Giải Pritzker 2018 đã vinh danh kiến trúc sư, nhà giáo dục Balkrishna Doshi, ông trở thành người Ấn Độ đầu tiên nắm giữ giải thưởng kiến trúc danh giá nhất thế giới này.
.jpg)
Balkrishna Doshi, còn gọi là B.V. Doshi hoặc đơn giản là Doshi, sinh trưởng ở Pune, Ấn Độ, 1927. Doshi là một trong những học trò sáng giá nhất của bậc thầy kiến trúc Le Corbusier. Phong cách của ông không chỉ thấm đẫm tinh thần Brutallism, mà trên tất cả, nó lấy con người cùng những nhu cầu sinh hoạt của họ làm thành trọng tâm. Kiến trúc của Doshi là sự mở rộng của bản thể cộng đồng, là cầu nối giúp con người bện chặt sợi dây kết nối của mình với môi trường xung quanh. Một phong cách kiến trúc nhân đạo, vị nhân sinh.
Từ nhỏ, Doshi đã nuôi ước mơ trở thành một kiến trúc sư, vì theo ông đó là cách thiết thực nhất để giúp những người dân của mình tạo ra một môi trường sống vững bền.
Doshi bắt đầu hành trình nghiên cứu về kiến trúc vào năm 1947. Sau một thời gian học tập ở London, ông đến Pháp làm việc với tư cách trợ lý của Le Corbusier. Doshi cùng làm việc cùng Louis Kahn và phong cách sau này của ông là sự tổng hòa của những tư tưởng vĩ đại này. Doshi đã chia sẻ về người thầy của mình khi nhận được giải Pritzker 2018: “Tôi nợ giải thưởng uy tín này cho bậc chân sư của mình, Le Corbusier. Những giáo lý của ông đã khiến tôi đặt câu hỏi về bản sắc và phải liên tục khám phá ra một phong cách vừa hiện đại vừa được chấp nhận cho một môi trường sống bền vững”. Ngoài sự ảnh hưởng kể trên, Doshi cũng cho thấy sự thấm nhuần về chủ nghĩa hiện đại nhân văn, có ảnh hưởng từ Louis Kahn sau một thời gian hai người cùng làm chung ở Viện Quản lý Ấn Độ (Ahmedabad, 1960).
Hội đồng trao giải đã quyết định lựa chọn Doshi bởi ông có thể truyền tải văn hóa phương Đông và tinh thần nhân sinh vào trong kiến trúc của mình. Các tòa nhà của Doshi không chỉ mang sự độc đáo trong dáng hình mà còn có khả năng chạm đến cuộc sống của nhiều tầng lớp kinh tế xã hội, phản hồi và đáp ứng những nhu cầu cấp thiết theo một cách hợp lý, tỉnh táo mà vẫn giữ nguyên được nét truyền thống trong phong cách kiến trúc. Theo hội đồng Pritzker, kiến trúc của Balkrishna Doshi không mang sự hào nhoáng mà thể hiện sự tập trung, nghiêm túc. “Các công trình của ông thể hiện ý thức trách nhiệm sâu sắc và mong muốn đóng góp cho cộng đồng thông qua kiến trúc chất lượng cao, đích thực”.
.jpg)
.jpg)
Dự án Gufa xây dựng năm 1995 là công trình thể hiện sự sáng tạo phi giới hạn của Balkrishna Doshi. Gufa được đặt không xa văn phòng của Doshi và được đưa vào sử dụng như phòng trưng bày nghệ thuật của nghệ sỹ Maqbool Fida Husain. Tòa nhà mang dáng hình độc đáo với phần mái úp tròn, che náu toàn bộ không gian bên dưới tựa như mai rùa. Bề mặt phía trên khứa đầy vân gạch Mosaic với ý tưởng đến từ bong bóng xà phòng. Các tác phẩm nghệ thuật không được lồng, treo ở trong khung mà được vẽ trực tiếp lên những mảng tường, vòm mái. Chúng bao phủ khắp nơi như những chữ tượng hình thần bí, một số tác phẩm điêu khắc bằng kim loại khác lại được đính lên cột
.jpg)
.jpg)
Tagore Memorial Hall (Sảnh tưởng niệm Tagore) hoàn thành vào năm 1966 là thử nghiệm tiêu biểu của Doshi với trường phái thô mộc (brutalism). Nơi đây được xây dựng để tôn vinh, tưởng niệm nhà thơ Rabindranath Tagore với các điểm nhấn là những mặt phẳng tường, dựng thành cánh tạo sự tương phản sáng tối. Hội trường có hơn 700 chỗ ngồi này cũng được đặt tại Ahmedabad. Khác hẳn với bên ngoài cứng rắn, lạnh lùng bên trong Tagore Memorial Hall được phủ đầy màu sắc sặc sỡ của các họa tiết, hình minh họa cách tân
Doshi là một con người trân trọng truyền thống và tôn thờ tự nhiên. Ông phản đối mạnh mẽ phong trào kiến trúc toàn cầu và cho rằng làn sóng đó chỉ mới chạm đến bề nổi, là nhu cầu gây ấn tượng, đáp ứng mong muốn trước mắt, mà bỏ quên tính nguyên bản văn hóa và lợi ích cộng đồng lâu dài. Doshi dành nhiều năm trong nghề để nghiên cứu về khí hậu, vật liệu, công nghệ. Kết hợp khám phá mới cùng những hiểu biết sâu rộng về văn hóa, ông tạo ra được những công trình mang đậm bản sắc Ấn Độ diễn giải theo ngôn ngữ kiến trúc ấn tượng và có thể phục vụ hiệu quả cho nhu cầu sống thiết thực.
Doshi cảm nhận thiên nhiên, kế thừa từ nó. Với ông, thiên nhiên chính là chất xúc tác cho cảm giác, chúng tạo nên hình ảnh và những góc nhìn. Và đó, là điều mà Doshi muốn truyền tải vào trong công việc của mình. Với đặc trưng khí hậu khắc nghiệt ở Ấn Độ, Doshi tạo ra những bức tường dày để giảm nhiệt, đồng thời chia tường thành các cánh mặt phẳng tạo ra sự tưởng phản sáng tối đẹp mắt. Theo ông, sự cảm nhận đến trước, hình khối đến sau. Công trình thành công phải mang linh hồn với sự đa dạng trong sắc thái. Ông không đơn giản chỉ tạo ra chốn nương náu cho cộng đồng mà còn hình thành sợi dây gắn kết giữa thiên nhiên và con người, một sự gắn bó mang tính hiện hữu. Doshi nỗ lực theo đuổi kiến trúc tác động đến tinh thần, tạo ra những công trình không chỉ với khối hình ấn tượng mà còn có thể liên kết được với con người về mặt thị giác, âm thanh cùng những cảm nhận giác quan. Và như thế, với điểm bắt đầu là câu hỏi “mọi thứ sẽ cảm thấy như thế nào?”, cảnh quan của Doshi bắt đầu thành hình. Ông luôn tự hỏi hỏi “Điều gì là quan trọng? Hình dáng công trình hay cái nằm ở bên trong?”. Theo Doshi, chúng ta được bao quanh bởi một bản giao hưởng tự nhiên của nắng, gió, giông tố và mưa dầm. Và kiến trúc chính là bản giao hưởng, một công trình xây dựng không chỉ để che chắn con người khỏi những khắc nghiệt mà còn để tạo cơ hội cho họ gần gũi, chiêm ngưỡng và trân trọng vẻ đẹp của tự nhiên. Sự tương quan bối cảnh và mối liên hệ với không gian xung quanh chính là điều làm nên sự hiệu quả và độc đáo trong những tác phẩm của Balkrishna Doshi. Chính cách hành nghề nghiêm túc và coi trọng sự sống đó đã khiến ông trở thành chủ nhân xứng đáng nhất cho giải thưởng Pritzker năm nay. Chúng ta lại một lần nữa chúc mừng ông và hãy cùng điểm lại những công trình do Balkrishna Doshi tạo ra với những thay đổi lớn lao cho bộ mặt xã hội, kiến trúc Ấn Độ.
.jpg)
.jpg)
.jpg)
Văn phòng Sangath ở Ahmedabad của Doshi được thành lập vào năm 1981. Sau khi xây dựng xong, công trình ngay lập tức thu hút được sự chú ý bởi vẻ ngoài độc đáo của nó. Cả khuôn nhà là cấu trúc chồng chéo đan xen của những mái vòm, bên trên phủ bằng gạch mosaic sứ. Một phần văn phòng nằm dưới đất, xung quanh có khuôn viên sinh hoạt ngoài trời và vườn cây để tổ chức những buổi hội thảo. Văn phòng này là minh chứng rõ nét nhất trong việc sử dụng thiên nhiên làm chất xúc tác, tạo ra các sắc thái khác nhau cho kiến trúc. Các khoảng vòm ẩn mình một nửa đủ để cho văn phòng bên dưới nhận đủ ánh sáng và cũng tạo chốn làm việc thoải mái, mát mẻ giữa cái nắng gắt như đổ lửa
.jpg)
.jpg)
Trường kiến trúc Ahmedabad là một trong những công trình đầu tiên của Balkrishna Doshi. Ông thực hiện dự án này với cả hai tư cách người hoạch định lẫn người sáng lập. Tòa nhà trường đại học mang đậm dấu ấn của phong cách Le Corbusier và Louis Kahn với tường gạch trần, xi măng cứng cáp và vuông khối, sân vườn và cầu thang đều mang bố cục mở. Công trình mang hình hài của trường phái kiến trúc hiện đại nhưng vẫn thành công trong việc gợi nhớ nét kiến trúc truyền thống ở các thị trấn Ấn Độ. Trường hoàn thành vào năm 1966 và đổi tên thành Đại học Cept vào năm 2002 sau nhiều thập niên hoạt động. Một điều đặc biệt ở ngôi trường này đó là họ cho phép sinh viên tham gia thiết kế các hạng mục thêm cho trường, nhưng vẫn phải đảm bảo gìn giữ tinh thần cốt lõi
Tổng hợp Phương Nguyên ảnh Edmun Sumner