Không gian kiến
Nhiếp ảnh
Ngày đăng : 26/01/2017 10:45:30 PM
Lượt xem: 852

Các công trình của Kengo Kuma luôn để lại ấn tượng khó quên bởi vẻ ngoài độc đáo, nguyên bản và khác biệt. Tuy vậy, cha đẻ của chúng lại luôn giữ cho mình sự khiêm nhường và bình thản đến lạ.

 Lý giải cho điều đó ông chỉ đơn giản trả lời rằng: những công trình kiến trúc mà ông tạo dựng nên không nhằm mục đích đi gây ấn tượng, mà sâu xa hơn đó là để truyền tải thông điệp “kiến trúc tử tế”.

 

 

Trung tâm Văn hóa và du lịch Asakusa: Tòa nhà nhiều tầng xếp chồng độc đáo được hình thành nhờ khoảng không gian vạt chéo giữa sàn và trần nhà. Kiến trúc mái chồng lên mái này thể hiện tư duy thiết kế táo bạo và sáng tạo của Kengo Kuma (ảnh Takeshi Yamagishi)

 

Kengo Kuma (1954) sinh ra và lớn lên tại Yokohama, Nhật Bản. Ông tốt nghiệp bậc thạc sỹ chuyên ngành kiến trúc của trường Đại Học Tokyo (1979). Vào năm 1985, ông sang Mỹ và trở thành nghiên cứu sinh tại trường Đại học Columbia danh tiếng. Tuy nhiên, khi nhận ra “giấc mơ Mỹ” không phù hợp với mình, ông quay về quê hương Nhật Bản. Ngày trở về, nước nhà ông đang thịnh vượng với nền kinh tế phát triển đến chóng mặt, các công trình kiến trúc theo trường phái tân thời phương Tây và hậu hiện đại mọc lên ở khắp mọi nơi. Tuy nhiên, vào năm 1990, bong bóng kinh tế chợt vỡ, thị trường xây dựng ở Nhật lao vào đáy sâu khủng hoảng chỉ sau một đêm. Nhiều bạn đồng môn của Kengo Kuma nhanh chóng tìm đường ra nước ngoài để cứu vãn lấy sự nghiệp, nhưng trái ngược với họ, ông vẫn tìm cách bám trụ lại nơi đây. Ông rời bỏ Tokyo để chuyển về những thị trấn nhỏ hơn, tiến hành những dự án khiêm tốn với ngân sách ít ỏi hơn rất nhiều. Sau này, khi hồi tưởng lại, Kengo Kuma thừa nhận rằng đó là những ngày tăm tối nhất trong cuộc đời mình. Vậy mà “cái khó ló cái khôn”, Kuma đâu ngờ được rằng chính thời điểm suy thoái tồi tệ ấy lại giúp ông tìm ra được con đường sáng tạo của riêng mình.
Làm việc ở vùng thôn quê, ông có cơ hội được tiếp cận và học hỏi về những loại vật liệu thiên nhiên cũng như lối xây dựng truyền thống hết sức công phu và chi tiết của Nhật. Sau một thời gian đam mê khám phá, ông chợt cảm thấy băn khoăn về trường phái kiến trúc mà mình tập trung theo đuổi trước đây, rồi nhận ra rằng đó chẳng phải là con đường thích hợp cho bản thân mình. Kengo Kuma tạo ra bước ngoặt lớn trong sự nghiệp khi quyết định từ bỏ trường phái kiến trúc hiện đại với bê tông cốt thép vững chãi, kiên cố để chuyển sang một phong cách hoàn toàn đối lập có khái niệm “phản vật chất” và “kiến trúc khuất phục”. Thấm nhuần tư tưởng kiến trúc hòa hợp thiên nhiên và đem lòng yêu mến nét đẹp truyền thống, ông tạo ra cách tiếp cận mới với giá trị cốt lõi chính là sự khiêm nhường.
Kengo Kuma dần quay lưng lại với vật liệu bê tông, bởi theo ông bê tông tuy vững chắc và đa dụng, nhưng lại thiếu đi cá tính và đôi khi quá mạnh bạo, đến nỗi nó hủy hoại sợi dây liên kết nhạy cảm giữa công trình và những gì xung quanh. Chính bởi vậy, từ đó ông theo đuổi quy trình “thiết kế ngược”, bắt đầu trước hết với việc lựa chọn vật liệu, một cách làm hoàn toàn khác biệt với số đông kiến trúc sư thời bấy giờ. Trước khi khởi động một dự án, Kuma sẽ đích thân đến thăm vị trí tọa lạc của công trình và dành thời gian cảm nhận cũng như nghiên cứu về khu dân cư, địa hình, cảnh quan thiên nhiên nơi đó nhằm tìm ra những loại vật liệu phù hợp. Mục đích cuối cùng của ông là tạo ra được một công trình có hồn, có sự kết nối với những gì hiện hữu xung quanh, chứ không chỉ là một cái hộp bê tông đóng kín, buồn tẻ và ngột ngạt.
Ông bắt đầu tìm đến tre và các loại gỗ vì vẻ đẹp thân thiện, ấm áp cũng như sự bền bỉ, dẻo dai của chúng. Theo ông, những công trình được tạo nên từ gỗ sẽ luôn có được nét đẹp mặn mòi mà bê tông sắt thép không làm được. Bởi qua năm tháng, nước gỗ sẽ dần thay đổi trở nên đậm màu hơn và đó chính là thứ làm nên giá trị của một công trình kiến trúc - hòa quyện cùng thời gian chứ không phải hao mòn theo năm tháng. Ông theo đuổi và tìm cách kết hợp, làm mới phương pháp xây dựng truyền thống, thổi vào đó nét đẹp hiện đại, táo bạo hơn nhưng vẫn gìn giữ vẹn nguyên cái hồn tinh tế và sự khiêm nhường trước thiên nhiên. Ông tạo ra những tòa nhà có sự kết nối, chứ không hòa tan vào cái nền sẵn có ở xung quanh. Nếu nói về vẻ bề ngoài, so với những tòa nhà chọc trời hoành tráng, các công trình của Kengo Kuma trông khiêm tốn và có phần “yếu ớt” hơn rất nhiều. Nhưng thật ra đó là lối tiếp cận “lấy nhu thắng cương” vô cùng sâu sắc, rằng tuy nhỏ nhưng những gì mà ông tạo ra lại hoàn toàn khác biệt và trái ngược với đa số: chúng là những công trình ấm áp, mang vẻ đẹp kỳ công đáng ngưỡng mộ của gỗ thủ công, là những gì cô đọng nhất của văn hóa và giá trị xây dựng bền vững mà người Nhật luôn hướng tới. Chúng, là những công trình kiến trúc của lòng tử tế và sự tôn trọng đối với thiên nhiên, cũng như con người.

 

 

SunnyHills ở Minami Aoyama: Cửa hàng bánh ngọt này có vẻ ngoài trông như một chiếc rổ bằng tre được tạo thành từ kỹ thuật ghép gỗ truyền thống của Nhật có tên Jigoku-Gumi nhằm tạo nên những mảng lưới mắt cáo lớn, vững chãi (ảnh Kengo Kuma & Associates)

 

 

Cửa hàng Starbucks ở Dazaifu: Cửa hàng này là một trong những thiết kế gây tiếng vang nhất của Kengo Kuma bởi kỹ thuật tạo ra những thanh gỗ mỏng xếp chéo vô cùng tinh tế và khéo léo. Cách xếp đặt của chúng mang lại cảm giác về định hướng không gian và sự mềm dẻo của chuyển động, tựa như dòng chảy của nước vậy (ảnh Masao Nishikawa)

 

 

Green Cast: Công trình với mặt tiền vườn treo đứng này thể hiện rõ mong muốn tạo sự kết nối, hòa hợp giữa những tòa kiến trúc nhân tạo và thiên nhiên của Kengo Kuma. Những ô trồng cây với bề mặt xù xì thô ráp tạo nên vẻ ngoài đậm chất hữu cơ cho tòa nhà, khiến nó trông như một tảng đá phủ đầy rêu xanh (ảnh Kengo Kuma & Associates)

 

 

 

Trung tâm Nghệ thuật đương đại – FRAC FRAC: là một công trình mang đầy tính khẳng định và thể hiện rất rõ tinh thần đương đại. Kengo Kuma đã tạo ra tòa nhà bằng cách mô phỏng “bảo tàng không tường” tạo ra bởi André Malraux, một nhà văn và chính khách người Pháp nổi tiếng. Mang thiết kế nổi bật nhưng FRAC lại thể hiện được sự kết nối một cách tuyệt vời với khu vực xung quanh (ảnh Nicolas Waltefaugle)

 

 

China Academy of the Art’s Folk Art Museum: Đây là công trình thể hiện được tài năng kết hợp giữa phương pháp xây dựng truyền thống và vật liệu tái chế hiện đại của Kengo Kuma để tạo nên một tổng thể kiến trúc tinh tế nhưng không kém phần ấn tượng mạnh mẽ. Chính phần địa hình đồi dốc đã tạo cảm hứng cho ông tạo ra phần mái chồng bậc thang và khu vực ban công độc nhất vô nhị, hòa hợp tuyệt đối với khung cảnh thiên nhiên (ảnh Eiichi Kano)

 

 

 

Mont-Blanc Base Camp: Công trình phục vụ cho mục đích cắm trại này tọa lạc ở gần đỉnh núi Mont-Blanc ở Pháp. Khi tạo ra nơi này, Kengo Kuma chủ đích tạo ra sự hòa hợp tự nhiên nhất giữa thiết kế và khung cảnh núi non hùng vĩ xung quanh. Đây cũng là công trình thể hiện niềm đam mê của người kiến trúc sư với chất liệu gỗ khi ông chọn những mảng gỗ lớn, xẻ mỏng với đường viền thô ráp để trang trí cho bề mặt bên ngoài khu trại (ảnh Michel Dinancé)

 

Tổng hợp Phương Nguyên

Theo tạp chí Kiến Trúc & Đời Sống

Đường lên Tây Bắc mùa nào trong năm cũng mang đầy những cảm xúc và trải nghiệm thú vị, từ phong cảnh đến con người, và một trong những điểm
Một căn lều tạm bợ hay một ngôi nhà vững chãi dựa vào vách núi, cheo leo trên miệng vực đều tạo ra một cảm xúc mạnh và đẹp mỗi
Giới thiệu
Tin tức
Không gian đẹp
Ngôi nhà chung
Tư vấn
Không gian kiến

LIÊN HỆ

Email : hkts@tphcm.gov.vn
Địa chỉ : 88 Mạc Đĩnh Chi, phường Đa Kao, quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại : (84-28) 38291908 - 38273035 ; Fax: (84-28) 38225657 

 

Copyright 2015 Hội KTS TP.HCM. All rights reserved
Hội KTS TP.HCM giữ bản quyền nội dung trên website này.

Đầu trang