Không gian đẹp
Văn phòng
Ngày đăng : 10/05/2021 3:06:35 PM
Lượt xem: 611

Trong tình trạng suy kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, mức độ ô nhiễm môi trường liên tục gia tăng, kiến trúc xanh hay còn gọi là kiến trúc sinh thái đã trở thành trào lưu xây dựng “lành mạnh” với những ưu thế về giảm thiểu tác động lên môi trường và tái thiết lập lại cho con người một thói quen sống tốt đẹp hơn: trân trọng và hài hòa cùng tự nhiên. Câu chuyện về kiến trúc xanh không chỉ gói gọn trong những giải pháp tiết kiệm năng lượng, trong cách thiết kế trọng gỗ đá hơn xi măng cốt thép mà còn nhấn mạnh một quan điểm hành nghề đầy tính nhân văn và ý thức: đó là sự tử tế.

 

Léo Surgical Clinic & Health Center là một trung tâm phẫu thuật và y tế. Vẫn mang phong cách xây dựng đặc trưng của Kéré, nơi này được tạo thành từ gạch đất nặn để giảm thiểu tối đa tác động lên hệ sinh thái. Phần lớp cách nhiệt trên cao cho phép công trình hấp thụ không khí mát lạnh buổi đêm và tỏa ra vào ban ngày giữ cho nơi này luôn mát mẻ dễ chịu. Ảnh: kere-architecture.com

 

 

Trong suốt một thời gian dài của thời kỳ bùng nổ công nghệ, con người mải miết trượt dài trên các công cuộc đổi mới, dựng xây nên những khu rừng bêtông thành thị, náu mình trong những môi trường nhân tạo mà quay lưng lại với tự nhiên. Chúng ta dường như chỉ xem tự nhiên như một cái “mỏ” để khai thác mà hoàn toàn quên đi rằng thiên nhiên cũng như con người, cần được đối xử với sự tôn trọng và săn sóc. Chỉ đến khi các thảm họa thiên nhiên gây tổn thất nặng nề ở khắp mọi nơi thì nhân loại mới sực tỉnh ra mình đã bạc đãi thiên nhiên và con cháu tương lai đến mức nào. Chính mức độ khai thác đến suy kiệt của thế hệ hôm nay sẽ làm tổn hại trực tiếp đến môi trường sống của thế hệ mai sau. Kiến trúc xanh nổi lên không chỉ như một hồi chuông thức tỉnh mà còn là cơ hội để nền kiến trúc thế giới có thể trở nên lành mạnh hơn, tử tế với thiên nhiên và với chính con người. 
Kiến trúc tử tế với thiên nhiên: để giảm thiểu tác động lên môi trường, giải pháp phổ biến nhất chính là lựa chọn vật liệu “xanh” hơn - dễ dàng phân hủy và quy trình khai thác chế tạo không tạo thêm gánh nặng ô nhiễm. Những vật liệu như tre, gỗ, đá, thậm chí là bùn đất được tìm đến như một giải pháp thay thế cho các nhiên liệu khai khoáng, hóa thạch. Đi xa hơn nữa, sự tử tế ấy còn được thể hiện trong việc ứng dụng yếu tố bản địa như thổ nhưỡng khí hậu, truyền thống xây dựng và cả môi trường văn hóa sinh hoạt. Con người sử dụng kiến trúc như một cách để thích nghi hiệu quả hơn mà không làm phương hại đến tự nhiên.

 

Nhà thờ Christchurch, New Zealand, 2013. Công trình đã được Shigeru Ban tái tạo lại bằng cách sử dụng những ống giấy khổng lồ để ghép thành tường và mái

 

 

Kiến trúc tử tế với con người không chỉ lấy nhu cầu con người làm trọng tâm xây dựng mà còn tạo dựng cơ hội để chúng ta có thể hòa nhập tương tác cùng môi trường sống tự nhiên, hơn là sống tách biệt khỏi đó. Những công trình sinh thái có khả năng thỏa mãn tối đa nhu cầu tiện nghi hiện đại và mở ra lối sống tích cực, bớt khô khan công nghiệp hơn. Chúng hướng ta về sự tĩnh lặng trong tâm tưởng, suy xét đến vị trí và ảnh hưởng tương tác giữa thiên nhiên - con người: rằng chúng ta vẫn là một phần của vòng tròn lớn.
Hiện tại, việc cân bằng được giữa hai mục tiêu tử tế với thiên nhiên và tử tế với con người vẫn còn rất nhiều thử thách. Nhưng chúng tôi xin được điểm qua một vài kiến trúc sư nổi bật trong lĩnh vực này khi mà các công trình của họ không chỉ thân thiện với tự nhiên mà còn có thể đáp ứng được nhu cầu con người một cách rất nhân văn, tận tâm.

 

TSunnyHills ở Minami-Aoyama mang hình thù đặc trưng cho phong cách “kiến trúc tan biến” của Kengo Kuma. Ảnh: © Daici Ano

 

 

Kengo Kuma là một kiến trúc sư tác giả người Nhật nổi tiếng với tư duy Anti-Object: rằng kiến trúc nên thật sự hòa nhập thậm chí “biến mất” vào trong cảnh quan. Các công trình của ông mang dáng hình phóng khoáng, không khuôn khổ ràng buộc với sự ứng dụng tài tình từ vật liệu gỗ. Theo ông, kiến trúc không nên có hình dạng vật thể mà nên xuất hiện như một sự nguỵ trang để tồn tại giữa thiên nhiên, có như vậy thì mới không gây gián đoạn nhịp điệu chung của tổng thể. Đó được xem như một cách xây dựng thể hiện sự tôn trọng của con người đến thiên nhiên. Cung cách xây dựng đó còn cho thấy sự khiêm nhường, thiện chí của con người, không can thiệp quá “thô bạo” môi trường tự nhiên khi mạnh dạn rũ bỏ các vật liệu xây dựng nặng và độc hại như bêtông và tìm đến các vật liệu chân thực, tự nhiên như gỗ, kim loại, kính và tre. Theo Kuma, kiến trúc chỉ nên đóng vai trò làm vật kết nối, một tấm phông nền giúp con người gắn kết với tự nhiên chứ không phải là trung tâm của sự sống hay bằng chứng cho sự hiện diện của con người trên trái đất. Kiến trúc tồn tại tử tế nhất khi nó dường như không tồn tại. Một luận điểm khác đáng chú ý của Kengo Kuma là khi ông nói về gỗ - vật liệu ưa thích của mình: “Cho rằng sử dụng gỗ là phá hủy tự nhiên là một điều không đúng… chúng ta có thể tạo ra một vòng tuần hoàn tự nhiên bằng cách đốn hạ vài cây rồi trồng thêm vào những cây mới. Vì nếu bị bỏ hoang, rừng già không có khả năng giữ nước sẽ gây ra lũ lụt, khả năng hấp thu CO2 của chúng cũng kém hơn những khu rừng được thay mới luân phiên, chỉ có những khu rừng được chăm sóc chu đáo mới có thể giải quyết hiện tượng nóng lên toàn cầu. Và đó là lý do vì sao tôi sử dụng gỗ”.

 

 

Trường đại học Thiết kế Tự nhiên UC Berkeley với cấu tạo hoàn toàn từ gỗ ứng dụng kỹ thuật mộc ghép nối cực nổi trội của Nhật Bản. Ảnh: © Shinkenchiku-sha

 

 

Shigeru Ban là một kiến trúc sư khác biệt, ông chọn loại vật liệu mong manh như giấy để xây dựng nên những công trình kiến trúc vốn định sẵn phải tồn tại bền vững. Ông đi đến những vùng bị thiên tai để xây dựng nhà cứu trợ dân cư thay vì nhận những dự án xa xỉ đồ sộ. Là một kiến trúc sư thiết kế theo hướng sinh thái, Ban ưa dùng các loại vật liệu tự nhiên khác như tre, gỗ, vải bên cạnh giấy bìa carton. Các công trình của ông đủ sức đứng vững trước tự nhiên như một biểu tượng mãnh liệt về đấu tranh sinh tồn trước thiên nhiên của con người qua kiến trúc. Shigeru cho rằng: “Không có công trình nào là tạm thời hoặc vĩnh viễn. Một tòa nhà giấy cũng có thể trường tồn nếu người sử dụng yêu quý nó. Một tòa nhà bằng bêtông cũng có thể là tạm thời nếu nó được tạo ra để kiếm tiền”. Sự tử tế trong kiến trúc của Shigeru Ban không chỉ thể hiện ở cách ông lựa chọn vật liệu thiết thực gần gũi, mà còn trong sự chu đáo, thấu hiểu nhu cầu của những người trực tiếp sử dụng nó. Ông thực sự quan tâm đến họ, vậy nên những căn nhà giấy của ông dù giản dị nhưng luôn khiến người ta cảm thấy ấm áp và hạnh phúc. Shigeru dành cả đời mình đi khắp nơi để xây dựng những công trình không chỉ để che gió che mưa cho người khốn khó, mà còn là để đem lại sự xoa dịu ân cần và niềm sẻ chia - những công trình chứa đầy sự tử tế bởi giá trị thiết thực và đậm tính nhân văn.

 

Centre de Santé et de Promotion Sociale cũng được xây dựng từ gỗ và đất sét. Nơi đây có các cửa sổ hình vuông được lấy cảm hứng từ những khung tranh, mỗi ô lại tập trung điểm nhìn vào từng khung cảnh khác biệt. Ảnh: kere-architecture.com

 

 

Diébedo Francis Kéré nổi tiếng với những công trình dựng xây từ bùn và đất với sự thể hiện xuyên suốt của tinh thần bản địa. Sự tử tế trong kiến trúc của ông chính là thái độ khiêm nhường trước tự nhiên, tận dụng những nguyên liệu thân thiện sẵn có và hòa hợp vào môi trường. Ông không dạy người dân của mình công nghệ hiện đại để chống chọi lại với điều kiện sống khắc nghiệt, mà ông hướng dẫn họ cách cải tiến sự thích nghi. Tiêu chí sáng tạo trong kiến trúc của ông hướng đến sự bền vững mang tính cộng đồng, lấy con người là trung tâm của kiến trúc nhưng vẫn phát triển hài hòa dưới cùng một mái nhà của mẹ thiên nhiên. Kiến trúc của Kéré không chỉ là sự hòa quyện tri thức khoa học, công nghệ với truyền thống địa phương, chúng còn là những hình hài đặc sắc của nền văn hóa bản địa, là tâm huyết và ước mơ cống hiến cho nguồn cội của người kiến trúc sư. Ông hy vọng rằng mình có thể khiến cho cộng đồng cảm thấy tự hào khi thực hiện tốt công việc của mình, bởi thành công của Kere ngày hôm nay có được chính nhờ sức mạnh nâng đỡ của họ. Việc của ông bây giờ là khiến cho mọi người nhận ra kiến trúc có thể giúp cho các cộng đồng kiến tạo nên tương lai của chính họ, rằng tri thức sẽ đem lại sự đổi mới. Và dù có bao nhiêu công nghệ, kỹ thuật hiện đại đi chăng nữa thì nguồn gốc sẽ mãi là linh hồn trong những sáng tạo của người kiến trúc sư tài năng này, kiến trúc ông dựng xây sẽ là một phần hòa hợp của thiên nhiên như cách người dân ông sinh sống cả hàng ngàn năm nay.

 

Trung tâm Văn hóa Du lịch Asakusa với mặt tiền xếp gỗ độc đáo và nền nã nổi bật giữa các công trình bêtông, nhôm, kính khác. Ảnh: Takeshi Yamagashi  

 

Paper concert hall-L’aquila, Ý, 2011. Đại sảnh trình diễn âm nhạc này cũng được tạo nên từ giấy. Công trình được tài trợ bởi chính phủ Nhật Bản cho vùng L’Aquila sau khi hứng chịu cơn động đất với mục đích tái khôi phục lại các hoạt động âm nhạc của thành phố. Ảnh: Ddier Boy de la Tour.

 

Trường tiểu học ở Gando thiết kế bởi Diébedo Francis Kéré từ gạch đất nung và bùn với phần mái nhấc quãng cải tiến, tạo luồng khí thông gió mát mẻ hơn. Ảnh: Erik-Jan Ouwerkerk

 

Tác giả: Phương Nguyên

Cần nhắc lại một điều không mới: nếu bạn là nhân viên văn phòng ở Sài Gòn, có nghĩa là thời gian trong ngày mà bạn sống với văn phòng
Ngôi nhà phố nằm trong hẻm tại quận 6, nơi có nhiều người Hoa sinh sống và kinh doanh. Chủ nhân căn nhà này cũng là một doanh nhân nên
Giới thiệu
Tin tức
Không gian đẹp
Ngôi nhà chung
Tư vấn
Không gian kiến

LIÊN HỆ

Email : hkts@tphcm.gov.vn
Địa chỉ : 88 Mạc Đĩnh Chi, phường Đa Kao, quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại : (84-28) 38291908 - 38273035 ; Fax: (84-28) 38225657 

 

Copyright 2015 Hội KTS TP.HCM. All rights reserved
Hội KTS TP.HCM giữ bản quyền nội dung trên website này.

Đầu trang