Nho nhã và cực kiệm lời, thật khó phỏng vấn anh cho dù là vấn đề nghề nghiệp. Có hai loại người kiệm lời: một, nhút nhát rụt rè - hai: không muốn đụng chạm tới ai.

Trần Lê Quốc Bình, Sinh năm 1977. Tốt nghiệp Đại học Kiến trúc TP.HCM tháng 11.2000. Thành lập Công ty thiết kế xây dựng QBI năm 2003.
Trần Lê Quốc Bình không thuộc cả hai loại người ấy, sự kiệm lời của anh đặc biệt khi phải nói về chính mình (có lẽ) chỉ là anh thích làm hơn nói. Lâu nay, chàng kiến trúc sư trẻ tuổi này luôn bận bịu công việc kể cả những công việc ngoài nghề. Anh âm thầm giúp đỡ bạn bè, những người xung quanh. Những thông tin ấy tự tôi - người viết phải đi tìm. Trần Lê Quốc Bình chưa bao giờ nói ra với tôi. Sự kiệm lời nhưng không vì sự kiêu căng của anh thật sự làm tôi vất vả trong cuộc trao đổi, dù cả tôi lẫn Bình đã từng làm giám khảo chung, từng ngồi với nhau trong quán cà phê ấm cúng của Đà Lạt hơn một năm trước. Cái áo len ngắn tay mặc ngoài sơ mi gợi nhớ những hình ảnh sinh viên nho nhã của Đà Lạt thời 1970 trong tiểu thuyết của Nguyễn Thị Hoàng.
Đấy là phong cách của Bình - nhẹ nhàng, giản dị nhưng tôi trở lại chuyện nghề.
Đỗ Trung Quân: Điều gì anh đang quan tâm nhất của nghề, thời điểm này?
Trần Lê Quốc Bình: Trong lúc này thì thú thật đang... hơi chán.
Đỗ Trung Quân: Chán?
Trần Lê Quốc Bình: (cười và im lặng mãi rồi anh mới nói ngắn) Cái say mê của thời kỳ đầu ít đi ấy mà! Chán vì nhận ra môi trường làm việc (một phần do mình tạo ra) không chuyên nghiệp.
Đỗ Trung Quân: Công việc của anh hiện tại ra sao?
Trần Lê Quốc Bình: Làm những công trình nho nhỏ, nhà ở, nội thất, shop, quán tại TP.HCM và nhà nghỉ ở Phan Thiết, Nha Trang.
Đỗ Trung Quân: Resort?
Trần Lê Quốc Bình: Không anh ạ! Chỉ là nhà nghỉ thôi. Kể ra ta cũng đang lạm dụng từ “resort” đấy. Cứ một cái nhà với sân, có hồ bơi, bãi biển, bar rượu là gọi resort được rồi.
Đỗ Trung Quân: Vậy quan niệm của anh thế nào?
Trần Lê Quốc Bình: Resort phải là một nơi mà người đến cảm nhận được sự đặc biệt riêng của nó (nội thất, văn hoá, cảnh quan...) nó cần giấu mình vào thiên nhiên, không nên dùng kiến trúc lấn át và phô diễn.
Đỗ Trung Quân: Tôi muốn hiểu thêm về khái niệm “kiến trúc thân thiện”?
Trần Lê Quốc Bình: Khái niệm ấy có lâu rồi. Nhà ở nông thôn Việt Nam của mình đấy anh. Này nhé, bờ rào, bờ giậu thấp thường bằng tre, gỗ cho cây lá leo phủ. Chỗ ngồi của chủ nhà thường trước hiên nhìn ra sân, mọi sinh hoạt hàng ngày đều ở ngoài hiên (ăn cơm, uống trà, trò chuyện...). Khách bộ hành có thể ghé vào hỏi thăm đường, hay xin nghỉ chân, rửa mặt, uống chén nước.v.v... Sự thân thiện gồm cả môi trường không gian lẫn con người đấy.
Đỗ Trung Quân: Anh có làm công trình lớn? Cao ốc?
Trần Lê Quốc Bình: Chưa anh ạ, kinh nghiệm của mình chưa đủ. Quan niệm của tôi là làm cái mình hứng thú, nho nhỏ cũng được, không nhất thiết kiến trúc sư là phải công trình lớn đâu. Nhưng đây là quan niệm riêng thôi ạ!
Trong góc quán cà phê buổi sáng. Cuộc trò chuyện êm ả, thân mật nhưng cứ thấy nụ cười của Bình nhiều hơn câu trả lời phỏng vấn. Bình không tận dụng cơ hội này để nói gì về mình bởi lẽ, “thuyết phục” được anh trò chuyện trên trang báo này cũng khá vất vả rồi. Tôi biết Bình nhận lời chỉ vì điều duy nhất: Bình dành cho tôi một chỗ quý mến - chỉ vậy thôi!

Một mảng xanh trên sân thượng

Khai thác đặc tính rỗng trong không gian biệt thự

Sân trên tầng cao trong nhà phố
.jpg)
Bản vẽ của một quán cà phê

Một không gian theo phong cách hiện đại

Góc sân sau trong nhà phố
Bài Đỗ Trung Quân minh họa Thu Thủy và tư liệu của KTS Trần Lê Quốc Bình
Theo tạp chí Kiến Trúc & Đời Sống