Giới thiệu
Thông tin hội
Ngày đăng : 18/06/2021 5:13:07 PM
Lượt xem: 672

Không chờ khi thông tin về “Thi công dự án giao thông làm ảnh hưởng kết cấu bảo tàng Mỹ Thuật TP.HCM vẫn chưa được khắc phục” hoàn toàn chìm khuất, trôi qua trong sự thờ ơ thì chúng ta mới thấy sự thiếu quan tâm của công chúng với hệ thống bảo tàng hiện nay ở Việt Nam(1). Vì đâu nên nỗi như vậy, trong khi chính chúng ta còn ít lui tới bảo tàng, như báo chí dùng từ “vắng như bảo tàng” để mô tả hiện trạng này(2)? Câu hỏi từng được mổ xẻ nhiều và hiện chưa có lời đáp, thay đổi nào khả quan. Thực tế không cần đến chuyên gia khảo sát cũng có thể nhận ra sự vắng vẻ của bảo tàng Việt Nam thực sự là hồi chuông báo động, cần cuộc “đại phẫu” toàn diện và căn cơ(3).

 

Phối cảnh phức hợp bảo tàng - thư viện Quảng Ninh và trung tâm triển lãm được thiết kế xoay quanh quảng trường 30/10, một vị trí đắc địa của Hạ Long
 

 

Nội thất bảo tàng Quảng Ninh cho thấy sự đầu tư trong thiết kế bố cục, chiếu sáng, đa dạng về phong cách trưng bày

 

 

Dưới góc nhìn quy hoạch, thiết kế đô thị và kiến trúc, chúng tôi cho rằng không chỉ các bộ ngành liên quan như văn hóa, du lịch cần thay đổi quan niệm và cách làm bảo tàng, mà ngành thiết kế cũng nên xem đây là vấn đề của mình, khi nghệ sỹ và chuyên gia thì không thiếu, nhưng một hệ thống chuẩn mực và những nhạc trưởng đủ tâm và tầm để vực dậy thể loại công trình mang tính văn hóa bậc nhất này thì vẫn…chưa thấy! Tiền có thể không thiếu, nhưng tâm và tầm ở đây, xin cần đạt 3 tiêu chí: tầm nhìn quy hoạch - kiến trúc cho bảo tàng trong mối tương quan sinh hoạt văn hóa - công chúng; tầm vóc phát triển trong đầu tư, vận hành để tránh sơ sài hoặc lãng phí, tốn kém mà thiếu bền vững, và tầm cao văn hóa để bảo tàng không dừng ở việc minh họa, trưng bày hồ sơ hiện vật, mà phải là nơi tương tác, thưởng ngoạn, với chính ngôi nhà bảo tàng cũng là di sản, là câu chuyện và niềm tự hào của hiện tại cũng như tương lai.

 

Tầm nhìn về quy hoạch - kiến trúc cho bảo tàng
Bảo tàng Mỹ Thuật TP.HCM là một minh chứng về tầm nhìn đối với bảo tàng của chúng ta còn hạn hẹp. Cải tạo một ngôi biệt thự, dù là của Pháp thành một bảo tàng cấp thành phố vốn dĩ đã tồn tại nhiều bất cập. Bởi một bảo tàng về mỹ thuật đòi hỏi sự nghiêm túc về mặt chiếu sáng, không gian, khoảng lùi, vùng đệm… cho tác phẩm mà “lâu đài chú Hỏa” dĩ nhiên không đáp ứng được. Thứ hai, đặc thù không gian nhà cửa thời đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam dù là dinh thự vẫn có khối tích nhỏ so với nhu cầu bảo tàng hiện đại, khó để đáp ứng các quy mô khác nhau của vật phẩm. Và cuối cùng, cũng là yếu tố quan trọng nhất, không gian ngôi biệt thự khép kín này khó tương tác với bối cảnh đô thị chung quanh. 
Những yếu tố này (phổ biến ở Việt Nam) đã làm các công trình tương tự bảo tàng Mỹ Thuật TP.HCM mất dần đi sự thu hút dù rằng những tác phẩm ở đây được đánh giá cao, dù bản thân kiến trúc vốn có thuộc loại di sản. Đó là chưa kể đến khả năng duy tu, bảo dưỡng di sản còn hạn chế, đi cùng nạn xâm lấn, tư hữu hóa khuôn viên các công trình công cộng làm cho bao cảnh công trình thêm bừa bộn, nếu không muốn nói rằng đã xảy ra tình trạng “gặm nhấm di sản”, khai thác công trình ngoài công năng. Một số thành công như bảo tàng Dân Tộc học Việt Nam, bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP.HCM… cũng chung tình trạng bước chân ra cửa là va đập với hiện trạng đô thị thiếu toàn diện, ít kết nối và manh mún.
Câu chuyện tương tự cũng diễn ra ở bên kia bán cầu. Bảo tàng Điện ảnh Pháp (Cinematheque Francaise) nằm trong khu công viên Bercy cạnh sông Seine cũng là một ví dụ cho thấy tầm quan trọng của việc chọn lựa bối cảnh quy hoạch cho một bảo tàng. Ở đây, dường như sự tồn tại của một tòa nhà hoành tráng với những mảng cong, khối xéo giữa một khu khá phức tạp ở Paris, trong công viên dù quy mô lớn, nhưng vắng vẻ và thiếu an toàn… là điều cần xem lại. Bởi vị trí đặt công trình không chỉ làm giảm đi giá trị bảo tàng, gây ra lãng phí trong đầu tư, mà còn gặp khó khăn trong vận hành thực tế. Rất nhiều người dân và nhà chuyên môn đã xem nó như không tồn tại trong Paris vậy! 

 

 

Mô hình “bảo tàng sống” như ở làng cổ Oshino Hakkai (Nhật Bản) có thể là gợi ý để phát triển tốt hơn cho Bảo tàng Gốm Thanh Hà (Hội An)

 

 

Tầm vóc xứng tầm trong đầu tư, phát triển, vận hành 
Bảo tàng Quảng Ninh dù là một công trình còn nhiều tranh cãi về hình khối, như “một khối hộp khô khốc quá tương phản với đường nét mềm mại của thiên nhiên Hạ Long”, hay hiệu ứng phản chiếu bối cảnh không hiệu quả... nhưng không ai phủ nhận công trình đang “ăn điểm” trong mắt du khách ở cách tổ chức không gian trưng bày, kết hợp các công trình văn hóa và không gian công cộng vào tổ hợp khu đất. “Viên than đen” được nằm trong khu đất vàng cạnh bờ bao biển Hạ Long nên rất lợi thế về cảnh quan. Thiết kế phức hợp bao gồm bảo tàng - thư viện - trung tâm triển lãm xoay quanh một quảng trường là một chiến lược hợp lý để tập trung các hoạt động đưa người dân và du khách cùng hòa nhập vào sinh hoạt công cộng nơi đây. Bên trong bảo tàng, không gian được xây dựng hiện đại và hoành tráng, trở thành nơi “check-in” của nhiều du khách. Dù vẫn chưa hoàn toàn chuẩn mực, xuất sắc nhưng Bảo tàng Quảng Ninh vẫn là một công trình đáng ghi nhận đối với ngành bảo tàng, có thể rút tỉa, học hỏi thêm cho các công trình tương lai(4).
Bảo tàng Dân Tộc học Việt Nam cũng là ví dụ làm bảo tàng khá thành công ở ta. Không chọn cách tiếp cận đương đại hay công nghệ, bảo tàng này đi sâu vào trưng bày cho du khách về lối sống, về đời sống văn hóa vật chất tinh thần của 54 dân tộc anh em, từ truyền thuyết, đến trang phục, rồi đến múa rối nước, kiến trúc nhà dài, nhà mồ… trong khu trưng bày cả trong nhà và ngoài trời với diện mạo rất giản dị nhưng không sơ sài, mộc mạc nhưng lại thể hiện tốt tinh thần “dân tộc học”, những điều mà du khách, đặc biệt người nước ngoài, cực kỳ hứng thú, khám phá tìm hiểu.
Hai ví dụ trên cho thấy ở Việt Nam cũng có thể thành công nếu biết đầu tư và phát triển bảo tàng xứng tầm, gắn với văn hóa, khoa học và kinh tế. Chọn đúng quy trình vận hành, khai thác, chứ không chỉ gạch đầu dòng vài “nhiệm vụ thiết kế” rồi giao cho nhà chuyên môn. Nếu các cấp quản lý nhìn nhận bảo tàng là thiết chế văn hóa cần đầu tư lâu dài, sinh lợi, chiến lược phát triển cấp tỉnh thành… thì sẽ biết cách tìm chỗ cho bảo tàng, kết nối nội dung bảo tàng với công năng công trình lân cận, đưa bảo tàng gần gũi hơn với đời sống người dân.
Mặt khác, trong quá trình phát triển bảo tàng cùng với đô thị, điều quan trọng nhất là chúng ta phải hiểu rõ những đặc trưng về văn hóa - xã hội - lịch sử của địa phương để tránh tình trạng “copy-paste” toàn bộ những cách thức xử lý quy hoạch - kiến trúc nơi xứ người đem về nhà mình. Đơn cử như Trung Quốc đã làm giả Paris, Luân Đôn, Venice… nhưng cái hồn của văn hóa châu Âu thì làm sao copy hay paste được(5). Cách làm này chỉ góp phần tạo nên những món “đồ giả” tốn kém, khiên cưỡng và thiếu văn hóa! 

 

Giữ gìn không gian nhà ga xe lửa cũ để sử dụng làm bảo tàng, trung tâm nghệ thuật, thành phố Dunedin (đảo nam New Zealand) đã cho thấy cách họ ứng xử với di tích cũ rất linh hoạt, hữu dụng, trân trọng

 

Dù bề thế và được thiết kế bởi bậc thầy F. Gehry, nhưng bối cảnh đô thị lân cận bảo tàng Cinematheque Francaise khá phức tạp với các nhà ở xã hội, tạm cư cho người lang thang gần công viên Bercy

 

 

Đạt tầm cao văn hóa Việt Nam
Nhìn cách bảo tàng Louvre đối phó với dịch Covid, ta mới thấy đẳng cấp thật sự của những nhà lãnh đạo trong việc thu hút khách và quảng bá du lịch, giảm thiệt hại về kinh tế. Khi phải phong tỏa vì dịch bệnh, Louvre tổ chức trên website các chuyến du lịch ảo 3D trong bảo tàng, không giới hạn độ tuổi, quốc tịch, nơi chốn. Ý tưởng này giúp người dân Pháp lẫn du khách quốc tế dễ dàng tiếp cận an toàn, đẩy mạnh quảng bá văn hóa đất nước(6).
Văn hóa Việt Nam luôn rất phong phú, vấn đề là tổ chức liên kết thế nào để “ăn-nói-gói-mở” cho khách có thể cảm nhận, trải nghiệm được, ví dụ chợ hoa, các hoạt động trên bến dưới thuyền, các trò chơi, âm nhạc dân gian… vốn không dễ đưa vào tổ chức không gian bảo tàng. Câu chuyện liên kết nhiều ngành cần được đặt ra. 
Đặc trưng người Việt vốn sinh ra và tương hòa với các không gian khối tích nhỏ, tinh tế, gần gũi. Đô thị của ta cũng chủ yếu cấu thành từ các công trình khối tích nhỏ, nên việc tạo ra các bảo tàng (xây mới) mang khối tích lớn như phương Tây dễ gây ra sự xa lạ, choáng ngợp với người dân bản xứ, vừa tốn kém, vừa khó hài hòa đặc trưng bản địa. Bảo tàng và du lịch di sản có mối quan hệ mật thiết với nhau khi bảo tàng là nơi chứa đựng lịch sử của nơi chốn. Tuy vậy, không phải chỗ nào cũng có thể khai thác tốt du lịch di sản nếu không có đầu tư đồng bộ và đa ngành. Do vậy, việc đa dạng hóa các hoạt động trong bảo tàng hiện hữu, bổ sung thêm tương tác và giáo dục, kết hợp với thư viện, nhà sách, sân chơi… là hướng đi phù hợp để bảo tàng không chỉ là chỗ trưng bày, mà còn là địa chỉ sinh hoạt văn hóa hữu ích, trước cho cư dân, sau là khai thác du lịch, quảng bá văn hóa một cách bền vững hơn. 

 

Quanh bảo tàng Mỹ Thuật TP.HCM luôn bị các chòi tôn, bãi xe và quán cóc vỉa hè làm nên bộ mặt đô thị khá nhếch nhác

 

Vẫn còn những gian trưng bày chưa được đầu tư đúng mức, sơ sài trong bố cục, chiếu sáng, tầm nhìn…

 

Tư liệu tham khảo
(1) Bảo tàng Mỹ Thuật TP.HCM kêu cứu, đăng trên Tuổi Trẻ ngày 17/9/2020
(2) Tìm hướng đi cho bảo tàng, đăng trên báo Nhân Dân ngày 29/6/2020
(3) Bảo tàng, triển lãm lịch sử vắng người xem: Cần tiến hành cuộc “đại phẫu”, đăng ngày 7/10/2019 trên báo Dân Tộc
(4) Bảo tàng, thư viện Quảng Ninh, câu hỏi dành cho giới phê bình Việt Nam?, đăng ngày 16/1/2014 trên kienviet
(5) Paris xịn và nhái, đăng trên Vnexpress ngày 7/9/2020
(6) Bảo tàng Louvre: Miễn phí tham quan cho du khách (https://wanderlusttips.com/bao-tang-louvre-mien-phi-tham-quan-online-cho-du-khach/)

 

 KTS Huân Tú, KTS Lê Khánh Vân

Hội Kiến trúc sư TP.HCM vừa tiến hành khai trương showroom tại số 88 Mạc Đĩnh Chi. Ngoài phòng trưng bày rộng 90m² được thiết kế đẹp, bài bản,
Trong 5 năm từ 2010 đến 2015, sau giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ cuối thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, tình hình kinh tế Thành phố Hồ
Giới thiệu
Tin tức
Không gian đẹp
Ngôi nhà chung
Tư vấn
Không gian kiến

LIÊN HỆ

Email : hkts@tphcm.gov.vn
Địa chỉ : 88 Mạc Đĩnh Chi, phường Đa Kao, quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại : (84-28) 38291908 - 38273035 ; Fax: (84-28) 38225657 

 

Copyright 2015 Hội KTS TP.HCM. All rights reserved
Hội KTS TP.HCM giữ bản quyền nội dung trên website này.

Đầu trang