Có một công trình kiến trúc đầy ý nghĩa đã đạt giải bạc với thể loại kiến trúc công cộng của Giải thưởng Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh năm 2017. Đó là Trung tâm y tế thị trấn Trường Sa do KTS Nguyễn Ngọc Dũng và các cộng sự thiết kế.

Trung tâm y tế thị trấn Trường Sa trên đảo Trường Sa Lớn do KTS Nguyễn Ngọc Dũng cùng các cộng sự là KTS Đỗ Bích Ngọc, KTS Nguyễn Hồng Ngọc Điểm thiết kế được khánh thành và đưa vào sử dụng từ tháng 5.2017. Đây là công trình của bạn đọc báo Tuổi Trẻ phối hợp với Bệnh viện Quân y 175 và Quân chủng Hải quân dành tặng nhân dân huyện đảo. Công trình có tổng vốn đầu tư trên 30 tỷ đồng, trong đó bạn đọc báo Tuổi Trẻ đóng góp 22 tỷ đồng từ chương trình “Chung sức bảo vệ chủ quyền Biển Đông” và các khoản đầu tư khác từ Bệnh viện 175.
Có mặt trên đảo Trường Sa vào ngày khánh thành Trung tâm y tế thị trấn Trường Sa ngày 25.5.2017, nhà báo Lê Đức Dục, báo Tuổi Trẻ kể với KT&ĐS: “Nhiều đại biểu từ đất liền ra đều ngạc nhiên trước hình khối kiến trúc này. Đó là một tạo hình khác với những công trình dân sinh thông thường được xây dựng từ trước tới nay trên đảo. Nhìn từ nhiều góc độ, công trình mang lại những hình ảnh biểu tượng tạo hình khác nhau nhưng thống nhất trong biểu hiện. Nhìn từ góc đông nam, đó là hình ảnh một đôi thuyền truyền thống của người Việt, nhìn từ hướng bắc lại như một đôi bàn tay che chắn gió mưa, nhìn xa hơn, sẽ thấy hình ảnh một chiếc trống đồng biểu tượng của văn minh Lạc Việt nổi bật giữa biển trời mênh mông trên đỉnh công trình”.
KTS Nguyễn Ngọc Dũng là người đã từng gắn bó với báo Tuổi Trẻ qua các công trình ý nghĩa được xây dựng từ đóng góp của bạn đọc nhiều năm như bệnh xá Đặng Thùy Trâm ở Quảng Ngãi, các trụ sở làm việc, nhiều ngôi trường tình nghĩa ở các vùng biên cương, biển đảo do báo Tuổi Trẻ xây dựng.
KTS Nguyễn Ngọc Dũng nói: “Kiến trúc Trung tâm y tế thị trấn Trường Sa là cụ thể hóa ý tưởng tạo nên biểu tượng khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Tôi sử dụng hình tượng như một đôi thuyền của người Việt ngày xưa từng định cư tại đảo. Công trình này cũng giống như một đôi bàn tay che chắn cho bệnh nhân là quân dân trong một vùng đảo tiền tiêu của Tổ quốc”.
Nhớ về những ngày đầu của công trình ở Trường Sa, KTS Nguyễn Ngọc Dũng cho biết, khi được Ban biên tập báo Tuổi Trẻ đặt vấn đề thiết kế một bệnh xá ở Trường Sa, anh nhận lời với niềm vui khôn tả. “Khi ra khảo sát thực địa, tôi được bay bằng thủy phi cơ của hải quân. Từ thành phồ Hồ Chí Minh bay xuống miền tây rồi mới ra đảo, lần đầu tiên được bay ở độ cao ngay trên mặt biển, tôi rất vui bởi được thấy vẻ đẹp của đất nước ở một góc nhìn mới lạ với tôi”, KTS Nguyễn Ngọc Dũng cho biết.
Ý tưởng thiết kế là tạo ra một công trình xanh với công năng không chỉ đáp ứng việc khám chữa bệnh cho quân dân địa phương ở đảo, mà còn có thể phục vụ cho cả tàu bè quốc tế qua lại trên vùng biển này. Để Trung tâm y tế Trường Sa có thể hoạt động trong điều kiện không được cung cấp điện và nước, công trình sử dụng năng lượng mặt trời để cấp điện; hệ thống hứng, tích nước mưa đảm bảo điện nước cho bệnh viện. Khối hình “trống đồng” cũng được thiết kế trở thành điểm đỗ trực thăng, đảm bảo cấp cứu thông suốt từ các con tàu trong vùng đến bệnh xá. Để đảm bảo phục vụ cho những cư dân vùng biển, ngoài các phòng chức năng của một bệnh viện như trong đất liền (cấp cứu, mổ, khám bệnh, chữa bệnh…), trung tâm này còn có thêm một phòng chức năng khác mà các bệnh viện trong đất liền không có, đó là phòng điều áp nhằm điều tiết áp lực vốn rất cần thiết cho việc chữa trị các thợ lặn dưới đáy biển sâu…
“Do có tính chất và ý nghĩa đặc biệt của công trình, tôi đã dành nhiều tâm huyết của mình vào đó. Tôi rất vui khi công trình hình thành theo ý tưởng của mình, và mong rằng nó đáp ứng được mọi công năng cần thiết trong việc đảm bảo sức khỏe, đáp ứng được nguyện vọng của người dân”, KTS Nguyễn Ngọc Dũng nói.
Hình ảnh cánh chim Lạc Việt của chiếc trống đồng biểu tượng văn hóa ngàn đời được hiển hiện trong dáng vóc của công trình mà mỗi ngày cư dân và chiến sỹ trên đảo, ngư dân trên biển được nhìn thấy sẽ là một điểm tựa tinh thần về chủ quyền Tổ quốc giữa trùng dương!
Bài và ảnh Hoàng Trường Sa/TC Kiến Trúc & Đời Sống