Lang thang phố thị 1 xuất bản năm 2007. Mười năm sau mới có Lang thang phố thị 2 và tác phẩm đã đạt giải bạc Giải thưởng Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh. Thưa anh, cái tên có vẻ như một tác phẩm văn học không liên quan đến kiến trúc?
Tôi đã lang thang 40 năm. Lang thang để ghi nhận, chụp hình, vẽ và kể chuyện. Với cái tựa sách Lang thang phố thị, mình có thể nói mọi chuyện từ quy hoạch đến văn hóa, đời sống nhưng thực sự, đó là chuyện kiến trúc, đó là đời sống đô thị nhìn qua con mắt của một kiến trúc sư. Có thể nói, kiến trúc là một phần của xã hội, bao gồm quy hoạch, đời sống, văn hóa, nghệ thuật… Lang thang phố thị 1 là những chuyện tôi kể về các đô thị trên thế giới thì trong Lang thang phố thị 2, chủ yếu là chuyện ở Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh. Trong phần trình bày tóm tắt nội dung tác phẩm để dự thi, tôi nhấn mạnh đến những bức xúc về sự phát triển nóng của thành phố, về sự tiếc nuối những giá trị kiến trúc đã không được bảo tồn.
Nếu tính đến mức độ bức xúc qua việc sử dụng tính từ, xin trích dẫn trang 64, phần về “Việt Nam hiện đại - Những vấn đề đô thị”, anh viết, “Sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và các con sông, kênh rạch nhỏ khác đang hàng ngày nuôi sống con người nhưng ngược lại, con người đang đối xử rất tệ bạc với nó”. Anh có thể giải thích rõ hơn, con người đã đối xử tệ bạc với sông Sài Gòn và những dòng sông khác như thế nào?
Cái đặc sắc nhất của thành phố Sài Gòn là sông Sài Gòn…
KT&ĐS đã từng có chuyên đề “Di sản sông nước” đặt vấn đề phải ứng xử với sông nước ở Sài Gòn như ứng xử với những di sản tự nhiên quý giá…
Ở nhiều thành phố trên thế giới có dòng sông chảy qua người ta luôn coi dòng sông như tài sản tự nhiên vô giá, tài sản của toàn dân. Có những thành phố dòng chỉ chảy ngang thành phố như sông Hàn (Hangang) đối với Seoul nhưng sông Sài Gòn của ta là trường hợp đặc biệt, dòng sông như dải lụa mềm uốn lượn qua thành phố, ôm ấp thành phố. Nhưng ta đã đối xử với nó như thế nào? Ta làm quy hoạch theo ranh giới tỉnh thành, dòng sông chảy qua những địa phương khác nhau thì chịu quy hoạch sử dụng khác nhau, quy hoạch có thể tốt cho địa phương này nhưng lại không tốt cho địa phương khác. Có những thời điểm, ta coi những dòng sông như một cái cống xả thải không lồ. Lại có những thời điểm, dòng sông như bị quên lãng. Bây giờ thì sông Sài Gòn bị khai thác theo cách mà người dân thành phố không thể hưởng trọn vẹn cảnh quan và những giá trị của dòng sông. Tôi cho rằng việc để chừa lộ giới 20-50 mét hai bên bờ sông rạch là vô lý. Theo tôi, ít ra ta nên chừa hai bên bờ sông lộ giới 100-200 mét, thậm chí là 300 mét. Trong lộ giới đó, ta có thể tạo các khoảng giật cấp có độ cao khác nhau, phần sát với mặt sông có độ cao thấp để chứa nước mưa chống ngập, phần tiếp giáp đó là công viên dành cho cư dân và cây xanh, giao thông. Sông Hàn của Seoul được chừa lộ giới tới 500 mét, giật cấp theo 3 mức khác nhau để chứa nước mưa từ thượng nguồn đổ về khi mùa mưa bão đến. Bình thường thì đó là công viên, là mảng xanh của thành phố, là không gian công cộng, nơi vui chơi hưởng thụ của toàn thể cư dân. Có thể nói, đó là công viên bờ sông dài và đẹp nhất thế giới. Cứ nhìn sông Hàn tôi lại tiếc cho sông Sài Gòn. Chúng ta đã đối xử với nó rất tệ bạc!
Từ “đền bù giải tỏa” đến “cổ đông nông dân”, đó là tựa một phần nội dung nghiêng về nghiên cứu trong Lang thang phố thị 2. Có vẻ như anh đang muốn tìm cách thay thế “đền bù giải tỏa”- cụm từ từng xuất hiện nhiều trong đời sống người dân thành phố?
Đó là giải pháp về việc xây dựng một đô thị vệ tinh quy mô 3.000 ha mà tôi quan tâm nghiên cứu và đề xuất. Điểm đặc biệt của mô hình này là không có khái niệm “đền bù giải tỏa”, người nông dân có đất trở thành “cổ đông nông dân”, họ là những nhà đầu tư sơ cấp góp vốn bằng chính mảnh đất của mình. Nếu thực hiện theo đúng mô hình này, chỉ cần 10 năm là hình thành một đô thị vệ tinh, chính quyền và người dân cùng thu được lợi nhuận từ sự phát triển, giá đất tăng, giá trị cổ phiếu tăng theo thời gian.
Một góc chợ Bến Thành
Xóm nhỏ bên sông
Lang thang phố thị 2 mở đầu với “Ký ức Sài Gòn”. Bảo tồn di sản đã có nhiều thời điểm là những đề tài nóng theo từng vụ việc như chuyện Thương xá Tax, chuyện Ba Son… được nhiều người quan tâm. Trong tác phẩm này, cái nhìn qua con mắt kiến trúc sư đối với bảo tồn di sản kiến trúc có gì đặc biệt?
Đến giờ vẫn có những tranh luận rằng đặc trưng của kiến trúc Việt Nam là gì? Theo tôi, một trong những đặc trưng cần nhấn mạnh là công trình, quần thể kiến trúc Việt Nam luôn hòa quyện với thiên nhiên. Cung đình Huế, các công trình tiêu biểu ở Hà Nội đều được xây dựng với kích thước, quy mô vừa phải, nó không vượt hẳn lên thiên nhiên mà như hòa mình cùng thiên nhiên, đường xá, sông nước. Trong cuốn sách này tôi cũng đề cập, ở Huế, đối diện với Thành Nội, người Pháp đã xây dựng khu phố Tây bên kia bờ sông Hương với đầy đủ quảng trường, dinh thự, bưu điện để giữ lại toàn bộ kinh thành cũ. Nhờ vậy, Huế vẫn còn được một đô thị cổ thời Chúa Nguyễn. Ở Sài Gòn cũng vậy, trung tâm Sài Gòn thời Pháp thuộc được quy hoạch ô bàn cờ với những trục cảnh quan, công viên, sở thú, những điểm nhấn công trình như Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố, Nhà Hát Lớn, chợ Bến Thành, trụ sở Ủy ban nhân dân thành phố… đã đạt tới tỷ lệ vàng về chiều cao, cây xanh, mật độ và đường xá. Với quan điểm như vậy, tôi cho rằng nếu chúng ta bảo tồn kiến trúc theo “điểm và diện” với từng hoặc vài công trình cụ thể, còn phần không gian trung tâm vẫn cho lèn chặt cao ốc thì rõ ràng việc bảo tồn như vậy là chưa đủ, chưa hợp lý. Tôi vẫn mong muốn một phố đông hiện đại bên kia Thủ Thiêm và một bờ tây Sài Gòn cổ kính, hoài niệm cùng phát triển bổ sung cho nhau. Ở đây cần nhấn mạnh về quan điểm phát huy, một công trình di sản có giá trị kiến trúc có thể đạt tới mức giá cao hơn rất nhiều so với một cao ốc hiện đại.
Cũng như nhiều người yêu Sài Gòn, tôi tiếc cho những kỷ niệm xưa đang dần biến mất, không chỉ là những công trình mà cả những con đường, lề đường lát đá với hàng cổ thụ rợp bóng, những kỷ niệm vô giá mà không biết bao giờ người Sài Gòn mới lấy lại được.
Xin chia sẻ với anh một bức xúc mà đã có lần KT&ĐS nêu lên là việc đặt tên nước ngoài cho các cao ốc, dự án như anh viết trong viết trong Lang thang phố thị 2 ?
Tôi nghĩ có lẽ các chủ đầu tư khai thác tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng. Đặt tên nước ngoài thì người ta nghĩ rằng có hiện đại, nó tốt. Thành phố ta hiện nay đầy rẫy những residence, city, plaza, golden cộng với các tên riêng như Sunrise, Everich, Starhill… Với người dân thành phố, đặc biệt là những người ở xa về, họ sẽ thấy đây là thành phố xa lạ. Rất tiếc là việc đặt tên này lại bị buông lỏng, chẳng có ai quản lý.
Còn rất nhiều nội dung thú vị trong Lang thang phố thị 2 nhưng một bài phỏng vấn không thể đủ, xin anh chia sẻ với bạn đọc những nội dung về người nhập cư mà anh gặp và phản ánh khi lang thang trong phố thị?
Lang thang phố thị 2 dành 10 trang cho những bức tranh và trang viết về “những gánh hàng rong” trong đô thị. Tôi cũng là người trưởng thành từ nghèo khó, tôi hiểu và chia sẻ với mọi mảnh đời cơ cực của người nhập cư - một bộ phận cư dân không thể tách rời của đô thị. Những kiến trúc sư đang hành nghề sẽ làm được gì cho họ? Theo tôi, các nhà quản lý, nhà quy hoạch hãy mở chiến dịch với phong trào mua đất, tìm một nơi trống ở mỗi con đường, mỗi khu phố với diện tích vừa phải, được cung cấp điện nước, có cống rãnh vệ sinh, miễn thuế để dành cho họ một nơi kiếm sống. Hãy công bằng với những lao động nghèo, những nông dân vào đô thị kiếm sống, những người nhập cư.
Câu hỏi cuối cùng, bao giờ thì sẽ có Lang thang phố thị 3? Anh có thể “bật mí” trước nội dung?
Dự kiến là năm 2018 sẽ có Lang thang phố thị 3. Đó là tác phẩm có thêm phần ẩm thực - du lịch và đương nhiên là kiến trúc. Vùng đất mà tôi lang thang ở cuốn 3 sẽ là đồng bằng sông Cửu Long.
Thiếu nữ bán bánh bao
Về xóm trọ
Bài Hy Hưng minh họa KTS Nguyễn Ngọc Dũng
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống