Tòa nhà văn phòng Thiên Thảo tọa lạc trên một con phố khá điển hình của Hà Nội, với loạt nhà phố liên tiếp, lòng đường và vỉa hè khá rộng vì đây là khu vực mới phát triển của Hà Nội. Với vị trí này, tòa nhà được tiếp cận bởi nhiều hướng và dễ được nhận thấy khi đi trên phố.
Mặt tiền của các căn nhà trên dãy phố rất đa dạng với nhiều kiểu kiến trúc khác nhau, thực tế là khá lộn xộn và có thể gây “ô nhiễm thị giác” từ hệ thống các bảng biển quảng cáo.
Tòa nhà cũ đã được thiết kế và xây làm văn phòng và một phần để ở ở hai tầng trên cùng. Kiến trúc cũ của tòa nhà theo lối kiến trúc hiện đại của khoảng mười năm trước, mặt tiền được mở với dải cửa sổ “ribbon windows” đặt trên một phần tường thấp. Các vật liệu hoàn thiện cơ bản là tường sơn và ban công có lan can inox. Công trình có một nhược điểm là không có chỗ đặt các cục nóng điều hòa, nên chỉ còn giải pháp treo hoặc đặt tại ban công khiến mặt đứng tòa nhà trở nên xấu và lộn xộn.
Trước khi cải tạo, cơ cấu tổ chức công năng trên mặt bằng hiện trạng khá ổn, toàn bộ tuyến giao thông đứng và phòng vệ sinh được tổ hợp sát nhau và đặt về một phía, tạo điều kiện cho phần còn lại là không gian cho văn phòng.
Nhận được yêu cầu về thiết kế cải tạo công trình thành một trụ sở mới cho một công ty dược phẩm, các kiến trúc sư đã nghĩ nhiều đến việc làm gì để công trình có ý nghĩa cho chủ đầu tư về mặt sử dụng, và ý nghĩa gì với những người làm thiết kế.
Những kiến trúc sư mong muốn tòa văn phòng sẽ thể hiện được tầm thế và vị trí của doanh nghiệp trong đô thị và trong nền kinh tế.
Khi làm việc với chủ đầu tư, những người thiết kế đã nắm bắt được tầm nhìn của lãnh đạo, những bước đã đi, những bước phát triển tiếp theo của doanh nghiệp và những mong muốn cụ thể của họ cho tòa nhà mới này. Đây cũng là một cơ hội để nhóm thiết kế tìm kiếm những giải pháp mới cho các tòa nhà xuất thân từ loại hình nhà phố.
Quay lại với hiện trạng, đây là căn nhà phố chỉ có một mặt thoáng. Yêu cầu thiết kế cải tạo là không thay đổi kết cấu cũ hoặc chỉ được thêm chút ít phục vụ cải tạo. Như vậy là về mặt hình khối là không có cơ hội nào để tạo được điều gì mới. Do đó nhóm thiết kế quay về tiếp cận với mặt tiền.
Thiết kế kiến trúc: PMH Studio
KTS chính: Phạm Mai Hương
KTS dự án: Nguyễn Trọng Hùng, Lê Ngọc Quỳnh Châu
Tổng thầu thi công: Công ty cổ phần kỹ thuật công trình - thương mại C.N.C.C - NHÀ YÊU
Hệ vách kính sau lớp mặt dựng được mở rộng hoàn toàn từ trần xuống đến sàn nhà để tối đa ánh sáng vào không gian làm việc bên trong
Với mặt dựng Alu hợp kim đục lỗ hình elip mô phỏng các viên thuốc - đặc trưng của ngành dược đã tạo nên một mặt tiền “bắt mắt” cho ngôi nhà
Hiện trạng mặt tiền gồm hai vật liệu chính là bêtông trát và vách kính dựng, cùng với phần ban công bắt buộc phải chứa hệ thống cục nóng điều hòa. Các kiến trúc sư quyết định sẽ phải khoác lên công trình cũ một tấm áo mới bằng chất liệu hiện đại, đủ nhẹ để treo vào hệ khung kết cấu cũ và có thể truyền tải được thông điệp của concept.
Giải pháp được chọn là hệ Alu Façade (mặt dựng Alu hợp kim). Một diện mặt tiền mới được phủ lên bề mặt công trình cũ, mang màu sắc đặc trưng của ngành dược. Trên bề mặt các diện Alu được đục lỗ, mô phỏng hình ảnh các viên thuốc và sự liên hoàn của dây chuyền sản xuất thuốc. Trong số các hình đa dạng của các viên thuốc hình elip là hình đẹp nhất nên đã được chọn để tạo hình trên bề mặt Alu.
Hệ vách kính sau lớp mặt dựng được mở rộng hoàn toàn từ trần xuống tới sàn để tối đa ánh sáng vào không gian bên trong và phá bỏ sự ngăn cách trong ngoài của công trình cũ. Diện Alu được chia mảng trùng khớp với vị trí các khung xương nhôm của hệ vách kính phía sau.
Các không gian làm việc bên trong một lần nữa được hưởng lợi từ hiệu ứng của lớp mặt dựng, với các hình elip liên tục trên một diện lớn. Lớp mặt dựng này như một diện nền điêu khắc cho không gian làm việc bên trong, do đó nội thất bên trong nhóm thiết kế không thấy cần thiết phải làm gì nhiều mà đã tối giản tối đa các chi tiết.
Một số các giải pháp cho các không gian phụ khác, như phòng vệ sinh hiện trạng rất hẹp được mở rộng thêm ra, và đưa vật liệu gạch mosaic và kết hợp màu sắc trên tông xanh-nâu gụ làm cho phòng trở nên rộng hơn và rất sang trọng.
Bên cạnh việc được trải nghiệm đa dạng các không gian khác nhau, trong tòa văn phòng này vẫn có một số chỗ để nhân viên thư giãn như sân thượng, ban công. Kiến trúc sư sử dụng hệ nan gỗ nhựa trên sân thượng vừa để che đi một số thiết bị kỹ thuật và làm vách ngăn không gian và tạo một khoảng riêng tư nào đó cho nhân viên.
Giải pháp kiến trúc cho công trình này vừa tôn trọng được công trình cũ và vẫn tạo ra được một diện mạo mới; tạo được tầm thế của công ty sở hữu về mặt doanh nghiệp và cũng là môt điểm nhấn thu hút về mặt kiến trúc trên diện mặt đứng của tuyến phố; đây có thể là một giải pháp phù hợp cho loại hình nhà phố điển hình của Việt Nam.
Một góc văn phòng có tầm nhìn hướng ra không gian bên ngoài
Không gian thư giãn hiếm hoi dành cho nhân viên văn phòng công ty ngay giữa lòng Hà Nội - nơi tấc đất tấc vàng
Phòng vệ sinh với gạch mosaic cùng tông xanh - nâu gụ làm cho không gian nơi đây trở nên rộng và sang trọng
TƯỜNG HUY