Không gian kiến
Nhiếp ảnh
Ngày đăng : 18/06/2021 5:38:41 PM
Lượt xem: 618

Nhà ở của con người là một sáng tạo để thích ứng với điều kiện tự nhiên và phù hợp với văn hóa của từng dân tộc. Trong tiến trình lịch sử, nhà trình tường đã ra đời mang đầy đủ những đặc tính và vẻ đẹp hiên ngang vững chãi tựa như tính cách, lối sống của người dân vùng cao.

 

 

Nhà trình tường là một loại kiến trúc đất toàn khối, là nét văn hóa kiến trúc đặc sắc của người Mông, Dao, Hà Nhì vùng Tây Bắc. Trải qua hàng trăm năm, càng in dấu tích thời gian càng hấp dẫn, những nếp nhà trình tường mang bản sắc độc đáo của người Hà Nhì Đen ở Y Tý (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) với kiểu dáng đa số là hình vuông, khác với nhà hình chữ nhật của người Mông. Từ trên cao nhìn xuống, xen giữa vùng núi đá và các đồi cỏ tranh là những mái nhà lúp xúp như những cây nấm khổng lồ nằm thoai thoải trên sườn núi, thấp thoáng trong biển mây. 
Nhà trình tường của dân tộc Hà Nhì sử dụng vật liệu có nguồn gốc từ tự nhiên, với cách xây dựng thủ công, vận hành bằng sức người, nên hầu như không ảnh hưởng bất lợi đến môi trường, đảm bảo sự hòa hợp với thiên nhiên và cân bằng sinh thái. Các vật liệu làm tường, lợp mái chủ yếu từ đất không nung, các loại rơm rạ, lá rừng. Những vật liệu thân thiện và gần gũi, mang dáng dấp địa phương làm cho các thành viên trong gia đình khi đi xa thường nhớ về ngôi nhà rồi nhớ cả hình ảnh quê hương trong đó. Với ngôi nhà này, khi bà con tháo dỡ hay chuyển đổi vị trí thì vật liệu làm nhà đều từ thiên nhiên nên lại trở về hòa nhập với đất, nhiều cấu kiện tái sử dụng được và để lại đất sạch. Nền đất cũ được chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác mà không để lại ô nhiễm nào. Ngôi nhà trình tường của đồng bào dân tộc Hà Nhì hiện nay vẫn còn giữ lại được rất nhiều những yếu tố “xanh” như vậy. Kiến trúc xanh của ngôi nhà truyền thống đồng bào dân tộc chính là một bản sắc cần giữ gìn và phát huy trong nền kiến trúc Việt Nam.
Xã vùng cao biên giới Y Tý ở độ cao trên 2.000m, quanh năm chìm trong sương mù và mây trắng, khung cảnh nên thơ. Y Tý không chỉ mê hoặc với thung lũng trên mây và những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ. Bà con dân tộc thiểu số nơi đây đã làm nên nét quyến rũ rất riêng cho mảnh đất khô cằn khắc nghiệt bằng chính nếp sống, nếp canh tác và cách ứng xử với thiên nhiên. Dù nơi đây quanh năm sương phủ giá rét, người dân Hà Nhì Đen vẫn kiên cường bám trụ và dựng xây làng bản với quan niệm sống trên cao để được gần Trời. Sau mỗi mùa vụ, khi nông nhàn, cũng là lúc thời tiết khô ráo thuận lợi nhất, người Hà Nhì sẽ bắt tay vào tu sửa nhà hoặc dựng nhà mới. Từ xa xưa, trong nhận thức của người Hà Nhì là phải làm một kiểu nhà an toàn, chịu được những điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên, đặc biệt là cái lạnh vùng biên ải nhiều khi xuống dưới độ âm. Ngay tại vùng núi này, nguồn đất đỏ tự nhiên chính là nguyên vật liệu tốt nhất để bà con dựng nên những ngôi nhà trình tường truyền thống với tường rất dày và vững chãi.
Công đoạn đầu tiên để dựng nhà là chọn được miếng đất ưng ý, sau đó tiến hành làm móng bằng các loại đá núi. Móng nhà được đặt ngay trên mặt đất bằng mà không phải đào sâu xuống lòng đất như người miền xuôi. Tiếp đến là công đoạn trình tường nhà. Đất đã chọn được đưa vào ván khuôn nẹp chắc, dùng chày gỗ giã để nén chặt với nhau, hết lớp nọ đến lớp kia. Thường những ngôi nhà được trình từ đất với độ dày của tường 40-50cm, cao 4-5m, diện tích trung bình của lòng nhà khoảng 60-80m2. Nhà trình tường của đồng bào Hà Nhì có một cửa ra vào ở chính giữa nhà và một cửa phụ ở đầu hồi nhà bên trái, hoặc bên phải để ra phía sau. Cửa chính bao giờ cũng trổ một lỗ dưới thấp cho chó mèo ra vào. Ngoài ra, đồng bào còn làm thêm một, hoặc hai cửa nhỏ ở bên trái, hoặc bên phải lối ra vào để thông gió cho khói bếp thoát ra. Nhìn xa những ô cửa này nhỏ xíu như lỗ tò vò. Bên trong nhà, đồng bào còn làm thêm một bức tường phụ cũng bằng đất nện chạy song song với tường chính ở cách cửa ra vào khoảng 1,5m. Sau bức tường phụ này là bếp và giường ngủ của người chủ gia đình. Trình xong tường chung quanh, mặt tường bên trong và bên ngoài được giã, mài nhẵn và mịn trơn, đồng bào lấy gỗ kháo, pơmu hoặc dổi làm khung nhà bên trong tường, sau đó lắp ghép các xà và đòn tay gỗ để lợp mái. Cỏ gianh lấy về được bện lại thành từng lớp, phủ liền nhau, lớp nọ chồng lên lớp kia tạo ra mái nhà có độ dày tới 50cm.

 

 

 

Trong nhà người Hà Nhì nào cũng có bếp lò đắp bằng đất, bên trên đặt chiếc nồi cỡ lớn để nấu ăn. Theo dòng phát triển của cuộc sống hiện đại, nhiều gia đình đã có bếp ga nhưng vẫn giữ nếp duy trì bếp củi giữa nhà, lửa ấm quanh năm không lúc nào tắt. Gác bếp được treo ngay phía bên trên bếp lửa, trên tầm người đứng, là nơi cất giữ bảo quản lương thực và các loại hạt giống. Khói hun năm này qua năm khác làm cho những thanh gỗ và vật dụng trên gác bếp lên màu bồ hóng đen óng. 
Sống trong những nếp nhà gần gũi, hoang dã như thiên nhiên, con người không phải chịu hiệu ứng nhà kính, bụi công nghiệp, tiếng ồn đô thị. Ở nhiều nơi, hệ sinh thái tự nhiên đang bị ảnh hưởng do nạn phá rừng, đốt nương bừa bãi, nhưng ở đây, bà con Hà Nhì khi dựng nhà của mình đã luôn dựa vào thiên nhiên và có ý thức chọn lọc, thích ứng với tự nhiên. Tất cả đã góp phần tôn tạo, gìn giữ sinh thái tự nhiên ở các vùng cư trú của đồng bào, đảm bảo tính hài hòa bền vững trong việc xây dựng và phát triển từng khu vực cũng như toàn cộng đồng.
Xuất phát từ truyền thống, những ngôi nhà trình tường nằm giữa đại ngàn lộng thoáng, chiếu sáng bằng ánh sáng tự nhiên, thắp sáng bằng các loại dầu thực vật, bếp lửa được đốt bằng các loại cây, lá rừng khô vừa lấy ánh sáng vừa sưởi ấm, vừa đun nấu được thức ăn. Vào mùa đông, với hệ thống cửa đóng kín kết hợp với làm nóng không khí trong nhà bằng bếp lửa đặt chính giữa nhà. Giữa rừng núi cao nguyên, những nếp nhà đơn sơ nhưng vững chãi như chính bản tính của người dân hiền hoà chân chất, cuộc sống gắn bó với thiên nhiên núi rừng. Ngôi làng của người Hà Nhì với những nếp nhà trình tường hàng trăm năm đã trở nên nổi tiếng, thế nhưng trong quá trình hội nhập và phát triển, khi cuộc sống hiện đại lan tới các bản làng, những nếp nhà trình tường cũng bị lung lay. Thời đại thay đổi thì ý niệm của con người cũng thay đổi. Họ cho rằng, nhà trình tường là kiến trúc lạc hậu, nghèo khó mới phải ở nhà trình tường. Vậy nên, ngày càng xuất hiện thêm nhiều ngôi nhà bêtông bên cạnh những ngôi nhà trình tường. Sẽ thật tốt nếu những nguyên liệu mới phù hợp với đời sống hiện đại, đảm bảo sinh thái và giữ gìn môi trường nhưng vẫn có sự chọn lọc, kế thừa để phù hợp với các điều kiện xã hội và nhu cầu ngày càng cao của con người, loại bỏ những lạc hậu đồng thời vẫn giữ được những nét văn hóa đặc sắc và tiêu biểu của dân tộc. Chỉ có như vậy ngôi nhà, bản làng dân tộc Hà Nhì mới giữ được sự hòa nhập tuyệt vời với sinh thái tự nhiên, tôn tạo làm phong phú thêm tự nhiên.
Hiện nay, nhà ở của người Hà Nhì, Y Tý phần lớn đã xuống cấp. Mái nhà lợp rơm rạ cách đây hàng chục năm mốc mủn. Những cây nấm trình tường bằng đất đỏ giờ trở nên nứt nẻ, tăm tối, tường đất rêu lan rợp cửa nhà. Hầu hết nhà trình tường không có cửa sổ, chỉ có một cửa chính nhỏ hẹp, kiến trúc xoáy trôn ốc nhằm cản sương mù vào nhà khiến cho căn nhà càng tối.  

 

 

 

 

 

Trải qua bao đời sinh sống bên những sườn núi, những ngôi nhà của người Hà Nhì nơi đây, vẫn giữ nguyên vẻ đẹp cổ xưa, luôn hấp dẫn du khách đến và tìm hiểu phong tục tập quán của một dân tộc vùng cao trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Cuộc sống dù phát triển đến mức nào cũng rất cần lưu giữ và phát huy nét độc đáo, khác biệt của mỗi làng bản, ngôi nhà - nơi cả cuộc đời con người gắn bó, đó là sự gắn kết giữa các thành viên, tôn trọng thiên nhiên và môi trường. Kiến trúc ngôi nhà truyền thống cũng biểu hiện giá trị cốt lõi trong quan hệ và lối sống gia đình, nơi các thành viên trong gia đình tương tác, kết nối rất ấm cúng. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, nhiều ngôi nhà trình tường mới mọc lên khang trang cao ráo chứ không lúp xúp như những ngôi nhà cũ trước đây. Theo trào lưu của thời đại, những ngôi nhà gạch lợp mái tôn vừa nhanh vừa tiện lợi. Những vật liệu mới rẻ, bền, tiện lợi thay thế cho vật liệu cũ ngày càng khan hiếm và không đảm bảo được độ bền qua thời gian. Những ngôi nhà trình tường cổ đang dần mất đi hoặc đã được “hiện đại hóa” lợp bằng fibro xi măng, tôn... như thế nhà có vẻ chắc chắn nhưng lại làm mất đi vẻ đẹp nguyên sơ của nhà trình tường. 
Nay những ngôi nhà trình tường theo nguyên mẫu của người Hà Nhì ở Y Tý không còn nhiều nữa. Những ngôi nhà biểu trưng tình cảm, lối sống của một tộc người, được xem như một bảo tàng nghệ thuật sống của người Hà Nhì. Nếp nhà thân thương trải qua lớp thời gian đã hun đúc và lưu giữ những giá trị tinh thần và là nơi gửi gắm niềm tin của con người với các thần linh. Gìn giữ nếp nhà trình tường là góp phần bảo tồn giềng mối của gia đình, làng xã với sức mạnh tiềm ẩn bên trong từng ngôi nhà. Dưới những mái nhà ấy, cộng đồng người Hà Nhì đang từng bước cải thiện đời sống, tiếp cận với kiến thức và khoa học mà vẫn giữ được nền văn hóa mang đậm bản sắc, niềm tự hào của dân tộc mình.

 

 

 

 

Bài & ảnh : Hiền Phùng

Đường lên Tây Bắc mùa nào trong năm cũng mang đầy những cảm xúc và trải nghiệm thú vị, từ phong cảnh đến con người, và một trong những điểm
Một căn lều tạm bợ hay một ngôi nhà vững chãi dựa vào vách núi, cheo leo trên miệng vực đều tạo ra một cảm xúc mạnh và đẹp mỗi
Giới thiệu
Tin tức
Không gian đẹp
Ngôi nhà chung
Tư vấn
Không gian kiến

LIÊN HỆ

Email : hkts@tphcm.gov.vn
Địa chỉ : 88 Mạc Đĩnh Chi, phường Đa Kao, quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại : (84-28) 38291908 - 38273035 ; Fax: (84-28) 38225657 

 

Copyright 2015 Hội KTS TP.HCM. All rights reserved
Hội KTS TP.HCM giữ bản quyền nội dung trên website này.

Đầu trang