Tin tức
Tin trong nước
Ngày đăng : 11/05/2022 7:09:55 AM
Lượt xem: 517

Xin lược ghi ý kiến của KTS Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM xung quanh chủ đề này.

 
TP.HCM đang tiến hành lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Theo kế hoạch, đồ án này được dự kiến hoàn thành vào quý 3 năm 2022. Thời gian qua, các cơ quan quản lý trong lãnh vực đã lập những kênh thông tin ghi nhận đồng thời phối hợp với nhiều đơn vị truyền thông tổ chức các diễn đàn thu hút nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu, giới chuyên môn và người quan tâm đóng góp cho đồ án. Bên cạnh chủ đề chính là điều chỉnh quy hoạch chung, việc khai thác lợi thế sông Sài Gòn và hệ thống kênh rạch của thành phố cũng được chú ý. Chuyên mục Thời sự kiến trúc số tháng 5.2022 của tạp chí Kiến Trúc & Đời Sống lược ghi ý kiến của KTS Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM xung quanh chủ đề này.
 
 
 
Dưới góc độ chuyên môn, để nói đến chuyện mới, xin bắt đầu bằng một chuyện cũ. Tháng 9.2019, lãnh đạo đương nhiệm thành phố ta ở thời điểm đó tổ chức hội thảo quốc tế “Quy hoạch và phát triển bờ kè sông Sài Gòn và sông, kênh nội thành và các giải pháp để hoàn thành cơ bản bờ kè sông Sài Gòn, sông và kênh nội thành vào năm 2025”. Cái tên đã khiến người ta nghĩ rằng hội thảo đó nhằm tìm giải pháp xây dựng bờ kè và tham luận của các nhà khoa học về đường sông, về thủy lợi trở thành các đề tài chính. 

Tại hội thảo đó, tôi đã đặt vấn đề, nếu chỉ cần tìm ra giải pháp kết cấu nào đó để xây dựng bờ kè cho sông và hệ thống kênh rạch TP.HCM thì có lẽ không cần đến hội thảo lớn quốc tế như vậy. 

Tôi nghĩ rằng điều cần quan tâm phải là xây dựng cảnh quan để tạo được cái hồn đô thị cho Sài Gòn - TP.HCM, mảnh đất được mệnh danh là thành phố của sông nước và kênh rạch. Đó là đặc trưng, là bản sắc đô thị của Sài Gòn - TP.HCM. Nhưng để việc xây dựng đô thị có tính khả thi thì phải có sự tham gia các nhà đầu tư, các chuyên gia kinh tế, nhà nghiên cứu xã hội, nhà văn hóa cùng các kiến trúc sư, nhà quy hoạch cùng nhau xây dựng để tạo ra quy hoạch, có nguồn lực kinh tế, tài chính triển khai quy hoạch thì mới làm được điều này.
Nhân dịp các cơ quan quản lý và đơn vị truyền thông kêu gọi đóng góp ý kiến, dưới góc độ chuyên môn, tôi thấy cần thiết phải có quy hoạch, thiết kế đô thị, cảnh quan cho bờ sông và dải đất ven sông Sài Gòn nói riêng cùng hệ thống kênh rạch của thành phố nói chung để tạo dựng được một bản sắc riêng của thành phố. 

Để hoàn thành được quy hoạch, thiết kế này, theo tôi, chúng ta cần quan tâm nghiên cứu mấy vấn đề sau.
Trước hết, ta cần khảo sát hiện trạng bao gồm thực tế sử dụng đất, hiện trạng xây dựng công trình ven sông Sài Gòn, công trình ở ven và trên các kênh rạch. Thành phố ta đã trải qua nhiều thời kỳ phát triển với các chính sách khai thác sông, kênh rạch giữa các thời kỳ có khác nhau nên chúng ta cần khảo sát hiện trạng thật kỹ. Từ đó ta mới có thể đánh giá chính xác quỹ đất theo hiện trạng để có thể xác định chính xác mục đích sử dụng khả thi khi quy hoạch, chỗ nào cần giải tỏa, đền bù ra sao, chỗ nào có thể giữ hiện trạng? Có như vậy mới tránh được tình trạng quy hoạch là vẽ ra cái không khả thi rồi lại trở thành quy hoạch treo. 

Chúng ta cũng cần nghiên cứu, tìm hiểu thông lệ của các nước, các thành phố trên thế giới cũng có nhiều sông ngòi, kênh rạch xem người ta ứng xử như thế nào để lấy đó là bài học. Đó không chỉ là những bài học thiết kế, tạo dựng cảnh quan đẹp mà còn là khai thác dòng sông để làm kinh tế như thế nào, tổ chức hệ thống giao thông bến bãi ra sao? 
 
Thành phố cần khảo sát hiện trạng bao gồm thực tế sử dụng đất, hiện trạng xây dựng công trình ven sông Sài Gòn, công trình ở ven và trên các kênh rạch để có giải pháp phát triển khi điều chỉnh quy hoạch chung

Không chỉ Sài Gòn mới có sông nước, kênh rạch. Ở Đông Nam Á, châu Á, châu Âu… có nhiều thành phố nằm bên những dòng sông lớn và có hệ thống sông nước. Thiết kế bờ sông của họ không chỉ là con đường dọc hành lang sông kết hợp công viên, cây xanh. Có những nơi người ta tạo ra công trình sát bờ sông, thậm chí có cả phần trong lộ giới tràn ra mặt sông để vừa tạo điểm nhấn kiến trúc cho không gian bờ sông vừa là điểm kinh doanh tạo ra nguồn thu kinh tế để bù đắp chi phí của những tiện ích công cộng khác. 

Nếu ta đã quyết tâm làm thì phải nghĩ đến giải pháp tài chính. Ở thành phố ta, nhờ có vốn ngân sách, vốn vay ta mới làm được hai công trình là đại lộ Võ Văn Kiệt và trước đó là Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Nhưng bây giờ nguồn tài chính đó không đủ thì ta phải kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa. Các nhà đầu tư đã bỏ vốn đầu tư thì phải tính toán đến hiệu quả kinh tế chứ không thể kêu gọi họ một cách chung chung. 

Tôi nhớ có hội thảo kêu gọi đầu tư giải quyết tình trạng nhà ở trên và ven kênh rạch của bờ nam Kinh Đôi quận 8 được tổ chức từ tháng 11.2016 nhưng đến nay đã hơn 5 năm trôi qua vẫn chưa thu hút được các nhà đầu tư tham gia. Chúng ta cần tạo hành lang pháp lý, cơ chế để huy động vốn từ các thành phần xã hội. Nếu vẫn làm theo công thức như kiểu sau khi chừa đường hành lang dọc sông, làm bờ kè, dành đất công viên cây xanh, phần còn lại để nhà đầu tư kinh doanh, chưa nói đến lời, chỉ huề vốn thôi cũng không khả thi thì rõ ràng là không thể thu hút được nhà đầu tư. 

Từ thực tế đó, ta phải đặt ra nhiệm vụ thiết kế đô thị cho dải đất ven sông, ven hệ thống kênh rạch sao cho nó phù hợp với thực tế, vừa bảo vệ được dòng sông, tạo ra cảnh quan đẹp lại vừa có thể thu hút được nhà đầu tư. Ta phải đề xuất những công trình mà nhà đầu tư có thể bỏ vốn ra kinh doanh và đó chính là nguồn tài chính để thực hiện quy hoạch, tạo dựng nên cảnh quan đô thị. Nếu không thu hút được nhà đầu tư, không có nguồn lực tài chính thì các đồ án quy hoạch rất khó có thể trở thành hiện thực.
 
 HY HƯNG ghi

 

Nhằm lựa chọn phương án thiết kế tối ưu đáp ứng yêu cầu về quy hoạch, kiến trúc, hiệu quả kinh tế, Bộ Xây dựng đang tiếp thu, lấy ý
Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có công văn số 09/CV-HoREA gửi Bộ Xây dựng, đóng góp ý kiến về những kết quả nổi
Giới thiệu
Tin tức
Không gian đẹp
Ngôi nhà chung
Tư vấn
Không gian kiến

LIÊN HỆ

Email : hkts@tphcm.gov.vn
Địa chỉ : 88 Mạc Đĩnh Chi, phường Đa Kao, quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại : (84-28) 38291908 - 38273035 ; Fax: (84-28) 38225657 

 

Copyright 2015 Hội KTS TP.HCM. All rights reserved
Hội KTS TP.HCM giữ bản quyền nội dung trên website này.

Đầu trang