Trong bối cảnh nguồn cung trong nước dư thừa, thì bài toán đầu ra hơn lúc nào hết được coi là cấp thiết cho ngành xi măng Việt Nam. Do vậy, khuyến khích phát triển các ngành “công nghiệp hậu xi măng”, trong đó có đầu tư vào sản xuất gạch không nung là một hướng đi hiệu quả mang tính chiến lược của ngành.
Việc một số doanh nghiệp, trong đó có Cty CP Xi măng Sông Đà đã đầu tư nhà máy sản xuất gạch ống không nung quy mô lớn đã và đang khẳng định những bước đi đúng hướng.
Dây chuyền công nghệ sản xuất gạch không nung hiện đại được cung cấp bởi Cty CP Đầu tư & Công nghệ Đức Thành.
Theo thống kê từ Bộ Xây dựng, đến năm 2020, ngành xi măng Việt Nam đạt tổng công suất vận hành 98,76 triệu tấn. Sản lượng cung xi măng vượt quá nhu cầu tiêu thụ trong nước và khả năng xuất khẩu (hiện đang gặp rất nhiều khó khăn). Gánh nặng về mất cân đối cung – cầu và tồn kho xi măng vẫn luôn chực chờ và nhiều chuyên gia dự báo sẽ còn kéo dài. Tìm đầu ra cho xi măng luôn là bài toán hóc búa đặt ra cho ngành xi măng.
Trong thời gian qua, một số doanh nghiệp xi măng đã đầu tư sản xuất gạch không nung, đã chứng minh đây là hướng đi rất đúng đắn và hiệu quả. Có thể kể ra như: Xi măng Hà Tiên 1, Xi măng Hoàng Mai, Xi măng Bút Sơn, Xi măng Lưu Xá – Thái Nguyên, Cty CP Xi măng Sông Đà… Đặc biệt, dự án gạch không nung của Cty CP Xi măng Sông Đà, Cty CP Xi măng Lưu Xá – Thái Nguyên được đánh giá là những mô hình rất thành công để trình diễn, nhân rộng trên toàn quốc.
Tiền thân là Nhà máy xi măng Sông Đà được thành lập từ năm 1992 bởi TCty Sông Đà, có công suất thiết kế 8,2 vạn tấn xi măng/năm với công nghệ lò đứng. Trước đây, sản phẩm của Xi măng Sông Đà đã chiếm được thị phần lớn thị trường khu vực Tây Bắc, khu vực Hà Nội, Hà Tây.
Tuy nhiên, cũng như không ít những nhà máy xi măng lò đứng khác, Xi măng Sông Đà cũng gặp không ít khó khăn trong tiêu thụ. Lộ trình từng bước mở rộng phạm vi kinh doanh, tái đầu tư để phát triển là biện pháp tất yếu để bất cứ doanh nghiệp xi măng lò đứng như Xi măng Sông Đà đều phải tính tới.
Nhà máy Xi măng Sông Đà đặt tại khu vực có nhiều thuận lợi cho việc cung cấp nguyên, nhiên vật liệu, vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm. Một bên Nhà máy nằm sát Sông Đà, thuận tiện cho giao thông đường thủy, một bên Nhà máy nằm gần với QL6, thuận tiện cho việc vận chuyển, chuyên chở bằng đường bộ là điều kiện hết sức thuận lợi để Cty Xi măng Sông Đà đầu tư sản xuất gạch không nung.
Với lợi thế đó, Cty CP Xi măng Sông Đà đã hợp tác với Cty CP Đầu tư & Công nghệ Đức Thành – đơn vị uy tín với năng lực thiết bị, công nghệ và có các chuyên gia đầu ngành tại Việt Nam để nghiên cứu đầu tư nhà máy sản xuất gạch không nung quy mô lớn. Có thể nói là hướng đầu tư chiến lược, bài bản, góp phần phát huy truyền thống vẻ vang và nguồn lực sẵn có, kịp thời nắm bắt cơ hội thị trường do gạch không nung mang lại của Xi măng Sông Đà.
Bước đầu, quyết định đầu tư vào lĩnh vực gạch không nung của Cty đã nhận được tín hiệu khả quan. Ngay khi vừa triển khai đầu tư, sản phẩm của dự án Nhà máy gạch không nung Sông Đà đã có doanh nghiệp uy tín tại Hà Nội ký hợp đồng bao tiêu 100% sản phẩm trong thời hạn 3 năm.
Đây là cơ sở chắc chắn để khẳng định sự thành công của dự án đầu tư gạch không nung Xi măng Sông Đà; là một hướng đầu tư hiệu quả và bền vững cho ngành xi măng Việt Nam tìm hiểu và nhân rộng.
Theo các chuyên gia, việc các doanh nghiệp sản xuất xi măng đẩy mạnh đầu tư sản xuất gạch không nung sẽ đồng thời giải quyết được 3 bài toán: Một là chủ động một phần đầu ra cho sản phẩm xi măng ổn định; hướng đầu tư mới (kể cả trường hợp chuyển đổi công nghệ lò đứng lạc hậu sang mô hình phát triển mới hiện đại), phát huy lợi thế sẵn có về nguyên vật liệu đầu vào (xi măng, mạt đá), điều kiện hạ tầng (đất đai, nhà xưởng…) và kênh tiêu thụ, từ đó làm tăng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; góp phần mạnh mẽ vào thực hiện chính sách khuyến khích sản xuất và sử dụng gạch không nung của Nhà nước cũng như đáp ứng quy luật phát triển tất yếu của ngành VLXD bền vững. |
Theo Quốc Bình/Báo Xây dựng