Ngôi nhà chung
Bất động sản
Ngày đăng : 26/01/2022 6:47:47 PM
Lượt xem: 731

Gỗ là một loại vật liệu truyền thống, được sử dụng lâu đời trong kiến trúc - xây dựng. Gỗ có thể tham gia ở công trình với nhiều vai trò khác nhau, từ hệ kết cấu chịu lực, các bộ phận kiến trúc, cho tới các loại đồ đạc sử dụng, trang trí trong nhà. Cho dù bây giờ có rất nhiều các loại vật liệu hiện đại, công nghiệp khác, thì gỗ vẫn luôn được ưa chuộng, đặc biệt trong trang trí nội thất. Vấn đề là dùng gỗ sao cho hợp lý, có ý thức với môi trường bằng cách lựa chọn các loại gỗ rừng trồng, gỗ tận dụng, gỗ nhân tạo...

 

 

Gỗ bọc lên tường trong phòng khách

 

Gỗ - chất liệu chính trong ngôi nhà truyền thống
Ngôi nhà truyền thống xưa được làm phần lớn bằng gỗ. Nói đúng hơn thì gỗ là bộ khung xương của ngôi nhà. Gỗ là một loại vật liệu xây dựng phổ biến, sẵn có, dễ khai thác, dễ chế tác và gia công theo phương thức thủ công. Nhà gỗ được coi là sang và chỉ có nhà giàu mới có thể dựng nhà gỗ. Gỗ có nhiều ưu điểm là bền bỉ, dẻo dai, có bề mặt đẹp, vệ sinh, không gây độc hại. Nhà gỗ khi cần thiết có thể tháo lắp, di dời, rất thuận tiện cho việc thay thế, sửa chữa, làm mới lại bề mặt. Nếu gỗ tốt và được bảo quản tốt, không bị các tác nhân tiêu cực của thiên nhiên như mưa nắng xâm hại nhiều; chất liệu gỗ nói chung và nhà gỗ có thể tồn tại hàng chục cho tới hàng trăm năm. Nhà khung gỗ dù là tường xây bao bằng gạch hay tường thưng vách gỗ thì vẫn cho âm hưởng chủ đạo là gỗ bởi hệ thống cột và hệ thống kết cấu mái dày đặc trong nội thất. Bên cạnh đó là các hệ thống cửa đi, cửa sổ cũng bằng gỗ. Và tất nhiên, đồ đạc cũng làm bằng gỗ.
Tuy có nhiều ưu điểm, nhưng gỗ cũng có những nhược điểm nhất định. Đó là do giới hạn sinh trưởng của cây, nên khó xây dựng được công trình có quy mô lớn, vượt nhịp lớn. Gỗ còn có thể bị côn trùng xâm hại (mối, mọt) và nguy cơ hỏa hoạn rất cao. Khi đã có hỏa hoạn thì khó lòng cứu chữa. Khi gỗ bị xâm hại thì cũng không thể tái tạo, phục hồi.
Cho dù sau này có nhiều loại vật liệu mới tham gia vai trò kết cấu công trình, thì gỗ vẫn là một loại vật liệu phổ biến dùng cho các bộ phận kiến trúc như cửa, cầu thang, và dùng để làm các loại đồ đạc nội thất. Và gỗ vẫn cứ là một vật liệu, chất liệu truyền thống dùng trong kiến trúc, nội thất.

 

Cầu thang với mặt bậc gỗ vẫn luôn là sự lựa chọn số 1

 

Ấm áp với nội thất gỗ
Trong ngôi nhà hiện đại, với kiến trúc hiện đại; dẫu gỗ không còn đóng vai trò kết cấu nữa, song gỗ vẫn thực sự cần thiết bởi những ưu điểm của nó mà không loại vật liệu nào có thể thay thế. Gỗ có ưu điểm là “lành”; xét về ngũ hành thuộc hành mộc, dương nhưng lại có tính âm nên cân bằng. Gỗ cho cảm giác an lành, ấm áp. Điều đó đã ăn sâu vào quan niệm nhiều người, qua nhiều thế hệ và thực tế vẫn đúng là như thế. Tất cả những chỗ, những bộ phận kiến trúc không thể thiếu trong ngôi nhà mà có thể hoặc cần thiết phải chạm, sờ cầm nắm thì gỗ luôn được ưu tiên. Đó là cửa, là sàn, là mặt bậc thang, tay vịn cầu thang. Bề mặt và màu sắc của gỗ cũng có tính thẩm mỹ cao, cho cảm giác gần gũi. 
Với đồ đạc nội thất, đồ đạc sử dụng, hiện nay đã có rất nhiều các loại vật liệu khác thay thế như kim loại, kính, các loại da, vải, nhựa tổng hợp… Mỗi loại chất liệu có những ưu - nhược điểm riêng; song gỗ vẫn luôn được ưa chuộng bởi đặc tính gần gũi, ấm áp. Đồ gỗ - nhất là bàn ghế - nếu là gỗ tốt càng dùng lâu càng lên nước, càng đẹp, càng có hồn và càng có giá trị. Mỗi loại gỗ phù hợp với một vai trò, vị trí khác nhau trong công trình. Dùng cho cửa thì gỗ đinh, lim, dổi…; dùng sàn thì là giáng hương, căm xe…; dùng đóng giường, bàn, tủ thì là gỗ lát, gỗ xoan đào…; đóng bàn thờ thì phải gỗ gụ, gỗ mít… Hiện nay gỗ tự nhiên ngày càng khan hiếm và gỗ công nghiệp là một sự thay thế thích hợp. Gỗ công nghiệp ở phương diện nào đó không thể như gỗ tự nhiên, nhưng nếu biết cách khai thác hợp lý sẽ rất hữu dụng, thẩm mỹ và phát huy được những ưu thế riêng biệt, nhất là trong những công trình có nội thất theo phong cách hiện đại.
Sau một thời gian đồ gỗ nội thất bị “lép vế” trước những đồ hiện đại kiểu “hi-tech” được sản xuất công nghiệp, lại có xu hướng chuộng đồ gỗ trở lại. Bởi lý do gỗ cho cảm giác gần gũi, ấm áp. Và thêm nữa, gỗ càng ngày càng hiếm, càng đắt, đồng nghĩa với việc sở hữu và sử dụng đồ gỗ cũng là một cách chơi, thể hiện đẳng cấp của các chủ nhân.
Ngoài việc sử dụng làm các bộ phận kiến trúc như cửa, cầu thang, sàn…; gỗ còn được sử dụng để tạo hiệu quả thẩm mỹ trong nội thất qua việc trang trí như làm các mảng trang trí, các vách ngăn, ốp tường, làm trần, rèm… Tất nhiên việc phối hợp chất liệu gỗ trong cùng một không gian cũng cần cân nhắc kỹ và có bàn tay của người làm chuyên môn, nếu không thì sẽ… loạn lên vì gỗ. Màu tự nhiên của gỗ tự thân đã đẹp, nhưng nếu có quá nhiều màu gỗ (đa phần là sẫm màu) thì sẽ làm không gian tối lại, dễ gây nhàm chán.
Gỗ dù bền bỉ, dẻo dai; nhưng về độ bền cơ lý, độ lỳ bề mặt không thể bằng kim loại. Vì vậy khi đã dùng đồ gỗ, phải có thói quen “nâng niu”, giữ gìn và bảo quản, chăm sóc. Cần phải biết những bệnh của gỗ như cong, vênh, nứt nẻ để sửa chữa; phát hiện những dấu hiệu nguy hiểm đối với gỗ như mối, mọt để xử lý kịp thời.

 

Phối hợp chất liệu gỗ trong ngôi nhà hiện đại: bàn, ghế, rèm, tủ kệ; cho cảm giác sang trọng và ấm cúng

 

Không bao giờ là cũ
Kiến trúc, nội thất có hiện đại đến mấy, các loại vật liệu mới có nhiều và đẹp đến mấy, thì gỗ cũng không bao giờ mất chỗ đứng. Gỗ không lạc hậu, gỗ có chỗ đứng của riêng mình, nhất là trong công trình nhà ở, và trong nội thất. Và dù công nghệ, kỹ thuật có thể sản xuất gỗ công nghiệp với chất lượng tuyệt hảo thì cũng không thể bằng gỗ tự nhiên.
Tuy vậy cũng cần phải hiểu rằng cái gì nhiều quá cũng không phải là đẹp, là tốt. Dùng gỗ đúng chỗ, đúng liều lượng là vấn đề cần quan tâm, để gỗ phát huy được hiệu quả và nổi bật với vai trò - chất liệu của mình. Ở phương diện khác, thì gỗ hiện nay đang có nguy cơ cạn kiệt trên khắp toàn cầu, nên việc lạm dụng gỗ trong xây dựng nói chung và trang trí nội thất nói riêng cũng đồng nghĩa với việc hủy hoại môi trường. Và đã dùng gỗ thì phải dùng cho bền, cho lâu, để phát huy giá trị của gỗ, tránh lãng phí.
Nội thất, cũng như thời trang, có những xu hướng và vòng quay nhất định; việc sử dụng nhiều gỗ trong nội thất có thể là mốt hơn là nhu cầu thực tế hoặc dựa trên một quan niệm thẩm mỹ nào đó về không gian sống. Dù thế nào, thì gỗ vẫn cứ hiện diện; gỗ không bao giờ là cũ. 

 

Kết hợp chất liệu gỗ với những màu đậm, nhạt khác nhau, tạo hiệu quả thú vị

 

KTS Nguyễn Trần Đức Anh

(Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống)

Quy định về cấp chứng chỉ hành nghề cho môi giới nhà đất được Bộ Xây dựng ban hành và có hiệu lực từ ngày 16/2/2016 được xem là một
Theo đánh giá của GS.TS Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ý tưởng cần rà soát lại tín dụng bất động sản là
Giới thiệu
Tin tức
Không gian đẹp
Ngôi nhà chung
Tư vấn
Không gian kiến

LIÊN HỆ

Email : hkts@tphcm.gov.vn
Địa chỉ : 88 Mạc Đĩnh Chi, phường Đa Kao, quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại : (84-28) 38291908 - 38273035 ; Fax: (84-28) 38225657 

 

Copyright 2015 Hội KTS TP.HCM. All rights reserved
Hội KTS TP.HCM giữ bản quyền nội dung trên website này.

Đầu trang