Một studio tranh bề bộn với đủ thứ dụng cụ chuyên dụng của một người hoạ sĩ sơn mài, đủ rộng rãi để chứa nhiều những tác phẩm tranh khổ lớn, và cũng nhỏ xinh để người hoạ sĩ ấy làm chốn đi về, là nơi để anh tự soi mình, thể hiện mình với triết lý sống: “Thiên tài là 99% làm việc, 1% năng khiếu – Picasso”, là nơi để anh khẳng định: “Đừng giống bất kỳ ai trên thế giới và không lặp lại chính mình”.
Sự phối hợp đầy ngẫu hứng của các chất liệu trang trí tạo nên một không gian trầm ấm và quyến rũ
Bước vào “khung trời riêng” của Hải Minh, cứ như lạc vào một thế giới khác, nơi bừa bộn với đủ thứ trên đời, mọi đồ vật được tự do lăn lóc, treo móc, chẳng theo một trật tự, sắp đặt cụ thể nào. Chủ nhân hóm hỉnh: “Studio của dân hoạ sĩ thì có tay nào ngăn nắp được đâu”. Câu chuyện mở đầu về không gian làm việc của Hải Minh được vào đề bằng một sự… bừa bộn như thế.
Hơn 11 năm sống ở Đức, lang bạt kỳ hồ khắp nơi, tự nhận mình là “mải chơi” cho đến tận tuổi 50 bây giờ, thế mà trông Hải Minh trẻ nhiều so với tuổi, lúc nào cũng hừng hực với khí thế làm việc, từ 5 – 6 giờ sáng đã lọ mọ lên studio, nghiền ngẫm bộ sưu tập đồ sộ với hơn 450.000 tác phẩm hội hoạ được số hoá. Một thói quen mà Hải Minh chia sẻ là để “không lặp lại chính mình”, và khởi đầu cho ngày mới trong không gian bừa bộn dễ thương ấy dễ đem lại cho người hoạ sĩ “mải chơi” này nhiều ý tưởng, để khi tia nắng của ngày mới tràn qua ô cửa kính, len vào studio cũng là lúc anh bắt tay vào thể hiện những ý tưởng ấy thành các tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh.
Nhìn vào sự rối mắt ban đầu ở studio với đủ các bản phác thảo, các hiện vật mỹ thuật sưu tầm, lỉnh kỉnh sơn cọ, màu, đến cả cưa, đục, máy mài… mà mỗi hiện vật ấy được chủ nhân bảo chúng phải đẹp và phù hợp với cá tính mới có cơ duyên hiện hữu ở studio. Bởi thế bước chỗ nào cũng thấy ngợp, thoạt nhìn tưởng là bề bộn, nhưng để ý kỹ mới thấy ở chủ nhân của studio không hề cố ý sắp đặt lộn xộn như thế, mà tất cả mỗi hiện vật dù là nhỏ nhất cũng có vai trò sử dụng rất linh hoạt theo tinh thần của một người hoạ sĩ hiện đại, đó là sự tiện dụng, tích hợp trong một không gian làm việc, vừa đòi hỏi có khoảng rộng để thể hiện và quan sát những tác phẩm hội hoạ cỡ lớn, và cũng đủ gọn để có thể dễ dàng di chuyển, thay đổi, sử dụng những không gian theo ý đồ riêng của từng tác phẩm hội hoạ.
Vừa là hoạ sĩ đương đại, vừa là một nhà thiết kế và trang trí nội thất, thế nhưng khi nói về không gian sống và studio của mình, chủ nhân chia sẻ: “Ở studio, mình chẳng cố tình sắp xếp gì cả, đó là nơi thể hiện tình cảm của mình với nghề, bởi vậy mọi cái đều có những vị trí rất tự nhiên, công năng và tiết kiệm. Vừa là không gian của riêng mình, và cũng là nơi để bạn bè tìm đến chia sẻ những tác phẩm nghệ thuật, đó là không gian sống và làm việc theo phong cách của riêng mình – nó phải có thẩm mỹ, nhưng chẳng giống ai cả, và cũng chẳng theo một quy chuẩn cụ thể nào. Điều này ảnh hưởng khá nhiều từ quãng thời gian được sống, học tập và làm việc ở Đức và châu Âu”.
Không gian tiếp bạn bè có chiếc cầu thang xoắn duyên dáng làm điểm nhấn bắt mắt
Sự phối hợp hài hoà của nhiều chất liệu trong trang trí nội thất ở không gian sống của Hải Minh
Những chiếc ghế tựa lưng cao mang vẻ đẹp riêng biệt và cũng rất hữu dụng
Khu bếp nhỏ được ngăn che bằng một kệ gỗ tự chế lưu động
Các hiện vật sưu tầm và tự chế, thể hiện cá tính rất riêng của chủ nhân, phải đẹp mắt và độc đáo
Tầng trên là studio đầy ắp những bản phác thảo, ký hoạ cũ mới
Bài Nguyễn Đình ảnh Tường Huy
(Theo tạp chí Kiến Trúc & Đời Sống)