“Uống nước nhớ nguồn”, làm nghề nào cũng thờ cúng Tổ Nghiệp! Từ lâu rồi, nhiều hội đoàn nghề nghiệp ở nước ta đều tôn vinh những người tài đức - tiên phong dựng nghiệp vững vàng cho đời sau tiếp bước. Chẳng hạn, thiền sư Tuệ Tĩnh – đời nhà Trần được coi là Tổ Đông Y. Sứ thần Lương Nhữ Học - đời nhà Lê là Tổ Khắc ván in. Còn Tổ Kim hoàn ở Hà Nội là ba anh em họ Trần và ở Sài Gòn là bà Lệ Châu. Nghề Hát bội cũng có ông Tổ là Đào Duy Từ. Nghề nhiếp ảnh có cụ Đặng Huy Trứ. Thế còn nghề Quy hoạch và Kiến trúc, một ngành nghề xem ra rất hiện đại, có Tổ Nghiệp là ai?
Tranh vẽ vua Gia Long và tượng Nguyễn Trường Tộ tại trường trung học mang tên ông ở thành phố Vinh, Nghệ An
Theo sử xưa thì khoảng 200 năm trước Công Nguyên, An Dương Vương là người dời đô nước Âu Lạc từ vùng trung du về gần sông Hồng. Nhà vua cho xây kinh đô Cổ Loa, gồm nhiều vòng thành theo hình xoáy trôn ốc độc đáo. Giúp vua trong việc dời đô và xây thành có sự tham gia của tướng Cao Lỗ. Như vậy, không ai khác, chính An Dương Vương và Cao Lỗ là hai vị Tổ đầu tiên của nghề Kiến trúc và Quy hoạch của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng!
Trong khi ấy, Sài Gòn có lịch sử xây dựng muộn hơn. Cách đây ba thế kỷ, những ai đã mở đầu nghề kiến tạo đô thị ở Sài Gòn – thành phố bậc nhất Việt Nam từ xưa đến giờ?
Nguyễn Ánh xây dựng Gia Định Kinh
Sài Gòn chính thức trở thành đất Việt Nam từ năm 1698 với tên gọi là huyện Tân Bình. Trong khoảng một trăm năm đầu tiên, Tân Bình là một phố thị tân lập, chưa có quy hoạch rõ nét và công trình xây dựng lớn lao. Thuở ấy, nơi đây chủ yếu bao gồm các đồn binh, phố chợ - nằm trên các giồng đất cao. Còn dân cư tụ họp thành làng dọc các sông rạch, hoạt động trồng trọt, đánh cá và làm nghề thủ công. Tuy nhiên, từ năm 1776, Sài Gòn rơi vào cơn binh lửa tàn khốc của cuộc chiến giữa nhà Nguyễn và Tây Sơn. Phố phường bị tàn phá tiêu điều sau nhiều trận đánh giành giật giữa hai bên. Mãi đến 12 năm sau, quân nhà Nguyễn mới làm chủ Sài Gòn.
Lịch sử sang trang, người quyết định tái thiết Sài Gòn trở thành kinh đô của đất phương Nam là một nhà vua trẻ - 26 tuổi. Ông là Nguyễn Ánh, người không chỉ xông pha trận mạc mà còn hâm mộ kiến thức mới về xây dựng thành phố, đóng tàu và nhiều ngành liên quan. Đặc biệt, với sự giúp đỡ của Giám mục Bá Đa Lộc (Pigneau de Behaine), Nguyễn Ánh đã học hỏi kiến thức phương Tây từ bộ từ điển bách khoa Britannica rất giá trị, vừa ra đời năm 1768. Đồng thời, nhà vua còn học hỏi nhiều vấn đề lý thuyết và kỹ thuật từ chính các chuyên viên Pháp, trong đó có các sĩ quan công binh do Bá Đa Lộc tuyển mộ.
Vào mùa xuân năm Canh Tuất 1790, theo Đại Nam Nhất Thống Chí, sau khi “định địa đồ, địa giới” và chuẩn bị nhân lực vật lực, Nguyễn Ánh cho khởi công xây một tòa thành lớn ở khu gò cao, thuộc làng Tân Khai (nay là khu vực quanh đại lộ Lê Duẩn và đường Lê Thánh Tôn). Thành còn được gọi là thành Bát Quái hay thành Quy vì kiểu dáng nhìn từ bên trên mang hình thù bát quái và con rùa lớn. Thực sự, đây là thành trì được xây theo lối phối hợp Dịch lý phương Đông và kiểu thành Vauban của Pháp - thịnh hành ở châu Âu từ thế kỷ 17. Không những thế, Nguyễn Ánh còn yêu cầu các sĩ quan Pháp soạn thảo quy hoạch Sài Gòn theo kiểu một thành phố châu Âu. Việc thiết kế này đã thể hiện rõ trên hai bản đồ quy hoạch, do các kỹ sư công binh Pháp thực hiện vào các năm 1795 và 1799, còn lưu bản gốc tại Pháp. Theo đấy, chung quanh thành Gia Định đã dự phóng nhiều con đường thẳng tắp, tỏa ra các hướng đông bắc, tây bắc và tây nam. Giữa các con đường này là các ô đất trống để xây dựng phố phường tương lai. Riêng khu vực phố thị người Hoa, tức Chợ Lớn, được quy hoạch thành một khu riêng, nằm cách xa khu vực thành Gia Định và cảng Bến Nghé.
Nguyễn Ánh còn là người quyết định và trực tiếp chỉ huy xây dựng Thủy xưởng Chu Sư, ở đầu rạch Thị Nghè. Đó chính là công xưởng quy mô lớn đầu tiên của Việt Nam, sau này trở thành nhà máy đóng tàu Ba Son lừng danh. Nếu không có quyết tâm và tài thao lược, cũng như kiến thức liên ngành của Nguyễn Ánh thì Sài Gòn không được tái thiết với tầm vóc của một kinh đô tân tiến. Sau khi trở thành vua Gia Long Nguyễn Ánh dời đô ra Huế. Rất đáng tiếc, kế hoạch xây dựng Gia Định Kinh không tiếp tục như định trước nữa. Tuy nhiên, kinh nghiệm xây dựng Gia Định Kinh đã được Gia Long áp dụng vào việc hình thành kinh đô Huế. Thậm chí, nhiều vật liệu và kiến trúc cung đình tại Sài Gòn cũng đã được chuyển ra Huế, trong khoảng thời gian 1802-1813. Khi Pháp chiếm Nam kỳ và xây dựng một Sài Gòn hiện đại, họ vẫn kế thừa nhiều nét quy hoạch của Gia Định Kinh. Nhất là những con đường và các ô phố còn lại đến ngày nay.
Bản vẽ quy hoạch thành phố Sài Gòn năm 1799, thực hiện theo chỉ đạo của Nguyễn Ánh
Tướng Trần Văn Học – người lập bản đồ Gia Định và xây các đồn lũy
Nếu như An Dương Vương có tướng Cao Lỗ giúp sức trong việc xây thành thì Nguyễn Ánh cũng có một vị tướng giỏi giang, đảm đương việc đo đạc và lập họa đồ, đó là Trần Văn Học (còn gọi là Nguyễn Văn Học do được ban họ vua). Đến nay, tài liệu về ông còn lưu lại không nhiều nhưng chỉ riêng bản đồ Gia Định do ông vẽ năm 1815, đã cho thấy tầm vóc và công sức của con người này. Thật vậy, vào thời ấy, các bản đồ cả nước và nhiều tỉnh thành trên sách vở của nhà Nguyễn đều là bản đồ theo kiểu ước lệ cổ truyền. Trong khi đó, bản đồ của Trần Văn Học đã là bản đồ được thiết kế theo phương pháp hiện đại, không kém gì các bản đồ châu Âu cùng thời. Đặc biệt, các chi tiết cụ thể về sông rạch, thành trì, làng mạc, đường sá rất chuẩn xác. Trên bản đồ còn có các chú thích địa danh bằng chữ Hán tên các thôn xóm, chợ búa, cầu cống, đường quan lộ, kể cả đồn binh. Bản đồ của Trần Văn Học không chỉ là tài liệu có giá trị lớn về quy hoạch và chỉ dẫn thực tế. Đây còn là chứng tích cổ xưa rất hữu ích về nhiều mặt để tìm hiểu lịch sử Sài Gòn!
Đại Nam Nhất Thống Chí cho biết Trần Văn Học, sinh trưởng ở Gia Định, là người được Giám mục Bá Đa Lộc tiến cử với Nguyễn Ánh. Trong nhiều năm liền, ông từng đến Bangkok (Thái Lan), Pondichery (thuộc địa Pháp ở Ấn Độ), Manila (Philippines, thuộc địa của Tây Ban Nha). Có lẽ tại các nơi này, ông đã tìm hiểu kiến thức và kỹ thuật về đo đạc bản đồ, quy hoạch đô thị và xây dựng công trình quân sự với chuyên viên nhiều nước khác nhau. Đáng chú ý hơn nữa, ngoài việc trợ giúp Nguyễn Ánh vẽ bản đồ và xây thành, ông còn là thông ngôn và phiên dịch tài liệu cho vua. Mặt khác, ông còn là người tham gia xây thành và đồn lũy ở các địa phương, chế tạo vũ khí và trực tiếp chỉ huy chiến thuyền lớn.
Năm 1821, vào đời Minh Mạng, triều đình còn nhờ Trần Văn Học vẽ bản đồ lớn toàn bộ Nam kỳ và Trấn Tây (Campuchia) với đầy đủ chi tiết sông núi, đường sá. Tuy nhiên, ông không nhận nhiệm vụ này vì tuổi già sức yếu. Chẳng bao lâu sau ông mất, không có con nối dõi. Để ghi nhớ công lao Trần Văn Học, triều đình cho xây mộ ông rất lớn ở làng Bình Hòa. Buồn thay, ngôi mộ Trần Văn Học đến giờ không còn nữa, phần đất này hiện tại là công viên và đài liệt sĩ của quận Bình Thạnh.
Bản đồ chi tiết Gia Định 1815 của Trần Văn Học
Sĩ phu Nguyễn Trường Tộ - tác giả tu viện Saint Paul 1864
Dinh thự Bến Nhà Rồng, Cột cờ Thủ Ngữ, tòa nhà Hải quan cùng tu viện Saint Paul là “bộ tứ” kiến trúc châu Âu kiên cố đầu tiên của Sài Gòn. Tất cả đều ra đời vào thập niên 1860, trong đó ba công trình đầu do kiến trúc sư và kỹ sư nước ngoài thực hiện. Riêng chỉ có tu viện Saint Paul lại là tác phẩm của một chuyên viên Việt Nam. Khu nhà tu viện vẫn còn hiện diện tại một khu đất lớn, số 4 Tôn Đức Thắng, gần bên nhà máy Ba Son cũ. Tại đây, đang giữ được hầu như nguyên vẹn một nguyện đường thiết kế theo kiểu Gothic tuyệt đẹp. Bên trên nguyện đường, ngày xưa có một tòa tháp cao rất duyên dáng, trở thành một chỉ dấu không thể thiếu ở khu vực này. Song tòa tháp đã bị bom của không quân Mỹ hủy diệt trong lúc oanh tạc nhà máy Ba Son vào năm 1945 - thời kỳ Nhật chiếm đóng Đông Dương.
Tu viện Saint Paul, được xây dựng từ năm 1862 đến 1864, với thiết kế và chỉ huy xây dựng bởi Nguyễn Trường Tộ, một sĩ phu quê ở Nghệ An. Lúc ấy, ông ở tuổi 30, thông thạo chữ Hán và tiếng Pháp, đã tiếp xúc với văn hóa Tây phương và đến các thuộc địa của Anh ở Đông Nam Á (Hong Kong, Singapore, Penang) từ nhiều năm trước. Là một trí thức Công giáo có học vấn uyên bác và kiến thức thực tế rộng rãi, Nguyễn Trường Tộ không ngần ngại nhận lãnh việc thiết kế và chỉ huy xây dựng tu viện đúng theo các tiêu chuẩn châu Âu. Vào thời điểm đó, Sài Gòn chưa có một công trình nào tương tự, vậy mà Nguyễn Trường Tộ bằng ý chí canh tân và “sở học” tự lực đã hoàn thành công trình một cách mỹ mãn. Một sĩ quan hải quân Pháp đương thời đã gọi tu viện Saint Paul với ngọn tháp duyên dáng là dấu hiệu “báo tin thủ đô của nước Pháp ở Á Đông”.
Vào năm 1868, Nguyễn Trường Tộ còn là người được mời xây dựng Nhà thờ và chủng viện Xã Đoài ở Nghệ An. Trước đó, trong các năm 1866-1867, vị sĩ phu này còn giúp triều đình Huế xây dựng lại Thiết Cảng, đào con Kênh Sắt để khơi thông đường thủy ở khu vực thành phố Vinh. Mặc dù bị bệnh tê thấp hành hạ nhưng ông vẫn nhận lãnh nhiều công việc nghiên cứu, giao dịch, kể cả hướng dẫn mua máy móc và đưa người đi du học cho triều đình. Nguyễn Trường Tộ là bậc sĩ phu kỳ tài và yêu nước nồng nàn mà công trình lớn nhất chính là hơn 50 bản “điều trần” nổi tiếng. Ông đã đóng góp rất nhiều kế sách trong các lĩnh vực cụ thể từ quốc phòng, ngoại giao đến kinh tế và giáo dục. Nhưng triều đình Huế chỉ tiếp nhận và thực hiện một ít nên nước ta thời ấy đã bỏ lỡ cơ hội cho một cuộc cải cách sâu rộng!
Tranh vẽ Tu viện Saint Paul do Nguyễn Trường Tộ thiết kế và xây dựng năm 1864
Theo chúng tôi, cả ba nhân vật Nguyễn Ánh, Trần Văn Học và Nguyễn Trường Tộ đều rất xứng đáng được tôn vinh là các Tổ Nghiệp gần gũi với nghề Quy hoạch và Kiến trúc của Sài Gòn, cũng như đất phương Nam. Việc tôn vinh Tổ Nghiệp không nhất thiết chỉ có đền thờ hay bia tưởng niệm. Thiết nghĩ, trong giáo trình lịch sử quy hoạch và kiến trúc của các trường đại học, rất cần bổ sung câu chuyện về các vị Tổ Nghiệp Việt Nam. Mặt khác, tại văn phòng của các Hội Kiến trúc sư và Hội Quy hoạch phát triển đô thị và các bảo tàng chuyên ngành, rất nên có bảng kỷ niệm và trưng bày các hình ảnh, chứng tích liên quan đến những người Việt Nam đã khai sáng nghề nghiệp cho các thế hệ thiết kế đô thị và tạo dựng những kiến trúc hay đẹp cho đất nước. Các nhà quy hoạch và kiến trúc sư hiện tại và tương lai đều có thể suy ngẫm nhiều bài học nghề nghiệp và nhân cách sâu sắc qua tấm gương của các Tổ Nghiệp nói trên!
(*) Bài viết tham khảo các sách Đại Nam Nhất Thống Chí, Đại Nam Chính biên liệt truyện (Quốc sử quán Triều Nguyễn, bản dịch của Viện Sử học NXB Thuận Hóa, 2013) và Nguyễn Trường Tộ - Con người và di thảo (Trương Bá Cần, NXB TP.HCM, 1988)
Xưởng đóng tàu Bason
PHÚC TIẾN (Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống)