Không gian kiến
Nhiếp ảnh
Ngày đăng : 19/10/2017 9:34:18 AM
Lượt xem: 705

Rất nhiều người đã đến và chụp ảnh, viết bài về kiến trúc công trình nhà hát Esplanade ở vịnh Marina, Singapore.

Thậm chí 100% các tour du lịch đều ghé chỗ “sư tử phun nước” nên hình của “trái sầu riêng” - tên gọi trìu mến của dân Singapore đối với Esplanade - gần như phổ biến tràn ngập.

 

Dưới mái dù trắng, sân khấu nhỏ này như hòa mình giữa trời nước trong khoảng vịnh Marina đầy nắng gió

 

Thế nhưng khi ghé lại đây cuối tháng 7 vừa qua, nét độc đáo về kiến trúc của công trình này dường như không thu hút chúng tôi bằng các sinh hoạt văn hóa hấp dẫn, và bài viết này như một ghi chép nhỏ về những không gian tương tác văn hóa ở đây, trong góc nhìn đối chiếu với không gian văn hóa đô thị Việt Nam và cụ thể hơn là TP.HCM.
Trời khuya đất Sing vốn vắng vẻ sớm, nhưng trong và ngoài Esplanade vẫn sôi động nhịp sống riêng. Các hành lang, hàng hiên, sảnh, bậc thềm… hầu như được tận dụng tối đa cho các triển lãm, giao lưu nghệ thuật. Trên những bậc cấp ngay tiền sảnh là một sắp đặt lighting - fashion của các nghệ sỹ Indonesia với thủ pháp đặt đèn trong những chiếc váy hoa sặc sỡ nhiều kích cỡ màu sắc khác nhau. Hệ thống cửa hàng bán nhạc cụ, hoa tươi, đồ lưu niệm đều tấp nập khách ra vào chọn lựa, mua sắm, còn café trong sân hoặc trên mái thì có thật nhiều các bạn trẻ vừa tập đàn vừa trao đổi về nghệ thuật trong một không gian vui mà không xô bồ, lắng đọng mà không hề buồn tẻ.
Cấu trúc không gian cảnh quan của Esplanade theo kiểu mở vừa phải với các lớp sinh hoạt chạy vòng quanh những khối khán phòng tạo hình mô phỏng chiếc micro. Cách tổ chức này khiến công trình không có hệ trục quen thuộc, không có quảng trường chính hay đại sảnh phía trước hoành tráng, nhưng lại rất gần gũi và hiệu quả khi tổ chức nhiều hoạt động cộng đồng một lúc. Đây là cách thức áp dụng phù hợp cho khu đất có diện tích không rộng lớn nhiều mặt tiếp xúc nhưng bị “ép” bởi mặt nước về một phía, rất gần với hiện trạng của nhiều khu đất công trình văn hóa trong điều kiện sông nước của Nam bộ và TP.HCM hay gặp. Chúng tôi liên tưởng đến các khu sinh hoạt văn hóa dọc theo hồ Bán Nguyệt (Phú Mỹ Hưng) hay Nhà văn hóa thiếu nhi Đà Nẵng khá thoáng đãng, không bị đi xuyên qua và đủ các phân khu độc lập để có thể tổ chức lễ hội, triển lãm, hội hoa xuân hay trình diễn nghệ thuật ngoài trời. Một không gian mới hoạt động gần đây là Nhà thiếu nhi TP.HCM phần phía sau cũng được thiết kế dạng mở liên hoàn dưới trệt như vậy, cấu trúc xoay vòng đa hướng này giúp giảm bớt hệ trục truyền thống hơi đóng cứng phía trước, đưa hoạt động văn hóa đến gần với công chúng hơn, dù trên thực tế diện tích chưa được thoải mái và khá gần trục giao thông lớn.
Đa phần không gian nội thất tại Esplanade cũng thuộc dạng “vừa là - vừa là” để thay đổi chức năng linh hoạt hơn là khép kín về một phía nào đó. Các khán phòng ở Esplanade có thể co giãn quy mô, lúc đông lúc vắng, lúc đóng lúc mở tùy theo chương trình, nhưng các sinh hoạt văn hóa xung quanh khuôn viên nhà hát thì luôn tràn đầy công chúng, nhất là các bạn trẻ. Họ đến đây không chỉ để hóng mát hay uống café, cũng không phải “lợi dụng” đám đông nhằm tìm chỗ chém gió, chụp hình tự sướng... mà tham gia trực tiếp vào talk show nào đó hoặc xem triển lãm, biểu diễn và thưởng thức nghệ thuật dưới mái dù của sân khấu ngoài trời. Nếu không có những hành lang, bậc thềm, mặt sân ở các cao độ khác nhau rất phong phú thì chúng tôi nghĩ Esplanade sẽ thiếu hẳn những không gian vừa dành cho việc đi lại, ngắm cảnh, kết nối các khu chức năng vừa là các sân khấu đích thực cho nghệ thuật công cộng. 
Mọi sự so sánh có lẽ luôn khập khiễng, nhưng chúng tôi vẫn phải chạnh lòng khi ngồi ở Esplanade mà nhớ về những nhà hát, trung tâm văn hóa ở xứ mình. Có thể ở ta chưa có đủ kinh phí để dùng vật liệu cao cấp, thiết bị tối tân như xứ người, có thể giới trẻ và người tổ chức sinh hoạt văn hóa xứ mình chưa đạt tầm quốc tế trong tổ chức và tham gia hoạt động nghệ thuật. Nhưng việc tạo lập nên những không gian sinh hoạt văn hóa trên nền tảng cấu trúc công trình gần gũi, đơn giản, tránh sa vào hình thức cầu kỳ, lãng phí... hoàn toàn nằm trong tầm tay của nhà quản lý và giới chuyên môn về quy hoạch - kiến trúc. Nếu biết khai thác từ chủ trương quy hoạch đến cách thức xử lý những lối đi đơn giản, những bậc thềm thong dong, những khoảng trống có nghĩa trong lòng đô thị thì không cần phải tốn kém vẫn có thể tạo dựng nên không gian sinh hoạt văn hóa cho công chúng, nghệ thuật cho cộng đồng hiệu quả, bền vững.
Vấn đề nằm ở những lối đi khéo chọn lựa, mà lối đi thì luôn ở ngay dưới chân mình, đợi mình dấn bước.

 

 

Hồ nước tràn phía tiền sảnh với những hiệu ứng ánh sáng khác nhau giữa ngày và đêm tạo nên nhiều cảm nhận phong phú

 

Đá mài, một vật liệu không hề đắt tiền một thời phổ biến ở Việt Nam, được khéo xử lý trong tiền sảnh và sân trên mái dưới hình thức Terrazzo Art

 

Hồ Bán Nguyệt, Phú Mỹ Hưng

 

hay Nhà thiếu nhi Đà Nẵng, những khoảng trống đô thị thoáng đãng, gần gũi

 

Sắp đặt nghệ thuật ở tiền sảnh và những chiếc váy biểu diễn được dùng làm chao đèn trong hành lang

 

Những quán café đa phong cách trên hành lang lầu 2, trên mái hay trong khu học tập

 

Chiếu sáng được sử dụng như một hình thức trình diễn đặc sắc cho “trái sầu riêng” thêm phần lung linh huyền ảo hơn vào mỗi đêm dù nhìn ở góc độ nào 

 

Bài Quốc Thống ảnh Vĩnh Đức - QT/ Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống

Đường lên Tây Bắc mùa nào trong năm cũng mang đầy những cảm xúc và trải nghiệm thú vị, từ phong cảnh đến con người, và một trong những điểm
Một căn lều tạm bợ hay một ngôi nhà vững chãi dựa vào vách núi, cheo leo trên miệng vực đều tạo ra một cảm xúc mạnh và đẹp mỗi
Giới thiệu
Tin tức
Không gian đẹp
Ngôi nhà chung
Tư vấn
Không gian kiến

LIÊN HỆ

Email : hkts@tphcm.gov.vn
Địa chỉ : 88 Mạc Đĩnh Chi, phường Đa Kao, quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại : (84-28) 38291908 - 38273035 ; Fax: (84-28) 38225657 

 

Copyright 2015 Hội KTS TP.HCM. All rights reserved
Hội KTS TP.HCM giữ bản quyền nội dung trên website này.

Đầu trang