Mua nhà đất nhưng không có hợp đồng công chứng, chỉ giao dịch bằng giấy tay, bằng lời nói hay qua vi bằng có thể khiến bên mua tiền mất tật mang.
Luật sư điều hành Công ty Luật LPVN, Nguyễn Văn Lộc cùng Giám đốc Công ty Luật Thịnh Việt Trí, Lương Ngọc Đinh và chuyên gia pháp lý Nguyễn Tấn Phong vừa công bố cẩm nang rủi ro nhà đầu tư cần biết để tránh trắng tay khi đổ tiền vào bất động sản.Đại diện cho nhóm chuyên gia này, Luật sư điều hành Công ty Luật LPVN, Nguyễn Văn Lộc cho biết, giao dịch bất động sản luôn có muôn hình vạn trạng những kiểu rủi ro tiềm ẩn, người mua, nhà đầu tư thường rất bị động trước những tình huống phức tạp nên cần phải thận trọng và kỹ lưỡng trước khi xuống tiền. 11 rủi ro dưới đây là những trường hợp điển hình đã được khảo sát, đánh giá từ những va chạm trong thực tế.
Rủi ro vì vướng quy hoạch: Người mua nhà đất không kiểm tra hoặc không thể kiểm tra thông tin quy hoạch của bất động sản, hoặc bên bán biết nhưng không cung cấp thông tin cho bên mua, hoặc cung cấp thông tin sai lệch (vô tình hoặc cố ý).
Vướng thế chấp: Mua một bất động sản đang thế chấp, bảo lãnh tại ngân hàng và các tổ chức tín dụng nhưng chưa được giải chấp tại thời điểm bán là rủi ro có thể khiến bên mua mất cả chì lẫn chài.
Mua phải tài sản đang bị chiếm dụng: Người mua không tìm hiểu về tình trạng tài sản đang tranh chấp hoặc đang bị ngăn chặn hoặc có bên thứ ba đang chiếm dụng để sử dụng, khai thác. Ví dụ thuê, ở hợp pháp, tranh chấp lối đi chung...
Rủi ro vì nhà đất chưa đủ điều kiện bán: Nhà đầu tư nếu không cẩn trọng mua phải nhà đất không hoặc chưa đáp ứng đủ điều kiện để giao dịch. Mua phải một bất động sản không được phép hoặc không thể giao dịch sẽ làm phát sinh rất nhiều rắc rối liên quan.
Hợp đồng sai chuẩn: Theo quy định, hầu hết hợp đồng mua bán, chuyển nhượng bất động sản phải được thành lập thành văn bản và được công chứng. Tuy nhiên, vẫn tồn tại giao dịch mà các bên ký kết hợp đồng không công chứng (sai quy định), thậm chí có thể chỉ giao dịch bằng giấy tay hoặc bằng lời nói hay chỉ lập vi bằng. Đây là một sai lầm có thể dẫn đến rủi ro mất trắng cho phía bên mua.
Thị trường bất động sản phía Đông TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần
Giao dịch không đúng người, không chính chủ: Trường hợp này xảy ra khi bất động sản đang giao dịch thuộc sở hữu chung nhưng chỉ có một bên đứng ra giao dịch hoặc người đứng ra thực hiện giao dịch không phải là chủ sở hữu. Ví dụ, tài sản của vợ chồng nhưng chỉ giao dịch với vợ hoặc chồng mà không có sự đồng ý hợp pháp của người còn lại. Hoặc tài sản của ông bà, bố mẹ nhưng con cháu đứng ra giao dịch.
Thỏa thuận cọc qua loa: Một bên yêu cầu hủy cọc hoặc tiếp tục nhưng bên còn lại không đồng ý và muốn giải quyết theo thỏa thuận. Tuy nhiên, thỏa thuận không rõ ràng, vướng mắc xảy ra. Quá trình mua bán nhà đất tại thời điểm đặt cọc sẽ trở nên đầy rủi ro nếu các bên không có sự thỏa thuận kỹ từ trước hoặc chỉ làm qua loa.
Xung đột về giá, phí, phương thức thanh toán: Nếu người mua không thỏa thuận kỹ về giá cả, phí và chi phí trước đó (đặc biệt là tại thời điểm đặt cọc) dẫn đến không phân định được ai phải chịu khoản chi phí phát sinh. Việc thanh toán theo tiến độ như thế nào, bao nhiêu và bằng phương thức nào nếu không có thỏa thuận kỹ có thể dẫn đến tranh cãi. Khi giao dịch bất động sản có giá trị cao, nếu ngay từ đầu các bên không thỏa thuận rõ ràng về việc thanh toán qua tài khoản phong tỏa (escrow account) mở tại ngân hàng thì có thể vướng thêm xung đột khi thực hiện.
Rủi ro khi né thuế: Bên bán kê khai giá trên bản hợp đồng có công chứng thấp hơn giá trị thật đã được thỏa thuận trong hợp đồng đặt cọc vì giá này là căn cứ tính thuế, phí phát sinh khi giao dịch thành công. Nếu sau khi công chứng một bên thay đổi ý định hoặc cố tình vi phạm hợp đồng thì có thể phát sinh xung đột.
Chất lượng bất động sản không đảm bảo: Bên mua kiểm tra chất lượng nhà đất hời hợt, không đầy đủ hạng mục và không chính thống có thể dẫn đến nhận một tài sản sai với kỳ vọng ban đầu. Điều này có nghĩa là suất đầu tư tiền tỷ đang giảm giá trị đáng kể so với số tiền người mua đã bỏ ra.
Rủi ro vì bị lừa đảo: Chủ sở hữu chỉ có một bất động sản nhưng mang đi đặt cọc, giữ chỗ, bán cho nhiều người bằng giấy tay hoặc bằng hợp đồng đặt cọc, hợp đồng ủy quyền. Đây là những loại hợp đồng đầy rủi ro có thể khiến nhà đầu tư mất sạch tiền tỷ nếu gặp phải tình huống lừa đảo này.
Luật sư Lộc nhấn mạnh, bất động sản là tài sản có giá trị lớn, thậm chí là gia sản cả đời người. Vì vậy, người mua cần được tư vấn, tham khảo và khuyến nghị đa chiều, sát với thực tiễn để có thêm chỉ dẫn tránh những rủi ro tiền tỷ đáng tiếc.
Theo Vũ Lê/VnExpress.net