Vừa có một tiếng còi báo động về khả năng “biến mất” thêm một cột mốc ký ức Sài Gòn. Đó là tòa nhà 136 Hàm Nghi, quận 1 ngay trước chợ Bến Thành, nơi người dân bao đời quen gọi là Sở Hỏa xa. Ngày 22.6.2020, báo Tuổi Trẻ cho biết Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã có thư phúc đáp cho UBND TP.HCM về việc không giao tòa nhà cho TP.HCM để bảo tồn với nhiều lý do. Trong đó, theo Tuổi Trẻ, một lãnh đạo của VNR cho rằng tòa nhà là “nguồn lực của doanh nghiệp”. Thêm nữa, nơi đây đang là trụ sở làm việc của 4 đơn vị. Liệu các lý do từ chối nêu trên có hợp lý?
Cũng theo Tuổi Trẻ, VNR vào năm 2007 và 2012 đã từng có dự án phá bỏ tòa nhà Sở Hỏa xa để làm cao ốc thương mại - văn phòng. Vậy thì, liệu VNR có tiếp tục “cố thủ” tòa nhà Sở Hỏa xa cho những dự án phá bỏ và xây mới tương tự?
Tòa nhà 136 Hàm Nghi, quận 1 ngay trước chợ Bến Thành, nơi người dân bao đời quen gọi là Sở Hỏa xa. Ảnh: Quỳnh Trân
Đừng đập nữa di sản quý hiếm!
Giữa một rừng cao ốc tua tủa đang mọc lên ngạo nghễ, người dân Sài Gòn ngày càng nhận ra chợ Bến Thành và tòa nhà Sở Hỏa xa chính là 2 cột mốc ký ức quý hiếm còn lại của một khu vực thương mại - giao thông nhộn nhịp bậc nhất miền Nam từ năm 1914 cho đến tận bây giờ.
Nơi đây từ khu vực đầm ao (Pháp gọi là đầm Boresse), kênh rạch (đường Hàm Nghi nguyên là rạch Cầu Sấu) đã được dày công san lấp, cải tạo thành đường sá, phố thị - từ những năm 1870 đến đầu thế kỷ XX mới hoàn thành. Đặc biệt, nhà ga xe lửa đầu tiên của Đông Dương được thiết lập ở khu vực rộng lớn và liên kết huyết mạch nhiều nơi. Gần nhà ga, một tòa nhà bề thế 3 tầng kiểu dáng châu Âu được xây dựng làm trụ sở Công ty Hỏa xa.
“Bộ ba kiến trúc” chợ - nhà ga- tòa nhà Hỏa Xa được thiết kế liên hoàn, tạo thành một cảnh quan lớn lao mà hài hòa và thuận tiện. Cảnh quan sung túc này đánh dấu thời kỳ thứ hai mở rộng Sài Gòn hiện đại từ khu vực Gò Tân Khai (đường Lê Duẩn – Đồng Khởi), kênh Chợ Vải (đại lộ Nguyễn Huệ) tiến sang khu vực chợ Đũi – xóm Buồm Đệm (khu vực quanh khách sạn New World), liên thông với 2 con đường băng đến Chợ Lớn (đường Nguyễn Trãi và đại lộ Võ Văn Kiệt ngày nay) và khu vực thương cảng (cuối đường Hàm Nghi).
Phía nhà ga, tàu xe, hành khách và hàng hóa lên xuống tấp nập tỏa đi Mỹ Tho, Biên Hòa và ra Nha Trang, Đà Nẵng đến Hà Nội. Phía chợ, ngoài ngôi nhà lồng uy nghi - tập trung cả bán sỉ và bán lẻ, ba dãy phố chung quanh luôn nhộn nhịp hàng quán, khách lầu, tiệm vàng, bến xe thổ mộ, xe bus, xe đò. Trong khi đó, Sở Hỏa xa là nơi điều hành không chỉ nhà ga Sài Gòn mà còn cả hệ thống đường sắt Đông Dương.
Không gian nhìn từ trên cao bộ ba kiến trúc Chợ - Nhà ga và Tòa nhà Hỏa xa những năm 1930. Ảnh: tư liệu
Từ những năm 1950 trở đi tòa nhà còn là trụ sở của Bộ Giao thông và Công chánh. Ngay lề đường mặt trước Sở Hỏa xa, có lúc là bến xe taxi liên tỉnh, phục vụ cho cả nhà thương Sài Gòn kế cận. Những năm 1965 -1996, ông “tướng râu kẽm” Nguyễn Cao Kỳ trong vai trò Thủ tướng của miền Nam đã cho dựng “pháp trường cát” dọc theo mặt tiền tòa nhà Sở Hỏa xa làm nơi xử bắn gian thương và tội phạm đặc biệt để thị uy.
Toàn bộ khu vực quảng trường - thời Pháp mang tên Cuniac, sau 1955 đổi là Diên Hồng và rồi Quách Thị Trang, không chỉ là nơi qua lại và mua sắm của khách địa phương và tứ xứ. Nơi đây còn diễn ra nhiều sự kiện đấu tranh chính trị như biểu tình, bãi công, diễu hành đòi tự do và độc lập, trước mặt bộ ba kiến trúc chợ - nhà ga - Sở Hỏa xa.
Hình ảnh tòa nhà trụ sở Hỏa xa năm 1926. Ảnh: tư liệu
Trải qua những cuộc “bể dâu”, khu vực này đã mất nhà ga Sài Gòn (từ 1978 trở thành Công viên 23/9), bến xe bus trung tâm (ra đời từ những năm 1930-1940, dời ra đường Hàm Nghi từ khoảng 5 năm trước), và nhất là tượng đài Trần Nguyên Hãn (xây dựng năm 1965, bị “biến mất” năm 2015 ) - nằm giữa vòng xoay công trường Quách Thị Trang. Giờ đây, nếu mất tiếp chợ Bến Thành và tòa nhà Sở Hỏa xa thì không còn gì nữa hình ảnh và dấu ấn của trung tâm Sài Gòn - xuyên qua hai thế kỷ!
May mắn thay, năm 2019, chính quyền TP.HCM đã đề nghị Bộ Tài chính và VNR giao lại tòa nhà Sở Hỏa xa để bảo tồn, dự kiến làm bảo tàng. Hơn thế nữa, khi phát động cuộc thi đầu tiên thiết kế ý tưởng không gian khu vực trước chợ Bến Thành và không gian ngầm đường Metro dọc theo đại lộ Lê Lợi, chính quyền đã chủ trương “không làm ảnh hưởng đến kiến trúc chợ Bến Thành và Sở Hỏa xa”.
Đặc biệt, chính quyền còn mời gọi ý tưởng làm sao phát huy giá trị của hai di sản này trong khung cảnh các công trình mới và sự ra đời của hệ thống Metro! Đó là những chủ trương rất đúng đắn, thể hiện sự đồng thuận với cộng đồng những người yêu di sản. Sự đồng thuận ấy có được cũng chính là thành quả của nhiều tiếng nói trong xã hội - quyết liệt và kiên trì phản đối việc phá bỏ Thương xá Tax và “Dinh Thượng thơ” (tòa nhà 59-61 Lý Tự Trọng) trong những năm gần đây. Chắc chắn xã hội càng đồng thuận không muốn để chợ Bến Thành và Sở Hỏa xa tức tưởi “ra đi” hay bị “biến tấu” thành một kiến trúc nào đó lạc điệu, không hồn.
Tòa nhà Sở Hỏa Xa hướng về Chợ Bến Thành (Ảnh chụp trưa 21.6.2020)
Hãy sử dụng công sản vì lợi ích chung
Cho đến nay, phần lớn nhiều tòa nhà xưa mang nhiều dấu ấn lịch sử ở Sài Gòn và trên cả nước đều là công sản. Oái ăm thay, dù là tài sản chung được nhà nước địa phương hay trung ương quản lý nhưng việc sử dụng và giữ gìn lại không dễ dàng, Thậm chí, việc khai thác công sản thực hiện tùy tiện và tổn hại nhanh chóng.
Đơn cử, trường hợp điển hình là tòa nhà cổ số 8 Lê Duẩn – xây dựng khoảng 1920, nơi từng là trụ sở Hội Nghiên cứu Đông Dương và Bảo tàng Lịch sử đầu tiên của Sài Gòn, cùng với tòa nhà số 12 kế cận - kiến trúc có từ những năm 1950, cả hai sau này trở thành trụ sở của một số công ty thuộc Bộ Công Thương nhưng vẫn là công sản do chính quyền TP.HCM quản lý. Vậy mà, năm 2009, hai tòa nhà bị một số quan chức “hô biến” thành vốn góp liên doanh với tư nhân. Và sang năm 2014, chúng đã bị phá tan thành “bình địa” để xây cao ốc căn hộ.
Trong khi ấy, ba khu đất - trong đó có một số biệt thự, nhà phố cổ, do quân chủng Hải quân quản lý trên đường Tôn Đức Thắng, cũng đã “tuột tay” vào những “liên doanh ma quỷ” để xây cao ốc thương mại. Vụ nhà 8-12 Lê Duẩn đang được điều tra, còn vụ 3 khu đất thuộc Hải quân đã ra tòa. Cái giá phải trả cho những vụ việc công sản - di sản “bốc hơi” như thế, không chỉ là những cán bộ cấp cao lâu năm phải xộ khám, không phải là hàng tỷ tiền bạc của nhà nước bị mất mát. Đó còn là những giá trị văn hóa –lịch sử của cả xã hội bị mất trắng!
Rõ ràng, nếu không được xã hội giám sát kỹ thì cả công sản và di sản khi được giao làm trụ sở hay tài sản, kể cả “vốn liếng” cho các đơn vị nhà nước, rất dễ âm thầm bị “tự diễn biến” thành các dự án địa ốc mỹ miều, hoàn toàn vì lợi ích phường hội. Thiết nghĩ, cần giám sát công sản và di sản trước nhất bằng quan điểm - tài sản được giao cho đơn vị nhà nước quản lý không phải là “vốn cho đứt”! Không phải là sở hữu đương nhiên của các đơn vị này mà chỉ là quyền sử dụng có điều kiện! Đặc biệt, với các tòa nhà cổ hay đẹp, có giá trị lịch sử về một hay nhiều mặt, nhất thiết không thể giao mà không qua giám định khách quan và thực hiện những cam kết bảo tồn khắt khe!
Theo UBND TP.HCM, nếu được tiếp nhận công trình tòa nhà Sở Hỏa Xa thì bên cạnh mục đích bảo tồn, lưu giữ và phát huy những giá trị lịch sử, sẽ đồng thời phục vụ làm nhà ga trung tâm điều khiển tích hợp các tuyến đường sắt đô thị, kết nối với không gian ngầm khu vực Bến Thành. Ảnh: Quỳnh Trân
Kinh nghiệm các nước cho thấy có rất nhiều các công cụ để giám sát công sản và di sản một cách hiệu quả. Chẳng hạn, thông tin công khai và minh bạch các dự án xây dựng mới hay sửa đổi các kiến trúc và cảnh quan đã có. Công bố và tổ chức thi các ý tưởng và phương án thiết kế - quy hoạch khu vực hay một loạt các công trình mang dấu ấn lịch sử hoặc lợi ích công cộng. Thậm chí cần phải hỏi ý kiến Hội đồng Nhân dân và cư dân, các hội đoàn chuyên môn khi có các dự kiến phá bỏ hay thay đổi công năng các tòa nhà, dãy phố đã góp phần tạo nên đặc thù, đặc điểm của đô thị.
Các cơ quan chức năng (kinh tế, quy hoạch, xây dựng, nội chính…) cần áp dụng đúng Luật Di sản và các quy định, quy trình về xây dựng, khảo cổ, xếp hạng lịch sử khi xét duyệt các dự án tác động hay xây sửa, tôn tạo các công trình xưa cũ!
Theo chúng tôi, với trường hợp tòa nhà Hỏa xa, ý tưởng chuyển đổi công năng từ trụ sở làm việc thành bảo tàng là một ý tưởng tốt, cần khảo sát và thảo luận chi tiết để có thể tính toán các phương án khoa học và khả thi. Trong đó, cần tính toán sớm phương án di dời văn phòng làm việc của VNR ra khỏi tòa nhà. Thật ra, địa điểm cho các bộ phận của VNR làm việc ở đất Sài Gòn hiện giờ không thiếu! Ga Hòa Hưng và Xí nghiệp đầu máy Sài Gòn (Depot Chí Hoà) - công sản do VNR quản lý vẫn “thừa chỗ” cho VNR xây dựng các cao ốc văn phòng.
Trụ sở VNR không nhất thiết phải nằm ở khu vực vòng xoay Quách Thị Trang, khi nhà ga xe lửa Sài Gòn từ lâu đã không còn. Nếu tòa nhà Sở Hỏa xa chuyển thành bảo tàng, VNR vẫn có thể có một góc lưu niệm đầy ý nghĩa tại đây.
Mặt khác, nếu cần, nhà nước vẫn sẽ có cách đền bù cho VNR khi phải di chuyển trụ sở. VNR và các cổ đông Công ty Cổ phần Đường sắt Sài Gòn - đơn vị đang quản trị tòa nhà cần ý thức nghĩa vụ và trách nhiệm đóng góp giữ gìn di sản, chứ không thể chỉ nghĩ đến các lợi ích kinh doanh đơn thuần.
Trong khi đó, khi thay đổi người quản trị và công năng tòa nhà Sở Hỏa xa - xin đừng đặt cơ quan hành chính hay doanh nghiệp nào khác tại đây! Hãy để các cơ quan văn hóa quản trị tòa nhà hơn 100 tuổi này. Tòa nhà có thể trở thành Bảo tàng Đường sắt hay Bảo tàng Giao thông và kể cả Bảo tàng lưu dấu cả khu vực chợ Bến Thành. Chính quyền thành phố nên mau chóng mở cuộc thi ý tưởng hiến kế bảo tồn và sử dụng tòa nhà Sở Hỏa xa!
Những tòa nhà di sản như vậy tuyệt đối không được coi là vốn liếng để kinh doanh hay hùn hạp. Ngược lại, đó là vốn “lịch sử” chung của xã hội, phục vụ lợi ích công cộng chứ không phải một nhóm công ty hay cổ đông hay một cá nhân nào!
Sài Gòn, ngày 23.6.2020
(Theo tác giả Phúc Tiến - Người Đô Thị)