Tin tức
Tin trong nước
Ngày đăng : 02/11/2021 1:38:17 PM
Lượt xem: 588

LTS: TP.HCM đang trải qua đợt bùng phát dịch Covid 19 thứ tư bắt đầu từ 27.4. Giữa tâm dịch, các kiến trúc sư thành phố đã bị ảnh hưởng thế nào từ đại dịch, họ đang làm gì trong những ngày giãn cách, họ có đóng góp gì về chuyên môn cho thành phố và chuẩn bị gì cho tương lai sau dịch? KT&ĐS đã ghi nhanh ý kiến của KTS Nguyễn Trường Lưu, chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM xung quanh những vấn đề trên.

 

Đợt dịch lần thứ 4 là đợt nặng nhất, dài nhất, giãn cách đến nay đã hơn 100 ngày và gây ảnh hưởng lớn đến tính mạng, sức khỏe, công việc, tài sản của nhân dân TP.HCM trong đó có các kiến trúc sư.

Đáng tiếc là thực tế đã không tránh khỏi những tổn thất lớn. Nhiều kiến trúc sư và người thân của mình ở thành phố đã dính bệnh Covid và một số trường hợp đã tử vong.

Giới kiến trúc thành phố cũng vừa đau buồn chia tay hai bậc lão thành là KTS Huỳnh Kim Trương sinh năm 1920 mất do tuổi cao sức yếu và KTS Cổ Văn Hậu sinh năm 1934 mất vì bệnh Covid 19.

Thay mặt Ban chấp hành Hội Kiến trúc sư thành phố, tôi xin chia buồn với anh chị em kiến trúc sư và gia đã có những mất mát về người trong đợt dịch này.

Trong thời gian giãn cách, anh chị em kiến trúc sư đã có hình thức chia sẻ thông tin, thăm hỏi nhau theo nhóm, diễn đàn. Các kiến trúc sư bị bệnh trải qua quá trình chữa bệnh đã tổng kết truyền lại những câu chuyện, kinh nghiệm để mọi người bình tĩnh, chuẩn bị ứng phó. Có những hướng dẫn tỉ mỉ như nên chuẩn bị tinh thần ra sao, nên chuẩn bị thuốc gì, khi xét nghiệm bị dương tính thì nên làm thế nào trong những ngày đầu và diễn biến tiếp theo... Nhiều anh chi em tán thành, ủng hộ những hoạt động chia sẻ này.

Bài viết chia sẻ cách phòng chống Covid trong căn hộ chung cư của KTS Trần Khánh Trung

 

 

Với những hoạt động chuyên môn cụ thể trong suốt mùa dịch vừa qua, trước hết có thể kể, một số kiến trúc sư đã tham gia thiết kế, tư vấn triển khai dây chuyền thi công, lắp đặt các bệnh viện dã chiến.

Trước đó, từ giữa năm 2020, Hội Kiến trúc sư TP.HCM cũng có những hoạt động được đánh giá tốt là tổ chức thi Thiết kế ý tưởng kiến trúc bệnh viện dã chiến; cử người tham gia Hội thảo “Giải pháp thiết kế kiến trúc bệnh viện hiện đại” và cuộc thi Thiết kế Ý tưởng kiến trúc Bệnh viện dã chiến của Hội kiến trúc sư Việt Nam.

Về hoạt động nghiên cứu, trong cao điểm dịch vừa qua, nhiều ổ dịch trong các không gian lúc đầu chỉ có 1 ca F0 và được cách ly ngay nhưng sau đó dịch vẫn lan tràn trong khu vực đấy. Các kiến trúc sư phát hiện ra rằng trong các không gian nhà ở như một số chung cư, nhà hẻm có nguồn gây nhiễm qua giếng trời, thang máy, hệ thống thông hơi, hành lang... Vấn đề đặt ra là chúng ta đã xác định phải sống chung với dịch Covid 19 và cũng không loại trừ khả năng trong tương lai còn có thể phát sinh những loại dịch khác nữa. Như vậy về lâu dài, chúng ta phải có những thay đổi về thiết kế đối với các loại hình không gian ở để có thể thích ứng với dịch bệnh. Hội Kiến trúc sư thành phố đã đặt hàng các kiến trúc sư nghiên cứu vấn đề này để sau khi bình thường hóa, hết giãn cách, chúng ta sẽ tổ chức các hội thảo đưa ra các giải pháp tốt nhất.

 

 

Về việc hành nghề, do đặc thù nghề nghiệp, đại dịch đã tác động đến các kiến trúc sư không chỉ là ba tháng giãn cách vừa qua mà là từ gần hai năm nay. Từ khi bắt đầu đại dịch, ngân sách tiêu dùng của cả thế giới đều bị cắt giảm và tập trung cho các nhu cầu thiết yếu như chữa bệnh, ăn mặc. Kiến trúc là nghề dịch vụ mà lại là dịch vụ cao cấp. Khi đã đủ các nhu cầu cơ bản, thiết yếu người ta mới nghĩ đến đầu tư cho nhà ở, không gian sống. Tóm lại là ngân sách chi phí cho hoạt động tư vấn kiến trúc đã bị cắt giảm từ khi có đại dịch. Do đó, nhiều văn phòng, cơ sở hoạt động tư vấn kiến trúc đã cắt giảm mạnh các hoạt động từ gần hai năm nay.

Sau khi đại dịch bùng phát mạnh, tôi cũng thay mặt Hội Kiến trúc sư thành phố hỏi thăm nhiều công ty tư vấn thì được biết một số ít công ty vẫn gắng duy trì hoạt động online. Nhưng rồi các chủ đầu tư cũng thông báo ngưng, không còn công việc và bây giờ gần như 100% các công ty tư vấn, kiến trúc đã ngừng hoạt động. Đây là một thiệt thòi và tổn thất rất lớn cho công việc của các kiến trúc sư. Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận với nhau thực tế này.

Sau đại dịch ta sẽ phục hồi thế nào?

Nếu đẩy lùi đại dịch, đến cuối 2021 và vào năm 2022 mọi việc dần được khôi phục bình thường thì ta cũng phải ý thức rõ ràng rằng nghề kiến trúc chưa thể bắt nhịp ngay so với các ngành kinh tế khác. Khi kinh tế phục hồi sau đại dịch thì vẫn có nhiều nhu cầu thiết yếu cần đáp ứng ngay lập tức, ta làm dịch vụ phải chấp nhận có một độ trễ nhất định.

Mỗi kiến trúc sư nên căn cứ hoàn cảnh cụ thể trong cuộc sống để cố gắng bắt nhịp bình thường theo đà phục hồi của xã hội.

 

 

Hy Hung ghi    ảnh Đinh Quang Tuấn

Nhằm lựa chọn phương án thiết kế tối ưu đáp ứng yêu cầu về quy hoạch, kiến trúc, hiệu quả kinh tế, Bộ Xây dựng đang tiếp thu, lấy ý
Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có công văn số 09/CV-HoREA gửi Bộ Xây dựng, đóng góp ý kiến về những kết quả nổi
Giới thiệu
Tin tức
Không gian đẹp
Ngôi nhà chung
Tư vấn
Không gian kiến

LIÊN HỆ

Email : hkts@tphcm.gov.vn
Địa chỉ : 88 Mạc Đĩnh Chi, phường Đa Kao, quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại : (84-28) 38291908 - 38273035 ; Fax: (84-28) 38225657 

 

Copyright 2015 Hội KTS TP.HCM. All rights reserved
Hội KTS TP.HCM giữ bản quyền nội dung trên website này.

Đầu trang