Không gian kiến
Nhiếp ảnh
Ngày đăng : 11/01/2017 11:18:03 AM
Lượt xem: 873

Chuyện dạy và học trong kiến trúc có thể nhiều bậc cha chú, đàn anh trong nghề đã tận tâm định hướng và chỉ ra không ít thách thức cần vượt qua.

Nhưng với những ai đã từng một lần có mặt trong buổi lễ nhận bằng tốt nghiệp của các sinh viên kiến trúc thì mới có thể hiểu rõ hơn con đường gian nan mà các KTS tương lai đã chọn luôn có những gập ghềnh, và ngày nhận lấy tấm bằng tốt nghiệp cũng là thời điểm các em bắt đầu phải chọn lựa lối rẽ phía trước trong nghề nghiệp của mình sẽ đi đâu, về đâu.

 

 

 

Từ những lời phát biểu chân thành
Để qua một bên những bằng khen, thành tích học tập hay giải thưởng đạt được trong quá trình học tập, bài phát biểu ngắn của bạn sinh viên tốt nghiệp hạng xuất sắc, thủ khoa Đại học Kiến trúc TP. Hồ chí Minh hôm 17.12.2016 vừa qua đọng lại không ít tâm tư trong lòng mọi người tại buổi lễ trao bằng ấm áp, giản dị:
“Năm năm trước, mình và các bạn, bỡ ngỡ đến với ngôi trường này từ rất nhiều vùng đất khác nhau. Chúng ta đã cùng nhau làm quen với một môi trường mới, một cuộc sống mới với những mối quan hệ và phương pháp làm việc độc đáo mà chỉ có ở ngành kiến trúc. Đó là những đêm thức trắng vẽ bài, những ngày lang thang đi tìm cảm hứng, những đồ án với biết bao đam mê và tâm huyết. Để cuối cùng, chúng ta đã ở đây, vượt qua tất cả các thử thách để chuẩn bị bước vào đời như những tân kiến trúc sư đại diện cho một thế hệ mới.
Kiến thức và kinh nghiệm chúng ta có được sau 5 năm học, dù chỉ là những điều cơ bản, giờ đã trở thành hành trang quý báu cùng với mỗi người bước vào đời, đi tìm vị trí riêng cho bản thân...”.
Quả đúng như vậy, khi rất nhiều nhìn nhận của xã hội hiện nay với KTS vẫn cho rằng, đó là những con người tài hoa, lãng tử, thậm chí giàu có, sang chảnh... và mặc định thêm một chút e ngại: “Mình xây căn nhà nhỏ xíu chắc mấy ông KTS không thèm vẽ đâu”. 
Thế nhưng, nếu có dịp tận mắt thấy “dân kiến” học hành, và nhất là xem những đồ án tốt nghiệp của họ, những đồ án được Giải thưởng Loa Thành cho sáng tạo của sinh viên ngành kiến trúc - quy hoạch, có thể thấy một xu thế chung đáng khích lệ: các KTS tương lai hiện nay không còn quá mải mê vẽ vời theo kiểu nghệ sỹ nữa, mà đang dấn thân sâu hơn vào những vấn đề của xã hội, của môi trường. Như cô sinh viên ngành quy hoạch Vũ Nguyễn Uyên Minh với đam mê hoa và ước ao cải tạo môi trường - không gian cho khu chợ hoa Hồ Thị Kỷ, quận 10, TP. Hồ Chí Minh đạt giải nhất Loa Thành. Hay chàng thủ khoa bên ngành kiến trúc Nguyễn Bình Vĩnh Đức với đồ án về công nghiệp duy nhất cũng đạt điểm cao nhất mùa tốt nghiệp năm nay: Nhà máy chế biến lúa gạo sạch Vọng Đông - An Giang. Những đồ án này không chỉ dừng lại ở tên gọi hay vấn đề đặt ra, mà xác lập vai trò của nhà chuyên môn được đặt đúng chỗ và nhìn nhận kiến trúc là một ngành khoa học - nghệ thuật chịu chi phối rất lớn từ kinh tế - xã hội - môi trường. 
Riêng cá nhân người viết bài này, qua thực tế giảng dạy và hành nghề kiến trúc hơn 20 năm qua, chỉ muốn thêm chút lời tâm sự đầu năm quanh một vấn đề nhỏ: chuyện “vẽ nhà”, công việc có lẽ không ít người làm nghề kiến trúc đã chọn cho mình như chức nghiệp lâu dài.

 

Vẽ nhà, có mấy chữ vẽ?
Hồi đó lúc bản thân làm tốt nghiệp khoảng thập niên 90 của thế kỷ trước, tôi đã từng thắc mắc khi thấy giáo viên hướng dẫn mình (KTS Vũ Đại Hải) hay nói về chuyện sau này ra đi làm phải trình bày hồ sơ, thuyết phục khách hàng như thế nào. Những mơ mộng và chút ảo tưởng lúc ấy khiến gã KTS ngựa non như tôi cứ nghĩ rằng nghề kiến trúc quan trọng nhất vẫn là ý tưởng, còn chuyện thể hiện bằng ngôn ngữ hay nét vẽ chỉ là công cụ chuyển tải. Đến bây giờ, những lời khuyên của thầy vẫn còn nguyên giá trị đối với tôi và những nhọc nhằn trong nghề nghiệp thôi thúc tôi tìm hiểu và chia sẻ nhiều hơn với các KTS tương lai về chuyện “vẽ vời” này. 
Ai cũng biết lúc tốt nghiệp, sinh viên kiến trúc phải nộp bản vẽ, tập thuyết minh và đứng bảo vệ trực tiếp trước hội đồng. Ra đời hành nghề cũng tương tự: thể hiện mọi thứ qua hình vẽ, rồi thuyết minh bằng các phương tiện khác nhau. Tức là ít nhất người làm nghề kiến trúc phải đạt được 3 kỹ năng vẽ, viết và nói (ngoài các kỹ năng giao tiếp khác). Nhưng ai cũng biết là để nói, để viết và để vẽ - dù bằng tay thời trước hay bằng máy thời nay - sao cho thuyết phục thì kỹ năng cơ bản và cần thiết nhất vẫn là kỹ năng tư duy, tức là phần tiềm ẩn, phần được tích lũy để sau đó chuyển hóa ra thành ngôn ngữ cụ thể.
Nhiều người khi gặp KTS thường hay tấm tắc: dân kiến là vẽ đẹp lắm đấy! Ai đã từng xây nhà thì nói có vẻ trách “mấy ông KTS mà dzẽ thì cẩn thận, một nét của mấy ổng có khi đi đứt chục triệu đó nha!”. Thậm chí nhiều nhà thầu, thợ thuyền còn ngán KTS xuống công trường vì sợ các “nghệ sỹ lớn” nổi hứng lên đòi vẽ thêm cái gì thì mình nai lưng ra làm mệt nghỉ! Vô tình kỹ năng “vẽ” được gắn liền với bản tính nghề nghiệp của KTS, trong khi ai làm trong nghề đều biết rằng thực chất không phải vậy. Giới làm nghề ở phía Nam hay dùng từ “binh” khi thiết kế, và khi một thiết kế nào đó không ổn về công năng và kỹ thuật thì bị dân trong nghề chê là “binh lủng”! Tôi cũng hiểu chữ “binh” này theo ý “bài binh bố trận” trong tổ chức công việc, và 3 chữ Tư vấn - Thiết kế - Xây dựng (TV-TK-XD) với tôi chính là mô tả đầy đủ trách nhiệm với người hành nghề KTS, bản vẽ của anh ta phải là kết quả để triển khai xây dựng được.
 Nhiều lần tôi đã phải giải thích cho các bạn sinh viên, cho khách hàng và cả đồng nghiệp của mình hiểu rằng, bản vẽ chỉ là phương tiện giao tiếp và cơ sở pháp lý, cơ sở kỹ thuật - mỹ thuật thể hiện quy cách xây dựng. Nhưng khách hàng trả cho KTS làm TV-TK-XD chi phí bao nhiêu thì đó là chi phí của chất xám và sự sáng tạo, chứ không phải là trả tiền cho các bản vẽ! Đó là đặc thù nghề nghiệp. Những bản vẽ đo đạc, bản vẽ xin phép xây dựng luôn mang giá trị về mặt pháp lý, và những nơi cung cấp các dịch vụ đó hoàn toàn làm đúng chức năng của họ. Khách hàng đừng quá kỳ vọng ở những bản vẽ xin phép theo kiểu “sao không có bố trí nội thất”,  hoặc ngược lại, xem thiết kế sơ phác của KTS là “loẹt quẹt màu mè vậy thôi, lúc xây tôi sẽ làm khác”. Không hiểu vấn đề “việc ai người ấy làm” như thế nào thì không thể giúp họ làm đúng và làm đủ được. 
Và như thế, chữ “vẽ” trong nghề kiến trúc có đến năm bảy ý nghĩa, từ bản vẽ sơ đẳng đi xin phép, bản vẽ pháp lý, bản vẽ hồ sơ kỹ thuật, cho đến ý nghĩa không mấy hay ho là “vẽ vời” tốn kém, tất cả đều nằm trong khuôn khổ câu chuyện: xin hiểu đúng về nghề nghiệp để không bắt KTS làm trái với chức năng của họ, hỡi các chủ đầu tư đáng kính! 

 

Vẽ cho ai, vẽ thế nào, vẽ để làm gì? 
Sự hình dung của khách hàng về công trình luôn đi từ giản đơn đến phức tạp, và đôi bên luôn phải tìm cách để ý đồ của nhà chuyên môn được hiểu đúng và đủ. “Giang hồ” hiện vẫn truyền tụng tên tuổi một vài KTS có khả năng sơ phác bằng tay thuộc hàng cao thủ. Nhưng thực ra khả năng vẽ tay ấy chỉ được khách hàng chấp thuận khi anh ta phác ra được những gì “trúng ý” của khách hàng, nghĩa là nét vẽ chỉ thuyết minh ý tưởng và năng lực chuyên môn của KTS, như múa minh họa vậy, không làm thay cho ca sĩ được. Lại nhớ một KTS lão thành khác, là thầy của tôi cũng đã nói: “Khách hàng biết nhiều thứ, họ chỉ không biết vẽ!”, nghe rất đáng để ta suy ngẫm: nếu KTS tự nguyện biến mình thành công cụ thể hiện ý tưởng cho khách hàng thì anh ta sẽ được trả công đúng với chức danh họa viên chuyên nghiệp: đếm bản vẽ tính tiền, vậy thôi. 
Thời đại @, công nghệ tràn ngập, hiện nay có nhiều khách hàng chỉ cần lướt qua internet là có thể “xổ” ra một loạt mẫu nhà từ mạng, hay scan lại mẫu nhà trên sách báo và đưa cho KTS tham khảo.Từ đó các bản vẽ (nhất là sơ phác) của KTS hay bị chê là sơ sài, thiếu hoàn hảo, chưa đúng ý... Khách hàng có biết đâu rằng, xem quá trình thai nghén ý tưởng của KTS khác với xem những mẫu nhà đã được hoàn chỉnh để in trên sách báo hoặc tung lên mạng. Công đoạn nào ra công đoạn đó, bình phẩm một ngôi nhà đã làm xong khác hẳn với đánh giá một ngôi nhà đang ở bản vẽ sơ phác hoặc đang khai triển. Tương tự bạn đang nấu ăn bừa bộn mà thực khách cứ xông vào bếp và chê bạn làm không đúng ý họ! 
Tôi chỉ đếm được trên đầu ngón tay số khách hàng ít ỏi làm việc ổn thỏa với tôi thông qua gửi email! Vâng, có thể lứa tuổi già như tôi không biết tận dụng sức mạnh công nghệ thông tin, nhưng cũng như ngành y, người ta có thể hội chẩn từ xa, mở forum bàn bạc với đồng nghiệp qua mạng, nhưng không thể đạt hiệu quả thực tế và tính nhân văn khi thăm khám và “chữa bệnh từ xa”. Nghề kiến trúc cũng thế, tuy tôi có thể dùng email trao đổi với đồng nghiệp, có thể gửi file cho khách hàng xem trước, nhưng nếu khách hàng nhất định giao tiếp với tôi chỉ duy nhất bằng cách lên mạng, không cần gặp nhau trực tiếp lần nào cả, thì tôi… bó tay.com hoàn toàn. Đây cũng là mặt trái của thời đại công nghệ tác động lên một nghề nghiệp thuộc dạng... xưa như trái đất là nghề xây nhà. Tôi đã từng thấy có KTS trẻ gặp khách hàng mà chỗ đó không lên internet được là bạn ấy như gà mắc tóc, vì tất cả mọi thứ bạn cần đều “nằm ở trển” hết!  
Nói rộng ra, việc các bạn KTS trẻ quá phụ thuộc vào thiết bị công nghệ thông tin, ít trau dồi kỹ năng giao tiếp thực tế, ít bám sát công trường… là những điều đáng lo ngại trong quá trình hoàn thiện nghề nghiệp. KTS Tadao Ando bậc thầy kiến trúc Nhật Bản khi sang thăm Việt Nam cũng đã tuyên bố đơn giản: “Hãy rời máy tính để đi xuống công trường!”. Và tôi đã dán câu khẩu hiệu này trong phòng thiết kế của công ty để nhắc nhở anh em làm nghề chớ xem nhẹ thực tế sống động của nghề nghiệp mình theo đuổi.
Một vấn đề khác là khách hàng thường ít hình dung và hiểu rõ bản vẽ kỹ thuật, do vậy các hình phối cảnh được xem là “cứu cánh” khi giao tiếp trong TV-TK-XD. Thuở chưa có các phần mềm vẽ 3D đúng và đẹp như hiện nay thì các chuyên gia vẽ phối cảnh bằng tay khá đắt hàng. Nhưng bên cạnh các ưu việt đó cũng phát sinh cụm từ “vẽ lụi”, tức là vẽ phối cảnh không khớp với bản chất không gian kiến trúc, chọn những góc nhìn phi thực tế, hoặc chỉ dựng hình lung linh bên ngoài mà thôi. Hết góc ruồi bay lại đến điểm nhìn chim bay, nhưng công trình xây lên khó được như phối cảnh đã vẽ. Có người còn nói rất ẩu rằng: chỗ nào thấy xấu thì “vẽ” thêm cây cối, người ngợm, xe cộ... vô để che bớt xấu. Lại một cách vẽ không nên khuyến khích dù sau này công nghệ 3D đã phát triển đến mức mà không có gì là không thể hiện được.
 “Tôi phải được KTS A. trực tiếp vẽ nhà cho tôi!“, vẫn còn nhiều gia chủ khăng khăng đòi như vậy, dù có giải thích thế nào thì họ vẫn không muốn KTS A. giao cho “lính” vẽ. Trong khi điều đáng quan tâm nằm ở việc kiểm soát thiết kế và xử lý thực tế thế nào, chứ không phải bản vẽ đó do ai ngồi vẽ! Chuyện “vẽ nhà” vì vậy sẽ trở nên phức tạp nếu các bên không nhìn nhận ra các vấn đề ở đằng sau nét vẽ. Còn đối với những sinh viên và KTS trẻ đang đứng trước cánh cửa tương lai, tôi mong rằng họ sẽ không bao giờ là những người vẽ thuần túy, mà phải thực sự là bạn đồng hành, nhà tư vấn và người xâu chuỗi các công việc thiết kế với nhà thầu chủ đầu tư. Có như vậy thì họ - cũng như tôi - mới phần nào tri ân được những người thầy xưa và nay, những người luôn mong họ trở thành KTS thực thụ theo nghĩa nguyên thủy và đơn giản nhất của từ này: nghề tổ chức không gian một cách có nghệ thuật và kỹ thuật.

 

Có những điều không thể “vẽ” ra nếu không cảm nhận tại thực địa, như nắng mưa, cảm xúc, sự thân quen... 

 

Vẻ đẹp của kiến trúc không chỉ thể hiện qua cấu trúc không gian, mà còn nằm ở những chuyên ngành liên quan khác như nghệ thuật chiếu sáng

 

Những bản vẽ “thần thánh” vẫn phải luôn cần đến sự hợp tác chặt chẽ với các ngành hỗ trợ như kết cấu, thi công... để “bước ra” khỏi trang giấy hay màn hình máy tính

 

 

Không gian Nhà máy chế biến lúa gạo sạch (KTS Vĩnh Đức) được tính toán dựa trên nhiều thông số kỹ thuật và môi trường chặt chẽ, khoa học, một ví dụ về sáng tạo hiện đại của KTS trẻ không xa rời điều kiện tự nhiên, cảnh quan địa phương

 Bài KTS Huân Tú ảnh KTS Đức Nguyễn

Theo tạp chí Kiến Trúc & Đời Sống

Đường lên Tây Bắc mùa nào trong năm cũng mang đầy những cảm xúc và trải nghiệm thú vị, từ phong cảnh đến con người, và một trong những điểm
Một căn lều tạm bợ hay một ngôi nhà vững chãi dựa vào vách núi, cheo leo trên miệng vực đều tạo ra một cảm xúc mạnh và đẹp mỗi
Giới thiệu
Tin tức
Không gian đẹp
Ngôi nhà chung
Tư vấn
Không gian kiến

LIÊN HỆ

Email : hkts@tphcm.gov.vn
Địa chỉ : 88 Mạc Đĩnh Chi, phường Đa Kao, quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại : (84-28) 38291908 - 38273035 ; Fax: (84-28) 38225657 

 

Copyright 2015 Hội KTS TP.HCM. All rights reserved
Hội KTS TP.HCM giữ bản quyền nội dung trên website này.

Đầu trang