Diébedo Francis Kéré đến từ một ngôi làng nhỏ tên là Gando ở Burkina Faso, nơi trẻ con không được đi học và dân làng cũng chẳng có điện hay tiếp cận được nguồn nước sạch. Ông rời bỏ quê hương để đi học và khi thành tài ông trở về nhà với các dự án kiến trúc cải tiến, sử dụng chính phương pháp kỹ thuật truyền thống của người dân mình. Với ông, trọng tâm của kiến trúc không là gì khác ngoài con người.

Diébedo Francis Kéré là một thổ dân tại Burkina Faso - một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Khi lên 7 tuổi, Diebedo rời gia đình lên thành phố sống cùng chú để theo đuổi việc học, với một mong ước duy nhất là trở thành người biết chữ. Khi đang thực hiện công việc của chân thực tập tại một xưởng gỗ, Diébedo nhận được học bổng của chính phủ Đức ở trường Technische Universität, Berlin nơi ông hoàn thành chứng chỉ về cơ khí và kiến trúc.
Con đường này đã mở ra cho ông cơ hội lớn để quay về cống hiến và giúp đỡ cho chính những người dân quê nhà. Việc đầu tiên ông muốn thực hiện chính là xây một ngôi trường. Nhưng làm thế nào khi ông chỉ là một sinh viên và không có tiền. Câu trả lời là vừa thiết kế vừa vận động gây quỹ. Ông thậm chí còn kêu gọi các bạn học của mình cắt bớt tiền cà phê, thuốc lá để quyên góp. Sau hơn hai năm với bao nhiêu công sức, ông có được 50.000 đô la đầu tiên để hiện thực hóa dự án trong mơ của mình.
Tuy vậy, khi ông quay về Gando để báo tin, người dân ở đây đã đi từ vui mừng cho đến rất đỗi kinh ngạc khi biết được ông định xây nhà bằng đất sét, theo đúng những gì họ đã và đang làm từ xưa đến giờ. Nhưng theo những gì Kere nhận thấy, họ không có bất kỳ sự cải tiến nào với bùn. Vì thế, ông quyết định thuyết phục cả dân làng tham gia vào quá trình làm việc để có thể chứng kiến phương pháp đổi mới của ông. Cho công trình trường học, các kỹ thuật truyền thống được sử dụng. Các thanh niên trai tráng nhận nhiệm vụ nện nền nhà bằng đất sét, họ dùng chày và cứ thế nện cho đến khi nền được nén chặt. Tường được dựng lên bởi các khối đất sét ép ở Gango và kết cấu mái được làm từ bê bông, có kèo bên trong là các thanh thép giá rẻ. Bài toán khó ở đây là phải tạo ra sự thông gió cho lớp học, bởi cái nắng như thiêu đốt ở châu Phi có thể đẩy nhiệt độ lên tới tận 45 độ C. Kéré đã tạo ra những lỗ thông khí trên tường, kết hợp cùng cửa sổ lá sách để tạo ra luồng thông khí hiệu quả.
Những thiết kế của Diébedo Francis Kéré sau này cũng rất thiết thực và gần gũi, ông lựa chọn các loại vật liệu gắn liền với lịch sử sinh sống của bộ lạc, kết hợp cùng những cải tiến kỹ thuật được lãnh hội từ trường đại học. Tinh thần bản địa được thể hiện rõ ràng và xuyên suốt trong các công trình của Kéré, đặc biệt, chúng thể hiện mục đích nhân văn và sự khiêm nhường trong cách xây dựng: hòa hợp cùng thiên nhiên và tận dụng những yếu tố sẵn có. Tiêu chí sáng tạo trong kiến trúc của ông hướng đến sự bền vững mang tính cộng đồng, lấy con người là trung tâm của kiến trúc nhưng vẫn phát triển hài hòa dưới cùng một mái nhà của mẹ thiên nhiên. Diébedo Francis Kéré quan niệm rằng mình cần tạo ra cầu nối, liên kết giữa kỹ thuật xây dựng truyền thống (vốn rất hiệu quả trong điều kiện khí hậu bản xứ) và công nghệ hiện đại (giúp gia tăng hiệu quả sử dụng công trình). Ông tin vào sự hiện hữu và giá trị của kinh nghiệm truyền thống, rằng mỗi người trong bộ lạc đều đóng góp để triển khai các dự án cộng đồng mà ông vận động. Kéré khiêm tốn chỉ nhận về mình mỗi phần công lao về công nghệ.
Kiến trúc của Diébedo Francis Kéré không chỉ là sự hòa quyện tri thức khoa học, công nghệ với truyền thống địa phương, chúng còn là những hình hài đặc sắc của nền văn hóa bản địa, là tâm huyết và ước mơ cống hiện cho nguồn cội của người kiến trúc sư. Ông hy vọng rằng mình có thể khiến cho cộng đồng cảm thấy tự hào khi thực hiện tốt công việc của mình bởi thành công của Kéré ngày hôm nay có được chính nhờ sức mạnh nâng đỡ của họ. Việc của ông bây giờ là khiến cho mọi người nhận ra kiến trúc có thể giúp cho các cộng đồng kiến tạo nên tương lai của chính họ, rằng tri thức sẽ đem lại sự đổi mới. Và dù có bao nhiêu công nghệ, kỹ thuật hiện đại đi chăng nữa thì nguồn gốc sẽ mãi là cái linh hồn trong những sáng tạo của người kiến trúc sư tài năng này, kiến trúc ông dựng xây sẽ luôn là một phần hòa hợp của thiên nhiên như cách người dân ông sinh sống cả hàng ngàn năm nay.





Trường tiểu học ở Gando là công trình đầu tiên trong sự nghiệp của Diébédo Francis Kéré. Ông từng trải qua những ngày tháng đi học trong căn phòng thiếu sáng, ngột ngạt nên công trình này khắc phục được tất cả các nhược điểm đó. Đó là sự kết hợp thành công giữa các yếu tố chi phí, khí hậu, nguồn vật liệu và hiệu quả trong cách xây dựng. Những viên gạch đất sét không chỉ rẻ mà còn giúp chống nóng. Tuy vậy vẫn cần một mái che vươn rộng để giúp bảo vệ gạch khỏi mưa gió. Phần trần được cấu tạo từ những ô đất sét, bên trên là mái nhôm cách đoạn để tránh hấp thu nhiệt trực tiếp vào lớp học và tạo luồng thông khí hiệu quả (khí mát tràn từ cửa sổ vào và đẩy khí nóng lên trần đi ra ngoài). Ảnh: Siméon Duchoud và Erik-Jan Ouwerkerk



Công viên quốc gia Mali là một công trình công cộng phức hợp rộng đến 103 ha. Nơi đây bao gồm phòng tập thể thao, không gian đạp xe, đi bộ, đường leo núi nằm giữa khu bảo tồn các loại thực vật và chim thú hoang dã. Trong dự án cải tạo lần này, Diébédo Francis Kéré đã cho xây dựng một nhà hàng đặc biệt trên mỏm đá, bên cạnh các trung tâm thể thao và lối vào tòa nhà chính. Cả khối kiến trúc được chia thành bốn phân khu chức năng với tầm nhìn ra hồ và công viên. Đặc biệt đá địa phương được sử dụng để ốp bề mặt vì chi phí rẻ và tôn vinh đặc điểm kiến trúc bản địa. Ảnh: Iwan Baan








Centre de Santé et de Promotion Sociale là một phần quan trọng của dự án Village Opera với chức năng chính là về y tế. Trung tâm này bao gồm nha khoa, phụ khoa, sản khoa và dược. Kéré đã bố trí cho nơi này căn phòng đợi với nhiều chỗ ngồi, đứng nằm đa dạng để phục vụ được cho trẻ em. Các cửa sổ hình vuông được lấy cảm hứng từ những khung tranh, mỗi ô lại tập trung điểm nhìn vào từng khung cảnh khác biệt trong khu y tế này. Ảnh: kere-architecture.com






Léo Surgical Clinic & Health Center được mở cửa trở lại vào năm 2014, trung tâm phẫu thuật và y tế này phục vụ lên đến 50.000 với trang thiết bị đầy đủ, đặc biệt có cả phân khu sinh sản. Vẫn mang phong cách xây dựng đặc trưng của Kéré nơi này được tạo thành từ gạch đất nặn để giảm thiểu tối đa tác động lên hệ sinh thái. Phần lớp cách nhiệt trên cao cho phép công trình hấp thụ không khí mát lạnh ban đêm và tỏa ra vào ban ngày, giữ cho nơi này luôn mát mẻ dễ chịu. Phòng khám còn có phần mái lợp chồng nhau để bảo vệ tường trong những ngày mưa gió và cung cấp bóng mát trong những ngày nắng gắt. Những ô cửa màu sặc sỡ đem lại cho nơi đây một không khí vừa năng động vừa vui vẻ chào đón. Ảnh: kere-architecture.com








Camper Pop-up Shop thuộc Bảo tàng thiết kế Vitra, cửa hàng giày này mở ra một trải nghiệm mua sắm mới với không gian uốn vòng đầy kỳ lạ. Trên các khung kệ người xem có thể vừa ngắm nghía sản phẩm vừa tìm hiểu thông tin với cảm giác dễ chịu như đang đi tìm hiểu trong thư viện vậy. Phần kệ cao lên đến tận trần rất phù hợp với kiểu cửa hàng pop-up gọn ghẽ và hiện đại. Các gối tròn lớn màu xanh nhung để khách thử giày cũng trở thành điểm nhấn đáng yêu khi tương phản màu sắc với khung gian xung quanh. Ảnh: kere-architecture.com








Philadelphia Museum of Art Colorscape, USA: Năm 2016 Kéré chính thức cho ra mắt buổi triển lãm nghệ thuật đầu tiên của mình ở bảo tàng nghệ thuật Philadelphia. Từ hàng trăm ngàn sợi dây nhựa dẻo đan kết với nhau, ông tạo ra một công trình sắp đặt sặc sỡ như cầu vòng. Khi ghé thăm buổi triển lãm này người xem sẽ như lạc vào một mê cung với hàng vạn tua rua sắc màu ở dưới, và những ô hình tựa thấu kính đủ loại ở phía trên. Được biết buổi sắp đặt này lấy cảm hứng từ lịch sử dệt vải có tiếng của Philadelphia, nơi vốn luôn được mệnh danh là trung tâm vải vóc của nước Mỹ. Ảnh: kere-architecture.com
Tổng hợp Phương Nguyên
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống