cận đề tài. Những câu chuyện về kiến trúc, bảo tồn, đôi khi là vấn đề thời sự về quy hoạch và phát triển đô thị gắn liền với một công trình, một nơi chốn nào đó được tác giả viết ra như là câu chuyện kiến trúc với góc nhìn của một kiến trúc sư. Nếu đối tượng đề cập là một nhà cổ, tháp cổ, nhà thờ, chùa… thì anh tiếp cận như một công trình kiến trúc, có hình dáng, cấu trúc, vật liệu, quá trình hình thành, xây dựng, tồn tại và đặc điểm, giá trị. Với những đối tượng đề cập là một điểm đến hoặc nơi chốn như điểm du lịch, làng cổ, làng nghề, bãi biển… thì đó là những thông tin lai lịch, quá trình hình thành, chi tiết lịch sử có chọn lọc và nhiều trường hợp có cả điều kiện tự nhiên, đặc điểm xã hội, quy hoạch, mô tả hiện trạng, tương lai phát triển. Những trang viết về món ăn truyền thống nhấn mạnh yếu tổ sản vật nổi tiếng, đặc trưng của một vùng, một thời kỳ. 
Một chuyện thời sự trong đời sống kiến trúc được báo chí thời gian qua đề cập nhiều là vấn đề phát triển và bảo tồn, vấn đề giữ gìn bản sắc ở các đô thị. Về đề tài này, xin chia sẻ một ý kiến mà KTS Nguyễn Ngọc Dũng nêu trong Miền di sản: “Thiết kế đô thị không chỉ là những bản đồ xanh đỏ chỉ các loại đất mà nó còn bao hàm thiết kế không gian cộng đồng, thiết kế cảm xúc, thiết kế tinh thần cho cư dân và du khách, tinh thần tín ngưỡng tôn giáo… Cảm xúc, khí chất khác biệt vẫn còn thiếu trong bản đồ sử dụng đất, thiết kế, quy hoạch đô thị hiện nay”. 
Một ý kiến qua con mắt chuyên môn của kiến trúc sư nói về đô thị và quy hoạch đô thị! Phải chăng kiến trúc sư đang muốn nói tới tình trạng nhiều đô thị thiếu khí chất, tình trạng các đô thị “na ná nhau”? Vậy muốn khắc phục thì phải làm sao? Phải ứng xử với sự phát triển của đô thị như thế nào? Làm thế nào để có thể “thiết kế cảm xúc, thiết kế tinh thần” cho đô thị?
Lang thang qua miền di sản, gấp sách lại, vẫn còn đọng trong đầu những câu hỏi. Nêu lên những câu hỏi này với KTS Nguyễn Ngọc Dũng, anh hẹn sẵn sàng trở lại trao đổi phục vụ bạn đọc trên KT&ĐS.


(1) https://nld.com.vn/van-nghe/ve-mien-di-san-cung-kts-nguyen-ngoc-dung-20201211211218776.htm




 
Bài CHÂU HIẾU ảnh HẠ MY

 

Hội Kiến trúc sư TP.HCM vừa tiến hành khai trương showroom tại số 88 Mạc Đĩnh Chi. Ngoài phòng trưng bày rộng 90m² được thiết kế đẹp, bài bản,
Trong 5 năm từ 2010 đến 2015, sau giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ cuối thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, tình hình kinh tế Thành phố Hồ
Giới thiệu
Tin tức
Không gian đẹp
Ngôi nhà chung
Tư vấn
Không gian kiến

LIÊN HỆ

Email : hkts@tphcm.gov.vn
Địa chỉ : 88 Mạc Đĩnh Chi, phường Đa Kao, quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại : (84-28) 38291908 - 38273035 ; Fax: (84-28) 38225657 

 

Copyright 2015 Hội KTS TP.HCM. All rights reserved
Hội KTS TP.HCM giữ bản quyền nội dung trên website này.

Đầu trang