Dựa theo cuốn “Di sản Hán Nôm Hội An” tập I, bản khắc trên bia đá do ngài cử nhân Thuấn Phu Trương Đồng Hiệp biên soạn, Ngô Đức Chí phiên âm, Nguyễn Bội Liên dịch nghĩa, di tích này được người dân làng Minh Hương xây dựng vào năm bính dần đời Hy Tôn Hiếu Văn Hoàng Đế (1626), tại vùng đất giáp ranh hai xã Cẩm Phô và Thanh Hà, Hội An được đặt tên là Cẩm Hải Nhị Cung. Do chưa đủ tư liệu để chứng minh, nên thời gian dời về vị trí hiện nay vẫn còn là một dấu hỏi lớn trong giới nghiên cứu.
Cổng chính chùa Bà Mụ
Cẩm Hải Nhị Cung được chia làm hai cung riêng biệt nằm song song trên cùng một khuôn viên. Cẩm Hà Cung nằm bên tả, thờ đức Bảo Sanh Đại Đế và 36 vị tướng được phong thần. Hải Bình Cung nằm bên hữu, thờ ngài Thiên Hậu Thánh Mẫu và 12 bà mụ. Khởi nguồn là vậy, nhưng tương truyền rằng Hải Bình Cung có thờ ngài Thiên Hậu Thánh Mẫu và 12 bà mụ, nơi đây rất linh ứng nên người dân địa phương thường đến làm lễ cầu tự, cầu được ước thấy nên được người dân gọi nôm là chùa Bà Mụ. Theo văn bia thì tên gọi này ít nhất phải được dùng vào khoảng thời gian trước năm 1922, lâu dần chùa Bà Mụ trở thành tên chính thức cho di tích này.
Năm Mậu Thân, niên hiệu Tự Đức nguyên niên (1848), công trình này xuống cấp, dân làng Minh Hương quyết định quyên góp để trùng tu lại, đồng thời xây dựng cổng mới hoành tráng hơn cho di tích. Công trình được người làng giao cho ngài Trương Chí Thi đảm trách.
Ngài Trương Chí Thi (1797-1852) xuất thân từ gia tộc Trương Đôn Hậu, một gia tộc có tiếng tăm tại Hội An. Theo Minh Hương Hiền Phổ Đồ do Lý Thành Ý phụng sao chép, Trương Chí Thi đi thi Hương, đậu tú tài hai khoa liên tiếp nên được gọi là Lưỡng khoa tú tài. Ngày trước, nhiều bậc tiền bối trong tộc Trương kể lại rằng, lúc sinh thời ngài văn hay chữ tốt lại rất giỏi về kiến trúc xây dựng, được mọi người kính trọng, nên khi nhận trọng trách của làng giao phó tuy mừng nhưng ngài cũng không khỏi nhiều phần lo nghĩ. Bởi việc trùng tu di tích không khó lắm nhưng xây dựng hai tam quan ở cùng trên một không gian cho hợp lý và hoành tráng là việc tưởng chừng như nan giải.
Trong thời gian khởi công trùng tu lại di tích, một đêm trong lúc đọc sách Trương Chí Thi mệt mỏi ngủ thiếp đi. Trong mơ ngài thấy có bậc thần nhân tướng tá uy nghi nắm tay dẫn đến một nơi phong quang uy nghiêm rạng rỡ, hoa cỏ tươi thắm, sực nức hương thơm. Nơi đây có hai trụ biểu cao lớn đụng đến tận chân mây, sơn son thếp vàng rực rỡ. Đang lúc say sưa ngắm cảnh chợt thấy mặt trời hiện lên rực rỡ giữa hai trụ biểu làm chói lòa cả mắt khiến ngài giật mình tỉnh mộng.
Sau khi tỉnh giấc ngài vội vã lấy giấy bút cố gắng vẽ lại những gì mình được thấy trong mơ, những hình ảnh đầu tiên về cánh cổng bắt đầu hiện dần ra trên bản vẽ. Là người tài hoa lại có nghiên cứu uyên thâm về Dịch học nên thay vì thiết kế hai cổng bằng hai tam quan ngài đã kết nối lại để làm thành một “ngũ quan” cho hợp với ngũ hành kim, mộc, hỏa, thủy, thổ.
Cổng đi bên phải dành cho những ngày lễ lớn
Cổng chùa Bà Mụ được Trương Chí Thi thiết kế theo hình hai cuốn thư cách điệu, làm cổng vào riêng biệt cho hai cung Cẩm - Hải. Bốn trụ biểu chính vừa là trục hai cuốn thư, vừa tượng trưng cho bốn ngọn bút uy nghiêm chỉ lên trời xanh, tạo dáng đồ sộ và kết cấu cũng chắc cho toàn bộ khối cổng. Với hình ảnh mặt trời chói chang còn đọng lại trong giấc mơ, ngài thiết kế khoảng cách giữa hai trụ biểu trung tâm bằng một vòng tròn lớn tượng trưng cho âm dương, nhật nguyệt, khóa chân bởi hai con lân đắp vẽ tinh xảo được quan niệm dùng làm lối đi cho thần linh. Hai bên tả hữu có bốn cổng vào, mỗi bên gồm một cổng chính và một cổng phụ có mái che.
Trên mỗi đỉnh của cổng chính trang trí hoa sen, hoa văn mái được gắn bằng những mảnh sứ, cổng này dùng làm lối đi vào những ngày lễ trọng đại. Mỗi cổng phụ được thiết kế theo dạng cổng vòm làm tăng thêm sự đa dạng trong thiết kế, dùng làm lối đi hàng ngày. Họa tiết và những hoa văn trang trí như trái phật thủ, hoa văn đường diềm, liễn chữ đắp nổi được bố trí dày đặt nhưng lại có lớp lang thứ tự trên toàn bộ cổng càng làm tăng thêm vẻ uy nghi, hùng vĩ cho toàn bộ cổng chùa Bà Mụ. Cổng chùa được tạo dựng gần hai thế kỷ, trông vẻ cổ xưa nhưng bố cục, hình khối, đường nét lại không kém phần đương đại những tưởng đó cũng là tài năng hiếm thấy của người thiết kế ngày trước.
Được biết, các di tích ở khắp nơi hiện nay hầu hết đều không biết đến tên tuổi các vị đã chấp bút thiết kế bản vẽ cũng là điều khiếm khuyết của người xưa. Riêng chùa Bà Mụ nhờ bia đá và những câu chuyện trong dòng tộc lưu lại đến nay, thiết nghĩ chúng ta được biết tên tuổi của người thiết kế cổng chùa cũng là một câu chuyện hiếm hoi thú vị vậy.
Trải qua bao năm tháng chiến tranh, lòng người ly tán nên chuyện thờ phượng, bảo tồn di tích có phần chểnh mãng. Cẩm Hải Nhị Cung dần hoang phế lụi tàn, làng Minh Hương không đủ kinh phí tu bổ nên vào năm 1965, đại diện làng Minh Hương phải hiến khuôn viên này cho tỉnh hội Phật giáo Quảng Nam để làm trường Bồ Đề dạy Phật học. Theo yêu cầu của làng đồng thời nhận thấy phần kiến trúc của cổng chùa là một di tích độc đáo nên cả hai bên đều thống nhất giữ lại phần kiến trúc cổng để lưu lại di tích cho hậu thế sau này.
Trong những năm tháng chiến tranh, khu vực hồ sen trước mặt tiền của cổng chùa đã bị san lấp. Người dân tụ lại sinh sống, miếng cơm manh áo hàng ngày lo còn chưa đủ, mấy ai nghĩ đến việc bảo tồn. Do không được chăm sóc, tu bổ nên di tích này ngày càng xuống cấp trầm trọng. Trải qua dâu bể, thời vận lai hưng, việc giải tỏa đền bù và trùng tu lại cổng chùa Bà Mụ là một cố gắng lớn của chính quyền Hội An, cũng là niềm vui của người dân phố Hội sau hơn nữa thế kỷ di tích này bị lu lấp. Thực sự cũng ứng với với lời người xưa viết trên bia đá “… Lâu ngày phải sửa lại, thức giả đều nói bảo tồn cổ tích ngày nay là một vấn đề lớn, người trước dựng nên, người sau phải noi dấu”.
Giờ đây, di tích cổng chùa Bà Mụ đã trở nên quang rạng hơn xưa, trở thành một điểm hấp dẫn du khách đến tham quan là nhờ công đức của người xưa lưu lại, người nay bảo tồn gìn giữ cho ngàn năm đến cũng là điều đáng mừng vậy.
Cổng đi thường nhật vào Cẩm Hà Cung
Tác giả: Trương Nguyên Ngã