"Làm việc trong ngành nhiều năm và tham gia vào Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA) tôi nhận thấy nhu cầu nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất của anh chị em trong ngành là rất lớn. Nếu có một chìa khóa để mở ra cánh cửa đó, chắc chắn ngành sẽ phát triển hơn và tất cả thành tố trong chuỗi cùng có lợi".
KTS Nguyễn Chánh Phương
Kết nối chuỗi cung ứng
Ông quan niệm như thế nào về chuỗi cung ứng trong ngành sản xuất nội thất và mối liên hệ giữa các thành phần này?
Chuỗi cung ứng gồm người mua - nhà thiết kế - nhãn hàng (showroom, nhà cung cấp, hệ thống phân phối) - nhà máy sản xuất. Trong kiến trúc hay nội thất nói riêng, chúng ta thấy tâm lý chung của người tiêu dùng là muốn tự tay mình chọn lựa, bỏ qua tư vấn của thiết kế, đi thẳng đến nhãn hàng nhằm tiết kiệm. Tuy nhiên, tiết kiệm dễ sinh ra “tính già hóa non”. Vì không phải ai cũng đủ khả năng để hiểu nhãn hàng, về mặt chất liệu, giá cả, thời gian cung ứng, phong cách, kỹ thuật, phối hợp với các bên liên quan (điện, nước...). Mỗi nhãn hàng thường chỉ đáp ứng được một trong số yêu cầu của khách nên sẽ dẫn dắt khách theo “định hướng” của họ. Người tiêu dùng nội thất thông mình là không nên đi tắt trong chuỗi cung ứng.
Tâm lý “đi tắt đón đầu” cũng phổ biến trong giới thiết kế. Đáng lẽ chuyên tâm vào chuyên môn, họ lại tổ chức nhà máy để điều hành và sản xuất. Vô tình họ tạo thêm cho bản thân gánh nặng điều hành, bị phân tâm dẫn đến bó hẹp khả năng sáng tạo.
Nhãn hàng cũng thích đi tắt khi tự tổ chức bộ phận thiết kế, bởi họ chỉ bán được những gì làm ra. Giới thiết kế có tay nghề giỏi thường thích làm “freelance” nên nhãn hàng thường chỉ tổ chức được đội ngũ năng lực trung bình. Thật ra, “đi tắt đón đầu” vẫn thành công nếu ở trình độ cao như một tổng chỉ huy.
Để giải quyết liên kết trong chuỗi này, theo ông cần điều gì?
Trong chuỗi cung ứng, bỏ bất cứ khâu nào cũng mất đi cơ hội. Kết quả cuối cùng trong chuỗi là sản phẩm cho người dùng. Sản phẩm chính đi ra từ sản phẩm ảo là bản thiết kế, là tổng hợp của nhiều bên liên quan: người bán, nhà thiết kế, nhà sản xuất... Mỗi bộ phận liên quan này lại sử dụng một công cụ khác nhau: Auto Cad, Excel, CNC...
Vì các “ngôn ngữ” khác nhau, giải pháp đồng bộ để phối hợp thống nhất chính là một phần mềm có đủ nội hàm của các yếu tố: thiết kế, dự toán, sản xuất, phân phối. Đó là hành trình đi tìm ngôn ngữ chung, câu trả lời và dòng chảy xuyên suốt trong chuỗi mà ngành luôn trông chờ. Chính vì quá phức tạp, các phần mềm giải quyết được vấn đề trên rất đắt và đòi hỏi người sử dụng phải có trình độ chuyên môn cao.
.jpg)
Kỹ sư công ty Danh Mộc sử dụng phần mềm KDS để triển khai sản xuất
Đó là lý do khiến ông trăn trở và bắt tay vào thực hiện một phần mềm?
Làm việc trong ngành nhiều năm và tham gia vào Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA) tôi nhận thấy nhu cầu nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất của anh chị em trong ngành là rất lớn. Nếu có một chìa khóa để mở ra cánh cửa đó, chắc chắn ngành sẽ phát triển hơn và tất cả thành tố trong chuỗi cùng có lợi. Năm 2014, tôi bắt tay vào thực hiện KDS. Danh Mộc đầu tư phòng IT với 3 nhân viên và tôi. Đến năm 2017 thì hoàn thành.
Phần mềm KDS bao gồm 2 chức năng chính là thiết kế và dự toán. Tích hợp sẵn hệ thống thư viện 500 module, 1.000 mẫu vật liệu và hơn 200 loại vật liệu có sẵn trên thị trường, đúng cấu tạo và tiêu chuẩn sản xuất để thiết kế tủ bếp, tủ quần áo, tủ nhà tắm, tủ tivi, tủ văn phòng... Các module có thể điều chỉnh theo các thông số tùy biến, nhưng vẫn phù hợp quy cách, tự động cập nhật giá dự toán. Nhờ vậy, người thiết kế có thể chủ động hiệu chỉnh thiết kế tối ưu mà vẫn phù hợp. Tất cả thông số thiết kế được kết nối với hệ thống máy CNC để hoàn tất chuỗi sản xuất. Với KDS, chỉ trong vòng 1 tiếng có thể báo giá hoàn chỉnh một công trình từ chất liệu, số lượng ốc vít, bản lề, màu sơn, tay nắm...
Có nhiều phần mềm trên thị trường nhưng 100% của nước ngoài. Cách thức sử dụng lại phức tạp, giá cao, số đông khó tiếp cận nên những người sản xuất nội thất vẫn “trung thành” với kiểu làm truyền thống hiệu quả thấp: vẽ tay, đưa vào Auto Cad, 3D đưa cho nhà sản xuất thi công. Theo tôi tìm hiểu, Danh Mộc là nhà sản xuất nội thất đầu tiên tại Việt Nam đầu tư và làm một phần mềm thiết kế 100% “made in Viet Nam”.
.jpg)
“FREE” LÀ “WIN-WIN”
Ứng dụng CNTT có vai trò quan trọng như thế nào trong ngành sản xuất nội thất? Có sự khác biệt nào của KDS so với những sản phẩm khác?
Trong sự lên ngôi của cách mạng công nghệ 4.0 thì chuyển hóa thông tin là dễ thấy nhất. Càng ngày đầu ra của sản phẩm CNTT càng thân thiện. Các chức năng phần mềm càng thông minh và tiện dụng.
Trong sản xuất nội thất, nhất là hàng may đo, phần mềm thiết kế chiếm vị trí hết sức quan trọng. Phần mềm dành cho ngành nội thất gỗ ra đời khoảng 20 năm nay nhưng có những yếu tố cản trở doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận: phức tạp, khó sử dụng, đòi hỏi trình độ quản trị của doanh nghiệp phải ở mức nhất định, chưa tính điều kiện cơ sở kỹ thuật. Các phần mềm trên thế giới chủ yếu chạy trên ngôn ngữ đóng, cần một lực lượng khách hàng nhiều để giảm giá thành.
KDS viết trên nền tảng Sketch up và các Plug-in của KDS vượt trội hơn do thêm vào chức năng tính toán. Thuận lợi của chúng tôi là hoạt động trong chuyên ngành thiết kế, sản xuất nên nắm được nhu cầu thực tế của sản xuất, khác với các nhà lập trình đa phần không có kinh nghiệm sản xuất. Chúng tôi làm phần mềm vì thực sự đam mê chứ đây không phải là cuộc chơi viễn vông.
Bỏ công sức tiền bạc để làm phần mềm nhưng vì sao ông lại quyết định miễn phí?
Ban đầu, KDS được làm chỉ để phục vụ nhu cầu công việc của Danh Mộc. Sau khi trình làng, chúng tôi nhận được rất nhiều lời đề nghị mua nhưng Danh Mộc không phải là đơn vị kinh doanh phần mềm, nên quyết định miễn phí với mong muốn nâng cao năng lực cạnh tranh và sản xuất của ngành nội thất bằng một công cụ thiết thực. Thông qua KDS, Danh Mộc cũng có thể phát triển chính sách hợp tác đôi bên cùng có lợi với các đối tác khác.
Khi làm ra sản phẩm nào đó, rất ít ai dám miễn phí. Tập quán sử dụng phần mềm của người Việt Nam và giới thiết kế nói riêng là luôn mong muốn “free”. Thị trường có nhiều phần mềm miễn phí hoặc ở mức 50%. Danh Mộc quyết định “free” vì chúng tôi mong muốn tìm kiếm các cộng tác viên, đại lý, nhà phân phối mà sự cộng tác này có thể hình thành một chuỗi. Như vậy, “free” ở đây là win-win, hai bên cùng có lợi. Quan điểm của tôi khi phát triển KDS dựa trên các yếu tố: chọn giải pháp phù hợp năng lực công ty, chọn giải pháp mã nguồn mở để có thể phát triển tiếp, tìm đối tượng khách hàng mà chúng tôi mong muốn để kết nối khâu thiết kế và sản xuất. Đến bây giờ tôi vẫn trung thành với suy nghĩ này nên việc miễn phí, không phải là điều quá bận tâm khi góp sức mình cho sự phát triển của ngành.
.jpg)
Showroom Carpenter trưng bày các sản phẩm với nhiều vật liệu Veneer, sơn, Laminate và Melamine. Bếp Carpenter sơn Highgloss với gam màu tươi sáng và phong cách hiện đại ấn tượng
Bình An (ghi)