Sau chuyên đề “Xu hướng và công nghệ chiếu sáng” trên KT&ĐS số 171 vừa qua, chúng tôi nhận được một số ý kiến của bạn đọc tìm hiểu thêm về thị trường thiết bị chiếu sáng và những vấn đề xung quanh dịch vụ tư vấn, thiết kế chiếu sáng trong kiến trúc. Từ những thắc mắc trên, Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với KTS Lê Anh Đức, sáng lập viên Alis Lighting, giảng viên môn Thiết kế ánh sáng, bộ môn Nội thất, khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Đại học Xây dựng
KTS Lê Anh Đức, Sáng lập viên - Giám đốc thiết kế Alis lighting
Xin hãy bắt đầu bằng việc đánh giá thực trạng chất lượng chiếu sáng hiện nay
Có lẽ ta nên nói qua một chút về các loại chiếu sáng dựa theo công năng. Một cách chung nhất, ta có thể kể các nhóm công trình chiếu sáng theo công năng như nhà ở, các cơ sở như nhà hàng, quán xá, cao hơn một chút là các khách sạn, resort, văn phòng làm việc... và ở mức độ rộng hơn là chiếu sáng cảnh quan cho không gian công cộng, chiếu sáng đô thị.
Với nhóm thứ nhất, các công trình dân dụng phổ biến nhất là nhà ở, đối tượng sử dụng trực tiếp là chủ nhà và họ cũng chính là chủ đầu tư. Với nhóm thứ hai là các công trình như văn phòng làm việc, các khách sạn, resort, nhà hàng… thì đối tượng sử dụng là nhân viên văn phòng, khách nghỉ dưỡng, thực khách, người làm quản lý nhưng họ lại không phải là chủ đầu tư. Với nhóm thứ ba, các công trình chiếu sáng cảnh quan, không gian đô thị… gọi chung là chiếu sáng đô thị thì người sử dụng là cộng đồng thị dân. Chủ đầu tư của các công trình loại này thông thường là chính quyền.
Để đánh giá đúng thực trạng chiếu sáng, đầu tiên ta phải nói về nhận thức của người sử dụng. Nhưng như phân loại ở trên, người sử dụng trong thực tế lại gồm nhiều đối tượng khác nhau, tùy theo từng loại công trình.
Với nhóm đầu tiên là nhà ở, thực trạng phổ biến là bỏ quên vai trò của chiếu sáng, chủ nhà thường có quan niệm rất đơn giản, đủ sáng là được. Và muốn sáng đủ thì đi mua… đèn vì ánh sáng là do đèn phát ra. Thực tế, có rất ít chủ nhà nghĩ đến chuyện thiết kế chiếu sáng. Chính vì họ chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc chiếu sáng nên họ trông cả vào thợ điện hoặc phó mặc cho kiến trúc sư.
Với các công trình như quán xá, nhà hàng, văn phòng làm việc, khách sạn, resort… thì người sử dụng là khách hàng, nhân viên nhưng nói chung là người dùng trực tiếp lại không phải là chủ đầu tư. Với chiếu sáng đô thị thì việc chiếu sáng lại phụ thuộc rất nhiều vào công tác quy hoạch, xây dựng. Phần này tôi sẽ đề cập riêng.
Tóm lại là chất lượng chiếu sáng hiện nay nói chung là thấp, thực tế có tình trạng vừa xem nhẹ thiết kế, đầu tư cho chiếu sáng lại vừa có hiện tượng lạm dụng ánh sáng, gây ra ô nhiễm ánh sáng.
Ví dụ như quán cà phê ta đang ngồi ở đây là nơi có ánh sáng tệ. Chủ quán không quan tâm làm cho chiếu sáng tốt hơn lên, có thể là họ đã đủ khách rồi. Với công trình như thế này thì ta nên gọi là ánh sáng có chất lượng thấp còn chữ ô nhiễm ánh sáng, ta nên dùng cho đô thị thì hợp lý hơn.
Chất lượng chiếu sáng thấp sẽ ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào?
Đầu tiên, chất lượng chiếu sáng ảnh hưởng đến sức khỏe thị giác, điều này dễ thấy. Chiếu sáng không đủ, không đúng sẽ gây hại cho mắt.
Chất lượng chiếu sáng cũng ảnh hưởng đến sức khỏe tâm sinh lý con người thông qua việc tác động lên cảm xúc, ảnh hưởng đến sinh hoạt, hiệu quả làm việc của con người. Trong môi trường có chất lượng chiếu sáng tốt, con người ta sẽ sống vui khỏe, hoạt bát, làm việc có hiệu quả hơn. Nếu chiếu sáng đúng, đẹp thì ánh sáng sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực và ngược lại.
Nói như vậy để ta thấy được sự cần thiết của việc thiết kế chiếu sáng. Với nhà ở, nhu cầu tối thiểu là cần thiết kế chiếu sáng ở mức cơ bản, công trình nhà ở cần được chiếu sáng đúng, đủ để đạt được những yêu cầu cơ bản về công năng sử dụng, đảm bảo sức khỏe thị giác. Nếu có điều kiện, ở mức độ cao hơn nữa là tạo ra không gian đẹp tức là phải có không gian kiến trúc đẹp, nội thất đẹp và ánh sáng đẹp để hoàn chỉnh không gian đó, nâng cao chất lượng sống.
Thiết kế ánh sáng mặt đứng biệt thự tại Vinhome Riverside Hà Nội thực hiện bởi Alis Lighting. Thiết kế ánh sáng mặt đứng ngày nay đang trở thành xu hướng tạo ra cá tính và sự “sang” riêng cho từng căn biệt thự trong tổng thể khu đô thị với các biệt thự có thiết kế kiến trúc tương đồng
Thiết kế ánh sáng tận dụng mái kính và tấm Alu đục lỗ tạo ra bóng nắng thú vị cho không gian sảnh của trụ sở văn phòng Alis Lighting - 6 Lý Đạo Thành, Hà Nội
Ánh sáng có vai trò quan trọng, đặc biệt là với sức khỏe con người. Nhưng muốn có chiếu sáng đủ, đúng, đẹp thì phải đầu tư. Chi phí cho việc chiếu sáng gồm những khoản chi phí nào, có cao không?
Theo quan sát của tôi, ngành chiếu sáng hiện đang phát triển giống như ngành nội thất 20 năm trước. Khi người ta nhận thức được sự khác biệt của thiết kế chiếu sáng thì nhu cầu có thể nói là rất lớn. Có cầu thì có cung, thị trường đang phát triển khá nhanh, tôi nghĩ sắp tới, thị trường dịch vụ và thiết bị chiếu sáng có tiềm năng tăng trưởng 200% đến 300%/năm. Hiện các đơn vị cung cấp thường tách thành hai gói riêng biệt, gói tư vấn thiết kế và gói cung cấp thiết bị để đáp ứng tốt cho gói thiết kế kể trên. Thị trường cũng có những đơn vị tư vấn, thiết kế chiếu sáng, cung cấp giải pháp tổng thể về chiếu sáng bao gồm cả thiết bị, bố trí thiết bị.
Nếu có thiết kế chiếu sáng thì hiệu quả sử dụng ánh sáng tăng, mức đầu tư tăng nhưng số đèn lại giảm. Đèn được sử dụng tinh tế hơn, số lượng đèn giảm nhưng chất lượng ánh sáng lại tăng. Sự thay đổi của công nghệ cũng tác động đến thị trường. Trước đây ta thường chia thành hai nhóm là đèn riêng biệt là chiếu sáng kỹ thuật và nhóm đèn trang trí. Với công nghệ mới hiện nay hệ thống đèn kỹ thuật có thể song hành với đèn trang trí, không còn là hai thứ rời rạc. Đó là cơ sở để thiết kế tạo ra tổng thể nội thất hài hòa.
Về giá trị, thông thường, thiết kế ánh sáng ở mức cơ bản chiếm khoảng 30% giá trị tổng gói thiết kế kiến trúc và nội thất.
Như vậy trong một ngôi nhà ở hiện nay, có thiết kế kiến trúc, nội thất và cả ánh sáng nữa. Anh hãy chia sẻ về mối quan hệ và ảnh hưởng giữa 3 dạng thiết kế này. Kiến trúc sư có phải là người đảm nhận luôn việc thiết kế ánh sáng?
Tôi thường hay nói với các kiến trúc sư là trong thiết kế kiến trúc và nội thất, ánh sáng là chất liệu đặc biệt có tính chủ đạo, có thể chi phối tất cả các chất liệu khác. Ánh sáng phải được thiết kế tổng thể ngay từ bản vẽ 3D thiết kế cơ bản lần đầu tiên. Thực tế, khi thiết kế kiến trúc và nội thất, kiến trúc sư thường chỉ chú ý vị trí đèn, cân đối với các vật dụng khác chứ chưa xét đến mối tương quan giữa đèn và hiệu ứng chiếu sáng với các chất liệu khác. Công việc này đòi hỏi chuyên môn của người thiết kế ánh sáng.
Thực tế hiện nay ở Việt Nam, thiết kế ánh sáng là công việc mới mẻ hơn so với thiết kế kiến trúc và nội thất. Lực lượng chuyên nghiệp đầu tiên phải kể là nhóm anh em kiến trúc sư người Việt Nam được học bài bản về chiếu sáng ở nước ngoài quay về. Nhóm thứ hai là các chuyên gia, kiến trúc sư nước ngoài làm việc ở Việt Nam mà chủ yếu đến từ các nước Đông Nam Á. Tiếp theo là nhóm được đào tạo trong nước, đa số có xuất phát điểm là kiến trúc sư, họ đã có những hiểu biết cơ bản và cả kinh nghiệm trong thiết kế kiến trúc, nội thất nay được đào tạo thêm về thiết kế chiếu sáng.
Bây giờ nói về ô nhiễm ánh sáng dưới góc độ chiếu sáng đô thị? Theo anh đâu là nguyên nhân và biện pháp khắc phục?
Đô thị ô nhiễm ánh sáng thì mọi người nói nhiều rồi. Theo tôi, ô nhiễm ánh sáng là thực trạng chiếu sáng có thể nói là chất lượng tệ, ánh sáng bị lạm dụng vừa xấu vừa gây hại cho thị giác. Về hiệu quả kinh tế thì đó là sự lãng phí vật chất và thời gian.
Nguyên nhân chính theo tôi là do đô thị còn thiếu một kiến trúc sư trưởng về chiếu sáng. Bản thân các quy hoạch đô thị của ta chưa có quy hoạch về ánh sáng. Thực trạng chiếu sáng đô thị của ta là hầu như không kiểm soát, nhiều lúc và nhiều nơi chỉ cần có đèn chiếu sáng bình thường có đèn là được (!?)
Ở các nước tiên tiến không có tình trạng này. Ví dụ như ở Đức, có những thành phố chỉ cho sử dụng ánh sáng vàng với cường độ được quy định ở một mức nhất định. Mỗi thiết kế chiếu sáng đô thị đều phải được duyệt. Tức là họ có kiểm soát, có ý thức, có thể nói là họ sử dụng ánh sáng một cách có văn hóa. Bản thân kiến trúc sư khi làm thiết kế công trình cũng chú ý đến đời sống công trình cả ban ngày và ban đêm, tức là thiết kế chiếu sáng.
Để khắc phục tình trạng này, tôi mong muốn các nhà quy hoạch ngồi lại với nhau để đưa ra cách sử dụng một quy chuẩn ánh sáng một cách có văn hóa và kiểm soát tốt quy chuẩn đó.
Tham khảo thêm thông tin tại https://www.alis-lighting.vn/
Thiết kế ánh sáng phòng ngủ kết hợp những khe sáng gián tiếp cùng spotlight tạo ánh sáng thư giãn. Thiết kế nội thất: LAAM
Một thiết kế ánh sáng của Alis lighting dành căn hộ view Sông Hồng - Hà Nội. Đèn trang trí mang tính giải pháp được thiết kế cùng với hệ spotlight tạo ra thiết kế ánh sáng vừa đủ và đúng, đồng thời giảm thiểu được thiết bị chiếu sáng thừa giúp diện trần nội thất gọn gàng, mạch lạc theo phong cách hiện đại. Bên cạnh đó, việc sử dụng ánh sáng turnable white 2700-4000K kết hợp với Dim2warm tạo ra cảm xúc phù hợp tâm trạng và thời tiết. Thiết kế nội thất: LAAM
Sản phẩm thiết kế ánh sáng và triển khai bởi Alis Lighting tại Showroom S+ 66 Ngô Thì Nhậm, Hà Nội. Tương tác với chất liệu và điều khiển theo cảnh (scene) được lập sẵn, ánh sáng nội thất tại S+ tạo ra không gian ánh sáng thú vị để khách hàng có thể trải nghiệm sản phẩm bằng cảm xúc và mọi giác quan
Bài Phương Hưng ảnh Alis Lighting