Có một hoạ sĩ già, sau nhiều năm lưu lạc ở xứ người, có dịp qua Hội An, đã quyết định chọn ngõ rêu nơi này làm đề tài cho những bức tranh cuối đời. Ngày bắt tay vẽ bức hoạ đầu tiên, ông vào một căn nhà nằm sâu trong ngõ hẻm, xin chủ nhân cho được ra giếng.
Giếng rêu cũng đã phủ kín từ trên thành xuống tận mép nước tự bao giờ. Rồi trước nét thoáng ngạc nhiên của chủ nhà, ông lấy một sợi dây dài, buộc chiếc khăn mặt mới tinh, trắng muốt thả xuống nhúng vào nước giếng. “Rêu là loài sống khiêm nhường nhất. Tôi không muốn dùng gàu múc vì sợ làm hỏng mất màu xanh kia. Tôi cũng chỉ muốn cho những thảm rêu xanh kia biết và làm chứng cho tôi rằng, tôi chỉ lấy những gì tôi đủ dùng” - người hoạ sĩ già giải thích - “Và có như thế sự khởi đầu của tôi mới có ý nghĩa tâm linh và có thể thành công được”.
Có nhiều Hội An. Hội An của những căn nhà cổ trầm nâu. Hội An của những đèn lồng đỏ, xanh, vàng treo cao như trong những câu chuyện dã sử. Và có một Hội An đẹp tinh tế của rêu xanh. Con mắt nhà nghề của hoạ sĩ đã nhân ra vẻ đẹp tinh tế đó.
Những người khai mở thương cảng này đã tạo nên những ngôi nhà, những hội quán với lối kiến trúc mang hình bóng quê hương họ. Trang điểm cho những công trình ấy, qua bao năm tháng, còn lại là rêu xanh. Rêu xanh cùng với những ngôi nhà cổ đã ghi lại bao nhiêu chuyện đời sống của con người nơi này.
Những thảm rêu không nói bằng ngôn ngữ thông thường. Chúng nói bằng màu sắc. Chúng nói cùng với những ngôi nhà và mảng tường. Chúng nói bằng sự im lặng. Khiêm nhường như chính đời sống của loại thực vật này.
Câu chuyện của trầm lắng và đượm một vẻ buồn. Buồn như những con ngõ nhỏ, hun hút, phủ đầy rêu xanh ở Hội An dưới nắng chiều. Nhưng nhiều cái đẹp cũng đều luôn mang dáng vẻ u buồn như thế. U buồn trong cả câu hát: Ai đưa rêu phủ mái quê/ Ai đưa ai nhẹ gót về xanh rêu…
Rêu thời gian
Cỏ rêu trên cao và lồi về
Bài Nguyễn Thụy Miên
(Theo tạp chí Kiến Trúc & Đời Sống)