Không gian kiến
Nhiếp ảnh
Ngày đăng : 16/06/2016 3:02:44 PM
Lượt xem: 1082

Không giống cuộc trò chuyện trên bàn rượu trong một đêm mưa Sài Gòn với kiến trúc sư lãng tử Nguyễn Ngọc Dũng. Cũng không như cuộc trao đổi dù khó khăn nhưng vẫn dễ chịu với KTS Trần Lê Quốc Bình bởi lẽ Bình trẻ hơn tôi, không trả lời phỏng vấn tôi sẽ lấy tuổi tác “ép” Bình...

  

Công trình đền tưởng niệm khu di tích căn cứ kháng chiến Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Tân, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương do KTS Bạch Anh Tuấn thiết kế năm 2007

 

Nhân vật của tôi hôm nay là giảng viên khoa quy hoạch trường đại học Kiến trúc TP.HCM: KTS thạc sĩ Bạch Anh Tuấn. Một người giảng dạy - một nhà giáo phong cách nghiêm trang, chỉn chu. Con người buông tuồng như tôi chưa biết phải trò chuyện với anh như thế nào. Và quả thật Bạch Anh Tuấn bước vào với cặp táp hồ sơ trên tay, áo sơ mi, quần tây, đúng phong cách nhà giáo.

Tôi buộc phải “phá vỡ” cái phong cách nghiêm chỉnh và không khí xã giao bằng cách tấn công “nhìn anh chẳng ai biết là kiến trúc sư nhỉ?” Anh hỏi lại: “Tôi giống gì?” - “Giống thầy giáo, công việc mà anh đang làm đấy! Chứ dân kiến trúc tôi biết... không có giống anh!” Bạch Anh Tuấn cười, nụ cười ấy làm tôi nhẹ nhõm. “Còn sinh viên ai chẳng thế!” Anh vào chuyện bằng cách nói về đào tạo. Anh bảo bây giờ nhìn lại tôi mới rõ hơn phương pháp, cách đào tạo của các thầy dạy mình ngày xưa. Các thầy không chỉ dạy cho hết giờ, xong kiến thức, xong bài học mà là luôn hướng đến cách đào tạo những người kế thừa! Họ có thể là học trò mình hôm nay, nhưng ngày mai là những kiến trúc sư tên tuổi, là đồng nghiệp xứng đáng của mình... “Thế còn bây giờ?” - tôi hỏi. Anh thoáng cười: “Anh biết không, chỉ đến khi ngồi chấm bài của học trò mình tôi mới thấy mình chưa thể hài lòng được. Tôi phải nghĩ về điều ấy, phải tìm cho được lý do để làm tốt hơn việc giảng dạy của mình... Khi đã làm thầy, tôi bỗng nhớ đến các thầy dạy cũ của mình hơn”.

Tôi muốn anh nói về các thầy của mình, người có ảnh hưởng và ấn tượng với anh. Bạch Anh Tuấn trầm ngâm: “Thật khó nói hết trong câu chuyện. Nhưng tôi nhớ đến giáo sư Trương Quang Thao, nhà đô thị học của Việt Nam. Năm 1994, trở về sau khi giảng dạy ở Algeria ông bắt đầu lập nghiệp ở TP.HCM. Năm 1995, môn xã hội học đô thị bắt đầu được giảng dạy ở đại học Kiến trúc TP.HCM. Tôi bắt đầu đứng lớp từ việc kế thừa thầy ở môn giảng này. Tôi cũng nhớ đến một lần trường đại học Kiến trúc tổ chức lễ 20.11. Trong buổi lễ hôm đó, thầy tôi, nhà giáo ưu tú - KTS Võ Đình Diệp lại nói đến thầy của thầy, người thầy của nhiều thế hệ kiến trúc sư là KTS Nguyễn Quang Nhạc. Thầy Diệp nói về thầy Nhạc, căn dặn chúng tôi về tinh thần tôn sư trọng đạo. Nhưng rồi thầy Võ Đình Diệp lại mất trước, vì căn bệnh ung thư. Trong đám tang thầy Diệp, tôi gặp thầy Nguyễn Quang Nhạc. Lá vàng lại khóc lá xanh. Đó là một thời điểm mà tôi cảm nhận rất rõ giá trị của truyền thống tôn sư trọng đạo, giá trị của tinh thần kiến trúc”.

Không khí như chùng xuống. Tôi lại một lần nữa “phá vỡ” không khí nghiêm trang bằng câu hỏi: “Tôi có đọc một bài báo mô tả lễ nhập trường của sinh viên kiến trúc. Rất vui, rất quậy. Anh có thể nói về một kỷ niệm của mình”. Bạch Anh Tuấn cười ngay: “Tôi nhớ mình đã tham gia trò chơi một người nhấc được ba người”.

Đỗ Trung Quân: Một người làm sao nhấc được ba người?

Bạch Anh Tuấn: Đó là bí mật của người trong nghề. Chỉ có người chơi mới biết. Nhưng sau khi chơi, ai cũng phải thừa nhận là có chuyện nhấc được.

Đỗ Trung Quân: Tôi hơi tò mò.

Bạch Anh Tuấn: Đó chỉ là một chuyện vui thôi. Cái chính trong buổi lễ nhập trường là tinh thần patron - nègre. Người đi trước luôn luôn giúp đỡ người đi sau và người đi sau luôn học tập người đi trước. Tinh thần đó được các sinh viên năm cuối truyền lại cho các sinh viên năm sau bằng một buổi lễ thật đáng nhớ.

Đỗ Trung Quân: Tôi có nghe ý kiến của các kiến trúc sư Việt kiều, các kiến trúc sư đi học nước ngoài về chê rằng kiến trúc sư học ở trong nước dường như không đáp ứng được nhu cầu công việc.

Bạch Anh Tuấn: Đó là một nhận xét phiếm diện. Tôi thấy các bạn sinh viên hiện nay rất giỏi, nhạy bén, tiếp thu cái mới rất nhanh. Tất nhiên, môi trường nào cũng có người hay người dở. Nhưng cũng phải nói thêm rằng, kiến trúc là một nghề cần điều kiện để thể hiện mình. So sánh trực tiếp với một nền kinh tế khác có điều kiện phát triển hơn là một so sánh không khách quan.

Đỗ Trung Quân: Những sinh viên của anh ra trường có dễ kiếm việc làm không?

Bạch Anh Tuấn: Sinh viên khoa quy hoạch ra trường thường vào các công ty quy hoạch, công ty tư vấn cả ở thành phố và các tỉnh hoặc Sở Quy hoạch kiến trúc, các phòng quản lý đô thị... Tỷ lệ sinh viên quy hoạch ra trường có việc làm rất cao. Đó là một điều đáng mừng.

Đỗ Trung Quân: Anh có thường gặp lại học trò cũ của mình?

Bạch Anh Tuấn: Tôi cũng thường gặp và rất vui khi thấy học trò của mình làm việc với niềm say mê nghề nghiệp. Đó là cái mà chúng tôi muốn truyền đạt cho các em.

Đỗ Trung Quân: Nếu phải nói một câu thật ngắn về nghề, anh sẽ nói là...

Bạch Anh Tuấn: Nghề kiến trúc là một nghề hoà bình.

Đỗ Trung Quân: Hơi trừu tượng. Vì sao?

Bạch Anh Tuấn: Vì nó mang lại cuộc sống bình yên hạnh phúc cho mọi người.

Cuộc nói chuyện kết thúc bằng những câu hỏi về gia đình và cuộc sống hiện tại. Ngôi nhà anh đang ở do hai vợ chồng cùng thiết kế, mái ấm có bốn người con, đứa lớn nhất 17 tuổi. Anh nói thêm: “Hai vợ chồng tôi không ép các cháu trong việc chọn nghề nhưng đến nay, hỏi thích nghề gì nhất thì cả bốn đứa đều nói là thích nghề kiến trúc sư”.

Bắt tay chào anh và cũng thật “kỳ”. Khi anh bước vào, tôi cứ thấy là một nhà giáo chỉn chu. Khi anh bước ra khỏi quán cà phê, anh vẫn là một người giảng dạy nhưng nụ cười và cái nhìn nơi anh dường như “nghịch” hơn. Không khó hiểu - đấy là sự thân mật sau cuộc gặp gỡ này. Tôi cũng có chút thuận lợi. Bạch Anh Tuấn cũng biết tôi trước đó…

 

Dự án chùa Hưng Đức, TX Thủ Dầu Một, Bình Dương - 2007 

Dự án dịch vụ bò sữa Long Thành tỉnh Đồng Nai - 2007

 

Khối thí nghiệm ĐH An Giang - 2006

 

Nhà ở gia đình quận 7 TP.HCM - 2007

 

Phối cảnh nhà hàng Sông phố ở TP Biên Hoà, Đồng Nai - 2005

 

Phối cảnh tổng thể khu di tích căn cứ kháng chiến Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Tân, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương - 2007

 

BẠCH ANH TUẤN, Ngày tháng năm sinh: 13.8.1959 tại Bà Rịa.

Học vị: Thạc sĩ - kiến trúc sư.

Cơ quan công tác: Đại học Kiến trúc TP.HCM, 196 Pasteur, Q.3, TP.HCM

Địa chỉ nhà riêng: 2/15 đường Thống Nhất P.15, Q. Gò Vấp, TP.HCM. ĐTDĐ: 0903921561

E-mail: tuananhbach2006@yahoo.com.vn

1977 vào học Đại học Kiến trúc TP.HCM. Ra trường công tác tại Viện Quy hoạch thiết kế tỉnh Đồng Nai. 

Năm 1985 chuyển về Phân viện Kinh tế xây dựng miền Nam - Bộ Xây dựng. Năm 1987 công tác tại

công ty liên doanh Sài Gòn ô tô.

Học cao học kiến trúc khoá 1 năm 1993 tại ĐH Kiến trúc TP.HCM và về giảng dạy tại khoa quy hoạch, ĐH Kiến trúc TP.HCM. Hiện đang là nghiên cứu sinh tại ĐH Kiến trúc TP.HCM.

Về giảng dạy: Tham gia giảng dạy các môn học:

- Xã hội học đô thị  - Kinh tế đô thị   - Môi trường và con người

- Hướng dẫn đồ án quy hoạch, đồ án kiến trúc và đồ án tốt nghiệp

- Ngoài ra còn tham gia giảng dạy môn học cảnh quan đô thị, quy hoạch đô thị, xã hội học đô thị cho ĐH Văn Lang TP.HCM; môn mỹ học đại cương cho bộ môn cảnh quan và kỹ thuật hoa viên của ĐH Nông lâm TP.HCM.

Về hoạt động chuyên môn:

- Hội viên Hội Kiến trúc sư TP.HCM và Hội Kiến trúc sư Việt Nam.

- Hội viên Hội Quy hoạch TP.HCM.

 

Bài Đỗ Trung Quân ảnh H.T

Theo tạp chí Kiến Trúc & Đời Sống

Đường lên Tây Bắc mùa nào trong năm cũng mang đầy những cảm xúc và trải nghiệm thú vị, từ phong cảnh đến con người, và một trong những điểm
Một căn lều tạm bợ hay một ngôi nhà vững chãi dựa vào vách núi, cheo leo trên miệng vực đều tạo ra một cảm xúc mạnh và đẹp mỗi
Giới thiệu
Tin tức
Không gian đẹp
Ngôi nhà chung
Tư vấn
Không gian kiến

LIÊN HỆ

Email : hkts@tphcm.gov.vn
Địa chỉ : 88 Mạc Đĩnh Chi, phường Đa Kao, quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại : (84-28) 38291908 - 38273035 ; Fax: (84-28) 38225657 

 

Copyright 2015 Hội KTS TP.HCM. All rights reserved
Hội KTS TP.HCM giữ bản quyền nội dung trên website này.

Đầu trang