Trong chương trình “Khám phá những huyền thoại cùng Paothong” phát sóng tại Thái Lan vào chủ nhật hàng tuần của người dẫn chương trình nổi tiếng Paothong Thongchua có giới thiệu một công trình tại TP. Hồ Chí Minh được xây dựng cách đây 64 năm và do KTS người Việt Nam là Rene Nguyen Khac Scheou (1908-1985) thiết kế. Công trình này hiện đang là văn phòng Tổng lãnh sự quán Thái Lan và là tư dinh Tổng lãnh sự.
Xây dựng vào tháng 6.1954, công trình được tu sửa nhiều lần nhưng vẫn giữ được hầu như nguyên bản
Công trình này cũng được ông Tim Doling, nhà nghiên cứu lịch sử kiến trúc, ông Pedro Guterres, người thừa kế của ông da Cruz và ông Thierry Delfosse tổng hợp trong các công trình thiết kế của ông Rene Nguyen Khac Scheou trong cuốn sách Saigon - Phnompenh - Saigon: The itinerary of Rene Nguyen Khac Scheou, a modern architect (tạm dịch Sài Gòn - Phnompenh - Sài Gòn: Hành trình của Rene Nguyen Khac Scheou, một kiến trúc sư theo trường phái hiện đại).
Được thể hiện với phong cách hiện đại của thời ấy, khởi công xây dựng từ tháng 6.1954, hai khối nhà ở đây có thiết kế dạng mái bằng cổ điển. Tòa nhà chính sử dụng mái che nắng mặt tiền hình thang vát góc với hai cột chống tạo thành hình chữ V. Mặc dù đây là một dạng mái che quen thuộc thời đó, nhưng với chút biến tấu của hình dạng mái, thế đứng của cột chống đã tạo được nét hài hòa và uy nghiêm chốn công quyền.
Nét đẹp và cũng là điểm nhấn bên ngoài tòa nhà là những lan can bằng sắt. Chúng giúp cho mặt ngoài ngôi nhà, đặc biệt là mặt tiền trở nên nhẹ nhàng hơn. Những ô gió giúp thông gió lấy sáng hình tròn được kiềng bởi những thanh sắt mỹ thuật cũng là nét độc đáo của tòa nhà. Chúng hoặc đứng riêng lẽ hoặc được xếp thành hàng ngang, dọc giúp giảm tiết diện những mảng tường và trở nên linh hoạt và không đơn điệu.
Bên trong ngôi nhà được bố trí nội thất sang trọng theo phong cách Thái Lan. Đáng chú ý là lan can cầu thang vẫn còn giữ nguyên bản với sắt uốn mỹ nghệ tối giản nhưng có những chi tiết thật đẹp.
Sự tài tình nằm ở chỗ bố trí các ô lấy sáng vừa làm đẹp mặt ngoài của tòa nhà lại vừa ở những vị trí đắt giá cho không gian bên trong như ở tường cầu thang chẳng hạn.
Về mặt kiến trúc, mặc dù 2 tòa nhà này có tuổi đời chưa lâu, chỉ khoảng 64 năm, nhưng thiết kế có sự nổi bật với những nét đặc trưng của kiến trúc thời kỳ hiện đại, nghệ thuật trang trí (art deco) và pha lẫn với dấu ấn riêng của kiến trúc sư, đặc biệt là ô cửa sổ hình tròn. Những thiết kế của ông Khac Scheou còn có thể được tìm thấy tại tòa nhà Pellerin Residence trên đường Pasteur và nhiều công trình khác, tất cả đều vẫn lưu được giá trị lịch sử cho TP. Hồ Chí Minh và hiện rất cần được bảo tồn.
Thiết kế theo phong cách kiến trúc hiện đại của thập niên 50-60. Công trình có kiểu dáng đơn giản nhưng uy nghi, bề thế
Theo bà Ureerat Ratannaprukse, Tổng lãnh sự Thái Lan tại thành phố, kể từ khi vừa bắt đầu nhiệm kỳ bà luôn mong muốn được tìm hiểu về lịch sử hình thành của tòa nhà văn phòng Tổng lãnh sự quán và tư dinh Tổng lãnh sự - nơi trước đây đã từng là trụ sở của Đại sứ quán Thái Lan tại Sài Gòn và dinh thự Đại sứ trong thời kỳ Thái Lan thiết lập quan hệ với chính phủ Việt Nam. Sau một khoảng thời gian dài liên hệ với những cá nhân có liên quan cũng như tìm kiếm thông tin và hình ảnh lưu trữ, bà có thể xác định về việc xây dựng 2 tòa nhà này như sau: chính phủ Thái Lan đã mua mảnh đất này (bao gồm 1 tòa nhà gắn liền với đất) vào năm 1952 từ ông Antonio Maria Augusto Botelho da Cruz, lãnh sự danh dự Bồ Đào Nha nhằm mục đích để làm trụ sở Tổng lãnh sự quán Thái Lan, công trình bắt đầu triển khai xây dựng vào tháng 6.1954 và hoàn thành vào khoảng cuối năm 1954, cũng là thời điểm nơi đây được nâng cấp lên thành Công sứ quán Thái Lan tại Sài Gòn. Cả hai tòa nhà được xây dựng đều mang phong cách hiện đại do ông Rene Nguyen Khac Scheou, kiến trúc sư người Việt Nam từng có thời gian học tập tại Pháp và là công trình sư của rất nhiều tòa nhà tại Sài Gòn và Phnompenh, lên phương án bản vẽ thiết kế. Ban đầu, bản vẽ được ông Khac Scheou thiết kế bao gồm 4 tòa nhà trải khắp khuôn viên với diện tích 2.800m2 bao gồm tòa nhà trụ sở làm việc, tư dinh Tổng lãnh sự, và khu nhà tập thể dành cho 4 gia đình viên chức. Tuy nhiên trên thực tế chỉ có 2 tòa nhà được xây dựng như chúng ta đang thấy hiện tại.
Bà Ureerat Ratannaprukse cho biết bà rất cảm ơn ông Tim Doling, nhà nghiên cứu lịch sử kiến trúc, ông Pedro Guterres, người thừa kế của ông da Cruz và ông Thierry Delfosse qua cuốn sách Saigon - Phnompenh - Saigon: The itinerary of Rene Nguyen Khac Scheou, a modern architect mà bà đã may mắn có cơ hội được gặp gỡ vào những dịp khác nhau để rồi từ đó có thể xâu chuỗi lại câu chuyện và cũng chính họ là người đã tiếp thêm động lực để bà có thể hoàn thành việc tập hợp một cách đầy đủ các tư liệu về tòa nhà mang nhiều dấu ấn và giá trị lịch sử này.
Phòng tiếp khách và phòng hội nghị bên trong tòa nhà được trang trí theo phong cách Thái Lan
Những vật dụng trang trí được mang từ Thái Lan sang
Cầu thang và lan can còn giữ được nguyên bản. Hình ảnh tay vịn cầu thang, ô lấy sáng bên trong tòa nhà
Ô lấy sáng hình tròn, bên ngoài được trang trí bằng những nẹp, thanh sắt là nét đặc trưng riêng ở các công trình của kiến trúc sư Rene Nguyen Khac Scheou
Lan can bằng sắt mỹ nghệ thường thấy ở những công trình giai đoạn này
Bà Ureerat Ratannaprukse, Tổng lãnh sự Thái Lan tại TP. Hồ Chí Minh: “Chúng tôi sẽ bảo tồn công trình quý giá này”
Bà Ureerat Ratannaprukse, Tổng lãnh sự Thái Lan tại TP. Hồ Chí Minh
Đối với đất nước Thái Lan, tòa nhà này mang một giá trị to lớn đối với lịch sử Thái Lan nói chung và mối quan hệ giữa Thái Lan và Việt Nam nói riêng, khởi đầu bằng việc mua đất để làm trụ sở Tổng lãnh sự quán Thái Lan, triển khai xây dựng trong thời gian được nâng cấp lên thành Công sứ quán - một đặc điểm mà đến nay không còn cơ quan ngoại giao nào có thể có được, tiếp sau đó được nâng cấp lên thành Đại sứ quán Thái Lan tại Sài Gòn và hiện tại lại quay về chức năng cũ đó là trụ sở của Tổng lãnh sự quán như trước đây. Điều thật sự ý nghĩa đối với cá nhân tôi, các viên chức Tổng lãnh sự và nhân dân Thái Lan đó là tòa tư dinh Tổng lãnh sự hiện nay chính là nơi được cố Quốc vương triều đại thứ 9 (Rama 9) của Thái Lan và Hoàng hậu yêu kính sử dụng để tổ chức tiệc chiêu đãi cảm ơn sự đón tiếp thịnh tình nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam, khi đó tòa nhà này là dinh thự của Đại sứ vào năm 1959.
Vì hai tòa nhà này là tài sản duy nhất của chính phủ Thái Lan tại Việt Nam, do đó chính phủ Thái Lan, đặc biệt là Bộ Ngoại giao Thái Lan luôn sắp xếp một khoản ngân sách dành cho việc trùng tu sửa chữa 2 tòa nhà này thường xuyên do các chuyên gia thực hiện. Việc trùng tu phải đảm bảo trên nền tảng phong cách kiến trúc cũ của tòa nhà nhưng đồng thời việc sử dụng cũng phải phù hợp với sự thay đổi theo từng thời kỳ. Theo tôi được biết mới chỉ có khoảng 2-3 lần đại trùng tu bởi vì trong thời gian qua, Tổng lãnh sự luôn quan tâm thực hiện sửa chữa tu bổ cần thiết, trong đó có việc trang bị máy hút ẩm để tường không bị ẩm mốc hay phồng rộp v.v...
Hiện tại, khuôn viên của Tổng lãnh sự quán Thái Lan bao gồm 2 tòa nhà đó là tòa nhà văn phòng và tòa nhà tư dinh Tổng lãnh sự đã có thể phục vụ tốt cho công việc và số lượng nhân sự hiện tại. Về phần văn phòng, tuy ban đầu chỉ được xây dựng 1 tầng do ngân sách còn hạn chế nhưng kiến trúc sư có sự chuẩn bị nền móng khá tốt để có thể xây tiếp tầng thứ 2 và đến nay tòa nhà văn phòng đã được xây dựng thành tòa nhà 2 tầng, đảm bảo phục vụ cho công việc của toàn bộ viên chức và nhân viên Tổng lãnh sự. Tòa tư dinh Tổng lãnh sự có 3 tầng, còn được sử dụng làm nơi tổ chức các buổi tiệc chiêu đãi, tiếp khách, tổ chức sự kiện và nhiều nghi thức quan trọng khác. Chúng tôi cố gắng sử dụng 2 tòa nhà có giá trị và ý nghĩa về mặt lịch sử này để mang lại lợi ích cao nhất cho nhân dân Thái Lan và mối quan hệ Thái Lan - Việt Nam.
Trong tương lai, nếu số lượng công việc và nhân sự tăng lên và chính phủ Thái Lan có kế hoạch mở rộng tòa nhà văn phòng Tổng lãnh sự, tôi nhận thấy rằng chúng tôi vẫn còn diện tích để xây dựng thêm tòa nhà mới mà không nhất thiết phải sửa chữa hay thay đổi tòa nhà cũ. Trong trường hợp nhất thiết phải sửa chữa, chúng tôi cũng sẽ cố gắng giữ lại phong cách kiến trúc cũ nhiều nhất có thể bởi vì mỗi chi tiết, không gian của tòa nhà đều mang hơi thở của lịch sử.
Bản vẽ thiết kế đầu tiên của công trình
Bài Vĩnh Phương ảnh Quang Tuấn-Thu Vân